Dọn cỏ khu vườn: ‘Nữ Thần Minerva đuổi các thói xấu khỏi Khu vườn Đức hạnh’
Hội họa kể chuyện cuộc sống
Đó là một ngày hè nóng nực. Vị giáo sư đang chuẩn bị bài giảng trong phòng làm việc tại gia. Ông vươn vai và nghỉ giải lao. Ông mở cửa sổ phòng làm việc đón không khí trong lành và ánh nắng mặt trời, và tất nhiên để ngắm khu vườn của ông. Ông hài lòng khi nhận thấy những hạt giống mà ông gieo vào mùa xuân năm ngoái đang phát triển và đơm hoa. Ánh mặt trời chiếu rọi trên những tán lá xanh mướt, trên ngọn cây cà rốt, trên những giàn dây leo cà chua, và — ôi không! — có rất nhiều cỏ dại.
Quá bận rộn với công việc giảng dạy trong những tuần qua, ông đã không nhận ra cỏ dại mọc um tùm trong khu vườn của mình. Cảm thấy áy náy, ông bước ra ngoàikiểm tra, ông thấy một nhóm cây không mời mà đến. Loại cây này đã âm thầm mọc len lỏi vào những rặng bí, đậu, và hoa hướng dương. Đã tới lúc phải dọn cỏ dại.
Trong suốt thời kỳ Trung cổ, khu vườn từng là biểu tượng được miêu tả trong nghệ thuật như một nơi tu dưỡng đức hạnh bên trong mỗi người chúng ta. Vào năm 1279, tu sĩ dòng Đa Minh Frère Laurent đã viết luận thuyết đạo đức có minh họa (một bức tranh trong bản thảo thời trung cổ) có tựa đề là “The Virtue Garden” (Khu vườn Đức hạnh).
Về sau, trong suốt thời kỳ Phục hưng, các họa sĩ đã khắc họa những khu vườn như một bối cảnh ngụ ngôn và đưa văn học cổ điển, thần thoại, và truyền thuyết lồng ghép vào các bức tranh của họ. Một trong những tác phẩm là câu chuyện về nữ thần trí tuệ và công lý Minerva của La Mã, vị thần trông coi Khu vườn Đức hạnh trên thiên đường. Chuyện kể rằng theo thời gian, cơn thịnh nộ của nữ thần Minerva ngày càng lớn dần khi nàng thấy đám cỏ dại xấu xa tàn phá khu vườn.
Dọn dẹp trong Khu vườn Đức hạnh
Danh họa thời kỳ Phục hưng Andrea Mantegna (1431—1506) đã thuật lại câu chuyện này trong họa phẩm “Minerva Expelling the Vices from the Garden of Virtue” (Nữ Thần Minerva đuổi các Thói xấu khỏi Khu vườn Đức hạnh) vẽ năm 1502. Bức tranh của ông Mantegna miêu tả hình tượng của những thói bất hảo mà con người nên từ bỏ.
Trong bức họa này, nữ thần Minerva đi đôi giày cothurnus, một loại giày hở ngón chân và khoác y phục chiton dài đặc trưng (áo choàng La Mã), đội mũ chiến binh thời Hy Lạp cổ đại để lộ khuôn mặt của mình. Nữ thần cầm cây giáo và tấm khiên khắc hình đầu của quỷ Medusa để xua đuổi tà ác.
Nữ thần chiến binh lao về phía trước, đẩy lùi những tật xấu đang chạy trốn trong hoảng sợ. Những tiểu thiên sứ “Cupidi” với đôi cánh giống loài bướm đã ngang nhiên làm loạn khu vườn bằng trò nghịch ngợm tai hại, giờ đây đang tháo chạy. Mọi thứ trở nên hỗn loạn khi những sinh vật xấu vùng vẫy chạy khắp nơi để tránh khỏi cơn thịnh nộ của nữ thần Minerva.
Danh họa Mantegna đã sử dụng kỹ thuật khắc chữ dùng trong thời kỳ Trung cổ để nhận diện các đồ vật hoặc nhân vật thông qua các cuộn giấy, biểu ngữ, hoặc dải buộc đầu ở gần hoặc ở trên nhân vật. Ngoài cùng bên trái là một cây ô liu với khuôn mặt và dáng hình phụ nữ được quấn quanh bởi một dải giấy. Theo một số nguồn tài liệu, đây là nữ thần Daphne, nàng đã hóa thành cây để tránh sự theo đuổi của thần Apollo. Những nguồn tài liệu khác cho rằng dáng hình này tượng trưng cho thần Đức Hạnh (Virtue), nhân vật đang bị trói và không thể vươn lên trong khu vườn.
Một nhân vật đang ôm vài đứa trẻ sơ sinh, ngoảnh đầu nhìn lại với vẻ mặt khiếp sợ khi nữ thần Minerva lao về phía cô. Tiểu thiên sứ Cupid cầm một dải giấy xác nhận danh tính của nhân vật này. Ở chính giữa bức tranh, nữ thần tình yêu trinh khiết Diana được giải cứu khi nàng đứng trên lưng nhân mã, nhân vật tượng trưng cho dục vọng, đang kéo áo choàng của nàng xuống.
