‘Dấu ấn người phụ nữ’
Buổi triển lãm được tuyển chọn kỹ lưỡng, tôn vinh những nữ nghệ sỹ thời kỳ cận đại, làm sáng tỏ những đóng góp của họ cho nghệ thuật, xuyên suốt các chất liệu khác nhau.
Bên khung cửa sổ đẹp như tranh, cô gái trẻ ngồi trong xưởng vẽ, cô đang vẽ sao chép một bông hoa tulip lên giấy. Đây là tác phẩm của nghệ sỹ người Pháp Louise Adéone Drölling, người đã nối gót cha và anh trai theo đuổi con đường nghệ thuật.
Khi nghĩ về các nữ nghệ sỹ đầu thời kỳ cận đại tại châu Âu, chúng ta thường được bảo rằng họ bị các đồng nghiệp nam kìm hãm và không có chỗ đứng trong cộng đồng nghệ thuật. Nhưng trên thực tế, từ thời kỳ Phục Hưng trở đi, phụ nữ đã có thể biểu đạt khả năng sáng tạo của mình trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, và chính các tác phẩm đa dạng của họ là điều mà triển lãm “Making Her Mark” (Dấu ấn người phụ nữ) muốn tôn vinh.
Được đưa từ Bảo tàng Nghệ thuật Baltimore đến Phòng trưng bày Nghệ thuật Ontario ở Toronto, triển lãm năm nay bao quát giai đoạn từ khoảng năm 1400 đến năm 1800 tại châu Âu và quy tụ các tác phẩm đa dạng trên nhiều chất liệu: gốm sứ, đồ nội thất, dệt may, in ấn, và tất nhiên, không thể thiếu các bức phác thảo và tranh vẽ.
Hai hạng mục cuối cùng này từ lâu đã được coi là lĩnh vực thuộc về các nam nghệ sỹ chuyên nghiệp, những người thể hiện tài năng sáng tạo của mình trong các tác phẩm được đặt hàng, trong khi nữ giới thường được cho là theo đuổi hội họa và màu nước để giải trí. Nhưng có một số họa sỹ, như cô Drölling, đã thụ nhận một nền giáo dục nghệ thuật uyên bác, cho phép họ truyền tải nhiều cung bậc cảm xúc về [cuộc sống] của một người phụ nữ trong xã hội Âu châu.
Trong bức tranh của họa sỹ Drölling, cô gái trẻ vận trang phục thanh lịch, ngồi bên cửa sổ. Cô đang vẽ tranh, nhưng không phải tại một xưởng vẽ bừa bộn, mà là ở tầng trên một căn phòng có trần cao, nơi có một cây đàn guitar, một bức tượng bán thân cổ điển, và chiếc kệ sách với những chiếc bìa đẹp mắt. Bên cạnh cô là một tập hồ sơ các bản vẽ, và thể hiện vị thế của cô là một nghệ sỹ cần mẫn, nhiệt huyết.
Đối với họa sỹ Drölling, đó có thể là hình ảnh lý tưởng về thời thiếu nữ — có học thức, am hiểu nghệ thuật và nhàn nhã — trái ngược với thực tế vất vả và cạnh tranh của thế giới nghệ thuật chuyên nghiệp. Tài năng của họa sỹ Drölling rõ ràng đã được công nhận: Bức tranh này đã giúp cô đạt được huy chương vàng tại Triển lãm Salon năm 1824 và ngay lập tức được đưa vào bộ sưu tập danh giá của một nhà quý tộc Pháp.
Ngôi sao nghệ thuật hàng đầu
Trên thực tế, xuyên suốt giai đoạn đầu thời cận đại, một số nữ họa sỹ đã có thể hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đặc biệt là ở các trung tâm lớn của Ý và Hà Lan. Họa sĩ Judith Leyster (1609–1660) là một trong số đó.
