Tìm kiếm tự do theo lề luật của Thiên Chúa: Tác phẩm ‘Daniel trong Hang Sư tử
Chạm vào nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống vun bồi cho trái tim
Ông Daniel là một người Do Thái mộ đạo, sống trong thời đại trị vì của Vua Darius. Ngài Darius, vua của đất nước Ba Tư ở thế kỷ thứ 6 và 5 Trước Công Nguyên (TCN), có thiên hướng thân thiện với những người Do Thái và thậm chí ông còn đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại Ngôi Đền Jerusalem sau khi những người Babylon phá hủy nơi này.
Vua Darius khâm phục ông Daniel và tìm cách trao thêm quyền lực cho ông với tư cách là một giám quản địa phận, điều này đã làm dấy lên sự đố kỵ của những vị giám quản khác trong khu vực. Kết quả là những vị giám quản khác muốn làm mất uy tín của ông Daniel, tuy nhiên với tính cách của ông thì họ không thể tìm thấy bất cứ sai sót nào.
Để làm tổn hại danh tiếng ông Daniel, các vị giám quản đã sắp đặt một âm mưu thao túng. Họ cùng nhau thuyết phục Vua Darius ban hành một đạo luật mới quy định rằng bất cứ ai đã cầu nguyện trước bất kỳ một vị thần nào chưa được công nhận thì sẽ bị ném vào một hang sư tử. Đạo luật này sẽ được ban hành trong vòng 30 ngày và không được thay đổi sau khi được công bố. Vua Darius đã chấp thuận đề nghị này. Các giám quản đó biết rằng, chỉ khi họ tấn công vào mối liên hệ giữa ông Daniel với Thiên Chúa, thì họ mới có thể hãm hại được ông.
Ông Daniel đã nghe nói về đạo luật mới này, nhưng ông không để điều này ảnh hưởng đến những việc mình cần làm. Ông đã tiếp tục cầu nguyện với Thiên Chúa như trước đây. Những người giám quản đã cùng nhau đến để bắt ông Daniel khi ông đang cầu nguyện trước Chúa, và họ tấu với Vua Darius rằng ông Daniel đã vi phạm luật mới này. Nhà Vua vô cùng đau khổ khi biết tin, nhưng ông cũng không thể làm gì để bảo vệ ông Daniel.
Các giám quản đã ra lệnh đưa ông Daniel vào hang sư tử và nhạo báng ông trước khi khóa cửa nhốt ông.
Vua Darius lo lắng cho ông Daniel suốt cả đêm, và khi bình minh vừa ló dạng, ông đã chạy đến xem liệu ông Daniel có bị tổn thương hay không. Nhà Vua phát hiện ông vẫn bình yên vô sự. Ông giải thích cho Vua Darius rằng Chúa đã gửi các thiên thần đến để khóa miệng những con sư tử bởi vì ông vô tội khi chiếu theo lề luật của Thiên Chúa.
Vua Darius vô cùng vui mừng và lập tức phóng thích ông Daniel. Sau đó, nhà Vua đã ném những người giám quản gây ra cớ sự này vào hang sư tử để thay thế, và rồi bầy sư tử đã nuốt chửng họ.
Tác phẩm “Daniel trong hang Sư tử” của họa sĩ Peter Paul Rubens
Ngài Peter Paul Rubens, được xem là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử nghệ thuật theo kinh điển phương Tây, ông đã vẽ trong suốt thời kỳ Phản Cải Cách của Giáo hội Công Giáo La Mã. Đây là một thời kỳ mà các Giáo hội, đang trong cuộc đấu tranh chống lại đạo Tin Lành, tổ chức kỷ niệm những vị Thánh tử vì đạo của Cơ Đốc Giáo thời kỳ đầu nhằm mục đích đánh thức các tín hữu trong thời kỳ đức tin suy yếu.
Ông Rubens, một tín đồ Cơ Đốc sùng đạo, đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ Phản Cải Cách. Việc vẽ bức tranh “Daniel trong hang Sư tử” là một cơ hội mà ông tận dụng để truyền thêm tín tâm cho những tín đồ Cơ Đốc khác bằng tinh thần của các vị thánh tử vì đạo trong Kinh Thánh.
Họa sĩ Rubens đã vẽ ông Daniel là một nhân vật đơn độc trong tác phẩm này. Ông ngồi ở phía bên phải, hai chân bắt chéo và đôi bàn tay chắp lại để cầu nguyện. Một vùng ánh sáng huyền ảo tỏa ra từ phía bên trái đầu của ông Daniel, và khi cửa hang mở ra, ông ngước nhìn lên một cách kinh ngạc.
Chín con sư tử vây quanh ông Daniel, nhưng dường như chúng không có chút hứng thú nào với ông. Một số con thì ngủ, một số con khác nằm nghỉ ngơi, hai con đang chơi đùa, và một con đang ngáp dài. Điều mà những con sư tử này ít bận tâm nhất có lẽ là ông Daniel, người vẫn bình an giữa vòng vây của bầy sư tử, mặc dù có rất nhiều xương người rải rác quanh hang.
Tính công chính theo lề luật của Thiên Chúa
Trên bề mặt, câu chuyện về ông Daniel và bầy sư tử chỉ đơn giản là đại diện cho sức mạnh của đức tin vào Thiên Chúa. Ông Daniel đã giữ vững đức tin của mình vào Thiên Chúa mặc dù ông bị những người ở vị trí quyền lực tấn công. Chính niềm tin của ông đã mang đến một phép màu, cứu rỗi ông khỏi một cái chết thê thảm. Tuy nhiên, câu chuyện này có thể còn có những nội hàm khác.
