Đường đến cổ điển: Khám phá thiên sử thi kinh điển ‘Iliad’ của Homer
Thiên sử thi “Iliad” của thi hào Homer thường được xem là tác phẩm đầu tiên của văn học Âu Châu, được nhiều độc giả bình phẩm là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất. Tác phẩm này kể về một phần sử thi thành Troy và cuộc chiến tranh diễn ra ở đó. Trên thực tế, tên gọi “Iliad” lấy từ “Ilios,” một thuật ngữ Hy Lạp cổ có nghĩa là “Thành Troy” — địa danh nằm ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Sử thi này chiếm một vị trí trung tâm trong thần thoại Hy Lạp.
Bản anh hùng ca đề cập đến một khoảng thời gian rất ngắn vào năm thứ 10 của Cuộc chiến thành Troy. Điều này đôi khi gây ngạc nhiên cho độc giả hiện đại, những người luôn mong đợi biết toàn bộ câu chuyện về thành Troy (chẳng hạn, như trong bộ phim “Cuộc chiến thành Troy” năm 2004 của đạo diễn tài ba Wolfgang Petersen). Nhưng thi hào Homer và các nhà thơ sử thi thời cổ đại chỉ giới hạn câu chuyện của mình trong các giai đoạn cụ thể của cuộc chiến, chẳng hạn như khởi nguyên của cuộc chiến, các cuộc giao tranh quan trọng, sự sụp đổ của thành Troy, hoặc cuộc hồi hương trở về Hy Lạp của những chiến binh. Không còn nghi ngờ gì nữa, thi hào Homer và các nhà thơ thời đầu đó có thể đã dựa vào những hiểu biết sâu rộng về Cuộc chiến Thành Troy trong số những độc giả của họ.
Nhân vật trung tâm trong sử thi “Iliad” là chàng chiến binh Achilles, con trai của vua Peleus (một vị vua phàm nhân) và nàng Thetis (một nữ thần biển cả). Người anh hùng Achilles đến từ vùng phía bắc Hy Lạp, và do đó chàng cũng chỉ là kẻ “ngoại đạo”, bởi vì hầu hết các hoàng tử Hy Lạp trong bài thơ này đều đến từ phía nam. Chàng Achilles trẻ trung và liều lĩnh, một chiến binh xuất sắc, nhưng không phải là một nhà ngoại giao vĩ đại. Khi vướng vào một cuộc tranh chấp với Agamemnon, vị hoàng tử thống lĩnh Hy Lạp trong cuộc chiến, và để mất công chúa Briseis bị giam cầm vào tay Agamemnon, chàng Achilles từ chối tham chiến và ở lại doanh trại của mình.
Trong phần lớn thời lượng sử thi này, chàng Achilles đều ở lại doanh trại của mình, cho đến khi người bạn Patroclus của chàng bị sát hại. Sau đó, chàng vô cùng tức giận quay lại chiến trường, kết liễu vị anh hùng Hector thành Troy, người đã lấy mạng Patroclus, và chàng đã huỷ hoại thi thể của Hector.
Sử thi “Iliad” kết thúc với chi tiết vị vua già Priam, cha của Hector, người đã gánh vác sứ mệnh đến doanh trại của chàng Achilles trong màn đêm tối tăm để xin chuộc lại thi thể con trai mình. Điều đáng chú ý là sự sụp đổ thực sự của thành Troy, được thực hiện nhờ mưu kế nổi tiếng là giấu những người Hy Lạp trong một con ngựa gỗ [để bí mật tấn công thành Troy], không được mô tả trong sử thi “Iliad,” mặc dù giai thoại này chắc chắn đã được đề cập trong nhiều bài thơ khác.
Tất cả những sự kiện này diễn ra dưới sự quan sát của các vị thần trên đỉnh Olympia, họ vừa là diễn viên vừa là khán giả trong sử thi “Iliad.” Các vị thần trên đỉnh Olympus không đồng thuận về số phận của thành Troy, cũng như những người phàm: Trong “Iliad,” cuộc chiến thành Troy là một cuộc xung đột vũ trụ, không chỉ là một cuộc xung đột diễn ra ở cấp độ thường nhân giữa người Hy Lạp và những kẻ không phải là người Hy Lạp. Đáng ngại cho thành Troy, các vị thần ủng hộ Hy Lạp có thể kể đến gồm nữ thần Hera (nữ hoàng của các vị thần), nữ thần Athena (nữ thần trí tuệ và chiến tranh), và nam thần Poseidon (vị thần của đất và biển cả), đại diện cho một thế lực quyền năng hơn nhiều so với các vị thần ủng hộ thành Troy, trong đó thần Apollo (thần của thuật bắn cung và thần bắn xa muôn dặm) là nhân vật chính.
