Triết gia Plotinus và vẻ đẹp đến từ thiên thượng
Suy ngẫm về mục đích của nghệ thuật và vẻ đẹp
Hầu hết tất cả chúng ta đều đã nghe qua câu thành ngữ “Vẻ đẹp nằm trong đôi mắt của kẻ si tình,” thế nhưng câu nói này có nghĩa là gì và nó có giá trị không? Qua nhiều thế kỷ, các triết gia và những nhà hiền triết đã tranh luận về định nghĩa của vẻ đẹp, tại sao điều đó quan trọng, và nguồn gốc của vẻ đẹp đến từ đâu?
Khoản 600 năm sau thời kỳ của triết gia Plato, triết gia cổ đại Plotinus (205-270 Sau Công Nguyên) đã nghiên cứu triết học tại thành phố lớn Alexandria và đã diễn giải triết học của Plato cho một kỷ nguyên mới. Ông Plotinus đã trở thành nhà sáng lập của trường phái triết học Neoplatonic. Ông cũng bàn luận về cái đẹp.
Bằng cách ngoại suy từ quyển sách “Thẩm Mỹ Học: Từ Hy Lạp Cổ Đại cho đến thời Hiện Tại” của tác giả Monroe C. Beardsley, chúng ta có thể diễn giải sự am hiểu về cái đẹp của triết gia Plotinus nhằm có được những hiểu biết sâu sắc cho bản thân.
Triết gia Plotinus và cội nguồn của cái đẹp
Ông Plotinus đã nghĩ gì về cái đẹp? Ông tuyên bố rõ ràng như sau: “Vậy nên, đây là cách vật chất trở nên đẹp đẽ hơn — theo cách truyền đạt bằng tư tưởng khởi nguồn từ thiên thượng.”
Tựu chung lại, ông Plotinus nói rằng một vật thể tự bản thân không hề tồn tại cái đẹp, tuy nhiên vật ấy sẽ trở nên xinh đẹp khi được một người nghệ sĩ biến đổi theo một cách mà khiến điều đó kết nối với những điều thiêng liêng. Để có được thành quả cuối cùng này, người nghệ sĩ phải thấu hiểu, ít ra là một phần, hình thức hoặc ý tưởng khởi nguồn từ thiên thượng, và điều này chỉ có thể đạt được khi người nghệ sĩ trước tiên phải thay đổi để phù hợp với [cảnh giới] của Thần.
Trớ trêu thay, bởi vì [cảnh giới của] Thần là cảnh giới vượt xa khỏi thế giới vật chất, do đó người nghệ sĩ phải buông bỏ mọi thứ ở thế giới vật chất này trước khi ông truyền tải vẻ đẹp vào vật thể. Ông phải hướng ánh nhìn vào nội tâm và, như triết gia Plotinus nói, làm cho bản thân có một “phẩm hạnh đạo đức cao thượng.”
Để hiểu được phẩm hạnh đạo đức cao thượng là gì và vẻ đẹp tâm hồn đòi hỏi điều gì, triết gia Plotinus cho rằng các nghệ sĩ chỉ cần hiểu rõ về sự xấu xa. Theo ông Plotinus, một tâm hồn xấu xa, chính là “phóng đãng, bất chính: đầy rẫy những dục vọng; bị giằng xé bởi những mâu thuẫn trong nội tâm, bị dày vò bởi những nỗi sợ hãi về sự hèn nhát và lòng đố kỵ nhỏ nhen.”
Ông Plotinus cho chúng ta biết rằng một tâm hồn xấu xa không phải là bản tính tiên thiên; chúng ta không tự nhiên mà xấu. Sự xấu xa – đạo đức thấp kém – là một điều gì đó che khuất chân ngã của chúng ta, một bản tính phù hợp với hình thức và lý tưởng “khởi nguồn từ thiên thượng.” Để khôi phục lại sự cao quý của mình, trách nhiệm của chúng ta là phải tẩy tịnh và thanh lọc bản thể để có thể quay trở về với bản tính tiên thiên của mình.
Nói cách khác, hướng ánh nhìn của chúng ta vào nội tâm không chỉ đơn giản là chấp nhận bản thân mình ở thời điểm hiện tại, mà còn là chủ động thanh lọc những thứ bất hảo trong tâm hồn để bản tính chân thật và đẹp đẽ của chúng ta có thể tỏa sáng. Ông Plotinus nói rằng, “Việc tâm hồn trở nên cao thượng và tốt đẹp chính là đang trở nên ngày càng giống với Chúa.”
