Một nữ họa sĩ trong thế giới của các học giả
Bà Angelica Kauffmann là một trong những họa sĩ sáng tác nhiều bức tranh chân dung nhất châu Âu vào thế kỷ 18, chủ yếu được công nhận nhờ những bức tranh lịch sử vĩ đại của mình.
Cuộc đời và sự nghiệp của bà Angelica Kauffmann là điều phi thường đối với một nữ họa sĩ ở thế kỷ 18. Sinh ra ở Thụy Sĩ và là con của một họa sĩ nghèo, nhưng bà Angelica đã được học giáo dục phổ thông vì là con một trong gia đình, đồng thời thể hiện tài năng ấn tượng trong vai trò họa sĩ vẽ chân dung và ca sĩ hát opera khi còn ở tuổi thiếu niên. Bà sớm thông thạo tiếng Đức, Pháp, Ý, và Anh, đặt nền tảng cho những thành công quốc tế sau này với tư cách là họa sĩ Tân cổ điển hàng đầu, cũng như là một người phụ nữ nổi bật ở xã hội chủ lưu Âu châu.
Thuở thiếu thời, bà Kauffmann đi theo cha trong nhiều chuyến công tác, từ Thụy Sĩ đến Áo và Ý. Ở độ tuổi 12, bà đã được biết đến như một họa sĩ vẽ chân dung. Các quý tộc và giám mục ngồi làm mẫu cho bà; và vào năm 15 tuổi, bà đã phụ giúp cha vẽ bích họa ở một nhà thờ tại Vorarlberg, nước Áo.
Cuối cùng, cả gia đình chuyển đến Ý, nơi bà Kauffmann cống hiến hết mình cho việc học tập nghệ thuật — nghiên cứu tác phẩm của các bậc thầy trong những bộ sưu tập nổi tiếng ở tất cả các trung tâm lớn từ Milan, Florence, và Rome đến Naples, Bologna, và Venice.
Những bức chân dung ở Thành phố Vĩnh cửu
Trong khi ở Ý, giai đoạn ở Rome từ năm 1763–1765 là khoảng thời gian có tác động sâu sắc nhất đến sự nghiệp bà Kauffmann. Về mặt nghệ thuật, bà được tiếp cận một số bộ sưu tập điêu khắc cổ và tranh vẽ thời Phục Hưng xuất sắc nhất. Bà cũng xây dựng các mối quan hệ xã hội quan trọng với giới tri thức Đức và quý tộc Anh, những người đã đến thành phố Vĩnh cửu (Rome) trong chuyến Grand Tour. Bà đã sao chép các tác phẩm và vẽ nhiều bức chân dung cho họ, những người vừa là khách hàng vừa là bằng hữu của bà.
Một trong những người mẫu của bà là bác sĩ người Mỹ John Morgan. Ông tốt nghiệp Đại học Pennsylvania, sau đó thành lập trường y khoa đầu tiên ở Mỹ quốc thuộc địa. Sau khi phục vụ trong chiến tranh Pháp và thổ dân Mỹ, ông Morgan theo học y khoa tại Đại học Edinburgh, rồi đến Ý vào năm 1764 cùng Công tước xứ York.
Trong bức chân dung này, bà Kauffmann khắc họa ông là một bác sĩ trẻ tuổi đầy khát vọng, có cử chỉ hướng về bức thư gửi cho một quý tộc. Cuốn sổ tay nằm mở ra trang tựa đề có tên ông và một con dấu kiểu cổ điển, bao xung quanh là các từ “Primus ego in patriam,” phần mở đầu của một câu thơ La tinh trích từ tác phẩm “Georgics” của thi hào Virgil nói rằng, “Nếu còn sống, Tôi sẽ là người đầu tiên, mang Nàng thơ về đất nước mình.”
Cùng năm đó, bà Angelica gặp và vẽ chân dung ông Johann Joachim Winckelmann, một học giả uyên bác người Đức nghiên cứu cổ vật thời Hy Lạp – La Mã và là người tiên phong khởi xướng chủ nghĩa Tân cổ điển trong nghệ thuật. Ông đến Ý từ năm 1755, ngay sau khi xuất bản một cuốn sách có tầm ảnh hưởng lớn, trong đó hùng hồn nhận xét lý tưởng thẩm mỹ cổ điển là “sự đơn giản cao quý và sự hùng tráng trầm lặng.”
