Những nữ hoàng cổ đại trong các bức tranh hàn lâm Pháp quốc
Những nữ hoàng cổ đại thần thoại cũng như những truyền thuyết bí ẩn xung quanh họ đã cuốn hút sự quan tâm của nhiều nghệ sĩ Pháp.
Từ chân dung đến tĩnh vật, nghệ thuật hàn lâm Pháp hội tụ đa dạng thể loại cổ điển, nhưng chủ đề biên niên sử về các sự kiện lớn có thể là một trong những điều đáng chú ý hơn cả vào thời điểm đó. Như cái tên của tiêu đề, những bức tranh này lấy cảm hứng từ quá khứ, nhưng các họa sĩ đã chỉnh sửa công phu dựa trên nguồn tư liệu cổ để tạo ra cốt truyện hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn. Các nữ hoàng cổ đại thần thoại, cũng như những truyền thuyết bí ẩn xung quanh họ, đã trở nên đặc biệt cuốn hút sự quan tâm của các nghệ sĩ Pháp.
Vào thế kỷ 19, các trường nghệ thuật đã được thành lập trên khắp Âu châu, và học viện Académie des Beaux-Arts của Pháp là nhà tiên phong đáng chú ý trong việc đào tạo các họa sĩ đang lên theo kỹ thuật và chủ đề truyền thống. Những người học việc trẻ tuổi được học dưới sự hướng dẫn của các nghệ sĩ bậc thầy, những người sau đó đã bảo đảm rằng sinh viên của họ sẽ có cơ hội tìm được người bảo trợ.
Tương tự như vậy, học viện đã tổ chức các buổi triển lãm, quy tụ nhiều nghệ sĩ cũng như nhà tài trợ, gây xôn xao dư luận. Các nghệ sĩ và những nhà bảo trợ đều ngưỡng mộ lịch sử cổ đại trong nửa đầu thế kỷ 19. Điều này là do nước Pháp đã có nhiều thập kỷ xung đột. Người dân Pháp đã quay ngược dòng lịch sử để tìm kiếm nguồn cảm hứng khi họ xây dựng lại quốc gia mới của mình sau Cách mạng Pháp (1789-1799) và Chiến tranh Napoléon (1803-1815).
Trong số những người cổ đại được vinh danh là nữ hoàng Zenobia của Armenia. Bức tranh năm 1850 của hoạ sĩ William-Adolphe Bouguereau, “Zenobia được tìm thấy bởi những người chăn cừu trên các bãi ngầm của Araxes,” khắc họa cảm xúc và kịch tính của việc sống sót sau thảm kịch đối đầu – một cảm tình đã tạo nên cộng hưởng với những thường dân nước Pháp vốn kiệt quệ vì chiến tranh.
Hoạ sĩ Bouguereau (1825-1905) là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất ở thời này. Tác phẩm nghệ thuật của ông đã trở nên gắn liền với chủ nghĩa hàn lâm của Pháp. Bouguereau đã tỉ mẩn sáng tạo nên các tác phẩm đầy sống động, đồng thời sử dụng cả bố cục và màu sắc để khơi gợi phản ứng cảm xúc và trí tuệ từ người xem. Sự kết hợp tài tình giữa hình thái và màu sắc, thay vì thiên về cái này hơn cái kia, là nguyên lý then chốt trong nghệ thuật hàn lâm Pháp.
Câu chuyện thần thoại về nữ hoàng Zenobia
Trong triều đại Pharnavazid, Rhadamistus là con trai cả của Vua Pharasmanes I xứ Iberia (thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ hai 2 SCN). Lo sợ rằng đứa con trai đầy tham vọng và thiếu kiên nhẫn của mình có thể soán đoạt ngôi, nhà vua Pharasmanes đã đẩy Rhadamistus phát động chiến tranh chống lại chú của mình là vua Mithridates của thị quốc Armenia.
Thay vì tuyên chiến, Rhadamistus đã đánh lừa người chú bằng cách giả vờ chạy trốn khỏi “mối thâm thù” với cha mình, vua Pharasmanes. Rhadamistus đã bày mưu cho kế hoạch xâm lược Armenia vào thời điểm đó.
Hoàng tử Rhadamistus, nổi tiếng với tham vọng, sức mạnh, vẻ ngoài anh tuấn và dũng cảm, đã kết hôn với Công chúa Zenobia, con gái của Vua Mithridates và được gia nhập vào dòng dõi hoàng gia Armenia. Rhadamistus sau đó đã tàn sát gia đình quân chủ của nàng Zenobia để giành lấy ngai vàng và cùng nàng trị vì Armenia vào đầu những năm 50 TCN. Triều đại của họ rất ngắn ngủi; người Armenia đã nổi dậy và đánh đuổi Rhadamistus cùng Nữ hoàng Zenobia phải đi lưu vong.
Thay vì chạy trốn cùng Rhadamistus và chấp nhận nguy cơ bị bắt nhục nhã dưới tay kẻ thù, Zenobia đã cầu xin chồng mình hãy cho nàng một cái chết nhẹ nhàng “trong danh dự”. Thoạt đầu Rhadamistus từ chối, nhưng sau đó đã đồng ý. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ này, Rhadamistus đã ném nàng xuống sông. Kỳ diệu thay, Zenobia đã sống sót một cách thần kỳ, và những người chăn cừu tốt bụng đã chữa lành cho nàng bằng các bài thuốc dân gian của họ. Họ đã đưa nàng đến thành Artaxata, nơi đó nàng được tận hưởng một cuộc sống yên bình và vương giả.