Trước tiên, hãy bắt đầu bằng việc nghiên cứu kỹ hai loại luật pháp này. Nhà Vua là người giàu có nhất và quyền lực nhất ở vùng đất này. Ông có đầy đủ quyền hạn để tạo ra luật khi ông thấy điều đó là cần thiết và cũng có thể xóa bỏ luật đó nếu ông nhận thấy không phù hợp.
Tuy vậy, những vị giám quản địa phận có thể dễ dàng thao túng Vua Darius để thiết lập một đạo luật mới với mục đích duy nhất là hãm hại ông Daniel. Trên thực tế, đạo luật này được lập ra dựa trên lòng đố kỵ với một người công chính, và đi kèm đạo luật này là một sắc lệnh không cho phép thay đổi đạo luật đó. Kết quả là, nhà vua cũng không thể ngăn chặn việc một người vô tội bị hãm hại. Luật pháp đã ngăn cản nhà vua hành động như một người tốt.
Tuy nhiên, vẫn còn có một luật khác cao hơn: đó là lề luật của Thiên Chúa.
Mặc dù luật pháp của nhà vua không được xuất hiện một cách rõ ràng trong họa phẩm, nhưng lề luật của Thiên Chúa thì có. Lẽ thật về lề luật của Thiên Chúa dường như gắn liền với lòng thương xót hướng đến những người công chính. Đức tin của ông Daniel vô cùng mạnh mẽ; mạnh mẽ đến mức mà luật pháp của nhà vua — một luật pháp do con người tạo ra để cố gắng cản trở lề luật của Thiên Chúa — không ảnh hưởng gì đến ông.
Thay vì tuân theo luật pháp của con người, ông Daniel đã chọn tuân thủ theo luật của Thiên Chúa. Lề luật của Thiên Chúa có thể chạm đến cả những nơi mà quyền lực và sự giàu có của nhà vua cũng không thể tiếp cận được. Và điều đó đã giữ cho ông Daniel — hình mẫu của một người công chính — được bình an.
Kiểm soát ham muốn dục vọng
Hãy quay lại với bức tranh để tìm hiểu thêm về một ẩn ý thứ hai.
Những con sư tử có thể đại diện cho những ham muốn dục vọng của chính chúng ta, đó là, ham muốn xác thịt. Những con sư tử tựa như những cám dỗ đang rình rập, chực chờ để vồ lấy chúng ta, ngay khi chúng ta không kiên định giữ vững sự ngay chính của mình.
Theo định nghĩa, thì những tù nhân không được tự do, và hang sư tử chính là nơi mà tù nhân được đưa đến để bỏ mạng. Những khúc xương người nằm rải rác ở khắp nơi trong hang sư tử là để người xem biết về số phận của những tù nhân trước đó.
Nếu những con sư tử đúng là đại diện cho những ham muốn dục vọng, thì ông Daniel nhất định phải đưa ra một lựa chọn. Nếu ông chọn ngả theo những cám dỗ mà sư tử là đại diện, thì ông sẽ có cùng số phận với những nạn nhân trước đó. Tuy vậy, nếu ông chọn giữ vững lề luật của Thiên Chúa, thì ông sẽ vượt thoát khỏi thế tục và tự do tự tại cho dù bản thân đang ở bất kỳ nơi đâu.
Trong sự kinh ngạc, ông Daniel ngước nhìn lên cao và phóng tầm mắt ra khỏi hang. Phải chăng tâm trí ông luôn tín thác vào Thiên Chúa và nhờ đó đã vượt thoát khỏi cái hang đang giam cầm thân thể của ông hay không? Phải chăng điều đó có nghĩa là ông thật sự tự do tự tại mặc dù thân thể đang bị giam cầm?
Những con sư tử hành động như thể chúng thậm chí không biết đến sự tồn tại của ông Daniel vậy. Phải chăng cám dỗ sẽ tan biến trong sự hiện hữu của một trái tim và tâm trí luôn phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa? Và có phải đó là nguồn gốc chân chính cho sự tự do của ông không?
Điều thú vị là nhà Vua đã không thể tự ý ngăn chặn việc thực thi pháp luật do chính ông ban hành, tuy vậy ông Daniel dường như có được sự tự do mặc dù ông vẫn đang bị giam cầm trong một hang sư tử. Đôi khi, luật pháp của nhân loại cho phép những điều mà có thể không phù hợp với hành vi ngay chính. Liệu sự ảo tưởng về tự do này — đó là, ý tưởng cho rằng chúng ta được tự do khi mà chúng ta nhượng bộ trước cám dỗ chỉ vì luật pháp của nhân loại cho phép điều đó — đã cản trở chúng ta thực sự được tự do hay không?
Chúng ta không thể có đạo đức mà không có tự do, vì các hành động đạo đức bao hàm các năng lực bẩm sinh để lựa chọn giữa những gì chúng ta tin là đúng và sai. Liệu chúng ta, có giống như Vua Darius, đưa ra những luật lệ để ngăn chặn chúng ta đối xử tốt với đồng loại? Chúng ta có buộc phải, giống như ông Daniel, kiểm soát tốt những ham muốn dục vọng và tuân theo lề luật của Thiên Chúa nếu chúng ta mong muốn trải nghiệm sự tự do chân chính hay không?
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times