Gia tộc Medici: Nhà bảo trợ của thời kỳ Phục hưng Florentine
Không phải ngẫu nhiên mà ‘Thời kỳ hoàng kim’ của ngân hàng Medici trùng với giai đoạn quan trọng của thời kỳ Phục hưng.
Những danh hoạ như Donatello, Brunelleschi, Botticelli, và Michelangelo là những nghệ thuật gia nổi tiếng hàng đầu thế giới, và tác phẩm của họ đã trở thành những biểu tượng nghệ thuật huy hoàng của nước Ý. Du khách háo hức dừng chân để chụp ảnh nhanh các họa phẩm, bức tượng điêu khắc và những tòa kiến trúc nổi bật như một biểu tượng không lẫn vào đâu được. Những kiệt tác trường tồn với thời gian được trưng bày trong các viện bảo tàng trên khắp thế giới luôn được nhiều người chiêm ngưỡng. Tuy nhiên bí mật còn ẩn giấu trong các văn bản lịch sử là thực tế đã có bao nhiêu kiệt tác và những công trình kiến trúc như thế ra đời. Chủ đề về sự bảo trợ thường được ít người chú ý tới và đôi khi hiểu lầm, tuy nhiên nếu không có sự bảo trợ của những gia đình như Medici, thì thời kỳ Phục hưng như chúng ta biết ngày nay có thể sẽ khó xảy ra. Một bộ phim dài tập của Ý, ít người xem nhưng khá thú vị, được chiếu trên Netflix đã kịch tính hóa sự phát triển của gia tộc Medici trong thế kỷ 15 và người xem sẽ được lướt qua những tác phẩm nghệ thuật quý giá trong một số tập: tất nhiên kiến trúc sư Brunelleschi và danh họa Botticelli sẽ xuất hiện với vai trò nhân vật phụ.
Bộ phim gợi lên khái niệm về sự bảo trợ mà không đi sâu vào giải thích chi tiết. Nói một cách dễ hiểu, nhà bảo trợ là một người, gia tộc hoặc một tổ chức hỗ trợ tài chính cho các nghệ thuật gia. Trong khi một số nhà tài trợ uỷ quyền cho một tác phẩm duy nhất, thì một số khác sẽ cung cấp chỗ ở và tiền lương để các nghệ sĩ có thể sáng tác theo yêu cầu của họ. Cho đến thời kỳ Phục hưng của Ý, các quốc vương, giới quý tộc và các giáo sĩ Công giáo có địa vị cao (bao gồm cả Giáo hoàng) là một trong số ít những nhân vật nổi tiếng có đủ khả năng tài chính để bảo trợ cho nghệ thuật. Hơn nữa, tác phẩm nghệ thuật do các quốc vương và Hồng y ủy thác thường phục vụ các mục tiêu chính trị của riêng họ và củng cố các hệ thống giai tầng xã hội đương thời.
Gia tộc Medici tích lũy tài sản của họ và tạo ra một triều đại thông qua ngân hàng, một lĩnh vực mà họ góp phần hiện đại hóa. Ngân hàng Medici được thành lập tại Florence, nước Ý, và trong một thế kỷ, đây là ngân hàng quyền lực nhất Âu Châu. Mặc dù ngân hàng đóng cửa vào năm 1499, sự giàu có của tộc Medici vẫn duy trì quyền lực của gia đình này trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Gia tộc Medici đã sản sinh ra bốn giáo hoàng, hai nữ hoàng và vô số nhà lãnh đạo quý tộc khác nữa.
Không phải ngẫu nhiên mà ‘Thời kỳ hoàng kim’ của ngân hàng Medici trùng với giai đoạn quan trọng của thời kỳ Phục hưng được gọi là Quattrocento (thuật ngữ tiếng Ý có nghĩa là ‘những năm 1400’). Ông chủ ngân hàng Cosimo de của gia tộc Medici đã xác lập tầm quan trọng chính trị của gia đình mình ở Florence, và ông cũng ủy quyền một số kiệt tác nổi danh gắn liền với thời kỳ Phục hưng Florentine.
Trong số những tác phẩm được tài trợ có bức tượng David của nghệ thuật gia Donatello, một tác phẩm điêu khắc bằng đồng đã khai mở một kỷ nguyên mới trong lĩnh vực này.