Họa sĩ Bouguereau đã miêu tả khoảnh khắc kịch tính và thăng hoa nhất của câu chuyện nàng Zenobia: Những người nông dân đã cứu sống nữ hoàng. Có một sự châm biếm khéo léo ở đây khi nữ hoàng Marie Antoinette của Pháp quốc đã không gặp phải số phận thương xót tương tự 60 năm trước đó, nhưng Bouguereau đã chọn khắc hoạ và nắm lấy các chủ đề về sự cứu chuộc và hợp nhất. Các hình tượng và bố cục được ông thể hiện mang phong cách vượt thời gian, cho thấy tính phổ quát của câu chuyện cứu rỗi cổ xưa này.
Nữ hoàng Dido trong tranh của họa sĩ Pierre-Narcisse Guérin
Viện sĩ nổi tiếng Pierre-Narcisse Guérin (1774-1833), cũng chọn chủ đề nữ hoàng cho tác phẩm năm 1815 của mình, “Anh hùng Aeneas kể với nữ hoàng Dido về sự sụp đổ của thành Troy,” một tác phẩm nổi danh ở triển lãm Salon Paris năm 1817. Đây là nơi triển lãm nghệ thuật chính thức của học viện Académie des Beaux-Arts và có lẽ đây là sự kiện nghệ thuật ý nghĩa nhất ở Tây bán cầu trong suốt thế kỷ 19.
Ngài Guérin, được biết đến với sự đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, được bổ nhiệm làm giám đốc Học viện Pháp tại Rome vào năm 1822. Ngoài những đóng góp của riêng ông cho Học viện Pháp, các học trò của ông còn có họa sĩ Eugène Delacroix và Théodore Géricault, hai trong số những họa sĩ có tầm ảnh hưởng nhất mà nước Pháp sản sinh.
Danh hoạ Guérin, giống như nhiều nghệ sĩ cùng thời, đã lấy ý tưởng bởi các nguồn lịch sử và thần thoại cổ đại. Tác phẩm nghệ thuật năm 1815 của ông mô tả các bối cảnh trong cuốn sử thi “Aeneid” của tác giả Virgil (được viết từ năm 29 đến 19 TCN). Virgil, một nhà thơ được yêu mến nhất của La Mã cổ đại, đã tổng hợp lại lịch sử, thần thoại và truyền thống văn học.
Sử thi “Aeneid” theo dấu chân anh hùng thành Troy Aeneas, khi chàng chạy trốn khỏi thành phố Troy bị tàn phá để hoàn thành sứ mệnh của mình là xây dựng thành Rome. Aeneas đến vương quốc Carthage ở Bắc Phi khi đi xuyên qua Địa Trung Hải trên đường đến nước Ý. Tại đây, anh gặp gỡ Nữ hoàng Dido quyền năng. Để đổi lấy tấm lòng hiếu khách của mình, nàng yêu cầu người du khách trẻ tuổi kể cho mình nghe câu chuyện về cuộc Chiến thành Troy và chuyến phiêu lưu trên biển của chàng. Aeneas đồng ý, và cả hai nhanh chóng nảy nở tình yêu nhờ mũi tên của thần Cupid.
Họa sĩ Guérin vẽ nàng Dido đang nhìn say đắm vị khách của mình trong khi Aeneas nhiệt tình kể lại cuộc phiêu lưu của chàng. Trong khi hình ảnh của các cặp đôi gợi lên sự lãng mạn, nghệ sĩ cũng khắc họa một khung cảnh tuyệt đẹp của thị quốc Carthage ở hậu cảnh. Bảng màu của nghệ sĩ tràn ngập ánh nắng, ấm áp và dễ chịu. Điều này rất đáng chú ý, vì các họa sĩ hàn lâm thường sử dụng màu sắc có thể biểu đạt cảm xúc và bầu không khí tốt nhất cho khán giả của họ.
Tuy nhiên, các vị thần đã lệnh cho Aeneas phải rời khỏi xứ Carthage bởi vì đó là nhiệm vụ và sứ mệnh của chàng khi xây dựng thành Rome, và cùng với nó, đế chế này sẽ mãi mãi thay đổi thế giới. Vì quá đau buồn, nàng Dido đã tự vẫn khi vị hôn phu bỏ nàng ra đi.
Mặc dù câu chuyện có vẻ như có một kết thúc bi thảm ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhưng Guérin đã gợi lên một bài học sâu sắc hơn, thậm chí là bài học về niềm hy vọng: việc xây dựng một đế chế vĩ đại đòi hỏi sự hy sinh to lớn không kém, nhưng những người có đức tin sẽ được trao vinh quang vì sống đúng với tinh thần chính nghĩa của họ. Sau nhiều thập kỷ bất ổn và quá nhiều hy sinh ở nước Pháp, khán giả của Guérin có thể mong đợi một lời hứa hẹn về thời kỳ vàng son đang chào đón.
Mai Hoa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times