Nghệ sĩ vĩ cầm Eileen Ivers: Kết nối những tâm hồn bằng năng lượng tốt lành của âm nhạc
Nghệ sĩ Eileen Ivers dùng âm nhạc từ cây vĩ cầm “Bluey” của mình để giúp mọi người vượt qua khó khăn, hướng dẫn họ tìm kiếm những điều tích cực và cảm ân cuộc đời.
Cô Ivers là nghệ sĩ vĩ cầm từng đạt giải Grammy, nhà soạn nhạc, nhà sản xuất, nhà giáo dục, tác giả của cuốn sách dành cho thiếu nhi mới xuất bản có nhan đề “Will Someone Play Bluey?” (Có Ai Muốn Chơi Đàn Bluey Không?), cô cũng là người chín lần đạt danh hiệu quán quân vĩ cầm toàn Ireland, cô yêu chơi nhạc từ khi còn bé. Tuy nhiên, nỗi sợ trình diễn trước đám đông, sợ bước ra khỏi vùng an toàn của mình là một chướng ngại lớn mà cô phải vượt qua. Rồi cô chợt nhận ra rằng nếu cô trò chuyện với khán giả từ tận đáy lòng, như cách cô trò chuyện với những người bạn thân, thì cô có thể tạo ra sự kết nối mạnh mẽ và đầy ý nghĩa giữa câu chuyện và chủ đề bản nhạc mình đang biểu diễn, cho dù có bao nhiêu khán giả đi nữa. Ấy vậy mà, cô chưa từng mơ đến việc theo đuổi sự nghiệp trình diễn âm nhạc.
Tái hiện truyền thống của người nhập cư
“Tôi là con của người Ireland nhập cư; cha mẹ tôi đều đến từ Quận Mayo, phía Tây đất nước Ireland,” cô nói. “Giống như nhiều người khác cùng thời với họ, cha mẹ tôi đã phải rời bỏ Ireland, tìm việc làm để chăm lo cho ông bà và các anh chị em. Họ đã chọn đến New York. Chị gái Maureen và tôi cùng lớn lên và nghe những bản nhạc Ireland trong nhà, nghe kể nhiều câu chuyện về cuộc sống ở Ireland.”
Hè nào cả gia đình cô cũng trở về Ireland, và cô được đắm mình trong nền văn hóa và âm nhạc của người Ireland. Cô bắt đầu học chơi vĩ cầm Ireland từ khi lên 8 tuổi từ một nghệ sĩ vĩ cầm người Ireland, ông Martin Mulvihill, ở Quận Bronx, trung tâm của người Ireland ở Bronx, nơi còn được gọi là “Quận 33 của Ireland.”
Lúc 18 tuổi, cô đã không rời mắt khỏi chiếc vĩ cầm điện Bluey khi nhìn qua ô cửa sổ của cửa hiệu âm nhạc Manny ở New York. “Chiếc đàn này rất khác biệt với loại nhạc cụ truyền thống của tôi,” cô nói. Người bán hàng cho biết rằng sẽ rất tuyệt vời nếu kết hợp cây đàn này với hộp đệm tạo hiệu ứng của guitar điện. Bỗng nhiên, cô được đưa đến ở một nơi kỳ diệu, với vô số thanh âm mới và những cơ hội chơi nhạc trong tầm tay.
Là con của người nhập cư, nên việc học hành luôn được nhấn mạnh là rất quan trọng. “Tôi đã tốt nghiệp hạng xuất sắc về Toán học ở trường Cao đẳng Iona,” cô nói. “Tôi đã tiếp tục học lấy bằng thạc sĩ — nhưng tiếng gọi của âm nhạc vẫn luôn ở đó.”
Cô bắt đầu chơi trong những dự án âm nhạc khác nhau, từ âm nhạc có nguồn gốc Ireland tới việc đi lưu diễn với ban nhạc pop “Hall and Oates” trong một năm, sau đó cô đã thu âm vài album solo; hợp tác với những nghệ sĩ hàng đầu như ban nhạc Chieftains, nhạc sĩ Patti Smith, và nghệ sĩ Sting; thu âm các bản nhạc phim gồm có “Gangs of New York” (Băng Đảng New York); và cô cũng là một “ngôi sao âm nhạc” xuất hiện trên các tấm biển quảng cáo, đi lưu diễn trên thế giới với công ty sản xuất chương trình khiêu vũ Riverdance trong ba năm.
