Âm nhạc: Kết nối trí nhớ cho những bệnh nhân Alzheimer
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tập san Bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan, chương trình mang tên “Nhịp cầu âm nhạc cho trí nhớ” đã được chứng minh là giúp tăng khả năng tương tác không lời của bệnh nhân với những người chăm sóc.
Ông Wes Mika bắt đầu chơi nhạc bằng trống (drum), nhưng trong lòng, ông biết mình là một người đam mê tambourine. “Ông ấy cảm thấy hứng thú với những chiếc đĩa bạc nhỏ trên tambourine” vợ ông, bà Susan Mika nói. “Thỉnh thoảng ông ấy sẽ chơi tambourine với một cái dùi trống nhỏ. Ông ấy yêu tambourine.”
Ông Wes, 77 tuổi, bị chứng mất trí nhớ và sống trong một cơ sở chăm sóc cho bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ ở Arlington Heights, Illinois, ngoại ô phía tây bắc Chicago. Ông và bà Susan, 76 tuổi, đã tham gia một chương trình âm nhạc được thiết kế để giúp những bệnh nhân sa sút trí tuệ kết nối với những người thân yêu của họ.
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tập san Bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan, chương trình mang tên “Nhịp cầu âm nhạc cho trí nhớ” đã được chứng minh là giúp tăng khả năng tương tác không lời của bệnh nhân với những người chăm sóc họ.
Liệu pháp âm nhạc cũng làm giảm các triệu chứng sa sút trí tuệ đáng lo ngại như kích động, lo lắng và trầm cảm.
Bà Susan nói: “Ông ấy ngồi trên xe lăn và có một sự gắn kết gần gũi, tốt đẹp cho cả hai chúng tôi. Cả hai chúng tôi đều tận hưởng khoảnh khắc đó. Tôi sẽ hát những lời ca mà tôi biết, và đôi khi tôi thấy ông ấy mấp máy môi. Ông ấy không nói to nhưng có cử động môi, vì vậy tôi nghĩ ông ấy hiểu những từ đó và có sự kết nối với âm nhạc. “
Chương trình âm nhạc được phát triển bởi Viện Trị liệu thông qua Nghệ thuật bất vụ lợi để giúp những bệnh nhân sa sút trí tuệ đang mất khả năng giao tiếp bằng lời nói với những người thân yêu.
Trong chương trình này, một ban nhạc sẽ chơi trực tiếp những bản nhạc từ thời trẻ của bệnh nhân. Bệnh nhân và người chăm sóc của họ được khuyến khích tương tác với âm nhạc bằng cách cùng nhau hát, nhảy hoặc chơi các nhạc cụ đơn giản như shaker, trống hoặc tambourine.
Nhà nghiên cứu cấp cao, Tiến sĩ Borna Bonakdarpour cho biết, ngay cả khi chứng sa sút trí tuệ tàn phá tâm trí và trí nhớ, chứng rối loạn thoái hóa não dường như không ảnh hưởng đến khả năng thưởng thức âm nhạc của người bệnh cho đến giai đoạn muộn trong quá trình bệnh. Ông là phó giáo sư thần kinh học tại Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, ở Chicago.
Do đó, bệnh nhân có thể duy trì khả năng nhảy và ca hát trong một thời gian dài trong khi khả năng nói chuyện đã suy giảm.
“Họ có thể hiểu, tiếp nhận và phản hồi khi nghe nhạc, cũng như có thể nhảy múa, chơi đùa với âm nhạc và hát theo,” ông Bonakdarpour nói. “Đây là những phần [chức năng] còn khá nguyên vẹn, điều này thật tuyệt vời.”
Ông Sam Fazio, Giám đốc cấp cao về nghiên cứu tâm lý xã hội và chăm sóc hiệu quả, cho biết Hiệp hội Alzheimer công nhận liệu pháp âm nhạc là một liệu pháp không dùng thuốc quan trọng đối với chứng sa sút trí tuệ.
“Bạn đang tiếp cận các phần khác nhau của trí óc có thể không bị ảnh hưởng bởi các triệu chứng của bệnh,” ông Fazio nói. “Đôi khi người bệnh không còn có khả năng diễn đạt bằng lời, họ vẫn có thể thể hiện bản thân bằng lời bài hát hoặc cảm nhận giai điệu.”
Giúp đỡ bệnh nhân và người chăm sóc
Trong nghiên cứu, nhóm của ông Bonakdarpour đã đề nghị 21 bệnh nhân và người chăm sóc của họ tham gia vào chương trình “Nhịp cầu âm nhạc cho trí nhớ” mỗi tuần một lần. Nghiên cứu này là tương đối khác thường vì những cố gắng trị liệu bằng âm nhạc trước đây chỉ tập trung vào bệnh nhân, trong khi việc trị liệu liên quan đến cả bệnh nhân và người chăm sóc.
Chương trình bao gồm 45 phút nghe nhạc, cũng như 15 phút nói chuyện trước để chuyên gia trị liệu âm nhạc có thể thảo luận về các kỹ năng giao tiếp cụ thể cần giải quyết trong thời gian tham gia cùng nhau. Nhìn chung, các bệnh nhân đã tham gia 12 buổi trong vòng ba tháng.
Các cặp bệnh nhân/người chăm sóc cũng được quay video trong 10 phút trước và 10 phút sau mỗi phiên, nhờ đó các trợ lý nghiên cứu có thể phân tích tác động của liệu pháp âm nhạc đối với sự tương tác của họ, ông Bonakdarpour nói.
Mặc dù chương trình được thiết kế để giúp tiếp cận các phần liên quan đến âm nhạc trong bộ não của bệnh nhân, nhưng các buổi học này cũng hướng dẫn cho những người chăm sóc cách kiên nhẫn để gắn kết với người thân của họ, ông Bonakdarpour cho biết.
