Vẻ đẹp vượt thời gian trong những tác phẩm nghệ thuật hàn lâm Pháp quốc thế kỷ 19
Thần thoại cổ đại trong nghệ thuật hàn lâm Pháp thế kỷ 19
Thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại từ lâu đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của các nghệ sĩ trên toàn thế giới trong nhiều thế kỷ, và là một trong những ví dụ truyền cảm hứng nhất có thể được nhìn thấy ở Pháp vào thế kỷ 19.
Trong suốt thế kỷ này, bối cảnh nghệ thuật ở Pháp nổi lên vô cùng phong phú với một loạt các phương pháp và chủ đề đã được khám phá và thể hiện. Nghệ thuật hàn lâm là một trong những phong cách xuất hiện bền bỉ nhất. Phong cách thẩm mỹ này được phát triển tại các học viện nghệ thuật Âu Châu, bao gồm trường Académie des Beaux-Arts nổi tiếng ở Pháp.
Những học viện này tự hào với một lịch sử lâu đời ở Âu Châu. Trưởng lão Cosimo I de’Medici, người bảo trợ danh tiếng của thời Phục hưng Ý đã thành lập học viện đầu tiên ở Florence vào năm 1563. Các chủ đề thần thoại được quan tâm nhiều nhất tại học viện Académie des Beaux-Arts kể từ khi thành lập, và đây là cái nôi sản sinh ra vô số kiệt tác cổ điển.
Nghệ thuật hàn lâm theo đuổi việc dung hòa các khía cạnh học thuật mà những nghệ sĩ đã tranh luận qua hàng bao thế kỷ. Chủ đề của cuộc thảo luận xoay quanh việc liệu đường nét, hình thức hay màu sắc là quan trọng nhất trong bố cục. Trong các học viện Âu Châu, một sự tổng hợp vô song đã nổi lên mạnh mẽ. Những câu chuyện thần thoại Hy Lạp và La Mã cổ đại đã mang đến cho các họa sĩ chủ đề vĩnh hằng cần thiết để làm chủ phong cách nghệ thuật này. Vì những câu chuyện thần thoại và lý tưởng của chúng mang một ý nghĩa quan trọng trong giới học thuật, nên các chủ đề thần thoại là nguồn gốc của sự phát triển cả về mặt nghệ thuật và trí tuệ.
Cuộc bắt cóc nàng Psyche
Các bức tranh của William-Adolphe Bouguereau thể hiện chuyên môn học thuật trong việc kết hợp đường nét và màu sắc hoàn hảo để miêu tả một cách sinh động những ý tưởng ngụ ngôn vào cuộc sống. Bouguereau đã trở nên gắn liền với chủ nghĩa hàn lâm của Pháp trong những thập kỷ gần đây. Tác phẩm nghệ thuật “Cuộc bắt cóc Psyche” của ông được sáng tác năm 1895, đã làm hồi sinh một câu chuyện cổ cho những khán giả đương đại.
Có thể dịch nhan đề là “Sự say mê của nàng Psyche,” câu chuyện đến từ cuốn sách ở thế kỷ thứ 2 tên là “Metamorphoses”(Sách về sự biến đổi) của nhà văn Lucius Apuleius Madaurensis. Câu chuyện kể về nàng Psyche cùng thần Cupid và sức mạnh vượt bậc của một tình yêu đích thực. Những người đàn ông không còn thờ cúng Đền thờ thần Vệ nữ vì nàng Psyche rất xinh đẹp mặc dù được sinh ra dưới thân phận một người phàm và là một công chúa. Nữ thần đem lòng đố kỵ nên đã ra lệnh cho con trai mình là thần Cupid bắn một mũi tên vào trái tim của nàng Psyche, để khiến nàng phải lòng một người đàn ông xấu xa, hèn mọn. Thay vào đó, Cupid đã tự bắn mình và đem lòng yêu nàng. Sau một loạt các thử thách phi thường, nàng Psyche đã được thần Zeus phong làm tiên nữ. Cuối cùng nàng và thần Cupid cũng được đoàn tụ. Bức tranh của họa sĩ Bouguereau mô tả khoảnh khắc thần Cupid bế cô dâu của mình bay lên thiên đường, chàng rạng rỡ trong niềm hạnh phúc còn nàng Psyche thì bừng sáng trong niềm vui và thư thái.
Sáng tác của Bouguereau là một ví dụ tao nhã về phong cách hàn lâm của thế kỷ 19 . Các đường nét và hình dạng thấm nhuần thuyết động lực học trông như nâng bổng các nhân vật lên bầu trời, trong khi chiếc áo choàng màu tím sống động gắn kết đôi tình nhân. Những đám mây huyền ảo và phông nền phía sau giúp nêu bật cho câu chuyện chính.