Cô
“Trong suốt thời gian làm việc với công ty Riverdance, tôi hoàn toàn bị cuốn theo lời vẫy gọi chọn lựa sự nghiệp âm nhạc và tôi chưa bao giờ hối tiếc,” cô chia sẻ. Những trải nghiệm cá nhân trong cuộc sống và những dự án chuyên nghiệp vô cùng đa dạng đã truyền cảm hứng cho cô Ivers tạo ra thanh âm mới, để rồi sau cùng chính âm thanh này đã được khắp thế giới đón nhận và trở nên độc nhất vô nhị đối với cô Ivers.
“Rất nhiều dòng nhạc dân gian trên thế giới có những điểm tương đồng nhau,” cô nói. “Sau cùng, nhân loại và những tiếng lòng của họ được kết nối với nhau thông qua âm nhạc, và tất cả chúng ta đều có những cảm xúc căn bản tương đồng với nhau. Từ các bản nhạc chậm rãi giúp giải tỏa cảm xúc, kể cho người nghe về sự ra đi của ai đó, hoặc về một thời điểm khó khăn trong xã hội, cho tới những bản nhạc có giai điệu nhịp nhàng, bay bổng biểu đạt khoảng thời gian đầy hạnh phúc hoặc niềm vui; những điều này hiện diện rất nhiều trong thế giới âm nhạc. Âm nhạc không chỉ kết nối cảm xúc, mà còn có tiết tấu đan xen và bổ sung rất rõ ràng — điều này rất quan trọng để kết nối các nguồn gốc âm nhạc.”
Niềm đam mê mới
Sau khi rời khỏi công ty Riverdance, cách đây 7 năm, cô thành lập ban nhạc đầu tiên mang tên Immigrant Soul, sau đó lại đổi thành ban nhạc đang lưu diễn là unIVERSal roots.
Mặc dù nguồn gốc cốt lõi của unIVERSal là những bản nhạc Ireland truyền thống, nhưng chúng tôi vẫn rất muốn ca ngợi hành trình nhập cư của người Ireland và kể câu chuyện về cách mà âm nhạc của người Celtic đã ảnh hưởng nhiều như thế nào đến các thể loại nhạc của Hoa Kỳ như Bluegrass, Cajun, Old-Timey, và thậm chí cả âm nhạc Pháp-Canada,” cô nói. “Tóm lại, chúng tôi trình diễn cho khán giả thấy cách pha trộn của âm nhạc truyền thống nguyên gốc đã hình thành nên những loại âm nhạc mới hơn — âm nhạc truyền thống Mỹ quốc. Sự thật mang tính nền tảng sâu sắc hơn, đó là chúng ta giống nhau nhiều hơn là khác nhau, và điều đó được phản ánh trong sự kết nối của âm nhạc. Chúng tôi không rời khỏi rạp hát cho tới khi mọi người đứng dậy, hát một bài hát thật hay, đầy cảm hứng mang tinh thần phúc âm của người Celtic, với nụ cười rạng rỡ trên gương mặt — và những cái ôm khi chúng tôi gặp gỡ họ ở hậu trường sau buổi diễn.”
Album của cô có tên là “Scatter the Light” được phát hành vào ngày 13/03/2020, thời điểm bắt đầu đại dịch; album này đã được tái phát hành trong năm 2022 vì hiện tại, [nội dung truyền tải] của album thậm chí còn có giá trị hơn. Các bài hát được lấy cảm hứng từ mọi chủ đề như những quan niệm về gia đình, đức tin, lòng cảm ân, và sự mất mát, cho tới lời kêu gọi hành động hãy sống trong hiện tại, nắm bắt cơ hội, và tìm thấy sức mạnh để ứng phó với những chướng ngại trong cuộc sống.