Cuốn sách này đã giúp ông Winckelmann trở nên nổi tiếng và sau đó được chuyển ngữ sang tiếng Pháp và Anh. Ở Rome, nhờ sự am tường về nghệ thuật cổ đại, Giáo hoàng Clement XIII đã bổ nhiệm ông vào vị trí “Thống đốc di tích” cho Thư viện Vatican vào năm 1763. Một năm sau đó, ông đã xuất bản tập sách đồ sộ “Lịch Sử Nghệ Thuật Cổ Đại” (The History of Art in Antiquity) — một mô tả mang tính đột phá về sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa Hy Lạp cổ đại.
Họa sĩ Kauffmann đã vẽ chân dung ông Winckelmann trong quãng thời gian ông chuyên chú vào hoạt động học thuật này. Với chiếc bút lông trong tay, ông làm việc cật lực tại bàn, tạm dừng trong khoảnh khắc suy tư sâu lắng cùng bản thảo che khuất một nửa bức phù điêu bộ ba nữ thần Grace bằng thạch cao. Bên cạnh tranh sơn dầu, bà còn tạo một bức chân dung tương tự dưới dạng bản khắc acid, lan rộng bản in chân dung của vị học giả lỗi lạc này.
Trong lá thư gửi đến một người bạn, ông Winckelmann nhận xét về khả năng ngôn ngữ ấn tượng của bà Kauffmann và nhắc đến độ nổi tiếng vượt trội của bà ở Rome, đặc biệt là đối với những vị khách Anh quốc. “Có lẽ cô ấy có một phong cách nghệ thuật hoàn mỹ,” ông viết, “và trong ca hát, [cô ấy] có thể cạnh tranh với những nghệ sĩ lão luyện nhất của chúng ta.” Ngoài [các hoạt động] bảo trợ nghệ thuật, rất có thể bà đã gặp gỡ vị học giả này tại những sự kiện xã hội, nơi mà bà tiếp đãi quan khách bằng chất giọng cuốn hút của mình.
Mối quen biết với ông Winckelmann và các bằng hữu của ông đã thúc đẩy bà Kauffmann nỗ lực hướng đến nét thẩm mỹ cổ điển trong nghệ thuật của mình: dòng tranh lịch sử. Là thể loại hội họa cao nhã và cầu kỳ nhất, tranh lịch sử đòi hỏi kỹ năng về bố cục và kiến thức văn học cao hơn. Miêu tả hành vi con người trong tranh tường thuật, lịch sử là chỉ dấu cho tài năng và tinh anh nghệ thuật đỉnh cao.
Giữa năm 1766 và 1781, họa sĩ Kauffmann chuyển đến London và khẳng định danh tiếng bản thân như là một nghệ sĩ hàng đầu, nhận những đơn đặt hàng uy tín. Bà cũng trở thành đồng sáng lập Học viện Nghệ thuật Hoàng gia và thường tổ chức triển lãm ở đó.
Tuy nhiên, gu thẩm mỹ của những nhà bảo trợ Anh phần lớn đã thay đổi sang tranh chân dung và phong cảnh, khiến cho bà Kauffmann ít có cơ hội theo đuổi các chủ đề lịch sử và thần thoại mà mình muốn. Cuối cùng, họa sĩ Kauffmann trở về Rome và mở một xưởng vẽ. Nhờ lượng khách hàng quốc tế của mình, nơi đây đã trở thành chỗ tụ họp của giới tinh hoa trí thức Âu Châu trong quãng đời còn lại của bà.
Mạng lưới giới tinh hoa quốc tế
Năm 1782, khi đang xây dựng một thư viện đồ sộ trong cung điện gia đình, Đức ông Onorato Caetani đặt hàng hai bức tranh sơn dầu từ họa sĩ Kauffmann, mỗi bức mô tả cảnh tượng trong cuốn tiểu thuyết giáo khoa của Pháp “Những Cuộc Phiêu Lưu Của Chàng Telemachus, Con Trai Của Vua Ulysses” (The Adventures of Telemachus, son of Ulysses).
