Thần thoại về chàng Narcissus cho thời đại của chúng ta
Câu truyện thần thoại Hy Lạp Narcissus kể về đứa con trai khôi ngô tuấn tú của Thần sông và tiên nữ Liriope, người đã say mê đắm đuối hình ảnh phản chiếu của chính mình.
Trong một bài báo gần đây trên trang Daily Telegraph của Vương quốc Anh, ông Jordan Peterson mô tả Thủ tướng Canada, ông Justin Trudeau, là một “người ái kỷ,” và với thực tế rằng, ông Peterson là một nhà tâm lý học lâm sàng, chúng ta có lý do chính đáng để tin rằng ông biết điều đó có nghĩa là gì. Chúng ta không cần tìm hiểu nguyên nhân của danh hiệu này ngay bây giờ, nhưng gần đây tôi để ý rằng lời buộc tội “ái kỷ” được sử dụng ngày càng nhiều. Tất nhiên, rất nhiều người nổi tiếng trong quá khứ bây giờ xứng đáng với danh hiệu đó, như: Vua Napoleon, Hitler, Vua Henry VIII, gần đây hơn là nhà tài phiệt Howard Hughes, và thậm chí cho đến hiện tại, là nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Việc trở thành một người trong nhóm này không phải là điều gì tốt lành!
Tất nhiên, bất cứ danh hiệu tâm lý nào đều có phạm vi của nó: Người ta có thể mắc tình trạng nhẹ, kinh niên, cấp tính, hoặc thậm chí là trầm trọng. Vậy thì các triệu chứng của tình trạng [ái kỷ] này — theo định nghĩa của tâm thần học hiện đại là gì? Dưới đây là một vài triệu chứng: tự cao tự đại (khoa trương về những thành tích của bản thân), cần được ngưỡng mộ, thiếu sự cảm thông, cảm giác về đặc quyền, có hành vi thao túng, lòng tự trọng dễ bị tổn thương, và khó khăn trong việc duy trì các mối quan hệ.
Có những trang web chuyên hướng dẫn cho bạn — cho cá nhân bạn — cách để có thể tránh vướng mắc vào một mối quan hệ với người ái kỷ.
Nguồn gốc của thuật ngữ ‘ái kỷ’
Khái niệm về “sự ái kỷ” xuất phát từ thần thoại Hy Lạp, và cũng như hầu hết mọi câu truyện thần thoại Hy Lạp khác, câu truyện này luôn có nhiều biến thể. Nhưng cốt truyện chủ yếu diễn biến như thế này. Chàng Narcissus là người con trai khôi ngô tuấn tú của Thần sông Kephissos và tiên nữ Liriope. Với dòng dõi thần tiên này, tướng mạo của chàng gần như được bảo đảm; và, quả nhiên, chàng đáng yêu đến mức khi mới 16 tuổi, rất nhiều chàng trai và cô gái trẻ đã say mê đắm đuối chàng. Tuy nhiên, chàng không bao giờ đáp lại.
Khi Narcissus còn là một đứa trẻ, mẫu thân của chàng đã đến gặp nhà tiên tri khiếm thị Tiresias để hỏi xem liệu con trai bà có thể sống trường thọ hay không. Khi ấy, Tiresias chưa được nhiều người biết đến với tư cách là nhà tiên kiến và tiên tri vĩ đại mà ông sẽ trở thành sau này, nhưng phản hồi của ông cho câu hỏi này là một trong những lý do khiến ông trở nên nổi tiếng sau đó.
Nhà tiên tri Tiresias đáp, “Vâng, miễn là cậu ấy không bao giờ biết được chính mình.”
Câu trả lời này khiến người mẹ và những người có mặt ở đó hoàn toàn bối rối: Từ “miễn là” này … có thể mang ý nghĩa gì đây? Làm thế nào để một người “biết được chính mình”?
Một trong những người si mê Narcissus nhưng bị chàng khước từ là tiên nữ Echo. Trước đây, nàng từng là người bận rộn hầu chuyện với nữ hoàng của các vị Thần là nữ Thần Hera, để khiến Hera sao nhãng việc chồng bà — Thần Zeus — vua của các vị Thần, đang theo đuổi tình ái với những nữ thần khác. Để trừng phạt Echo, Hera đã làm phép khiến Echo vĩnh viễn không thể nói được nữa, ngoại trừ lặp lại những gì người khác nói với nàng — [như] một tiếng vọng lại, nếu bạn muốn gọi như vậy. Khi Echo phải lòng Narcissus và bị chàng khước từ, nàng trở nên héo hon cho đến khi cơ thể hoàn toàn tiêu vong và chỉ còn lại giọng nói — tiếng vọng của nàng.
