Bức tranh ‘Cơn thịnh nộ của Achilles,’ sức mạnh của sự kiềm chế
Chạm tới đáy lòng: Điều nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Có bao giờ bạn tức giận đến mức cảm thấy ruột gan như bị cào xé vì một hành động hay lời nói của một ai đó làm bạn vô cùng phật ý, và khi đó bạn nhận ra mình sắp làm một chuyện điên rồ – điều mà bạn sẽ phải hối hận về sau. Nhưng, bạn đủ tỉnh táo để dừng lại đúng lúc.
Bức tranh “Cơn thịnh nộ của Achilles” của danh họa người Pháp Louis Edouard Fournier nhắc nhở tôi rằng kiềm chế là một loại trí tuệ.
Mối bất hòa giữa chiến binh Achilles và Nhà vua Agamemnon
Tương truyền, Achilles là một chiến binh gần như không thể bị đánh bại. Chàng chiến đấu dưới quyền của nhà vua Hy Lạp Agamemnon khi quân Hy Lạp giáng đòn trừng phạt lên thành Troy. Là một dũng sĩ thiện chiến, Achilles đã hạ 12 thành trì bao quanh Troy trong chín năm đầu. Nhưng dũng sĩ Achilles và đức vua Agamemnon cũng có lúc xung đột. Một phân đoạn thần thoại Hy Lạp đã kể về một lần mâu thuẫn giữa họ.
Vào năm thứ 10 của cuộc chiến, nhà vua Agamemnon đã bắt giữ con gái của một thầy tu người Apollonian như một chiến lợi phẩm sau khi giành chiến thắng. Vị thầy tu đến gặp vua Agamemnon, van nài ông trả con gái cho mình. Nhà vua Agamemnon đã từ chối. Vì muốn cứu con, vị thầy tu đã cầu nguyện với thần Apollo, mong Ngài dùng ôn dịch nguyền rủa người Hy Lạp. Sau đó, một đợt bệnh dịch thật sự đã xuất hiện ở Hy Lạp và gây kinh hoàng cho người dân nơi đây.
Nữ thần Hera thúc giục Achilles đi tìm căn nguyên của ôn dịch. Tất cả người Hy Lạp đều tin rằng dịch bệnh là thiên ý, là các vị Thần đang trừng phạt họ. Và rồi, một nhà tiên tri đã cho Achilles biết rằng thần Apollo tạo ra trận ôn dịch chết chóc đó bởi vì nhà vua Agamemnon đã bắt con gái của một thầy tu người Apollonian làm tù nhân. Và cách khiến ôn dịch tiêu tàn là nhà vua Agamemnon phải trả lại cô gái và thực hiện một số nghi lễ nhất định.
Nhà vua Agamemnon khi nghe những lời đó thì vô cùng tức giận và quở mắng nhà tiên tri. Tuy nhiên, người dân Hy Lạp vì sợ hãi trước bệnh dịch nên đã yêu cầu nhà vua Agamemnon trả cô gái ấy về lại cho cha của cô. Để xoa dịu sự đám đông, nhà vua Agamemnon đồng ý trao trả tù nhân chỉ khi Ngài có một cô gái khác thay thế.
Lòng tham lam của nhà vua khiến Achilles nổi giận. Chàng đã công khai đã kích nhà vua Agamemnon. Đáp trả chỉ trích của Achilles, nhà vua Agamemnon quyết định sẽ đem về một nữ tì của Achilles nhằm thế chỗ cho cô con gái của vị linh mục kia. Biết được chuyện này, Achilles căm phẫn với lấy tay rút lấy thanh kiếm của mình toan đoạt mạng nhà vua.
Tuy nhiên, nữ thần Hera, vì lòng yêu mến dành cho cả Achilles và nhà vua Agamemnon, đã gửi nữ thần Athena đến chỗ Achilles nhắc nhở chàng phải kiềm chế cơn nóng giận. Và thế là nữ thần Athena đồng ý ban cho Achiles một điều vinh diệu trong tương lai nếu chàng có thể kiềm chế bản thân mà không sát hại nhà vua. Achilles đã nghe theo lời của nữ thần Athena và cất đi thanh kiếm.
Nhà thông thái Nestor cố gắng hòa giải đôi bên, ông khuyên nhà vua Agamemnon và Achilles nên nhượng bộ vì lợi ích của đất nước Hy Lạp. Tuy nhiên mọi chuyện trở nên tệ đi khi cả hai đều trong trạng thái tức giận. Achilles đã rời đi, còn nhà vua Agamemnon sai người đến nơi Achilles để đưa về một người nữ tì. Và để đáp trả, Achilles quyết định dừng chiến đấu cho nhà vua trong một khoảng thời gian.