Bức tượng David của Donatello được hoàn thành từ khoảng giữa năm 1420 đến năm 1460; ngày chính xác là không chắc chắn. Mặc dù không có tài liệu cụ thể nào tồn tại, các nhà sử học nghệ thuật cho rằng chủ nhân gia tộc Cosimo de của Medici đã ủy quyền cho tượng điêu khắc David trở thành trung tâm của Palazzo Medici* mới. David đồng thời đánh dấu sự thịnh vượng của Florence cũng như sự hồi sinh của nghệ thuật Tây phương. Cả hai thành tựu này đều nhờ một phần công của triều đại Medici. Kể từ thời Cổ đại (Hy Lạp và La Mã cổ đại,) David là bức tượng đứng riêng lẻ bằng đồng đầu tiên và cũng là tượng điêu khắc khỏa thân nam ra mắt đầu tiên. Donatello đã hoàn toàn thấy rõ kỹ nghệ tài tình của những bậc thầy tiền nhiệm cổ đại với khả năng vận dụng dáng đứng contrapposto hoàn hảo, tức là cách điêu khắc tượng hình chữ S để David dáng vẻ tự nhiên giống như con người. Hình dáng khỏa thân của chàng như làm nổi bật sự tái khám phá về hình dạng của con người, yếu tố chưa được đánh giá cao trong nghệ thuật kể từ thời cổ đại.
Sau chiến thắng trước dũng sĩ Goliath, biểu cảm khuôn mặt của David dường như đang suy tư. Cũng giống như nhiều họa sĩ thời Phục Hưng kế nhiệm ông, Donatello đã nghiên cứu kỹ các mô hình cổ, và gia đình Medici là một trong những nhà hảo tâm đầu tiên khuyến khích nỗ lực theo đuổi này.
Kiến trúc sư Filippo Brunelleschi cũng nhận được sự bảo trợ của Medici, đã tạo nên một kỳ quan kiến trúc, trở thành biểu tượng của chính Florence: mái vòm của Cattedrale di Santa Maria del Fiore (được gọi đơn giản hơn là Nhà thờ Florence). Việc xây dựng Nhà thờ bắt đầu vào năm 1296, với các thiết kế ban đầu bao gồm một mái vòm lớn trên nền hình bát giác. Khó khăn duy nhất là không có mái vòm quy mô kích thước như thế này được dựng lên từ thời cổ đại, và phương pháp này đã thất truyền khi Đế chế La Mã sụp đổ. Với sự hỗ trợ tài chính và xã hội của gia đình Medici, kiến trúc sư Brunelleschi đã nghiên cứu điện Pantheon, được xây dựng ở Rome vào năm 125 CN.
Tuy nhiên, điện Pantheon được xây dựng bằng bê tông và công thức pha trộn vật liệu này cũng đã bị thất truyền. Sau đó, Brunelleschi đã thiết kế một mái vòm hai lớp phức hợp cùng một hệ thống hỗ trợ nội thất sáng tạo. Ông chọn gạch cho mặt tiền ngoại thất vì chúng nhẹ và lý tưởng cho kiến trúc mà ông đã thiết kế. Mái vòm mất 16 năm để xây dựng xong, nhưng việc hoàn thành nó báo hiệu sự khởi đầu của kỷ nguyên hiện đại trong kiến trúc và kỹ thuật. Mái vòm cũng giống như ngân hàng của gia tộc Medici, đã khiến cho toàn thế giới nể phục thành phố Florence.
Trong khi mái vòm của Nhà thờ Florence thu hút mọi người từ khắp nơi trên thế giới, thì các kiệt tác của danh họa Sandro Botticelli cũng là đại diện cho đỉnh cao của lịch sử nghệ thuật Tây phương. Lorenzo de của gia đình Medici đã tiếp nối di sản truyền thống mà ông nội Cosimo đã khởi tạo, và Botticelli là một trong số những họa sĩ được bảo trợ bởi tộc trưởng Medici trẻ tuổi. Lorenzo de của Medici cũng đã bảo trợ lĩnh vực khoa học nhân văn và triết học thần học, đã làm nền tảng cho phần lớn các tác phẩm của Botticelli.
“Sự ra đời của nữ thần Venus” và “La Primavera” của họa sĩ Botticelli là hai trong số những bức tranh nổi tiếng nhất trong nghệ thuật Tây phương. Tác phẩm nữ thần Venus, vào khoảng năm 1485, không thể được xác nhận trực tiếp từ dòng họ Medici, mặc dù thực tế là họ đã sở hữu nó tại một thời điểm nào đó. Họa phẩm miêu tả nữ thần Venus nổi lên khỏi mặt biển, thời điểm mới sinh ra đã trông như một người trưởng thành. Đáng chú ý, bức tranh khắc họa thần Venus này lần đầu tiên không theo Kinh Thánh, là hình ảnh khỏa thân hoàn toàn kể từ thời cổ đại, kết nối thời kỳ Phục hưng của Ý với thần thoại Hy Lạp và La Mã. Thần gió Zephyr mang theo thần Aura và một tiên nữ đang khoác lên che chở cho Venus: tất cả đều là những nhân vật mô phỏng theo thần thoại. Đặc điểm điển hình của các nhân vật của Botticelli là đường cong của cơ thể nữ thần Venus và một số chiều hướng được gợi lên, nhưng nàng vẫn đứng thẳng (được phác thảo bằng một số nét chính) và giữ một tư thế không thực tế.
