Tìm kiếm bình yên trong nghệ thuật: Bức tranh ‘Người chơi nhạc và ẩn sĩ’ của họa sĩ Moritz von Schwind
Chạm vào nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Giữa những va chạm và truy cầu của cuộc sống ngày thường, chúng ta vẫn có thể mơ về một cuộc sống yên tĩnh giữa hư không, nơi không có mạng xã hội, không có chính trị, nơi chỉ có hòa hợp và yên bình – nơi chúng ta có thể đơn giản là thoát khỏi tất cả.
Gần đây tôi đã xem tác phẩm “Người chơi nhạc và ẩn sĩ” của họa sĩ người Đức gốc Áo Moritz von Schwind, và bức tranh này nhắc nhở tôi rằng trí não của chúng ta, cơ thể của chúng ta và tinh thần của chúng ta cũng có nhu cầu được nghỉ ngơi.
Trào lưu lãng mạn, họa sĩ Moritz von Schwind và bức tranh “Người chơi nhạc và ẩn sĩ”
Họa sĩ Schwind thuộc về Trào lưu lãng mạn – một trào lưu nghệ thuật vào thế kỷ 19. Thi thoảng ông sử dụng những thành tố từ các câu chuyện cổ tích và truyền thuyết dân gian vào ý tưởng phác thảo cho những bức tranh về một vùng đất và văn hóa Đức và Áo được lý tưởng hóa.
Điều đáng chú ý là Trào lưu lãng mạn này phát sinh để đáp lại chủ nghĩa duy lý khoa học nặng nề của thế kỷ 17 và 18. Những triết lý này, được gọi là Thời đại khai sáng, đã tạo điều kiện cho phát triển sản xuất vật liệu nhanh chóng nhất trong lịch sử nhân loại mà chúng ta đã biết: Cách mạng Công nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ lãng mạn nghĩ rằng trọng tâm khoa học của Thời đại khai sáng này lại thiếu vắng khía cạnh tâm linh. Các nghệ sĩ lãng mạn thường quan tâm đến những khía cạnh bí ẩn của cuộc sống, những điều mà khoa học không thể giải thích.
Năm 1846, họa sĩ Schwind đã sáng tác “Người chơi nhạc và ẩn sĩ”. Bức tranh mô tả một thung lũng núi đá hẻo lánh và cuộc hội ngộ của hai người: một ẩn sĩ thu mình nơi chật hẹp cằn cỗi, xa rời nền văn minh và hướng đến cuộc sống tu hành; và một người hát rong dường như đang lưu lại ở nơi ẩn náu này. Nhạc sĩ ngồi yên trên một tảng đá và đang thổi kèn túi (bagpipe). Vị ẩn sĩ có vẻ như mới trở về [sau chuyến du hành nào đó,] ông mặc một chiếc áo choàng xám với cái mũ trùm đầu che kín khuôn mặt, do vậy chúng ta không thể biết liệu ông có đang vui mừng chào đón vị khách hay không.
Tâm điểm của bức tranh là “người chơi nhạc” hoặc “người hát rong”, trong tiếng Đức có thể hiểu theo cả hai cách. Nhạc sĩ ăn vận giản dị, chàng đặt túi và mũ của mình bên ngoài chiếc hang, ngồi tựa vào vách hang và chơi kèn. Ánh mắt của chàng hướng về phía bên trái của bố cục khi đang chơi bản nhạc của mình.
Bên phải nhạc sĩ là một ẩn sĩ, người mang chiếc túi trên vai và đang mở một cánh cổng tạm bợ. Dẫu khuôn mặt của vị ẩn sĩ bị che đi nhưng có thể thấy ông đang hướng người về phía chàng nhạc sĩ.
Phía bên trái của bố cục là một hang động, nơi có ngọn lửa đang bùng cháy và một cái nồi, có thể là dùng để nấu ăn.
Cả hai nhân vật đều được thiên nhiên bao bọc. Hình ảnh thân cây, cành và lá được sắp đặt hài hòa với các góc của hang động, dẫn dắt ánh nhìn của chúng ta bao phủ toàn bộ bố cục.