Chỉ sau khi linh hồn tự mình cải biến trở về với vẻ đẹp của bản nguyên sinh mệnh — một vẻ đẹp thần thánh — thì linh hồn đó mới có thể cải biến thế giới vật chất này trở nên tươi đẹp: một vẻ đẹp khởi nguồn từ thiên thượng.
Theo tác giả Beardsley, đối với triết gia Plotinus, mục đích của nghệ thuật là “linh hồn hân hoan khi nhận ra chân ngã của mình được thể hiện cụ thể [qua các tác phẩm], và vì thế linh hồn biết rằng mình là một phần của thiên tính.”
Nói cách khác, khi người nghệ sĩ biến sự vật thành cái đẹp, thì ông tạo nên một phương thức cho nhân loại trải nghiệm, kết nối, và định hình một lối đi dẫn đến thiên thượng. Theo ông Plotinus, “khi chúng ta nhận ra vẻ đẹp của một bức tranh thì chính là chúng ta đang hồi tưởng lại tất cả, cho dù chỉ là mơ hồ, vẻ đẹp vĩnh cửu chính là gia viên của chúng ta.”
Tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp của chàng Pygmalion
Câu chuyện thần thoại về chàng Pygmalion và nàng Galatea, chí ít là một phần nhỏ trong đó, có thể tiết lộ cho chúng ta về mối liên hệ giữa người nghệ sĩ có đạo đức cao thượng với một tâm hồn cao đẹp, tác phẩm nghệ thuật đẹp đẽ, và thiên tính.
Theo thi sĩ Ovid thời La Mã (43 Trước Công Nguyên–17 hoặc 18 Sau Công Nguyên), truyền thuyết về chàng Pygmalion là một ca khúc của nhạc sĩ bán Thần người Hy Lạp tên Orpheus hát sau khi ông triệu hồi các vị Thần để “bắt đầu bài hát [của mình]”. Chúng ta hãy xem xét cả câu chuyện của thi sĩ Ovid và “Quyển Sách của Những Thần Thoại” của tác giả Jean Lang để kể lại câu chuyện về chàng Pygmalion.
Trong câu chuyện này, những người con gái của vua Propoetus, còn được biết đến là Propoetides, đã từ chối công nhận Thần Venus là vị nữ thần Sắc Đẹp. Những nàng Propoetides thậm chí còn dám có hành vi đồi bại ngay trong đền thờ của Thần Venus, điều này đã làm nữ thần nổi cơn thịnh nộ.
Nhà điêu khắc Pygmalion, vì ghê tởm trước sự đồi bại của các nàng Propoetides, nên chàng đã quyết định từ bỏ hoàn toàn việc bầu bạn với phụ nữ. Thay vào đó, chàng một lòng một dạ tập trung vào việc sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật đẹp, và niềm đam mê sáng tạo những điều tươi đẹp này đã tạo động lực cho chàng.
Sự tận tâm của chàng đối với cái đẹp cuối cùng đã cho phép chàng tạc nên một tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp về một người phụ nữ, “một hình ảnh của vẻ đẹp nữ tính hoàn mỹ,” như lời của thi sĩ Ovid. Tác giả Jean Lang bổ sung thêm, “Chàng không biết điều đó đến như thế nào. Chàng chỉ biết rằng trong khối đá trắng tinh khiết to lớn đó dường như đang giam cầm bóng hình thanh tú của một người phụ nữ, một người phụ nữ mà chàng nhất định phải giải thoát.”
Chàng Pygmalion đã kinh ngạc bởi chính tác phẩm tuyệt đẹp mà chàng đã tạo tác. Dường như là bức tượng đại diện cho vẻ đẹp nữ tính quá sống động, sống động đến nỗi chàng đã đặt tên cho bức tượng này. Chàng gọi tác phẩm này là Galatea. Vẻ đẹp của nàng Galatea khiến chàng say mê tác phẩm của mình đến mức ám ảnh. Chàng đã mua nhiều quà tặng, mặc trang phục, và ôm hôn bức tượng Galatea của mình.
