Truyện cổ Hy Lạp và bài học về làm thế nào để xứng đáng là con người?
Nhiều câu chuyện trong văn hóa phương Tây cảnh báo tai ương sẽ đến với những ai dám thách thức Thần linh. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu hai bức tranh liên quan đến chủ đề đó: “Thần Apollo Chiến Thắng Pan” (Thần Apollo as Victor Over Pan) do họa sĩ Jacob Jordaens vẽ, và bức “Thần Apollo và Marsyas” của Bartolomeo Manfredi.
Cuộc thi âm nhạc giữa Thần Apollo và Pan (Marsyas)
Theo truyện cổ Hy Lạp, nữ thần Athena thổi sáo đến khi cô nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình trên mặt nước. Việc chơi sáo đã làm biến dạng vẻ đẹp của cô đến mức cô thấy chán ghét mà ném cây sáo đi.
Kẻ phàm tục Pan (còn được gọi là Marsyas) đã nhặt được cây sáo và thổi nó. Vì từng là cây sáo của một nữ thần, nên nó dễ dàng phát ra những âm thanh mỹ diệu. Marsyas tin rằng chính tài năng của mình đã tạo ra thứ âm nhạc tuyệt vời đến vậy, và hắn lập tức thách đấu với vị thần của âm nhạc và khiêu vũ Apollo trong một cuộc thi âm nhạc.
Thần Apollo chấp nhận lời thách đấu của Marsyas với điều kiện người thắng cuộc có thể trừng phạt kẻ thua cuộc theo cách mà anh ta muốn. Theo các nguồn tư liệu khác nhau, giám khảo là nữ thần Muse (nàng thơ) hoặc Thần Tmolus, và Vua Midas phàm trần. Thần Tmolus và Vua Midas là những vị giám khảo có mặt trong bức tranh của Jordaens.
Thần Apollo chơi đàn lyre tuyệt vời, nhưng Marsyas thổi sáo cũng hay không kém. Tuy nhiên, ở vòng hai, Thần Apollo đã vượt qua đối thủ bằng cách lật ngược cây đàn lyre của mình để chơi và hát theo giai điệu. Marsyas không làm được như vậy.
Thần Muse đồng ý rằng Thần Apollo chơi nhạc hay hơn. Thần Tmolus tin rằng Thần Apollo đã tạo ra thanh âm thần thánh nhất mà ông từng được nghe. Tuy nhiên, Vua Midas không đồng ý và cho rằng phán quyết này là không công bằng. Vì sự báng bổ này, Thần Apollo đã biến đôi tai của Vua Midas thành tai lừa.
Thần Apollo trở thành người chiến thắng và quyết định trừng phạt Marsyas bằng cách cột hắn ta vào một cái cây và thiêu sống hắn vì dám thách đấu với Thần.
Mô tả cảnh Marsyas báng bổ Thần linh
Jordaens và Manfredi thể hiện hậu quả của việc thách thức Thần linh qua bức tranh của mình.
Jordaens, một họa sĩ người Flemish ở thế kỷ 17, đã vẽ bốn nhân vật trên sườn núi. Thần Apollo cầm đàn lyre ở phía ngoài cùng bên trái. Theo bài thơ của Ovid, Thần Apollo mặc áo choàng nhuộm tím Tyrian, nhưng Jordaens đã vẽ ngài trong bộ áo choàng màu hồng nhạt, nếu không phải do màu vẽ gốc đã bị phai nhạt.
Bên phải Thần Apollo là Thần Tmolus đang trao vương miện cho người chiến thắng là Thần Apollo. Bên cạnh Thần Tmolus là Marsyas, khuôn mặt hắn bị biến dạng vì vẫn tiếp tục thổi sáo. Phía bên phải là Vua Midas. Theo trang web của Bảo tàng Prado, Thần Apollo đang chỉ vào Vua Midas để biến đôi tai của ông ta thành tai lừa.
Manfredi là một họa sĩ người Ý cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17, là thành viên hàng đầu của Caravaggisti – một nhóm họa sĩ theo phong cách tương phản Caravaggio. Ông mô tả Marsyas phải chịu đựng hình phạt do dám thách thức một vị Thần.
Marsyas ở bên trái, bị trói vào một cái cây và đang quấn tấm da thú quanh thắt lưng. Thần Apollo ở bên phải Marsyas; ngài đội vương miện lá nguyệt quế dành cho người chiến thắng và khoác một chiếc áo choàng tím.
Thần Apollo như vừa bắt đầu trừng phạt Marsyas. Ngài bình tĩnh và chăm chú nhìn Marsyas và từ từ cắt vào da thịt của hắn. Trước cơn đau, Marsyas nghiêng người về phía trước, gân cổ nổi lên. Khóe miệng kéo xuống, lông mày nhướng lên và mắt mở to khi con dao bắt đầu cắt vào da thịt.