Nhiều phương diện của thi hào Homer
Sử thi “Iliad” là tác phẩm thơ duy nhất tập trung vào cuộc chiến thành Troy; nhiều tác phẩm khác đã không còn tồn tại. Nhưng chính giá trị và nội hàm sâu sắc đó đã giúp thiên sử thi này có một vị trí đặc biệt trong thời cổ đại, và có lẽ vì vậy mà tác phẩm trường tồn với thời gian.
Chúng ta hầu như không biết gì về nhà thơ Homer và liệu có phải ông cũng sáng tác một bài thơ khác dưới tên mình, sử thi “Odyssey” hay không. Tác phẩm này kể lại hành trình trở về của nhà vua Odysseus từ Cuộc chiến thành Troy, đến hòn đảo Ithaca. Sử thi “Iliad” có lẽ đã được tập hợp lại với nhau vào khoảng năm 700 Trước Công Nguyên, hoặc muộn hơn một chút, ước đoán là do một nhà thơ lỗi lạc say mê các kỹ năng sáng tác các tác phẩm truyền khẩu truyền thống (đó là thi hào “Homer”). Truyền thống sáng tác tác phẩm truyền khẩu này có lẽ đã có niên đại từ hàng trăm năm trước khi sử thi “Iliad” ra đời.
Thơ sử thi thời kỳ đầu có thể là một cách để lưu giữ ký ức văn hóa về những cuộc xung đột lớn. Lịch sử và khảo cổ học cho chúng ta biết rằng, có thể đã có một “Cuộc chiến thành Troy” lịch sử vào cuối thiên niên kỷ thứ hai Trước Công Nguyên (tại Hissarlik ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ), mặc dù cuộc chiến này hầu như không giống với cuộc chiến mà nhà thơ Homer mô tả.
Sử thi “Iliad” được sáng tác như một thi phẩm liền mạch. Theo cách sắp xếp hiện tại (rất có thể là sau khi thư viện Alexandrian được thành lập vào đầu thế kỷ III Trước Công Nguyên), tác phẩm này được chia thành 24 quyển tương ứng với 24 chữ cái trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Tác phẩm này được viết theo một thể thơ sáu nhịp gọi là “dactylic” — một nhịp thơ cũng được sử dụng trong nhiều thiên sử thi khác thời cổ đại (chẳng hạn như “Odyssey” và “Aeneid,” sử thi La Mã của nhà thơ Virgil). Trong “Odyssey,” một người hát sử thi tên là Demodocus hát theo yêu cầu của một vị quý tộc về câu chuyện con ngựa gỗ ở thành Troy, làm cho chúng ta cảm thấy rằng đây là dấu ấn của thi hào “Homer.”
Ngôn ngữ trong thiên anh hùng ca “Iliad” là sự kết hợp của các phương ngữ khu vực khác nhau, có nghĩa tác phẩm này là không thuộc về một thành phố cổ đại cụ thể nào. Đây là điểm khác biệt với hầu hết các tác phẩm Hy Lạp cổ đại khác. Do đó, tác phẩm này đã gây được tiếng vang mạnh mẽ trên khắp cõi Hy Lạp, và thường được coi là một bài thơ “pan-Hellenic” (Tạm dịch: toàn Hy Lạp), thuộc về tất cả người Hy Lạp. Tương tự như vậy, cuộc tấn công của người Hy Lạp vào thành Troy là một nhiệm vụ chung thu hút những lực lượng từ khắp Hy Lạp. Do đó, Pan-Hellenism (Tạm dịch: chủ nghĩa toàn Hy Lạp) là trung tâm của sử thi “Iliad.”
Sinh tử và chiến tranh
Ý tưởng chính trong “Iliad” là tính tất yếu của cái chết (cũng như trong “Sử thi Gilgamesh” trước đó). Sự giằng co của sự sống và cái chết được đẩy lên cao trào bởi thực tế là các nạn nhân của chiến tranh thường vẫn còn rất trẻ. Người anh hùng Achilles trẻ tuổi và có cái tôi mạnh mẽ, có thân mẫu là một vị nữ thần, nhưng cho dù vậy chàng cũng vẫn phải chết. Chúng ta biết rằng chàng đã được trao quyền lựa chọn: một cuộc sống lâu dài không có vinh quang của người anh hùng, hoặc là sống một cuộc đời ngắn ngủi và hiển hách trong chiến trận. Việc lựa chọn điều thứ hai giúp chàng được ghi dấu như một vị anh hùng, và trao cho chàng danh tiếng muôn đời. Tuy nhiên, những chiến binh khác cũng sẵn sàng ra đi khi còn trẻ, trong đó có người hùng Hector của thành Troy.