Tác phẩm La Primavera của Botticelli, giống như “Sự ra đời của nữ thần Venus,” tái hiện các chủ đề ngoại đạo từ các thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại. Một lần nữa, nữ thần Venus trở thành chủ đề chính, mặc dù bối cảnh và câu chuyện có vẻ phức tạp hơn. Ở bên trái người xem, ba chị em nàng thơ Three Graces nhảy múa hài hòa. Đặc biệt là ba nàng tiên ân sủng – các cô con gái của thần Zeus – là một chủ đề phổ biến trong thời cổ xưa, và Botticelli đã một lần nữa giới thiệu lại chủ đề này với mỹ thuật Tây phương.
Hơn nữa, ông đã miêu tả từ ba góc nhìn khác nhau (phía trước, bên cạnh và phía sau,) góp phần tạo nên một bố cục không gian hấp dẫn. Các nhân vật thần thoại khác, chẳng hạn như thần Cupid, con trai của thần Venus cũng được thể hiện. Bối cảnh diễn ra giữa một khu rừng cam, gợi liên tưởng trực tiếp đến biểu tượng và huy hiệu của gia tộc Medici. Người ta thường cho rằng tác phẩm nghệ thuật này được ủy quyền bởi Medici, rất có thể là Lorenzo đã đặt. Bức tranh có thể gợi đến niềm tin Thần học, và chắc chắn mang nhiều ý nghĩa và tôn vinh mối quan tâm của gia đình Medici với chủ nghĩa nhân đạo.
Mặc dù chủ đề thần thoại đã được phổ biến ở triều đại Medici và là đặc điểm đặc sắc cho nghệ thuật thời Phục hưng, các chủ đề Kinh Thánh cũng chiếm ưu thế. Tượng David, như đã miêu tả ở trên, đã tạo một tiền lệ khắc hoạ các chủ đề Cơ đốc theo những phương pháp và đặc điểm sáng tạo mới. Tác phẩm “Sự phán xét cuối cùng của Michelangelo” có thể là đỉnh cao của gia đình Medici trong sự bảo trợ nghệ thuật Kinh thánh. Thật vậy, Giáo hoàng Clement VII, người đã ủy thác tác phẩm này, là cháu trai của Lorenzo de Medici đã được nhắc ở trên.
Bức tranh “Sự phán xét cuối cùng,” bắt đầu vào năm 1536, bao phủ một bức tường bàn thờ trong nhà nguyện Sistine danh tiếng, nơi người họa sĩ đã vẽ trần nhà vào hai thập kỷ trước đó. Không thể đánh giá thấp tầm quan trọng của bức tường bàn thờ: Hồng y đoàn đã họp tại đây để bầu chọn Giáo hoàng mới, một truyền thống đã tiếp nối từ nhiều thế kỷ trước. Chủ đề sự tái lâm của Đấng Christ như được dự báo trong kinh Tân Ước, từ lâu đã trở thành mô típ truyền thống yêu thích của các nghệ thuật gia.
Tuy nhiên, những tác phẩm của Michelangelo đã mang lại một sức mạnh mới về mặt tâm lý và thị giác. Ở bên trái người xem, người được ban phước lên Thiên đường, trong khi những người khốn khổ bị ném xuống Địa ngục ở phía bên phải. Chúa Christ đang xem xét những kẻ bị đày địa ngục, đang chỉ vào vết thương của Ngài. Đức Trinh nữ Maria hướng ánh nhìn về phía những người được ban phước. Nhiều vị thánh xung quanh Chúa Christ, và các thiên thần và ác quỷ tham gia vào cuộc chiến điên cuồng. Đó là một lời bác bỏ mạnh mẽ đối với cuộc Cải chính Tin lành, vốn đang đạt được sức hút vào thời điểm Giáo hoàng Clement VII ủy quyền cho bức bích họa mang tính cảnh báo trước này.
Mỗi tác phẩm được đề cập ở đây là những kiệt tác của thời kỳ Phục hưng Florentine đã truyền tải những góc nhìn tương ứng của chúng (hội họa, điêu khắc, kiến trúc). Những cái tên và hình ảnh đều nổi tiếng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nếu không có sự bảo trợ của gia đình Medici, nhiều tác phẩm trong số này, cùng với vô số biểu tượng khác có thể sẽ khó lòng tồn tại. Khi thưởng lãm nghệ thuật, việc hiểu một tác phẩm đã ra đời như thế nào thường bị bỏ qua, nhưng điều đó sẽ mang lại cho chúng ta một góc nhìn nghệ thuật sâu sắc hơn rất nhiều.
*Chú thích:
Palazzo Medici là một địa điểm đại diện chính trị và xã hội quan trọng của gia tộc Medici. Đây là nơi đặt trụ sở của Thành phố Florence và một viện bảo tàng.
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times