Tinh thần chúng ta có nhu cầu được nghỉ ngơi
Đối với tôi, bức tranh “Người chơi nhạc và ẩn sĩ” đã tiết lộ mục đích nghệ thuật của Trào lưu lãng mạn. Vị nhạc sĩ trong bức tranh này là tâm điểm cũng có lý do; chúng ta hãy nói rằng vị nhạc sĩ đại diện cho nghệ thuật. Và chúng ta có thể đoán rằng họa sĩ Schwind muốn cho chúng ta biết nghệ thuật quan trọng như thế nào.
Nhưng tại sao nghệ thuật lại quan trọng đến thế? Đầu tiên chúng ta hãy hỏi vì sao vị nhạc sĩ kia lại đang ở miền đất xa xôi này. Đây không phải là nơi mà nhạc sĩ nên thuộc về. Đây là nơi cư ngụ của vị ẩn sĩ, và chúng ta nhớ rằng, vị ẩn sĩ kia đã rời bỏ nền văn minh cho một cuộc sống tâm linh.
Chàng nhạc sĩ lang thang dường như đã ghé lại nhà của một ẩn sĩ, rồi chơi một bản nhạc trong chuyến hành trình của mình, chi tiết này cho chúng ta biết rằng chàng cũng đã rời xa nền văn minh.
Các bậc thang ở dưới cùng bên phải là lối đi duy nhất mà có lẽ chàng nhạc sĩ đã bước qua để đến nơi chàng đang ngồi. Chúng ta có thể cho rằng các bậc thang này dẫn trở lại “nền văn minh”. Tuy nhiên, các bậc thang dẫn đến phần dưới cùng của bức tranh là một mặt phẳng, lại là một trong những vùng tối nhất của bố cục.
Có phải họa sĩ Schwind cho rằng nền văn minh đang bị bóng tối bao trùm? Đây có phải là lý do vì sao chàng nhạc sĩ kia cần thoát khỏi vùng tối đó một khoảng thời gian?
Chàng nhạc sĩ đã chạy trốn đến một ẩn thất, một nơi ẩn náu tâm linh, nơi không chỉ ở phía ngoài mà còn ở phía trên, vị trí cao hơn nơi bóng tối của nền văn minh hiện hữu. Tại đây, chàng có thể nghỉ ngơi và chơi nhạc. Có phải người nghệ sĩ này đã vượt qua mặt tối của văn minh không chỉ để nghỉ ngơi mà còn để kiếm tìm cảm hứng sáng tác?
Phải chăng khung cảnh thiên nhiên đã hỗ trợ cho “cuộc sống tu hành” của vị ẩn sĩ và là nguồn cảm hứng sáng tạo cho nhạc sĩ? Thiên nhiên ban cho vị ẩn sĩ mọi thứ ông cần, từ nhà cửa đến thức ăn của ông đều hài hòa với khung cảnh thiên nhiên nơi đây. Là một ẩn sĩ, ông đặt tâm vào tu hành hơn là lợi ích vật chất.
Mặc dù họa sĩ đã cố ý để cho chiếc mũ trùm đầu của vị ẩn sĩ che đi khuôn mặt của ông, nhưng tôi tin rằng họa sĩ đang muốn nhấn mạnh vào những bí ẩn của cuộc sống trái ngược những ước vọng hão huyền giải thích mọi thứ của Thời đại Khai sáng. Tôi nghĩ rằng vị ẩn sĩ sẽ mở cánh cổng chào đón người nghệ sĩ về nhà mình. Một ẩn sĩ sống hài hòa với thiên nhiên như thế lẽ nào còn cách cư xử khác với khách?
Nhưng chúng ta hãy cùng quay trở lại câu hỏi về lý do tại sao nghệ thuật lại quan trọng. Đối với tôi, bức tranh này gợi ý rằng người nghệ sĩ vượt lên trên bóng tối của nền văn minh, hòa hợp với thiên nhiên, và người tìm thấy sự yên bình và cảm hứng trong niềm tin sẽ có thể sáng tạo nên một tác phẩm nghệ thuật, như cách chúng ta hiện nay. Nói cách khác, có lẽ nghệ thuật sẽ dẫn chúng ta siêu xuất khỏi mặt tối của nền văn minh, nơi chúng ta có thể hòa hợp với niềm tôn kính và tìm thấy bình yên.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường dung chứa những hình mẫu tâm linh và nhiều ý nghĩa biểu tượng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta.
Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Tác giả Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: