Hoàng đế Marcus Aurelius: Làm thế nào để lãnh đạo có trách nhiệm
Vị hoàng đế cuối cùng của thời kỳ hoàng kim La Mã là minh chứng cho sự cai trị có trí huệ
“Nếu ai đó được yêu cầu chỉ ra một thời kỳ trong lịch sử thế giới, thời kỳ mà con người hạnh phúc và thịnh vượng nhất, thì người ấy sẽ không ngần ngại gọi tên thời kỳ từ khi hoàng đế Domitian băng hà cho đến khi hoàng đế Commodus lên ngôi.”
Tác giả Edward Gibbon đã viết như vậy ở phần mở đầu tác phẩm kinh điển của mình, “The History of the Decline and Fall of the Roman Empire” (Lịch Sử Về Sự Suy Tàn Và Sụp Đổ Của Đế Chế La Mã). Ông đang nói đến nửa sau của thời kỳ mà chúng ta gọi là “Pax Romana,” hay Hòa bình La Mã. Đó là thời đại thịnh vượng và cai trị khôn ngoan tựa như những ngày đầu của nền cộng hòa Mỹ quốc. Trong thời kỳ này, Đế chế La Mã được cai trị bởi năm vị hoàng đế tài ba: Nerva, Trajan, Hadrian, Antoninus Pius và Marcus Aurelius. Trong số họ, nổi tiếng nhất là người cuối cùng.
Một vị vua triết gia
Marcus Aurelius là một người say mê đọc sách, nếu được lựa chọn, ông sẽ không muốn gì hơn ngoài việc trở thành triết gia. Thay vào đó, ông được tấn phong hoàng đế vào năm 161 Công Nguyên và trị vì gần 20 năm. Các bài viết của ông được ghi chép bằng tiếng Hy Lạp và chưa bao giờ có ý định xuất bản, không có tựa đề chính thức cho tác phẩm nhưng được công chúng biết đến với cái tên “Suy Tưởng” (Meditation). Những bài viết này có lẽ được viết vào những năm cuối đời, khi ông đang tiến hành cuộc chiến chống lại các bộ tộc Đức ở vùng Danube.
Vua Aurelius là một trong những ví dụ rõ ràng nhất về “vua triết gia” của Plato mà thế giới từng biết đến. Nổi tiếng về sự thông thái của mình, ông có thể sánh ngang với vị vua trong lịch sử Kinh thánh là Solomon (trừ 700 người vợ). Trong khi điểm yếu của vua Solomon là tính kiêu hãnh, thì lời lẽ chủ đạo trong “Suy Tưởng” là sự khiêm nhường. Trong cuốn sách này, hoàn toàn không có những suy ngẫm dẫn dắt công chúng như trong các cuốn hồi ký của hầu hết các chính trị gia, nơi mà mối quan tâm chính của họ là bảo vệ những quyết định mà họ đã đưa ra khi tại vị. Ngược lại, hoàng đế Aurelius không cần vận động tái tranh cử nên đã thành thật bộc lộ những điểm yếu của mình.
Tránh tham lam quyền lực
Mặc dù là người đàn ông quyền lực nhất thế giới vào giai đoạn đó, Aurelius chưa bao giờ tham lam quyền lực được trao cho mình như rất nhiều hoàng đế La Mã khác (gồm cả con trai kế vị ông). Ông thậm chí còn giao phần lớn quyền lực đó cho Viện nguyên lão, khôi phục quyền lực khi xưa của họ như trong thời kỳ Cộng Hòa, khi mà những quyền hành phần lớn đã trở thành nghi lễ dưới thời đế chế La Mã. Hoàng đế Aurelius rất vui khi làm điều này; mặc dù ông không bao giờ bỏ bê nhiệm vụ cai trị, nhưng ông coi chúng là một gánh nặng mà ông không muốn áp đặt lên bất kỳ ai. Tấm gương đạo đức của ông là bài học cho các nhà lãnh đạo ngày nay.
Như một nghịch lý, quy tắc cai trị đầu tiên của vua Aurelius trong việc nắm quyền lực là tránh các vị thế [thâu tóm] quyền lực khi có thể: “Hãy cẩn thận để không trở thành Caesar, và rằng quý vị sẽ không bị nhuộm vào thùng thuốc nhuộm trước những việc như vậy.” Lời khuyên của ông thật bất ngờ, nhưng không hề phi lý. Ham muốn quyền lực thường là dấu hiệu của chứng rối loạn nhân cách tiềm ẩn, và chúng ta có xu hướng không tin tưởng vào những ai thể hiện khao khát mãnh liệt đối với nó. Chỉ khoác lên mình chiếc áo quyền lực khi cần thiết.