Ngược lại, các vị thần không phải lo lắng về sinh tử. Tuy nhiên, cái chết có thể tác động đến họ. Con trai của thần Zeus là thần Sarpedon qua đời trong sử thi “Iliad,” và nữ thần Thetis phải đối mặt với cái chết sắp xảy đến của con trai Achilles. Sau khi chàng qua đời, bà sống trong nỗi thương nhớ khôn nguôi con trai mình. Sự bất tử trong thần thoại Hy Lạp có thể là một pha trộn giữa phúc lành và khổ đau.
Bản anh hùng ca “Iliad” cũng nói lên nhiều điều về chiến tranh. Những hành động tàn bạo trong cuộc chiến thành Troy là do người Hy Lạp gây ra cho cư dân thành Troy. Trong “Iliad,” chàng Achilles thực hiện việc hiến tế nhân mạng và hủy hoại thi thể của người anh hùng Hector, và còn có những hành động tàn bạo khác được kể trong những bài thơ khác.
Sử thi về thành Troy trong các nguồn tài liệu thời kỳ đầu của Hy Lạp kể về cuộc tàn sát của cư dân thành Troy, và các nhà thơ Hy Lạp đã khám phá ra một số hành động xấu xa nhất của hành vi nhân loại trong chiến tranh. Trong quyển cuối cùng của “Iliad,” chàng Achilles và vua Priam, trong bối cảnh bi thương nhất, suy ngẫm lại về số phận của con người và những điều họ đã gây ra cho nhau.
Những dòng tái bút và những kẻ đạo văn
Người ta thường nói rằng “Iliad” là một loại “kinh thánh của người Hy Lạp” vì mức độ tiếp nhận của Hy Lạp đối với sử thi này, và hơn thế nữa, là tính phi thường. Kiến thức về thi hào Homer đã trở thành một phần tiêu chuẩn của nền giáo dục Hy Lạp, dù là chính thức hay không chính thức.
Các nhà văn cổ đại sau thi hào Homer, thậm chí cả nhà sử học người Hy Lạp khó tính là Thucydides ở thế kỷ V Trước Công Nguyên, đều thừa nhận tính lịch sử của phần lớn chủ đề trong sử thi “Iliad.” Tương tự như vậy, Alexander Đại đế (356–323 TCN) dường như được thôi thúc bởi một khát khao trở thành một “Achilles mới.” Nhà sử học Plutarch kể một câu chuyện thú vị rằng Alexander đã ngủ với một con dao găm dưới gối vào ban đêm, cùng với một bản sao “Iliad” của nhà thơ Homer. Bản sao đặc biệt này có phần chú giải của người thầy cũ của Alexander, triết gia Aristotle. Ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể hình dung giá trị của thi phẩm này nếu tác phẩm đó còn tồn tại.
Trong thời La Mã, nhà thơ Virgil (70–19 TCN) bắt đầu viết một thiên anh hùng ca về nguồn gốc của La Mã từ đống tro tàn của thành Troy. Bài thơ của ông, có nhan đề “Aeneid” (được đặt theo tên của Aeneas, một người xây dựng thành Troy huyền thoại đến từ Rome), tuy được viết bằng tiếng Latinh, nhưng dựa khá nhiều vào sử thi “Iliad” và “Odyssey” của nhà thơ Homer.
Ý kiến của riêng tôi là nhà thơ Virgil đã thuộc lòng những dòng thơ của thi hào Homer, và có lẽ ông đã bị chỉ trích trong cuộc sống vì mức độ phụ thuộc của ông vào thi hào Homer. Nhưng đâu đó ghi lại câu trả lời của ông rằng “đánh cắp chiến công của Heracles còn dễ hơn là đánh cắp một dòng thơ từ Homer.” Câu trả lời này, dù có đúng vậy hay không, ghi nhận rằng tác phẩm “Iliad” của thi hào Homer đã ngự trị trong suốt thời cổ đại, và phần lớn các thời kỳ kể từ đó.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times