“Tôi là một người có đức tin, tác phẩm ‘Scarlet the Light’ là một thông điệp được nhắc nhiều trong nhà thờ, và ngay cả trong cả nền văn hóa Ireland, và mô tả cách mà tôi đang cố gắng sống theo,” cô nói. “Tôi đã thành lập công ty sản xuất và ban nhạc lưu diễn cách đây hơn 20 năm, đã hoàn thành những bản thu âm, sản xuất, soạn nhạc và viết các bài hát, dạy học, làm khách mời của các dàn nhạc giao hưởng từ Boston Pops cho đến Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia. Tôi sống với giấc mơ này cùng chồng tôi, anh Brian, người hợp tác với tôi trong trong công ty sản xuất Musical Bridge, và con trai chúng tôi là Aidan 13 tuổi, đã gia nhập nhóm hỗ trợ lưu diễn.”
Con trai cô Ivers là một trong những nguồn cảm hứng cho cuốn sách mới “Có Ai Muốn Chơi Đàn Bluey Không?” của cô. “Tôi đã viết cuốn này sau khi cháu bị bắt nạt trên xe buýt của trường,” cô nói. “Tôi đã tự hào khi thấy cháu quay trở lại trường ngày hôm sau và tự đứng dậy bảo vệ mình. Tôi cũng muốn viết ra một điều gì đó giúp trẻ em từng là nạn nhân của bắt nạt không những cảm thấy tốt hơn, mà còn hiểu được tác hại của việc bắt nạt và điều quan trọng là nhận thức được và trân trọng sự khác biệt của chúng ta. Tôi hy vọng rằng, thông qua những bài học trong sách, những bậc cha mẹ và các nhà giáo dục có thể suy xét các cuộc thảo luận về chống bắt nạt, về sự đa dạng, và thiện lương.”
Đại dịch cũng là một lý do để cô viết sách, thời điểm đó cũng vô tình cho cô thêm thời gian để viết. “Dù COVID khiến lịch lưu diễn của tôi bị hủy bỏ, nhưng khoảng thời gian tạm ngưng ngoài dự tính này đã giúp tôi tập trung năng lượng sáng tạo của mình vào cuốn sách kỳ diệu này,” cô Ivers chia sẻ
Hướng đến độc giả là các em từ 4 tới 10 tuổi, cuốn sách lấy bối cảnh tại Trường Âm Nhạc kỳ diệu của Eileen. Khi những đứa trẻ đi về nhà, bộ trống tên Drake, cây sáo tên Finn, và những nhạc cụ khác trêu chọc và bắt nạt chiếc đàn vĩ cầm Bluey. Nhưng không lâu sau, chiếc vĩ cầm bị chế nhạo đã tìm thấy một người bạn chân thành là đàn dương cầm Priscilla, câu chuyện dạy cho các em những khái niệm về sự tự tin và việc tự đứng dậy bảo vệ bản thân.
“Tôi hồi hộp không biết cuốn sách được đón nhận thế nào và kết quả sẽ ra sao,” cô nói. “Tôi chú trọng vào nhịp điệu từ ngữ và vần điệu chân thực khi trình bày câu chuyện. Tôi yêu việc các em sẽ bị cuốn hút bởi nhân vật vĩ cầm màu xanh, cách các em cảm nhận về nhân vật này và cách mà nhân vật này bị bắt nạt; và cách các em không đồng tình với những nhân vật khác đã bắt nạt cây đàn. Đó chính xác là sự phản hồi và mối liên kết mà tôi hy vọng tạo ra được.”
Gần đây, Trường Iona đã trao bằng Tiến sĩ danh dự chuyên ngành Nghệ thuật cho cô, vì “cam kết suốt đời đối với những cống hiến sâu sắc, xuất sắc và sáng tạo để thông qua âm nhạc đưa mọi người xích lại gần nhau.”
Dự án mới nhất của cô là cùng với một công ty lữ hành Ireland, dẫn dắt một tour lưu diễn âm nhạc quanh đất nước bằng xe buýt, có tên gọi “Wild Atlantic Music Tours”.
“Chúng tôi sẽ sớm khởi hành chuyến lưu diễn tiếp theo. Chia sẻ tình yêu và kiến thức của tôi về đất nước Ireland thông qua tham quan và các buổi chơi nhạc hàng ngày đã trở thành một niềm đam mê mới,” cô nói. “Tôi sáng tạo, chơi nhạc, và chia sẻ cảm xúc với khán giả, với mong muốn lưu lại niềm vui và sự sảng khoái sau mỗi buổi diễn.”
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.