Không buông lời báng bổ mà hãy công nhận Thần linh
Văn hóa hiện đại công khai thách thức Thần, cho dù trong khoa học, học thuật hay nghệ thuật, và văn hóa. Niềm tin truyền thống vào thần thánh, vào thiên đàng, vào Chúa, vào thiên thần, v.v. đang bị công kích.
Tuy nhiên, việc thách thức Thần sẽ gặp báo ứng. Marsyas không nhận ra rằng cây sáo được truyền cảm hứng từ thần hay âm thanh mà nó phát ra là mang bản chất thần thánh. Một khuyết điểm nguy hiểm nhất trong tính cách của hắn là lòng kiêu ngạo; điều đã khiến hắn dám thách thức Thần Apollo, vị Thần của âm nhạc.
Tất nhiên, Thần Apollo chắc chắn giành chiến thắng trong cuộc thi. Người phàm nghĩ rằng họ có thể thách thức Thần linh, nhưng họ không bao giờ đấu được với Thần. Chúng ta có thể đoán trước rằng Thần Apollo biết rõ mình sẽ chiến thắng. Vậy tại sao ngài quyết định tham gia cuộc thi?
Có lẽ Thần Apollo đã tìm cách lưu lại một bài học giáo huấn cho những ai nghĩ rằng thách thức thần linh là điều khôn ngoan. Trong bức tranh của Jordaens, Thần Apollo đã biến đôi tai của Vua Midas thành tai lừa. Có phải Thần Apollo trừng phạt Vua Midas vì tội đứng về phía kẻ dám thách thức thần linh?
Phải chăng Thần Apollo đã biến đôi tai của Vua Midas thành đôi tai lừa là bởi vì ông ta không thể nghe được vẻ đẹp của nhạc trời, và không còn xứng đáng có đôi tai của con người? Nếu vậy, điều này cho thấy rằng xứng đáng là con người có liên quan trực tiếp đến việc thừa nhận và tôn kính thần linh, dù ở đâu hay theo cách nào.
Tất nhiên, hình phạt thực sự sẽ đến với những người trực tiếp thách thức Thần linh. Vì thách thức, Marsyas bị trói vào một cái cây mà theo tôi thì hình ảnh này tượng trưng cho Trái Đất, và Marsyas phải chịu thống khổ nơi đây vì tội lỗi của mình. Việc đối kháng với thần linh khiến Marsyas bị giam cầm và tra tấn trên Trái Đất. Thần Apollo là hiện thân của thần linh, ngài đã khẳng định thần tính và bản chất thần thánh của ngài.
Manfredi không miêu tả Thần Apollo thích thú với hình phạt dành cho Marsyas. Thay vào đó, Thần Apollo dường như bình tĩnh và chú tâm làm những gì ngài phải làm với tư cách là một vị Thần: trừng phạt những kẻ thách thức thần linh. Marsyas bị phạt nặng vì tội lỗi của mình.
Cả Vua Midas và Marsyas đều là những kẻ phàm tục đầy kiêu ngạo. Thoạt nhìn, sự kiêu ngạo của họ không ảnh hưởng đến họ, nhưng cuối cùng nó khiến họ phải chịu thống khổ.
Dành cho những ai công nhận sự tồn tại của Thần
Đây không phải là lời kêu gọi công kích những kẻ mà chúng ta cho rằng dám thách thức Thần linh. Hành động này chẳng khác nào chúng ta đang thần thánh hóa chính mình, và bản thân nó là một sự báng bổ.
Nhưng nếu chúng ta thực sự có mối liên hệ với Thần và nếu chúng ta xứng đáng để làm người, thì tại sao chúng ta lại không công nhận và tín ngưỡng Thần linh?
Có phải chúng ta nên dành nhiều thời gian hơn để bày tỏ sự tôn kính đối với Trời cao và các vị Thần, còn sự trừng phạt thì để Chúa định đoạt? Có phải chúng ta nên kể lại, tuyên dương và trân quý những bài học đạo đức trong các câu chuyện cổ xưa về Thần linh, để một lần nữa xứng đáng làm người?
Nghệ thuật truyền thống thường chứa đựng những thông điệp tâm linh và ý nghĩa đã bị quên lãng trong thời hiện đại. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống đem đến cho trái tim”, chúng tôi diễn giải nghệ thuật dưới góc nhìn đạo đức. Chúng tôi không định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà nhiều thế hệ đã phải trăn trở tìm kiếm, nhưng chúng tôi hy vọng rằng những chủ đề của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho độc giả hướng vào nội tâm và trở thành những con người chân chính, thiện lương, và can đảm.
Tác giả Eric Bess là nghệ sĩ theo trường phái nghệ thuật đại diện (representational art), hiện là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).