Kỳ diệu và bí ẩn: Câu chuyện về những chiếc vĩ cầm của thành phố Cremona
Bí quyết chế tác đàn vĩ cầm truyền thống của các nghệ nhân làm đàn ở thành phố Cremona đang dần được hé lộ.
Cách đây vài năm, tôi cùng một người bạn thưởng thức buổi biểu diễn concerto cho vĩ cầm của nhà soạn nhạc Brahms. Đọc trước phần mô tả chương trình, tôi đã nói với bạn rằng nghệ sĩ vĩ cầm chính đang diễn tấu bằng chiếc đàn “del Gesù.” Bạn tôi, hoàn toàn không biết đó là gì, vẫn tiếp tục ăn chiếc bánh mì kẹp mà không mảy may quan tâm, cho đến khi tôi giải thích rằng cây đàn đó trị giá hàng triệu dollar.
Gán giá trị bằng tiền cho điều gì đó thường cho thấy rằng thứ ấy xứng đáng được tôn trọng và vị thế của nó đã được xã hội nhìn nhận. Tuy nhiên, cách đánh giá này lại không làm sáng tỏ được nguyên nhân sâu xa, và thậm chí có thể là chỉ dấu cho một trào lưu nhất thời. Làm thế nào mà một bộ dây được căng trên một khối gỗ nhỏ bé lại có tầm quan trọng đến như vậy?
Vĩ cầm, loại nhạc cụ cầm tay đắt đỏ và danh giá bậc nhất, đã thống trị nền âm nhạc trong nhiều thế kỷ. Nhạc cụ này có một lịch sử lâu dài, và khởi nguồn của nó vẫn bị che mờ dưới lớp màn bí ẩn.
Những cây vĩ cầm đầu tiên
Trước thời dàn nhạc giao hưởng thịnh hành, các nhạc công đã tập hợp thành các nhóm nhỏ hơn gồm các nghệ sỹ chơi đàn dây, tạo ra thứ âm nhạc được gọi là âm nhạc “thính phòng.” Trong thời kỳ này, từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 18, người Ý là những nhà tiên phong, dẫn đầu trong việc đổi mới và thống trị thể loại này.
Sự phát triển của dòng nhạc thính phòng tạo ra nhu cầu về các loại nhạc cụ dây, đặc biệt là vĩ cầm. Cremona đã phát triển [ngành nghề chế tạo violin] để đáp ứng nhu cầu này. Là một thành phố ở miền bắc nước Ý gần Milan, Cremona không có tiếng tăm như các trung tâm đô thị như Florence và Rome. Nhưng đây là nơi đã sản sinh ra những nghệ nhân chế tác đàn dây (luthier) vĩ đại nhất trong lịch sử.
Một nghệ nhân chế tác đàn dây cần có tay nghề làm mộc điêu luyện. Gỗ chất lượng cao — gỗ thích cho mặt sau, gỗ vân sam hoặc gỗ thông cho mặt bên và mặt trước, gỗ mun cho bàn phím — phải được cưa, tạo hình, và bào nhẵn đến mức hoàn hảo. Cùng thời điểm các nhà soạn nhạc như Antonio Vivaldi và Arcangelo Corelli phát triển các hình thức sonata và concerto, các nghệ nhân ở Cremona đã thiết kế những cây vĩ cầm đầu tiên để có khả năng cộng hưởng với giọng hát nữ.
Giống như nhiều ngành nghề khác, chế tác nhạc cụ là một công việc kinh doanh gia truyền. Các nghệ nhân chế tác đàn tài ba nhất trong giai đoạn này có thể được tìm thấy qua dòng chảy nhân duyên thầy trò liên tiếp trong suốt hai trăm năm.