Cuốn tiểu thuyết cổ điển này do gia sư của cháu trai ông viết dưới triều đại vua Louis XIV, lấy bối cảnh từ cốt truyện “Odyssey” của thi hào Homer, và kể lại những cuộc phiêu lưu học tập của con trai vị anh hùng này. Tuy nhiên cùng với nội dung phản đối chiến tranh, thói xa xỉ, và lời tuyên bố về tình anh em của con người, phần phê bình chính trị của cuốn tiểu thuyết này về sự cai trị độc tài của Vua Mặt trời cũng nhận được sự ủng hộ giữa những nhà tư tưởng Khai Sáng, từ Jean-Jacques Rousseau, Johann Gottfried Herder, và Thomas Jefferson cho đến các hội học giả ở Rome mà trong đó ông Caetani là người lãnh đạo.
Họa sĩ Kauffmann đã vẽ hai cảnh trong đó mà chàng Telemachus và người hướng dẫn Athena, cải trang thành lão Mentor, dạt vào bờ biển của thần Calypso, nơi mà chàng Telemachus kể về chuyến đi tìm người cha Odysseus của mình. Trong một lần, nhân vật chính được các nữ thần tiếp đãi trong khi thần Calypso dẫn lão Mentor rời đi. Trong lần khác, thần Calypso bảo các nữ thần của nàng ngừng hát bài ca ngợi vua Odysseus vì con trai ông đang phải chịu đựng nỗi đau buồn. Những tập này bắt đầu lời kể của chàng Telemachus về các vị vua nổi tiếng và vùng đất xa xôi. Đối với người xem đã quen thuộc với câu chuyện này, các cảnh này gợi lại những cuộc thảo luận vào thời kỳ Khai Sáng về giáo dục và hệ thống chính trị hiện hành trong giới trí thức ở thế kỷ 18.
Trong hai thập niên tiếp theo, danh tiếng và uy tín của bà Kauffmann vẫn thuộc hàng họa sĩ hàng đầu ở Rome, trung tâm mạng lưới sôi động của giới chủ lưu quốc tế. Khi ngài Johann Wolfgang von Goethe đến Rome từ năm 1786 đến năm 1788, hai người đã trở thành bạn bè thân thiết, bà trân trọng thi từ của ông và ông yêu mến hội họa của bà. Trong thời gian này, bà Kauffmann đã vẽ một bức chân dung, vài bản phác thảo, và hình minh họa cho các vở kịch và tác phẩm của ông.
Trong “Hành trình đến Ý” của mình, ông Goethe thường viết về bà như một nghệ sĩ tài năng, chăm chỉ và là một người phụ nữ có lòng thấu cảm. “Angelica luôn tốt bụng và hữu hảo,” ông đề cập trong một lá thư, “và tôi mang ơn cô ấy về nhiều mặt. Chúng tôi dành mỗi Chủ nhật cùng nhau và tôi luôn đến thăm cô ấy vào một buổi tối trong tuần. Tôi chỉ đơn giản là không hiểu là vì sao cô ấy có thể làm việc chăm chỉ như vậy, vậy mà cô ấy luôn nghĩ mình chẳng làm được gì cả.”
Vào ngày 05/11/1807, họa sĩ Angelica qua đời ở tuổi 66, để lại một công trình nghệ thuật đồ sộ gồm hơn 800 tác phẩm, một bộ sưu tập nghệ thuật và sách phong phú, cùng một khối tài sản lớn. Đám tang của bà, do điêu khắc gia Tân cổ điển vĩ đại Antonio Canova chủ trì, là nghi lễ tráng lệ nhất kể từ đám tang của danh họa Raphael — sự kiện được dùng làm hình mẫu cho sự kiện này. Hai bức tranh của bà được mang trong đám rước, và một tượng bán thân được đặt trong điện Pantheon cùng với tượng của Raphael. Mối liên hệ với người được coi là danh họa kiệt xuất nhất thời Phục Hưng này đã nói lên sự sùng mộ của những người đương thời đối với bà, cũng như di sản trường tồn của một nữ họa sĩ vĩ đại trong thế giới của những người đàn ông vĩ đại.
Thiên Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times