Giữ gìn đức hạnh
Dù vậy, nếu quý vị được trao quyền lực, thì bước tiếp theo là đừng để nó khiến mình trở nên tự phụ: “Hãy giữ mình đơn giản, lương thiện, trong sáng, nghiêm túc, không giả tạo, một người bạn của công lý, một người kính thần, tử tế, trìu mến, nỗ lực trong mọi việc làm đúng đắn.”
Nói thì dễ hơn làm. Một trong những điều mệt mỏi tiềm ẩn nhất trong cuộc sống, cho dù quý vị là một chủ tịch hay một người đại diện dịch vụ khách hàng, thì quý vị sẽ thường phải tiếp xúc với những người khó chịu. Hoàng đế Aurelius cũng đã trải qua điều này và thậm chí còn đưa những suy ngẫm của mình vào thói quen hàng ngày như một cách để giải quyết nó: “Hãy bắt đầu buổi sáng bằng cách tự nhủ, tôi sẽ gặp những người bận rộn, những người vô ơn, kiêu ngạo, lừa dối, đố kỵ, thiếu hòa đồng. Tất cả những điều này xảy ra với họ bởi họ không biết phân biệt thiện và ác.”
Nhưng miễn là bạn hiểu rằng thiện và ác đều là một phần của cùng quy luật thiêng liêng của vạn vật, hoàng đế Aurelius viết, quý vị có thể tự nhủ rằng mình không thể “bị thương bởi bất kỳ điều gì trong số chúng.” Đôi khi, người ta chỉ có những ngày tồi tệ. Hãy cố gắng hợp tác thay vì chống lại người khác, điều đó đôi khi có thể khó khăn.
Đức hạnh là điều hết sức quan trọng đối với một người cai trị trong việc tránh đánh mất tầm nhìn. Dù quý vị có trở nên quyền lực đến đâu, thì vẫn còn rất nhiều thứ luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân, ngay cả trong thời đại như của chúng ta khi mà công nghệ giám sát cho phép các nhà lãnh đạo kiểm soát công dân ở mức độ chưa từng có. Các nhà lãnh đạo không phải là thần thánh. Dù quý vị là ai thì cuối cùng vẫn là một con người dễ mắc sai lầm, được tạo thành từ “một chút da thịt và hơi thở.” Mỗi một cá nhân, trong vũ trụ rộng lớn hơn, chỉ là “một hạt vả” và chỉ là một “mũi kim” trên trái đất.
Hãy làm chủ bản thân trước nhất
Bí quyết để làm tròn bổn phận của mình và lãnh đạo người khác, xét cho cùng, là làm chủ bản thân và không để cảm xúc lấn át mình. Tất cả chúng ta đều có những ông chủ nổi cơn thịnh nộ khi mọi việc không như ý, và chúng ta cảm thấy, những lúc như vậy họ đã mất kiểm soát khả năng lãnh đạo của chính họ. “Hãy suy xét xem nỗi đau do tức giận và khó chịu gây ra cho chúng ta còn hơn cả nguyên nhân thực sự gây ra,” Aurelius viết.
Con trai của hoàng đế Aurelius là Commodus thường không nhận thấy được điều thông thái này. Sau khi vị hoàng đế tài ba băng hà vào năm 180 Công Nguyên, Đế chế La Mã rơi vào tình trạng suy tàn. Mặc dù thỉnh thoảng có những hoàng đế quyền lực ở đâu đó, nhưng xu hướng cai trị của thời đại sau này được đánh dấu bằng sự dao động giữa suy đồi và hỗn loạn. Nhưng trong khi dường như rất ít nhà lãnh đạo chú ý đến lời khuyên của hoàng đế Aurelius, những tham chiếu đến “Suy Tưởng” đôi khi diễn ra vào cuối thời cổ đại và thời Trung Cổ cho thấy rằng ông không hoàn toàn bị lãng quên. Khi ấn bản in đầu tiên của cuốn sách được phát hành vào năm 1558 hoặc năm 1559, cuốn sách đã trở nên phổ biến trở lại.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times