Danh ca Farinelli, nghệ sỹ castrato (*) vĩ đại nhất
Cuộc đời của danh ca opera vĩ đại nhất thế giới: Một câu chuyện thành công đã đi vào huyền thoại, nhưng cũng đi kèm với những câu hỏi về quyền tự do lựa chọn.
Đôi khi, nỗi đau cá nhân lại lan tỏa vẻ đẹp đến khắp thế giới. Mặc dù vẻ đẹp này không thể biện minh cho những tội ác đạo đức đã gây ra thống khổ ấy, nhưng dù sao, nghệ thuật, âm nhạc, và văn học có thể biến đau khổ thành nguồn cảm hứng cho người xung quanh.
Ít ai đại diện cho sự thật này rõ hơn Farinelli, người được mệnh danh là một trong những giọng ca vĩ đại nhất trong lịch sử opera. Nếu bạn không phải là người say mê và có hiểu biết opera, rất có thể bạn chưa từng nghe qua cái tên này.
Vậy Farinelli là ai? Mặc dù ông sống trong một thế giới cách rất xa thế kỷ 21, nhưng ông đã để lại nhiều bài học cho chúng ta.
Định mệnh hay bi kịch?
Farinelli là nghệ danh của ông Carlo Broschi. Sinh ra ở Vương quốc Naples vào năm 1705, ông Carlo và anh trai Riccardo từ khi còn nhỏ đã được tuyển lựa để trở thành nhạc công. Cậu bé Carlo bộc lộ tiềm năng trở thành ca sỹ. Khi khó khăn kinh tế ập đến gia đình quý tộc cấp thấp của mình, Riccardo quyết định cắt bỏ tinh hoàn của em trai trước tuổi dậy thì. Một tai nạn đã được bịa ra để che giấu hành động này, vì nó cơ bản là bất hợp pháp. Trong trường hợp của Carlo, người ta nói cậu bé đã bị ngã ngựa. Bằng cách này, Carlo sẽ giữ được giọng hát cao của mình trong suốt quãng đời trưởng thành và giúp cậu có sự nghiệp thanh nhạc thành công.
Trong thời kỳ Phục Hưng ở Ý, việc thiến được sử dụng như một cách để kéo dài sự nghiệp ca hát của các cậu bé trong dàn hợp xướng nhà thờ. Với sự phát triển mạnh mẽ của opera Ý vào thế kỷ 17, giọng ‘castrato’ (giọng nam cao do các nam ca sỹ bị cắt bỏ tinh hoàn thực hiện) đã trở thành một hiện tượng. Trong 200 năm tiếp theo, hầu như mọi nhà soạn nhạc trong thời kỳ Baroque đều sáng tác cho quãng giọng đó. Mặc dù đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ 18 nhưng may mắn thay, tục lệ này đã biến mất vào thế kỷ 19 khi xu hướng âm nhạc thay đổi.
Ngoài nỗi đau và bi kịch do việc thiến hoạn gây ra, quá trình đào tạo âm nhạc khắc nghiệt của ông Farinelli hồi trẻ có thể sẽ khiến bất kỳ học sinh nào theo phương pháp Suzuki cũng phải rùng mình. Khi thức dậy vào buổi sáng, ông luyện thang âm trong một giờ, sau đó đọc nhạc lý thêm một giờ nữa. Tiếp đó, ông có một giờ luyện các bài tập thanh nhạc trước gương để trau dồi biểu cảm khuôn mặt. Buổi chiều, ông học lý thuyết âm nhạc, đối âm, đọc lời nhạc kịch trước khi luyện thêm các bài tập kiểm soát hơi thở, ngữ điệu, nhịp điệu, và kỹ thuật làm đẹp giọng hát. Chúng ta không biết bữa trưa ông sẽ được ăn món gì và có thể đoán chắc rằng không có giờ giải lao.