Năm 19 tuổi, họa sỹ Leyster đã được ca ngợi vì có “cái nhìn nhạy bén và sắc sảo.” Năm 1633, bà được gia nhập hội họa sỹ Haarlem. Sau này được tôn vinh là “ngôi sao dẫn đường đích thực trong nghệ thuật,” bà Leyster đã thực hiện bức chân dung tự họa này như một sự khẳng định về tài năng nghệ thuật của mình.
Trong bức vẽ, bà hướng ánh nhìn vào người xem với vẻ thư thái và tự tin, cánh tay tựa vào lưng ghế với dáng vẻ kiên định. Cầm trong tay bút vẽ và một bảng màu, bà dường như bị gián đoạn trong giây lát khỏi tác phẩm đang dang dở, tham khảo từ hình tượng nghệ sỹ vĩ cầm trong tác phẩm “Merry Company” (Bữa tiệc vui vẻ) — tác phẩm gần đây được đánh giá cao.
Tuy nhiên, bộ váy bằng ren và lụa lộng lẫy hoàn toàn không phù hợp với công việc tại xưởng vẽ, mà thay vào đó, nó gợi lên sự giàu có và địa vị xã hội đến từ những thành công trong nghề nghiệp của bà.
Những phụ nữ yêu ren
Loại ren tinh xảo mà họa sỹ Leyster khoác lên mình đầy kiêu hãnh biểu đạt một khía cạnh khác của loại hình nghệ thuật dành cho phái nữ này. Chế tác ren, một thể loại nghệ thuật cầu kỳ từ sợi chỉ, được phụ nữ trong các tu viện và tổ chức từ thiện thực hành rộng rãi. Trong thời kỳ hoàng kim của mình, ren là một trong những loại vải dệt thời thượng và có giá trị nhất ở châu Âu thời cận đại.
Đến năm 1665, giới quý tộc Pháp đã chi nhiều tiền cho mặt hàng ren chất lượng cao của Ý và Flemish (Bỉ), đến nỗi Vua Louis XIV phải ban sắc lệnh cấm nhập cảng chúng, đồng thời thành lập các nhà máy sản xuất nội địa trên khắp nước Pháp bằng cách lôi kéo các chuyên gia ngoại quốc đến đào tạo cho phụ nữ địa phương. Cộng hòa Venice coi đây là hoạt động gián điệp và ra sắc lệnh rằng những người thợ làm ren bị bắt gặp làm việc tại hải ngoại sẽ bị tống giam hoặc xử tử.
Tuy nhiên, với sự trợ giúp của hoàng gia, các nghệ nhân Pháp đã tạo ra những tác phẩm vô cùng tinh xảo trên quy mô lớn. Họ phát triển phong cách riêng, kết hợp các họa tiết thu nhỏ vào các thiết kế đối xứng, được gọi là “point de France.” Dải ren trang trí rộng bản này được sản xuất vào cuối thế kỷ 17, thể hiện các họa tiết hoàng gia vốn tiêu tốn hàng giờ, thậm chí nhiều ngày, để nhiều người cùng thực hiện. Được những người nghèo sản xuất cho giới nhà giàu, việc làm ren được xem là đức hạnh nhưng mặc đồ ren thì bị xem là phù phiếm. Những sản phẩm ren như thế này phản ánh những lực lượng kinh tế – xã hội phức tạp đang vận hành trong lịch sử Âu châu, đồng thời triển hiện vẻ đẹp được rèn giũa từ bàn tay khéo léo của những người phụ nữ khiêm nhường, vô danh.
‘Họa sĩ sứ đầu tiên cho Nhà vua’
Ở những xưởng thủ công khác, chẳng hạn như xưởng sản xuất đồ sứ, một số nữ nghệ nhân thực sự đã để lại tên tuổi của họ. Họ được tuyển dụng ở từng giai đoạn sản xuất, từ các xưởng gia đình đến cả những doanh nghiệp toàn cầu, với các công việc trải rộng từ chuẩn bị đất sét đến tạo mẫu, trang trí bề mặt, và vận hành xưởng.