Ngay lúc này, khi Narcissus đã khước từ rất nhiều người, thì nữ Thần Nemesis (hoặc nữ Thần săn bắn trinh khiết Artemis, hoặc nữ Thần tình yêu Aphrodite, tùy theo phiên bản) bước vào câu chuyện. Vì Narcissus đã khước từ rất nhiều người, nên chàng sẽ phải thấu hiểu cảm giác không bao giờ được người mình yêu chấp nhận là như thế nào. Kiệt sức sau một ngày săn bắn, chàng ngồi xuống bên cạnh bờ hồ để uống ngụm nước, và trở nên mê mẩn hình ảnh phản chiếu của chính mình trên mặt hồ. Khi nhìn thấy hình ảnh của mình, chàng “nhận ra bản thân” và phải lòng chính hình bóng đó.
Kỳ thực, chàng đã say mê hình bóng của chính mình, đến mức chàng không thể ngăn bản thân ngưỡng mộ và khao khát hình bóng đó trở thành ý trung nhân của mình. Cuối cùng thì, tất nhiên chàng qua đời ở nơi đó.
Trong cơn hấp hối, chàng thở dài và nói những câu như “than ôi,” “thật vô vọng,” và nàng Echo nhặt lấy những điệp khúc này để chúng vang vọng khắp các khu rừng xung quanh. Người ta kể rằng, ngay cả khi ở thế giới Địa Ngục của Thần Hades, thì Narcissus vẫn ngắm nhìn hình bóng phản chiếu của mình trên sông Styx, dòng sông mà người quá cố phải băng qua khi thực sự rời khỏi vùng đất của sự sống, theo đúng nghĩa đen. Vậy là, nỗi ám ảnh về bản thân đã theo chàng đến tận cõi chết. Trở lại dương gian, chàng hóa thành loài hoa mang tên mình.
Thông điệp cho chúng ta
Có lẽ khía cạnh quan trọng nhất của câu chuyện là thực tế rằng, (theo nhận định của Thần Apollo), thì Narcissus không thực sự hiểu rõ bản thân hoàn toàn. Chàng chỉ biết những gì chàng có thể thấy được một cách hữu hình, là: hình ảnh của chính mình.
Tất cả chúng ta đều có một hình ảnh riêng — hình ảnh phản chiếu mà chúng ta muốn thế giới này nghĩ về mình. Nhưng chúng ta không thể gọi đó là chân ngã của mình, hay nói theo ngôn ngữ cổ xưa hơn, thì đó không phải là “linh hồn” của chúng ta. Cho tới khi chúng ta trở thành những người hợp nhất [với linh hồn mình] và có tâm lý lành mạnh, thì khoảng cách giữa diện mạo [bên ngoài của] bản thân và chân ngã trong linh hồn chúng ta mới được thu hẹp lại. Sống trong sự thật nghĩa là cách người khác nhìn nhận về chúng ta kỳ thực là cách chúng ta đã sống như thế nào. Không ai cả — ngoại trừ các bậc thiên tài mộ đạo mới có thể kiểm soát để thực hành điều đó với mức độ chính xác cao.
Nhưng lời khuyên của Thần Apollo về việc “biết chính mình” không chỉ có nghĩa là hiểu rõ bản thân về mặt tâm lý, mà còn có ý nghĩa về tâm linh cụ thể: Nghĩa là biết giới hạn của bản thân. Nói cách khác, chúng ta biết khả năng của mình là có hạn, biết vị trí của mình trong hệ thống xã hội, biết mình là một người phàm trần. Việc biết mình là người phàm trần, như một hệ quả tất yếu quan trọng, nghĩa là ta hiểu rằng có Thần ngự trị trên cao và họ KHÔNG phải người phàm: Chúng ta nợ họ lòng tôn kính và sự vâng phục. Quả thực, tội ác bất hảo nhất trong tư tưởng của người Hy Lạp cổ đại là tội ngạo mạn, nơi người ta công khai báng bổ hoặc làm trái lời Thần linh.
Mãi về sau thì triết gia Plato mới định nghĩa lại về “biết bản thân” theo nghĩa là, thấu tỏ tâm hồn, tâm lý của chính mình.