Ba đại gia tộc
Người đặt nền móng cho triều đại [chế tác vĩ cầm] của gia tộc Amati, ông Andrea Amati, được công nhận là người đã chế tác ra cây vĩ cầm hiện đại đầu tiên vào thế kỷ 16. Những đóng góp của ông bao gồm việc chuẩn hóa vĩ cầm với bốn dây, khắc thêm các lỗ thoát âm chữ f để tăng độ rung động (vibration) và cải thiện âm thanh, đồng thời thêm cuộn xoắn dây (scroll) trên đỉnh đàn để trang trí. Sau khi ông qua đời, các con trai của ông đã kế nghiệp cha.
Ông Nicolò Amati (1596–1684) đã cải tiến thiết kế ban đầu của ông nội bằng cách kéo dài và mở rộng cây vĩ cầm một chút theo [phong cách] mà ngày nay được gọi là “Grand Pattern” (kiểu dáng lớn hơn). Quan trọng hơn, ông đã phổ biến thiết kế Amati này bằng cách đào tạo cả một thế hệ nghệ nhân làm đàn Cremona trong xưởng của mình. Những học trò ưu tú nhất của nghệ nhân Nicolò còn vượt qua danh tiếng của thầy, họ thành lập các xưởng gia đình Guarneri và Stradivari.
Ông Antonio Stradivari, hay còn được biết đến nhiều hơn với cái tên Latin hóa, Stradivarius, là nghệ nhân làm đàn nổi tiếng nhất mọi thời đại. Hầu như ai cũng từng nghe nói đến chiếc vĩ cầm “Strad.” Trong suốt cuộc đời gần một thế kỷ (1644–1737), ông đã chế tác hơn 1,100 nhạc cụ. Phần lớn chúng là vĩ cầm, nhưng cũng có cả đàn cello, vĩ cầm trầm, hạc cầm, và guitar. Khoảng một nửa trong số đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Những cây vĩ cầm đầu tiên này có bàn phím ngắn hơn, ngựa đàn thấp hơn, và cần đàn có góc nghiêng gần với thân đàn hơn. Nhạc cụ của Stradivari nổi tiếng với âm sắc phong phú, ấm áp. Hàng ngàn nghệ nhân làm đàn sau thời Stradivari đã nỗ lực sao chép các nhạc cụ của ông. Họ đạt được những mức độ thành công khác nhau, nhưng chưa ai có thể tái tạo được âm thanh độc đáo của chúng.
Nghệ nhân Giuseppe Guarneri, được biết đến với cái tên “del Gesù” (thuộc về Chúa Jesus) nhờ [các ký hiệu] đặc biệt trên nhãn của các nhạc cụ của ông, cũng có tiếng tăm ngang ngửa với nghệ nhân Stradivari. Ông nội của ông, Andrea Guarneri, cũng từng học việc với nghệ nhân Nicolo Amati. Sự nghiệp chế tác đàn của ông Del Gesù kéo dài chưa đầy 20 năm, và chỉ có khoảng 200 cây vĩ cầm của ông còn tồn tại. Mặc dù sự nghiệp ngắn ngủi, nhưng các nhạc cụ của ông được coi là có chất lượng ngang bằng với các nhạc cụ của Stradivari. Một số nghệ sĩ bậc thầy thậm chí còn ưu thích âm thanh của cây đàn del Gesù hơn vì nó có âm sắc mạnh mẽ hơn, táo bạo hơn.
Khép lại một thời kỳ vàng son
Năm 1737, nghệ nhân Stradivari qua đời, [tiếp đó là] nghệ nhân del Gesù vào năm 1744. Trong vòng vài thập niên sau khi họ ra đi, chiến tranh và những khó khăn kinh tế đã khép lại thời kỳ vàng son của nghề chế tác vĩ cầm tại Cremona. Người Ý bắt đầu nhập cảng những cây vĩ cầm rẻ hơn từ Đức để đáp ứng thị hiếu âm nhạc của họ. Cái tên Stradivari và del Gesù chìm vào quên lãng cho đến thế kỷ 19, khi người ta bắt đầu tìm kiếm lại các nhạc cụ của họ. Tuy nhiên, đến lúc này, rất nhiều cây đàn đã biến mất.