Bức tranh ‘Cơn thịnh nộ của Achilles’
Trong tác phẩm “Cơn thịnh nộ của Achilles”, họa sĩ Fournier đã mô tả khoảnh khắc nữ thần Athena tại [bối cảnh câu chuyện đang] giải quyết căng thẳng giữa chàng hiệp sĩ Achilles và nhà vua Agamemnon.
Hình ảnh nữ thần Athena và chàng hiệp sĩ Achilles được đặt bên trái bố cục của bức vẽ. Chàng Achilles ngả người ra sau, cơ bắp cánh tay căng cứng khi rút thanh kiếm. Màu đen của chiếc áo bào mà Achiles đang vận tương phản với màu da trắng như ngọc của nữ thần Athena. Căng thẳng và tức giận của Achilles tương phản với điềm tĩnh của nữ thần. Nữ thần Athena nhẹ nhàng đặt một tay lên vai Achilles, tay kia giữ một lọn tóc của chàng, và khuyên anh nên kiềm chế cơn nóng giận.
Bên phải của bố cục là nhà vua Agamemnon đang ngồi. Nhà vua vận trang phục đỏ và trắng, tay cầm quyền trượng tượng trưng cho uy quyền. Ngài nghiêng người về phía Achilles và ném về phía chàng một ánh nhìn hằn học (ánh mắt của nhà vua [cho chúng ta biết rằng] Ngài không nhìn thấy nữ thần Athena.)
Chúng ta có thể thấy rằng nhà thông thái Nestor đang ở bên cạnh nhà vua với vẻ mặt lo lắng. Ông đưa tay về phía nhà vua Agamemnon như thể đang van nài nhà vua hãy nhượng bộ. Phía sau Nestor là nhà tiên tri, người mặc trang phục thầy tu đang bình tĩnh quan sát từng cử chỉ của chàng Achilles.
Sức mạnh của sự kiềm chế
Kiềm chế là một loại trí tuệ, và tôi nghĩ sự khắc họa của họa sĩ Fournier cho chúng ta một ví dụ trực quan về loại trí tuệ này.
Hoạ sĩ Fournier đã mô tả mọi thớ cơ trên cơ thể Achilles đều đang căng cứng. Chúng ta có thể cảm nhận được sự giận dữ đang xâm chiếm khắp thân thể của chàng. Thật trớ trêu khi [chứng kiến] một trong những dũng sĩ hùng mạnh nhất trong thần thoại Hy Lạp gần như mất đi sức mạnh trước cơn thịnh nộ của chính mình. Chàng gần như sắp đầu hàng cơn thịnh nộ đó. Rõ ràng, một khi cơn giận không thể được dập tắt, nó có thể khiến cuộc sống ta căng thẳng, và khiến cơ thể chúng ta suy kiệt.
Cũng như chàng Achilles, nhà vua Agamemnon và nhà thông thái Nestor đều đang trong trạng thái căng thẳng. Đức vua nắm chặt quyền trượng và ghì chặt ghế, dường như Ngài không chắc chắn về ý định của Achilles. Còn Nestor cũng lộ vẻ bồn chồn trước tình huống căng thẳng giữa hai người đàn ông.
Hai nhân vật duy nhất điềm tĩnh là nữ thần Athena và nhà tiên tri. Là sứ giả của Thần, nhà tiên tri dường như hiểu rằng bất cứ điều gì xảy ra đều là ý muốn của các vị thần. Do đó, ông không bộc lộ cảm xúc hay thể hiện sự âu lo, mà chỉ đơn giản là quan sát cảnh tượng đang diễn ra.
Nữ thần Athena dễ dàng đạt được những điều nàng muốn. Họa sĩ Fournier đã làm rất tốt trong trong việc lột tả sự đối lập giữa thái độ điềm nhiên của nữ thần và cơn nóng giận của Achilles. Chàng Achilles có thể rút thanh kiếm của mình để sát hại nhà vua, hay cái chạm của nữ thần Athena đã ngăn anh làm điều dại dột? Tôi nghĩ là vế thứ hai.
Làm thế nào ta có thể kiềm chế, khi cơn tức giận cào xé ruột gan? Và làm thế nào chúng ta có được những lợi ích từ sức mạnh của sự kiềm chế?
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường dung chứa những hình mẫu tâm linh và mang nhiều ý nghĩa biểu tượng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình phản chiếu hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times