Thiếu cân bằng
Tuy nhiên, dù bằng cách nào đi nữa thì vẫn tồn tại một vấn đề không thể giải quyết. Dù chúng ta nhìn nhận Narcissus là người không hiểu rõ bản thân theo nghĩa: chàng không hiểu được giới hạn của mình, từ đó đã phạm vào ý chỉ của Thần và sùng bái bản thân như hệ quả của tính kiêu ngạo; hay chàng chỉ là người có tầm nhìn thiển cận, không thể hiểu rõ nội tâm của mình để rồi hoàn toàn bị vẻ ngoài, vật chất, và sự thật hữu hình chi phối (hay nói cách khác là diễn giải vật chất và những sự thật hữu hình theo cách phi tâm linh), thì chúng ta cũng đã thấy được một người phải chịu đựng số phận bi thương và tuyệt vọng tột cùng. Chàng vĩnh viễn không thể có được những gì bản thân hằng ao ước, bởi vì những gì chàng khao khát vượt quá giới hạn khả năng của con người.
Tuy nhiên, một luận điểm phụ có liên quan đến câu châm ngôn thứ hai của Thần Apollo, rằng: “đừng thái quá,” hoặc tránh cực đoan. Khi chúng ta quan sát kỹ nhân vật Narcissus, chúng ta thấy rằng chàng hoàn toàn chú tâm vào bản thân (nhiều đến mức không còn quan tâm tới ai khác nữa). Nhưng thật thú vị, chúng ta thấy [hình ảnh này] hoàn toàn trái ngược với nhân vật Echo. Nàng si mê người khác một cách mù quáng, ở đây là chàng Narcissus, đến mức phải trả giá bằng mạng sống của chính mình. Nàng chỉ còn là cái bóng của một cá nhân — trở thành một tiếng vọng, kỳ thực, đây chính là hiện thực.
Như vậy, xét theo khía cạnh âm-dương, chúng ta thấy sự thiếu cân bằng tương phản giữa hai nhân vật thần thoại này. Có lẽ nếu kết hợp lại thì họ có thể tạo nên một cá nhân tốt lành và khỏe mạnh. Tuy nhiên, điều đó chưa bao giờ xảy ra và cũng không thể xảy ra.
Hội chứng ái kỷ thời nay
Trong đoạn thứ hai của bài viết này, tôi đã nói về bảy dấu hiệu của chứng ái kỷ lâm sàng, và chúng thật bất hảo. Chỉ cần lấy triệu chứng đầu tiên là tính tự cao tự đại [làm ví dụ.] Có ai thích một người phô trương thành tích, xem trọng “việc làm” và thành quả của họ, hơn cả việc “làm” người của họ hay không? Chẳng ai cả. Có lẽ ngoại trừ những kẻ tự lừa dối mình và những kẻ lừa người nghiêm trọng.
Tôi cũng đề cập đến việc thuật ngữ “người ái kỷ” ngày càng được sử dụng nhiều. Dường như có rất nhiều thứ đang diễn ra xung quanh chúng ta. Hãy nghĩ mà xem: Tất cả các nhóm, dự án viển vông, và những hành động tỏ ra cao đạo nhằm “thức tỉnh” người khác đang bủa vây chúng ta là gì, ngoài các hình thức sâu xa khác của tính ái kỷ?
Những người đảm nhận các dự án này đều khao khát thực hiện những gì “vượt quá giới hạn khả năng của nhân loại” mà tôi đã nêu ở trên: khiến con người trở nên “bình đẳng,” như thể điều đó có thể xảy ra; xóa bỏ sự phân biệt giới tính, như thể bản chất tự nhiên không có tiếng nói trong vấn đề này; ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng lên, như thể điều này chỉ là một sự lựa chọn của nhân loại vậy; và .v.v.
Ái kỷ là một hội chứng nghiêm trọng khiến người ta suy nhược. Và điều đáng sợ là, dường như ngày càng có nhiều người bị hội chứng này hành hạ. Những người này sinh ra vốn đã xinh đẹp (giống như Narcissus), nhưng khi họ kiêu căng thái quá, nữ Thần Nemesis sẽ hạ bệ họ. Cuối cùng thì, họ sẽ thất bại giống như chàng Narcissus, bởi vì tình yêu đích thực hoặc các dự án dựa trên sở thích cá nhân của họ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Quý vị muốn xem thêm các bài viết văn hóa và nghệ thuật khác? Vui lòng gửi cho chúng tôi ý tưởng câu chuyện hoặc đóng góp của bạn qua thư điện tử: [email protected]
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times