Tại lễ hội của Nữ thần Venus, chàng Pygmalion đã đứng trước bệ thờ và khẩn cầu các vị Thần ban cho chàng một người phụ nữ giống như bức tượng của mình. Khi ấy, Nữ thần Venus đang có mặt tại buổi lễ hội và nghe thấy lời cầu nguyện của chàng Pygmalion. Người thành toàn cho chàng Pygmalion, và Nữ thần đã biến điều ước của chàng thành sự thật.
Nhà điêu khắc Pygmalion quay trở về nhà và thấy nàng Galatea đã biến thành người thật. Chàng cảm tạ Nữ thần Venus và sau đó cưới nàng Galatea làm vợ.
Triết gia Plotinus và Điêu khắc gia Pygmalion
Phần bình luận của triết gia Plotinus về cái đẹp có thể tương quan như thế nào với thần thoại về chàng Pygmalion? Tựu chung là: Triết gia Plotinus cho rằng cái đẹp chân chính khởi nguồn từ thiên thượng và có thể được tạo ra ngay tại cõi thế tục này chỉ khi người nghệ sĩ — đạt đến một tầng thứ đạo đức cao thượng nhất định bằng cách tẩy tịnh những điều xấu xa trong tâm hồn của mình — truyền tải vẻ đẹp thần thánh bằng những tạo vật chốn nhân gian.
Trong câu chuyện thần thoại về chàng Pygmalion, Nữ thần Venus, vị thần của sắc đẹp, chính là khởi nguồn từ thiên thượng của vẻ đẹp đích thực. Những nàng Propoetides đã bất kính với Thần Venus khi có hành vi đồi bại ngay trong đền thờ — nơi để tri ân cội nguồn của vẻ đẹp đến từ thiên thượng.
Do đó, những nàng Propoetides là đại diện cho sự xấu xa có thể làm ô uế vẻ đẹp của tâm hồn: Họ đã phủ nhận sự tồn tại của cội nguồn vẻ đẹp đến từ thiên thượng — một vẻ đẹp vượt ngoài thế giới vật chất — và thay vào đó họ tham gia vào việc trao đổi tiền bạc để đổi lấy sự khoái lạc, một hành vi được cho là khởi phát từ lòng tham lẫn dục vọng.
Tuy nhiên, vì chàng Pygmalion đã quay lưng lại với các nàng Propoetides và những điều xấu xa mà họ là hiện thân, do đó chàng đã thanh tẩy tâm hồn của chính mình. Thông qua việc chối bỏ các cám dỗ nơi thế tục, có lẽ chàng Pygmalion đã đạt tới tầng thứ cao hơn của đạo đức cao thượng, vì thế chàng có thể sáng tạo một tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ đến mức đã khơi dậy cho tình yêu và sự ngưỡng mộ lớn lao trong thâm tâm chàng.
Đến đây, sẽ rất dễ dàng để kết luận rằng câu chuyện thần thoại về chàng Pygmalion chỉ đơn giản là đại diện cho dục vọng của một người đàn ông đối với một người phụ nữ mà anh ta có thể kiểm soát (vì chúng ta cho rằng chàng không thể kiểm soát các nàng Propoetides nhưng lại có thể kiểm soát bức tượng của mình). Tuy nhiên, theo một cách giải thích khác, thì câu chuyện thần thoại này được nhiều người công nhận hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc hơn.
Dường như xuyên suốt câu chuyện thần thoại này, chàng Pygmalion rất ít [chủ động] làm chủ điều gì. Chàng không biết rằng mình đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp này như thế nào, khi thừa nhận rằng vẻ đẹp của pho tượng đã vượt ngoài năng lực của chàng. Chàng mong muốn mang sự sống đến cho bức tượng nàng Galatea nhưng nếu không có sự trợ giúp của Nữ Thần Venus thì điều đó là không thể. Điều duy nhất mà chàng chứng tỏ mình có thể kiểm soát là quay lưng lại với dục vọng và ham muốn mà những nàng Propoetides đại diện. Tất cả những việc khác, như là sự sáng tạo ra bức tượng nàng Galatea, lòng yêu mến của chàng với bức tượng nàng Galatea, và việc nàng Galatea được trao cho sự sống, tất cả dường như đều được thiên thượng ban tặng.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times