Từ người bình thường đến huyền thoại
Sau khoảng sáu năm rèn luyện theo lịch trình này, ông đã sẵn sàng bước ra ánh đèn sân khấu. Năm 1720, ở độ tuổi 15, ông có màn biểu diễn opera lần đầu tiên. Ông lấy nghệ danh Farinelli để tỏ lòng kính trọng với người bảo trợ đầu tiên của mình, một luật sư giàu có thuộc dòng họ Farina. Trong vòng vài năm, tên tuổi của ông đã trở thành huyền thoại. Thế nhưng, chính xác là điều gì đã khiến giọng hát của ông làm cả châu Âu say đắm?
Sử gia âm nhạc Charles Burney đã lưu lại cho chúng ta một ghi chép về khoảnh khắc chính xác khi ông Farinelli chuyển từ người thường thành huyền thoại. Năm 17 tuổi, khi đang biểu diễn trong một vở opera ở Rome, ông bắt đầu đọ sức với một nhạc công đệm kèn trumpet trong một bài hát. Cuộc tranh tài “vui vẻ” này càng trở nên gay cấn khi khán giả bắt đầu chia phe. “Mỗi người đều thể hiện sức mạnh của lá phổi của mình,” sử gia Burney viết “và cố gắng cạnh tranh với người kia về độ sáng của âm thanh và nội lực.” Sau khi nhạc công trumpet kiệt sức bỏ cuộc, ông Farinelli tiếp tục hát những nốt “nhanh và khó nhất” cho đến khi khán giả khiến ông im lặng bằng những tràng pháo tay như sấm.
Khi ca sỹ Farinelli đến London, sử gia âm nhạc Burney đã trực tiếp nghiên cứu giọng hát của ông. Ông Burney xác định điểm mạnh vượt trội nhất của giọng ca người Ý này là “kỹ thuật căn chỉnh âm thanh” (mesa di voce) hay “lên bổng,” trong đó ca sỹ tăng âm lượng giọng hát của mình trong khi vẫn duy trì cùng một cao độ. Ông Burney cho rằng khả năng này là do “cấu tạo tự nhiên của phổi” và “cách kiểm soát hơi thở nhân tạo.” Nói cách khác, sự kết hợp đặc biệt giữa tài năng và quá trình rèn luyện của ông Farinelli đã giúp ông vượt qua tất cả các ca sỹ khác trên sân khấu London, bao gồm cả những nghệ sỹ thanh nhạc trong nhóm opera đối thủ do nhà soạn nhạc George Frideric Handel dẫn dắt.
Sau khi tỏa sáng ở châu Âu, ca sỹ Farinelli từ giã sân khấu công cộng để phục vụ Vua Philip V của Tây Ban Nha với tư cách là một nhạc sỹ thính phòng. Lúc đó, ông chỉ mới 32 tuổi. Ông phụng sự ở vị trí này thêm 22 năm trước khi nghỉ hưu hẳn ở Bologna, Ý. Ông sống thêm 20 năm nữa và qua đời vào năm 1782.
Ca sỹ Farinelli trong nghệ thuật
Cuộc đời ông Farinelli phủ một lớp màn huyền bí qua nhiều thế kỷ. Tại sao ông lại ngừng biểu diễn trước công chúng khi đang ở đỉnh cao nội lực thanh nhạc để phục vụ vua Tây Ban Nha? Phải chăng ông đã chán ngán sự nổi tiếng? Liệu sự vĩ đại của ông có thực sự chỉ gói gọn trong kỹ thuật “mesa di voce (kỹ thuật căn chỉnh âm thanh) như sử gia Burney phân tích?”
Các nghệ sỹ và nhà văn đã nỗ lực nắm bắt phẩm chất huyền thoại của ca sỹ Farinelli. Ông là chủ đề của các tác phẩm văn học ở hầu hết mọi thể loại, cũng như một bộ phim vào năm 1994 (bị đánh giá là rất sai lệch). Nhà thơ Abbot Carlo Frugoni, người cùng thời với Farinelli, đã viết bài thơ này để tán tụng về cuộc đời ông:
“Và bạn đã nghe, dọc theo bờ biển, những chú chim thiên nga và nàng tiên cáCất tiếng trong ngỡ ngàng: Người được yêu mến đã ra đời, Kỳ tài của sân khấu Ý đã chào đời.”
