Sandro Botticelli: Hiện thân của vẻ đẹp và đức hạnh
Danh họa Sandro Botticelli (vào khoảng 1445 –1510) hiện nay gần như đã trở thành cái tên quen thuộc đối với những người am hiểu nghệ thuật Tây phương. Tuy nhiên, người ta có thể ngạc nhiên khi biết rằng trong vài thế kỷ sau thời Phục Hưng, phần lớn các nghệ sĩ coi ông là họa sĩ sơ khai, mang phong cách thời Trung cổ, và không thể sánh ngang với sự hoàn hảo mà các danh họa Raphael lẫn Michelangelo đạt được.
Thật vậy, chỉ mới 100 năm trở lại đây, danh tiếng của họa sĩ Botticelli mới được khôi phục, được công nhận là một bậc thầy quan trọng của Sơ kỳ Phục Hưng. Tác phẩm của ông nói lên nhiều điều về mối quan hệ phức tạp giữa văn hóa Hy Lạp – La Mã và văn hóa Cơ Đốc Giáo trong xã hội Ý.
Pallas và Nhân Mã
Bức tranh thần thoại hoành tráng này thường được gọi là “Pallas and the Centaur” (Pallas và Nhân Mã), được xếp hạng là một trong những kiệt tác xuất chúng nhất trong các tác phẩm của danh họa Botticelli. Dưới một vách đá và trên nền khung cảnh xa xăm, hai nhân vật có kích thước như người thật đang tạo dáng thoải mái ở tiền cảnh. Ở bên trái là một Nhân Mã, một á Thần trong thần thoại cổ đại với bản tính hung hãn thường được gắn với những ham muốn và dục vọng mãnh liệt. Ở bên phải, một người phụ nữ mặc trang phục cầu kỳ cầm một lọn tóc xoăn của Nhân Mã trong tay, nhìn anh ta một cách thờ ơ.
Chủ đề của biểu tượng kỳ lạ này đã được tranh luận sôi nổi trong hơn một thế kỷ nhưng nay vẫn còn là một bí ẩn. Theo học thuyết phổ biến này, nhân vật nữ được xác định là Minerva, hay Pallas Athena, nữ thần trí tuệ của Hy Lạp – La Mã. Bà cầm một ngọn kích nghi lễ trong khi Nhân Mã mang theo một cây cung lỏng dây, nhưng không có dấu hiệu của bất kỳ cuộc chiến nào. Hình ảnh nữ thần hoàn toàn chế ngự Nhân Mã thường được coi là biểu thị cho sự khuất phục của bản năng thú tính của con người trước trí huệ của Thần.
Sự mô tả bằng hình tượng phức tạp như vậy phản ánh rõ nét bối cảnh tri thức vào thời đại của danh họa Botticelli. Trong suốt những năm 1400, các nhà nhân văn Florence đã thảo luận chính xác những vấn đề này về bản chất con người trong bối cảnh thần học Cơ Đốc Giáo và triết học cổ đại. Và cuộc thảo luận lên đến đỉnh điểm dưới thời cai trị của Lorenzo de’ Medici (1469 – 1492), một chính khách, chủ ngân hàng, đồng thời là người bảo trợ nghệ thuật có tầm ảnh hưởng và nhiệt thành nhất thời Phục Hưng .
Được sáng tác vào những năm 1480, sau khi Botticelli trở về từ Rome, bức tranh này có lẽ đã được chính Lorenzo đặt vẽ để làm quà cưới cho hôn lễ của người em họ. Chủ đề thần thoại ngoại giáo hẳn đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nhân văn đối với văn hóa cổ đại, và việc Nhân Mã tự nguyện phục tùng cũng có thể được coi là một biểu tượng lãng mạn cho cam kết hôn nhân.
Sự thờ phụng của ba nhà thông thái
Là họa sĩ cho giới thương gia và thượng lưu ở Florentine, danh họa Botticelli không chỉ hoạt động tích cực với tư cách là một nghệ sĩ mà còn là một thành viên trong cộng đồng của mình. Ông đã thực hiện nhiều bức chân dung cho các nhân vật đương thời và nhận các đơn hàng được đo ni đóng giày cho phù hợp với nhu cầu của người bảo trợ. Tác phẩm “The Adoration of the Magi” (Sự thờ phụng của ba nhà thông thái), một bức tranh thờ được vẽ vào năm 1475 cho thương gia Gaspare di Zanobi del Lama, miêu tả người bảo trợ của ông như một người bạn thân thiết của gia tộc Medici. Trong bức tranh này, danh họa Botticelli cũng tự tin đưa chân dung tự họa của chính mình vào, khẳng định mình là tác giả của bức tranh và là một công dân lỗi lạc của Florence dưới thời Medici.
Câu chuyện ba nhà thông thái đến viếng thăm khi Chúa Jesus ra đời là một trong những tình tiết quen thuộc nhất trong Kinh Thánh kể từ thời Trung Cổ. Trên bức tranh thờ, họ được khắc họa tụ tập dưới chân Thánh gia (holy family) để dâng lên lễ vật, trong khi đám đông những người ăn mặc chỉnh tề đứng ở hai bên.