Nghệ sĩ Marie-Victoire Jaquotot (1772–1855), một họa sỹ chân dung trên sứ nổi tiếng, đã vẽ tác phẩm tinh xảo có tên “Tea Service of Famous Women” (Bộ đồ trà của những người phụ nữ nổi tiếng) tại xưởng Sèvres từ năm 1811 đến năm 1812. Ban đầu [bộ đồ sứ] được thiết kế cho bà Josephine Bonaparte, Hoàng hậu của Hoàng đế Napoléon nước Pháp, bà Jaquotot đã vẽ chân dung của 16 người phụ nữ lỗi lạc trong lịch sử, bao gồm các nhà cầm quyền như Catherine Đại đế của Nga và Maria Theresa của Áo, cũng như những nhân vật văn hóa tiêu biểu như Thánh Joan xứ Arc và Madame de Sévigné.
Vào năm 1816, với sự khôi phục của chế độ quân chủ Bourbon, nghệ sỹ Jaquotot được nhận danh hiệu “Họa sỹ sứ đầu tiên cho Nhà vua.” Bà nổi bật giữa rất nhiều những nữ nghệ sỹ khác, những người nhận được đơn đặt hàng, doanh số bán hàng, danh hiệu, và các hình thức công nhận khác từ chính phủ mới.
Nhà thiết kế nổi tiếng Anh Quốc
Giống như gốm sứ, việc sản xuất vải cũng cần nhiều công đoạn mà nữ giới đóng một vai trò quan trọng. Trong khi phần lớn phụ nữ sẽ tham gia vào công việc dệt vải tốn nhiều thời gian và sức lực, thì một vài người trong số họ đã vươn lên người dẫn đầu và nhà thiết kế nổi bật của ngành công nghiệp này. Vào giữa thế kỷ 18, bà Anna Maria Garthwaite (1688 –1763) đã trở thành một trong những nhà thiết kế lụa nổi tiếng và thành công nhất nước Anh. Bà cho ra đời hơn một ngàn mẫu hoa văn được đưa vào vải dệt.
Phong cách của bà đặc trưng bởi những hình dây leo uốn lượn trang nhã với họa tiết các loài hoa từ khắp thế giới, bao gồm hoa mộc lan, cọ, nha đam, hoa lan, và dâm bụt. Giống như những mẫu vật thiên nhiên đã truyền cảm hứng cho chúng, các loại vải dệt này cũng băng qua đại dương, được chuyển từ xưởng ở Đông London đến các cảng gần đó như Dublin và xa xôi như New York và Philadelphia.
Chiếc váy dài này, hiện được bảo quản tại bảo tàng Colonial Williamsburg, được may vào khoảng thời gian Cách mạng Mỹ, với chất liệu bằng lụa lampas do bà Garthwaite thiết kế từ năm 1726 đến năm 1728. Loại vải này được truyền lại trong một gia đình tại vùng thuộc địa trong khoảng 50 năm và được tái sử dụng cho ba thế hệ trước khi được may thành chiếc váy cưới này.
Với các bản thảo của các nữ tu dòng kín, bản khắc của các nữ học giả, và tranh của các nữ họa sỹ Sofonisba Anguissola, Angelica Kauffman, và Élisabeth Vigée- Lebrun, triển lãm này áp dụng một định nghĩa rộng về “nữ nghệ sỹ” và trưng bày vô vàn chất liệu đa dạng mà một bài đánh giá ngắn khó có thể đề cập chi tiết. Triển lãm “Making Her Mark” đưa ra một bức tranh toàn diện và hấp dẫn về vai trò của những người phụ nữ sáng tạo trong xã hội Âu châu thời kỳ cận đại, và vì điều này, triển lãm xứng đáng để tận mắt chiêm ngưỡng.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times