Ngày nay, các tác phẩm văn học vẫn tiếp tục viết về danh ca Farinelli. Gần đây, nhà thơ Brian Yapko đã thắng quán quân trong Cuộc thi Quốc tế Hiệp hội các Nhà thơ Cổ điển năm 2023 với bài độc thoại đầy kịch tính, “Farinelli.” Trong bài thơ dài 48 dòng này, ca sỹ Farinelli suy ngẫm về cuộc đời mình khi về già dưới hình thức trò chuyện một chiều với người bạn đến thăm. Bằng phép ẩn dụ tuyệt vời, ông Farinelli đã mời gọi người bạn:
“Hãy đến ngồi bên ngọn lửa — hơi ấm, ánh bập bùng
Những âm thanh tanh tách là âm nhạc. Hãy nhìn ngọn lửa
Biến những cành cây từng có sự sống thành tro bụi!”
Mạch thơ tiếp diễn, chúng ta nhận ra rằng cuộc đời danh ca cũng giống như ngọn lửa này. Ông Farinelli hồi tưởng lại thời vinh quang của mình, giờ đây sau 40 năm, ông sống giữa khối tài sản kếch xù nhưng trống rỗng. Ông nhớ lại phương pháp thiến hoạn khủng khiếp do anh trai mình sắp đặt, sau đó là những lời tung hô ông nhận được trên tất cả sân khấu lớn của châu Âu. Sau khi đắm chìm trong ánh hào quang quá khứ, ông Farinelli khép lại bằng sự day dứt về những điều đã mất:
“Dù vậy, trong thầm kín, tôi suy ngẫm: liệu giọng hát của tôi
Có còn tuyệt vời như một giọng baritone chăng?
Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được. Anh ấy đã cướp đi của tôi quyền lựa chọn.
Và giống như cuộc đời, cái chết của tôi cũng sẽ cô đơn.”
Vì ông Farinelli không để lại hồi ký, nên chúng ta sẽ không bao giờ biết ông thực sự nghĩ gì. Nhưng giống như một lời độc thoại trong một vở bi kịch của Shakespeare, bài độc thoại của nhà thơ Yapko tiết lộ những sự thật mạnh mẽ về bản chất con người. Vượt lên câu chuyện buồn này, chúng ta có thể sử dụng ví dụ tiêu cực này như một cách để truyền cảm hứng cho cuộc sống của chính mình. Người đọc cảm nhận một cách gián tiếp sự cô độc của ông Farinelli và nhận ra rằng đây không phải là cách để sống một cuộc đời viên mãn. Trong một thế giới công bằng, con người nên được tự do lựa chọn số phận của mình.
Các ca sỹ hiện đại cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với ông Farinelli khi các vở opera thời Baroque được dàn dựng trở lại. Ngày nay, hiện tượng hiếm gặp về ca sĩ nam mang giọng nữ cao, được gọi là “giọng phản nam cao” (countertenor), là kết quả của sự mất cân bằng nội tiết tố hoặc do quá trình đào tạo nghiêm ngặt để hát ở quãng âm cao hơn. Đôi khi, phụ nữ được chọn vào các castrato, như trường hợp của bản thu âm “Farinelli—A Portrait” (Farinelli — một chân dung). Tại đây, giọng nữ trung cao (mezzo-soprano) Ann Hallenberg kết hợp cùng dàn nhạc Pháp Les Talens Lyriques để biểu diễn các bản aria từng do danh ca Farinelli hát. Hai bản nhạc đầu tiên thậm chí còn do người anh trai Riccardo Broschi của ông viết. Đây là một ví dụ sống động về nỗi đau và sự cô đơn chuyển hóa thành vẻ đẹp.
Chú giải:
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times