Ông nói: “Mọi thứ có thể trở nên căng thẳng vì người chăm sóc không biết phải làm gì với những hành vi bất thường của bệnh nhân. Một bệnh nhân có vấn đề về trí nhớ có thể hỏi cùng một câu hỏi mười lần, và người chăm sóc có thể cảm thấy bực tức.”
Ông Wes và bà Susan đã tham gia chương trình này vì đại dịch COVID-19.
Chương trình âm nhạc bao gồm các bài hát cũ như “You Are My Sunshine,” “Take Me Out to the Ballgame” và “You’re a Grand Old Flag,” nhưng các nhạc sĩ sẽ đáp chơi theo yêu cầu của bạn, bà Susan nói. Bà và ông Wes yêu thích Josh Groban, vì vậy, ban nhạc đã thêm một số giai điệu của Josh Groban vào tiết mục của họ.
Bà Susan nhớ lại: “Nhạc sĩ sẽ phát video và chơi một bài hát mở đầu và một bài hát kết thúc. Cô ấy hỏi chúng tôi muốn nghe gì và cô ấy sẽ chơi cho chúng tôi nghe, sau đó chúng tôi sẽ hát theo. Tôi ở ngay bên cạnh ông ấy, vì vậy tôi thường nhìn ông ấy. Đó là cách chúng tôi kết nối với nhau.”
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các tương tác xã hội không lời tăng lên đáng kể giữa bệnh nhân và người chăm sóc tham gia chương trình, trong khi giao tiếp giảm ở tám cặp bệnh nhân/người chăm sóc không tham gia, đóng vai trò như nhóm đối chứng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, trong các cuộc trò chuyện nhóm sau khi tham gia buổi sinh hoạt âm nhạc, các bệnh nhân tương tác xã hội tốt hơn. Họ duy trì giao tiếp bằng mắt thường xuyên hơn, ít bị phân tâm, kích động, và lạc quan hơn.
Ông Bonakdarpour nhớ đến một bệnh nhân đặc biệt, “một người rất năng động, trong suốt các buổi sinh hoạt, ông sẽ đứng dậy và muốn nhảy với mọi người. Lúc đó người vợ cảm thấy rất xấu hổ, và bà ấy đã nổi giận với ông.”
Ông Bonakdarpour cho biết: “Nhưng sau khi các phiên tiếp tục diễn ra, vào lúc giữa cho đến cuối chương trình, bệnh nhân này đã ngồi xuống trong tất cả các phiên cùng với vợ mình. Họ đang giao tiếp với nhau. Họ dùng nhạc cụ gõ để cùng tham gia và nhảy múa. Vì vậy, phương pháp này đã thực sự đã thay đổi mối quan hệ của họ.”
‘Những bài hát khiến ông ấy thực sự hạnh phúc’
Dựa trên những kết quả này, nhóm của ông Bonakdarpour đã nhận được khoản tài trợ ba năm từ tổ chức National Endowment for the Arts để mở rộng chương trình và thực hiện một thử nghiệm lâm sàng khác với nhiều bệnh nhân hơn.
Ông Fazio đề cao nghiên cứu này vì nghiên cứu được thực hiện với các nhà trị liệu âm nhạc chuyên nghiệp và những quy trình phù hợp để có thể mang lại kết quả tốt nhất.
“Đôi khi mọi người nghĩ rằng họ đang thực hiện liệu pháp âm nhạc bằng cách phát một bản nhạc nền nhưng điều đó không thực sự đúng,” ông Fazio nói. “Để có được những kết quả mong muốn, chẳng hạn như tăng sự gắn kết và bớt lo âu hay kích động, cần có các chuyên gia trị liệu âm nhạc đã được đào tạo, những người hiểu cách dùng âm nhạc để thực hiện các mục tiêu phi âm nhạc với các quy trình chính xác.”
Ông Bonakdarpour tin rằng liệu pháp âm nhạc nên là một phần quan trọng để kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhân sa sút trí tuệ bị suy giảm khả năng.
Ông nói: “Đối với một số vấn đề tâm thần của những bệnh nhân sa sút trí tuệ, chúng tôi không có những loại thuốc tốt. Khi thực sự không còn giải pháp nào, chúng ta phải dùng một số loại thuốc với các tác dụng phụ có thể ảnh hưởng đến tim, thậm chí rút ngắn tuổi thọ của bệnh nhân. Và nếu bạn có thể tránh dùng những loại thuốc độc hại này, điều đó thật tuyệt phải không?”
Bà Wes yêu thích chương trình này đến nỗi bây giờ ông Susan đã kết hợp âm nhạc vào các chuyến thăm bình thường của họ. Bà đã yêu cầu một thiết bị Amazon để phát một danh sách các bài hát.
“Alexa chơi những bài hát và sau đó chúng tôi chơi theo cùng với các nhạc cụ. Tôi cố gắng tìm những bài hát mà ông ấy nhớ. Những bài hát này khiến ông ấy thực sự hạnh phúc” bà Susan nói.
Để biết thêm thông tin
Viện Trị liệu thông qua Nghệ thuật có thêm thông tin về chương trình Nhịp cầu âm nhạc cho trí nhớ.
NGUỒN:
Ông Borna Bonakdarpour, MD, phó giáo sư thần kinh học, Trường Y Feinberg thuộc Đại học Northwestern, Chicago; Sam Fazio, Ph.D., giám đốc cấp cao, nghiên cứu tâm lý xã hội và chăm sóc chất lượng, Hiệp hội Alzheimer’s, Chicago; Bệnh Alzheimer và các rối loạn liên quan, ngày 25/08/2022.
Ngọc Cường biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times