Hoàng hậu Henrietta Maria: Nhà bảo trợ đã thay đổi nền văn hóa Anh quốc
Hoàng hậu Henrietta Maria đến Anh quốc sau khi kết hôn với Vua Charles Đệ nhất, một trong những người am tường nghệ thuật hoàng gia vĩ đại nhất trong lịch sử. Xuất thân trong một gia đình có nhiều nhà bảo trợ ưu tú thời kỳ Phục hưng — dòng dõi Medici xứ Florence — vị tân hoàng hậu này đã trở thành nhà bảo trợ tận tâm cho nền nghệ thuật, văn học, và kiến trúc ở Anh quốc vào thế kỷ 17.
Dòng dõi bảo trợ nghệ thuật
Ở các quốc gia nói Anh ngữ, bà Henrietta Maria chỉ được nhớ đến là một nàng công chúa Pháp quốc trở thành hoàng hậu Anh quốc. Là thành viên sinh ra trong Vương tộc Bourbon, bà là con gái, em gái, và dì của các vị vua Pháp. Chuyến hành trình đến Anh là lần đầu tiên bà ra khỏi biên giới Pháp quốc.
Sau thất bại của những người ủng hộ nền quân chủ trong cuộc Nội chiến Anh, bà bỏ chạy về quê hương vào năm 1644, và ở lại đó cho đến khi con trai bà là Vua Charles Đệ nhị khôi phục nền quân chủ vào năm 1660. Năm 1665, bà trở lại Pháp quốc lần cuối cùng, và qua đời tại đây bốn năm sau đó.
Thân mẫu của hoàng hậu Henrietta là hoàng hậu Marie de’ Medici. Bà Marie trở thành hoàng hậu của Pháp quốc sau khi thành hôn. Hoàng hậu Marie là con gái của công tước Medici xứ Florence. Bà đã sống 25 năm đầu tiên ở Florence, nơi khởi xướng phong trào Phục hưng Ý và là quê hương của nhiều bậc thầy vĩ đại nhất. Là người kế thừa truyền thống tổ tiên đích thực, Hoàng hậu Marie đã bảo trợ cho rất nhiều nghệ sĩ và văn nhân nhằm khôi phục đời sống văn hóa của triều đình Pháp theo hình mẫu Florence. Hoàng hậu Henrietta đã trải qua những năm tháng định hình văn hóa quan trọng nhất của mình trong bầu không khí như vậy.
Khi đó, Anh quốc đang ở trong điều kiện văn hóa rất khác biệt so với quê hương của bà. Người Anh chỉ mới bắt đầu phát triển mối quan tâm nghiêm túc đối với nghệ thuật lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ. Văn học Anh đang nở rộ và bước vào thời kỳ hoàng kim với những văn nhân hoạt động tích cực như Ben Jonson và John Donne — dù đại văn hào Shakespeare đã qua đời một thập niên trước đó. Thẩm mỹ kiến trúc của thời đại này cũng bắt đầu chuyển từ phong cách Jacobean độc đáo của Anh quốc sang trường phái cổ điển nghiêm ngặt (yêu cầu tỷ lệ chính xác cao).
Vua Charles Đệ nhất là người đi đầu trong việc thay đổi văn hóa Anh quốc. Mẫu thân, người anh trai qua đời sớm, và người bạn thân của ông, Công tước Buckingham là những người đã đặt những nền móng đầu tiên. Năm 1623, nhà vua dành vài tháng để viếng thăm hoàng gia Tây Ban Nha — quê hương của một trong những bộ sưu tập nghệ thuật thời kỳ Phục hưng lớn nhất thế giới — và trở về Anh quốc với quyết tâm học theo điều này. Ông và Hoàng hậu Henrietta hỗ trợ nhau khá tốt — cả trong cuộc hôn nhân son sắt đáng chú ý và trong giới bảo trợ văn hóa. Mà vai trò của hoàng hậu trong việc bảo trợ văn hóa đó vẫn thường bị hiểu lầm.
Sự cống hiến của Hoàng hậu
Lĩnh vực mà Hoàng hậu Henrietta bảo trợ rộng nhất là văn học và kịch nghệ Anh. Điều đặc biệt nổi bật là bà đã thuê ông James Shirley là nhà soạn kịch cho đoàn hát của mình, và bà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phong ông William Davenant là thi sĩ hoàng gia Anh. Khi được xếp vào hàng những nhà viết kịch ngắn tài năng và quan trọng hơn, cả hai ông đều trở thành những văn nhân dẫn đầu trong chuyên môn của mình ở Anh quốc thế kỷ 17, sau khi nhà văn Jonson về hưu.
