Tác phẩm ‘Behold the Man!’: Cuộc khổ nạn của Đấng Christ
Bức tranh kịch tính của họa sỹ Antonio Ciseri miêu tả quyết định xử tử Chúa Jesus đã trở thành một bức tranh tiêu biểu của Cơ Đốc Giáo.
Vào buổi sáng ngày mà hiện được tôn vinh là ngày lễ “Thứ Sáu Tuần Thánh,” Chúa Jesus bị đưa đến trước tổng trấn La Mã của xứ Judae Pontius Pilate. Ngài bị buộc tội lật đổ quốc gia và tự xưng là vua. Cuối cùng, tổng trấn Pilate xác định Chúa Jesus vô tội và quyết định đánh ngài bằng roi rồi phóng thích. Các nhà lãnh đạo Do Thái không hài lòng, yêu cầu xử tử Chúa Jesus. Bức tranh nổi tiếng “Ecce Homo” (Hãy nhìn Ngài!) của họa sỹ Antonio Ciseri ghi lại khoảnh khắc khi mà tổng trấn Pilate đưa Chúa Jesus tới trước đám đông thù địch, cho họ quyền lựa chọn cứu Barabbas, một phạm nhân, hay Chúa Jesus. Tổng trấn Pilate trao nộp Chúa Jesus để ngài bị đóng đinh trên thập tự giá nhằm ngăn chặn một cuộc nổi loạn.
Cảnh tượng Kinh Thánh này đã trở thành một câu chuyện phổ biến [được thể hiện trong tác phẩm] của các nghệ sỹ kể từ thời Phục Hưng. Vào năm 1605, danh họa thời Baroque Caravaggio đã vẽ bức “Ecce Homo.” Tuy nhiên, phiên bản của họa sỹ Ciseri trở thành bức tranh tiêu biểu được nhớ đến (và sao chép) nhiều nhất trong số các tác phẩm về cuộc khổ nạn của Chúa Jesus.
Một bậc thầy người Ý từ thế kỷ khác
Họa sỹ Antonio Ciseri (1821–1891) sinh ra ở Ronco sopra Ascona, Thụy Sỹ. Năm 1833, ông đến Florence để học vẽ với ông Ernesto Bonaiuti. Chưa đến một năm sau, ông vào học tại Học viện Mỹ thuật Florence (Accademia di Belle Arti di Firenze) dưới sự hướng dẫn của họa sỹ Niccola và Pietro Benvenuti. Tuy nhiên, sự nghiệp nghệ thuật thuở đầu của ông Ciseri chịu ảnh hưởng rất lớn từ các bài học của nghệ sỹ tân cổ điển người Florence Giuseppe Bezzuoli. Đến năm 1849, họa sỹ Ciseri [bắt đầu] dạy các học trò của riêng mình, trong đó có họa sỹ trường phái hiện thực người Ý Silvestro Lega.
Tài năng nghệ thuật của họa sỹ Ciseri đạt đến độ điêu luyện: Nét cọ của ông chuẩn xác — gần giống như nhiếp ảnh vậy — và cách ông thể hiện vải vóc vô cùng xuất sắc. Là một họa sỹ vẽ chân dung lỗi lạc vào thời đại đó, nhưng các tác phẩm tôn giáo vẽ theo đơn đặt hàng cho thấy ông đã học hỏi một cách sáng tạo và linh hoạt từ các bậc thầy vĩ đại thời Thượng Phục Hưng. Phối cảnh, ánh sáng, và bố cục của bức “Ecce Homo” mang âm hưởng nghệ thuật của danh họa Raphael.
Tên tiếng Latin của bức tranh này, được dịch là “Behold the Man!” (Hãy nhìn Ngài!), đề cập đến những lời nói của tổng trấn Pilate khi ông đưa Đấng Christ, người bị đánh bằng roi và đầu đội mão gai, đến trước đám đông ngay trước khi Ngài chịu hình phạt đóng đinh trên thập tự giá.
Phối cảnh của họa sỹ Ciseri về cảnh tượng này rất độc đáo, đặt người thưởng lãm ở phía sau các trợ tá, lính canh, thư ký, và phu nhân của tổng trấn Pilate. Bằng cách khắc họa khung cảnh phiên tòa nhìn từ phía sau [chân thực] như một bức ảnh chụp, [họa sỹ cho] chúng ta nhìn thấy phần lưng của Đấng Christ và tổng trấn Pilate. Bị lu mờ trước ánh sáng hắt ra từ phía sau của chiếc áo choàng trắng, tổng trấn Pilate đứng ở trung tâm của bố cục, nhượng bộ trước đám đông. Phía xa sau một lan can lớn, đám đông được làm dịu bớt nhờ kỹ thuật phối cảnh trên không.
Tổng trấn Pilate nghiêng người về phía trước và làm cử chỉ đầy kịch tính hướng về nhân vật Đấng Christ. Ta chỉ có thể thấy được sức mạnh của Đấng Christ thông qua thế đứng của ngài: Mặc dù Ngài bị trói, và vừa bị đánh bằng roi, nhưng vẫn đứng hiên ngang. Liên quan đến lời cáo buộc chống lại Ngài, tổng trấn Pilate hỏi: “Ngươi có phải là vua không?”, và Đấng Christ trả lời rằng vương quốc của Ngài không thuộc về thế giới này.