Nữ thần Minerva đẩy các nhân vật xấu xa xuống đầm lầy. Phía dưới bên phải là [nhân vật] Tham lam và Vong ân nhảy xuống đầm lầy khiêng theo Vô tri đang đội vương miện với vẻ mê muội thờ ơ. Những [nhân vật] trụy lạc khác cũng bị đẩy xuống đầm lầy. Phía dưới bên phải là nhân vật Trì trệ với dáng vẻ sợ hãi đang kéo Lười biếng bằng một sợi dây. Kẻ Lười biếng có vẻ như bị khiếm thị, trần truồng và không có đôi tay.
Trong bức tranh này và các bức về sau, danh họa Mantegna đã miêu tả những đám mây được nhân cách hóa (những vật thể vô tri vô giác mang đặc điểm của con người), như được nhìn thấy ở phía trên bên phải bức tranh. Nhân vật con khỉ bị đẩy xuống đầm lầy cũng có những đặc tính của con người. Cánh tay của nó giơ lên như để chống đỡ bất cứ sự trừng phạt nào từ vị nữ thần chính nghĩa. Không điều gì có thể thoát khỏi cơn thịnh nộ của nữ thần.
Ở phía trên bên phải, các nhân vật Công lý, Chừng mực, và Nhẫn nại chờ đợi những thói xấu được thanh tẩy để họ có thể trở về khu vườn. Một biểu ngữ màu trắng nhô ra khỏi bức tường tượng trưng cho đức hạnh bất biến là Cẩn trọng đang khóc vì được giải thoát.
Thư phòng
Vào thời kỳ Phục hưng Ý, những người có văn hóa và học thức thường xây thêm phòng làm việc riêng, hay còn gọi là thư phòng trong ngôi nhà của họ như một nơi để suy ngẫm, nghiên cứu tác phẩm kinh điển, hàn huyên với bạn bè cùng chí hướng. Họ thiết kế thư phòng này tinh tế nhất, bằng cách dùng loại gỗ đẹp có khảm hoa văn, sàn nhà sáng bóng, và những tác phẩm nghệ thuật khuyến khích suy nghĩ và thảo luận.
Vào năm 1491, nữ hầu tước Isabella d’Este xứ Mantua, đã ủy thác cho danh họa Mantegna vẽ hai bức tranh cho thư phòng ở lâu đài Castello di San Giorgio, Mantua, nước Ý, một trong hai dinh thự của bà. Theo trang web My Daily Art Display, danh họa Mantegna khi đó ở độ tuổi 70, đã mất 4 năm ròng để hoàn thành bức tranh về nữ thần Minerva.
Bà Isabella là một nhà bảo trợ hàng đầu cho nghệ thuật vào thời điểm đó và luôn cẩn trọng trong các lựa chọn của mình. Người ghi chép tiểu sử của bà đã viết như sau:
“Trong thánh địa này, nơi mà những lo toan và huyên náo của thế giới bên ngoài đã được gác lại ngoài cửa, giấc mơ của bà Isabella là căn phòng được trang hoàng với những bức tranh biểu đạt lý tưởng tu dưỡng của bà và dành tâm trí cho những suy nghĩ trong sáng và cao quý.”
Bà Isabella đã dành hơn 30 năm để trang hoàng thư phòng của mình, nơi bà trưng bày bộ sưu tập sách, trang sức, các món phụ kiện trang trí chạm khắc cổ xưa, và những tác phẩm điêu khắc. Bà không ngừng tân trang thư phòng này để phù hợp với sự thay đổi phong vị của vương triều. Cuối cùng, thư phòng này đã có năm bức tranh, bao gồm tranh vẽ của danh họa Mantegna, đều có chủ đề đức hạnh chiến thắng thói xấu.
Chuyên gia từ trang web The Spruce khuyên rằng, những người làm vườn nên trồng cây sát nhau, sử dụng lớp mùn và lớp phủ trên đất để cỏ dại không có chỗ mọc, sử dụng những biện pháp tự nhiên khác để diệt cỏ dại, và quan trọng nhất là, không bao giờ từ bỏ việc nhổ tận gốc những vị khách không mời mà đến này ra khỏi khu vườn của mình.
Giống như nữ thần Minerva đã dọn dẹp khu vườn để đức hạnh có thể trở lại và lớn mạnh, chúng ta cũng có thể trừ bỏ những gì không tốt của bản thân để những phẩm chất tốt đẹp nhất của chúng ta có thể tỏa sáng. Từ bỏ những thứ bất hảo có thể là một công việc khó nhọc, nhưng điều này khiến cho thành quả công sức của chúng ta đơm hoa kết trái vào mùa thu của cuộc đời.
Chi Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times