Trung Quốc hiện là quốc gia sản xuất vĩ cầm lớn nhất thế giới. Ba mươi phần trăm nguồn cung cấp toàn cầu đến từ một thành phố duy nhất, Hoàng Kiều, nơi được mệnh danh là “Cremona của phương Đông.” Mặc dù nơi đây xuất cảng gần 1 triệu cây vĩ cầm mỗi năm, nhưng hầu hết là những nhạc cụ giá rẻ, được sản xuất hàng loạt trên dây chuyền lắp ráp bởi những công nhân có tay nghề thấp.
Nghề chế tác vĩ cầm tại thành phố Cremona đã trải qua sự hồi sinh trong những năm gần đây. Tuy nhiên, thành phố này chỉ có thể sản xuất vài ngàn cây đàn mỗi năm, vì một nghệ nhân bậc thầy phải dành tới 250 giờ cho mỗi cây vĩ cầm. Mặc dù các sản phẩm làm ra vẫn có tay nghề tinh xảo, nhưng những bí mật nghề nghiệp của các gia tộc Amati, Guarneri và Stradivari đã thất lạc theo thời gian và sẽ không bao giờ được khôi phục hoàn toàn.
Điều gì tạo nên nét độc đáo của những cây vĩ cầm Strad?
Các chuyên gia luôn cố gắng giải thích chính xác tại sao những những cây vĩ cầm Stradivari lại vượt trội hơn tất cả những cây vĩ cầm khác. Một giả thuyết phổ biến từng cho rằng nghệ nhân Stradivarius đã sử dụng một loại sơn bóng “ma thuật,” không chỉ bảo vệ vĩ cầm khỏi bụi bẩn và độ ẩm, mà còn mang đến âm sắc đặc trưng cho nhạc cụ này. Một giả thuyết gần đây hơn, được công bố vào năm 2003, lại cho rằng những cây gỗ làm đàn mà nghệ nhân Stradivarius dùng có kiểu vân gỗ hẹp đặc trưng của “Thời kỳ băng hà nhỏ” khi chúng sinh trưởng. Chính loại gỗ thớ hẹp này tạo nên âm sắc vượt trội của cây đàn Strad.
Nhiều giả thuyết trong số này quá mơ hồ để chứng minh, hoặc đã bị bác bỏ hoàn toàn. Ngày nay, chúng ta biết rằng lớp sơn bóng mà nghệ nhân Stradivarius sử dụng là giống với loại mà các thợ nội thất thời đó sử dụng. Do đó, chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu những cây gỗ sinh trưởng trong Thời kỳ băng hà nhỏ có tạo ra chất gỗ có âm thanh vượt trội so với gỗ ngày nay hay không.
Gần đây, các nhà khoa học đã tìm thấy những bằng chứng vững chắc hơn để đưa ra lời giải thích thuyết phục hơn. Một bài báo năm 2021 đăng trên tập san hóa học của Đức, Angewandte Chemie, phát hiện ra rằng nghệ nhân Stradavari và del Gesù đã xử lý gỗ vân sam dùng làm bảng cộng hưởng cho các cây vĩ cầm bằng một hỗn hợp hóa chất đặc biệt. Hỗn hợp khoáng chất này, bao gồm borax, muối, phèn và vôi sống, giúp bảo vệ gỗ khỏi mối mọt và có thể cải thiện độ vang âm của các nhạc cụ. Ngay cả những biến đổi nhỏ nhất về độ dày của gỗ cũng có thể làm thay đổi âm thanh của nó, và bảng cộng hưởng của các cây vĩ cầm tại Cremona đều rất mỏng và nhẹ so với các loại vĩ cầm hiện đại. Việc xử lý gỗ bằng hóa chất giúp giải thích tại sao chúng có thể chịu được lực căng của dây mà không bị nứt sau nhiều thế kỷ. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các nhà bào chế dược liệu địa phương, những người đã cung cấp khoáng chất cho nghệ nhân làm đàn, hé lộ một khía cạnh ẩn giấu của nghề chế tác vĩ cầm tại thành phố này.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times