Theo một video kể chuyện của Phòng trưng bày Uffizi ở Florence, bức tranh này là “một ‘mise-en-scène’ đích thực [sự dàn dựng sân khấu trong đó có thiết kế cảnh nền, ánh sáng, và các diễn viên] với những tham chiếu từ kịch nghệ kinh điển của Ý” vào thế kỷ 19. Bức tranh còn gợi nhớ đến tác phẩm của các bậc thầy như Leonardo da Vinci, với bức “The Last Supper” (Bữa tối cuối cùng) của ông thoát khỏi cách miêu tả truyền thống về Tiệc Thánh để tạo cảnh tượng về khoảnh khắc Chúa Jesus tuyên bố với các môn đồ, “Ta nói cùng các ngươi, một người trong các ngươi sẽ phản ta” (Giăng 13:21). Giống như bức “The School of Athens” (Trường học Athens) của danh họa Raphael, ông cẩn thận sử dụng kỹ thuật phối cảnh để biểu đạt câu chuyện này. Họa sỹ Ciseri còn mượn các kỹ thuật nhiếp ảnh và tham chiếu tác phẩm văn học của tác giả Ernest Renan, “Life of Jesus” (Cuộc đời của Chúa Jesus), để xây dựng bố cục cho bức tranh.
Tất cả các nhân vật trong bức tranh của họa sỹ Ciseri đều được miêu tả từ phía sau hoặc theo góc nghiêng, ngoại trừ phu nhân của tổng trấn Pilate. Bà đã nằm mơ thấy Chúa Jesus vào sáng sớm hôm đó, và cảnh báo ông Pilate rằng “Xin đừng đụng đến người công chính ấy” (Ma-thi-ơ 27:19). Họa sỹ đã ghi lại khoảnh khắc thân mật giữa phu nhân của tổng trấn Pilate và người hầu cận của bà. Quay lưng khỏi cảnh tượng đó với vẻ mặt phiền muộn, bà đau đớn đặt tay lên vai người hầu, lặng lẽ bày tỏ niềm tin về sự vô tội của Đấng Christ.
Lễ an táng Đấng Christ
Cùng khoảng thời gian họa sỹ Ciseri vẽ bức “Ecce Homo,” ông còn vẽ một bức tranh nổi tiếng khác về lễ an táng Đấng Christ. Bức “The Transport of Christ to the Sepulcher” (Đưa Đấng Christ đến lăng mộ) (còn được biết đến với tên là “The Entombment” (Lễ an táng)), vẽ vào năm 1883, cho thấy thi hài của Đấng Christ được đưa đến lăng mộ. Một trong những người đàn ông trong bức tranh được cho là môn đồ Joseph thành Arimathea, người đã sử dụng lăng mộ do chính ông chuẩn bị để chôn cất Chúa Jesus.
Đức Mẹ Đồng Trinh, thân mẫu của Đấng Christ, nhìn lên trời trong nỗi bi thương. Bên cạnh bà là một người phụ nữ có khuôn mặt được che khuất dưới mái tóc. Bà Mary Magdalene, một người phụ nữ được Chúa Jesus trừ bỏ bảy con quỷ, đã trở thành môn đồ của Ngài và phụng sự cho sứ vụ bằng hai bàn tay của mình. Chính bà Mary này là người đã xức dầu cam tùng (một loại dầu thơm đắt tiền) vào chân của Chúa Jesus và lau chúng bằng tóc của mình.
Hình ảnh chính xác về Mary Magdalene này tương thích với một bố cục từng được họa sỹ Ciseri vẽ gần hai thập niên trước. Hình dáng và cử chỉ trong bức “Penitent Magdalene” (Magdalene sám hối) từ năm 1864 đã nói lên tất cả. Khuôn mặt của bà không được để lộ ra; đúng hơn là, mái tóc thướt tha của bà được vẽ rất tỉ mỉ. Liệu bộ y phục xốc xếch là nói lên nỗi bi thương, hay là ám chỉ cuộc đời tội lỗi mà bà đã từ bỏ để [sống cuộc đời] sám hối và chiêm nghiệm? Dù thế nào chăng nữa, điều đó vẫn thể hiện rõ ràng kỹ năng và khả năng quan sát tuyệt vời của họa sỹ Ciseri đối với những người mà ông đã vẽ.
Một người đàn ông thời Phục Hưng trong thời đại của nhiếp ảnh
Mặc dù ông thành thạo về bố cục và màu sắc của các bậc thầy vĩ đại thời Phục Hưng, nhưng họa sỹ Ciseri là một người có vị thế vững chắc vào thế kỷ 19. Là một họa sỹ xuất sắc, ông Ciseri tìm cách tận dụng phương pháp nhiếp ảnh mới được phát minh. Trái ngược với những người theo trường phái ấn tượng, vốn cảm thấy nhiếp ảnh có thể ghi lại hiện thực tốt hơn so với các nghệ sỹ, khiến họ xa rời hội họa tả thực, còn họa sỹ Ciseri vẫn sử dụng các hình ảnh tĩnh để mở rộng khả năng quan sát của mình.
Họa sỹ Ciseri kết hợp [kỹ năng] quan sát, phác thảo, và nhiếp ảnh để thổi hồn vào các bức tranh. Ông khám phá ra những lợi ích của công nghệ mới nhưng không phải là không nhận ra những hạn chế của nó. Dựa dẫm vào các tài liệu tham khảo là ảnh chụp thường sẽ khiến các nghệ sỹ vẽ các nhân vật cứng nhắc, thiếu cảm xúc. Ông cố gắng tránh khuynh hướng đó và khéo léo thể hiện các biểu cảm tinh tế trên khuôn mặt trong các bức chân dung của mình.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times