Đáng chú ý, đây không chỉ là một tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ mà không mang ý nghĩa sâu sắc hơn. Hoạ sĩ Bouguereau đã suy ngẫm về bản chất vĩnh hằng của tình yêu đích thực, sự bất tử cũng như mối quan hệ giữa tình yêu và tâm hồn. (Thần Cupid tượng trưng cho tình yêu, và nàng “psyche” mang cái tên có ý nghĩa là “linh hồn” trong tiếng Hy Lạp.) Người nghệ sĩ như muốn nhắc nhở người xem rằng tình yêu với tâm hồn thuần khiết sẽ chiến thắng mọi khó khăn.
Nữ thần rượu Bacchante
Hoạ sĩ Bouguereau đã khắc hoạ lại một nhân vật thần thoại khác trong bức tranh năm 1894, tên là “Nữ thần Bacchante” của ông. Trong thần thoại Hy Lạp, thần bacchante còn được gọi là “Bà tế thần rượu Bắc,” là những tín đồ của vị thần Dionysus (Bacchus trong truyền thống La Mã). Dionysus là vị thần của rượu vang, lễ hội và sân khấu Bacchante của hoạ sĩ Bouguereau mang theo một bình đựng rượu và cốc, và vương miện bằng lá của bà giống như những cây nho.
Theo truyền thống, Bà tế thần rượu Bắc được hình dung như những kẻ vui chơi điên cuồng, hưng phấn triền miên, sung sướng và quá khích. Tuy nhiên, Bouguereau tôn lên dáng vẻ êm đềm, và bà trở thành biểu tượng trí tuệ về những niềm vui đoan chính hơn trong cuộc sống. Không nghi ngờ gì nữa, hoạ phẩm này chắc chắn sẽ thu hút khán giả của ông — những người thích tham dự triển lãm ở Paris.
Nàng thơ Calliope dạy đàn cho con trai Orpheus
Tương tự như vậy, hoạ sĩ Auguste Alexandre Hirsch đã sử dụng các thần thoại Hy Lạp để tôn vinh những niềm vui khiêm tốn và hoành tráng của cuộc sống. Bức hoạ nổi tiếng nhất của ông, “Nàng thơ Calliope dạy đàn cho trai Orpheus,” từ năm 1865, là sự tôn vinh âm nhạc và sức mạnh trường tồn của nghệ thuật. Tác phẩm mô tả Calliope, nàng thơ của sử thi, dạy con trai Orpheus cách chơi đàn lia. Đàn lia là biểu tượng chung của bộ đôi mẹ con này. Chàng Orpheus được xem là một nhà thơ và nhạc sĩ lẫy lừng nhất của Hy Lạp cổ đại. Giọng hát độc nhất của chàng có thể thuần hoá động vật mang đến sự sống cho cây cỏ và những tảng đá. Hirsch gợi ý về tài năng của chàng với hình ảnh chú gà lôi nhỏ đang đứng ở góc phải của bố cục.
Bên cạnh chủ đề, Hirsch khắc họa các nhân vật của mình dựa theo quá trình đào tạo của ông. Nàng Calliope và con trai Orpheus là những nhân vật thuộc chủ nghĩa tự nhiên được lý tưởng hóa với làn da gần như sáng bóng và không tì vết. Sự gần gũi gia đình của họ được nhấn mạnh bởi chiếc áo choàng có màu đỏ đồng điệu mà hai người đang mặc. Trong khi hai người đương mải mê vào việc hướng dẫn, thì sự chuyển động không làm lấn át sự trầm lắng của một tác phẩm nghệ thuật. Các họa sĩ hàn lâm Pháp thường xuyên vận dụng những phong cách lãng mạn đương thời, một phong cách điển hình bởi năng lượng và táo bạo. Tuy nhiên, các hoạ sĩ học thuật thường cẩn trọng hơn trong việc thể hiện những hoạt động của họ.
Mùa xuân
Sự cân bằng giữa chuyển động và tĩnh lặng này cũng có thể được thưởng lãm trong bức tranh năm 1873 của Pierre-Auguste Cot “Mùa Xuân.” Tác phẩm đáng chú ý nhất của Cot, với tư cách là học trò của cả Bouguereau và Alexandre Cabanel, là một mô tả tượng trưng về sự rung động của tuổi trẻ, tình yêu đầu đời và những khởi đầu mới. Trên xích đu, hai người yêu trẻ có một cái ôm thắm thiết. Họ được bao quanh bởi một khung cảnh thiên nhiên tươi tốt, hoa cỏ nở rộ, báo hiệu mùa xuân đến và một tình yêu mới đang chớm nở. Hai nhân vật mặc trang phục theo phong cách cổ điển, mang đến cho khung cảnh một cảm giác vĩnh cửu. Sự trường tồn này là yếu tố then chốt của nghệ thuật hàn lâm, vì các hoạ sĩ tin rằng những khái niệm và lý tưởng quan trọng nhất là phải có tính phổ quát và cần vượt qua hết thảy thời gian, không gian.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times