Ông Davenant trở thành một trong số ít những văn nhân đã liên kết giữa kịch nghệ thời Phục hưng Anh và kịch nghệ thời khôi phục nền quân chủ Anh. Ông bảo tồn truyền thống kịch nghệ Anh quốc bất chấp những nỗ lực đàn áp của chế độ Thanh Giáo cai trị từ năm 1649 đến năm 1660. Việc nhà viết kịch Shirley xây dựng tuyến nhân vật nhỏ hơn so với các bậc tiền bối lừng lẫy hơn ông, là hình mẫu mà đại thi hào John Dryden đã học theo, và [sau này] trở thành thông lệ.
Có lẽ kiến trúc là lĩnh vực nổi tiếng nhất mà Hoàng hậu Henrietta bảo trợ. Cung Hoàng hậu (hiện là một phần của Bảo tàng Hoàng gia) là tòa kiến trúc đầu tiên ở Anh quốc được xây dựng theo phong cách cổ điển nghiêm ngặt (yêu cầu tỷ lệ chính xác cao), và là một trong những công trình ủy thác lớn đầu tiên của kiến trúc sư Inigo Jones. Những cống hiến cá nhân quan trọng nhất của Hoàng hậu Henrietta — một phương diện bảo trợ thường bị bỏ qua — là các bức tranh mà bà đặt vẽ cho Cung Hoàng hậu. Người ta thường cho rằng, vai trò của bà với tư cách là nhà bảo trợ hội họa chỉ giới hạn ở việc giúp đỡ và ủng hộ những nỗ lực của phu quân. Tuy nhiên, việc bà lựa chọn họa sĩ Orazio Gentileschi vẽ trần nhà Đại Sảnh (Great Hall) cho thấy sở thích cá nhân và cổ điển của bà.
Ủy thác cho họa sĩ Gentileschi
Sinh năm 1563 ở Tuscany, họa sĩ Gentileschi ban đầu được đào tạo theo truyền thống cổ điển gắn liền với các nghệ sĩ của Florence và sự bảo trợ của những người trị vì thuộc dòng dõi Medici ở xứ này. Về sau, ông chịu ảnh hưởng của danh họa Caravaggio, và chuyển từ trường phái cổ điển sang phong cách baroque đang trên đà phát triển. Năm 1624, ông rời Ý để đến Paris làm việc cho Hoàng hậu Marie. Cuối cùng thì ông chuyển đến Anh quốc vài năm sau đó khi được Công tước Buckingham thuê làm việc.
Vụ ám sát Công tước Buckingham vào năm 1628 cộng với việc họa sĩ Gentileschi quay trở lại phong cách cổ điển hơn đã khiến ông không nhận được nhiều sự bảo trợ trong môi trường dành riêng cho phong cách baroque. Tuy nhiên, Hoàng hậu Henrietta là một ngoại lệ — khi bà cố gắng mua rất nhiều tranh của họa sĩ Gentileschi. Bà đặt hàng những tác phẩm mới và thuyết phục phu quân của bà ủy thác nhiều bức tranh khác. Các bức tranh như “The Finding of Mose” (Tìm thấy Thánh Moses), “Joseph and Potiphar’s Wife” (Thánh Joseph và Phu nhân của Potiphar), và “An Allegory of Peace and the Arts” (Câu truyện ngụ ngôn về hòa bình và nghệ thuật) đều nằm trong số những tác phẩm quan trọng bậc nhất.
Năm 1743, 74 năm sau khi Hoàng hậu Henrietta qua đời, gia tộc Medici mất đi quyền lực khi dòng dõi huyết thống của Đại công tước Cosimo ở xứ Florence kết thúc. Tuy nhiên, London đã củng cố được vị thế là trung tâm nghệ thuật vĩ đại dưới thời trị vì của Vua Charles Đệ nhất, với ngày càng nhiều nghệ sĩ gốc Anh được truyền cảm hứng từ những bậc thầy ngoại quốc từng sinh sống và làm việc ở đó.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times