Tuy nhiên, thay vì khắc họa ba nhà thông thái theo cách thông thường, danh họa Botticelli đã vẽ họ theo nét mặt của gia tộc Medici. Cosimo cha, người đầu tiên đưa gia tộc đến sự thịnh vượng, đóng vai nhà thông thái áo đen. Nhân vật ở bên dưới, trong chiếc áo choàng màu đỏ tươi, được xác định là con trai của ông, Piero, nguyên thủ quốc gia đến từ thế hệ thứ hai của gia tộc Medici. Các thành viên khác trong gia đình và bằng hữu của họ cũng xuất hiện rải rác trong đám đông, bao gồm ông Lorenzo, anh trai của Giuliano, và nhà thơ – triết gia Poliziano. Nhân vật phía bên phải tác phẩm được cho là Gaspare del Lama, người bảo trợ cho bức tranh này. Ông mặc áo choàng màu xanh da trời và đang chỉ tay về phía mình, hướng mặt về phía khán giả. Bản thân danh họa Botticelli cũng quay mặt khỏi khung cảnh đó và hướng về người xem với ánh nhìn chăm chú, như thể mời chúng ta thưởng lãm và chiêm nghiệm về thế giới mà ông đã tạo ra.
Chứa đựng vô số chân dung của những nhân vật đương thời, tác phẩm này như một bức tranh thu nhỏ về xã hội Florence thời Phục Hưng. Thương gia Di Zanobi đã đặt bức tranh thờ này ở nhà nguyện tang lễ của mình trong nhà thờ nổi tiếng Santa Maria Novella, nơi công chúng dễ dàng chiêm ngưỡng. Việc lựa chọn chủ đề, cũng như việc khắc họa gia tộc Medici, đã nói lên mong muốn của người bảo trợ là công khai mối quan hệ của mình với các chủ ngân hàng quyền lực từ gia tộc này. Thật vậy, nhà thờ nhỏ dành riêng ông di Zanobi được cung hiến vào ngày 06/01, ngày Lễ Chúa Hiển Linh, khi những thành viên gia tộc Medici hằng năm sẽ hóa trang thành ba nhà thông thái trong các đám rước mừng lễ.
Mặc dù được ủy thác thực hiện một bức tranh tôn giáo, nhưng danh họa Botticelli lại đi sâu vào miêu tả tất cả các mối quan hệ xã hội này, thể hiện những khát vọng trần tục của người bảo trợ hơn là lòng sùng tín của ông đối với Đấng Christ hoặc Đức Mẹ.
Thánh Augustine trong phòng làm việc
Tuy nhiên, việc theo đuổi rộng rãi vinh hoa phú quý nơi thế tục trong xã hội Florence ngày càng trở nên đáng lo ngại hơn đối với những người hiến dâng vào đời sống tâm linh thời Trung cổ, những người coi chế độ Medici và nền văn hóa nhân văn gắn liền với nó là suy đồi và mục nát. Năm 1494, sau khi Lorenzo qua đời, nhà thuyết giáo dòng Đa Minh Girolamo Savonarola đã tập hợp một lượng lớn tín đồ, nắm quyền [cai quản] thành phố, và trục xuất gia tộc Medici. Ông tố cáo nạn tham nhũng trong giới tu sĩ, chế độ chuyên quyền, và bóc lột người nghèo, đồng thời kêu gọi khôi phục đức tin Cơ Đốc Giáo.
Danh họa Botticelli, một nghệ sĩ mộ đạo sâu sắc được truyền cảm hứng từ các bài giảng của tu sĩ Savonarola, vào những năm cuối đời đã quay lưng lại với các chủ đề thế tục và ngoại giáo từng chiếm lĩnh tâm trí ông thời trẻ. Thậm chí, có tin đồn rằng ông đã tự tay thiêu hủy một số tác phẩm của mình tại “ngọn lửa thiêu những thứ phù phiếm” (*) của tu sĩ này.
Bức tranh nhỏ, vẽ trong bối cảnh riêng tư “St. Augustine in His Study” (Thánh Augustine trong phòng làm việc) được hoàn thành ngay trong thời kỳ biến động này, khi mối quan tâm nhân văn của ông đối với ngoại giáo thời cổ đại dường như đã nảy sinh xung đột không thể dung hòa với đức tin Cơ Đốc Giáo sâu sắc trong ông. Trong một căn phòng mộc mạc, có vòm trần, Thánh Augustine thành Hippo, một nhà thần học và triết gia xuất chúng sống ở thế kỷ thứ tư và thứ năm, đang ngồi đơn độc. Ông dường như đang lặng lẽ viết trên một cuốn sổ bỏ túi, nhưng những ngòi bút đã dùng hết và những tờ giấy rách rời rạc vứt trên sàn phản ánh trái tim của tác giả đang không hề bình yên.
Có lẽ danh họa Botticelli đang muốn nói lên điều gì ở đây: Hội họa, cũng giống như suy tư và viết lách, cần đến sự hy sinh và xét lại đầy dũng khí. Chỉ thông qua việc kiên trì sửa chữa những lỗi lầm và thiếu sót thì người ta mới có thể liên tục vượt qua chính mình và nỗ lực đạt được một tâm trí vĩ đại.
Thu Quý biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times