Trị quốc bình thiên hạ: ‘Câu chuyện ngụ ngôn về chính phủ tốt’ của Lorenzetti
Các bức bích họa của Siena khẳng định rằng nghệ thuật quản trị chính phủ được dẫn hướng bởi lợi ích chung.
Đó là năm 1340, và Cộng hòa Siena là nơi cư dân nhộn nhịp với nhiều hoạt động. Hội đồng số Chín, bao gồm chín thẩm phán được bầu chọn, bước vào Palazzo Pubblico (hay tòa thị chính) và tiến đến Sala dei Nove (Phòng Hội đồng). Họ tiến đến phòng hội đồng và nhìn lên ba bức bích họa lớn bằng bức tường, bích họa như những lời nhắc nhở về cách điều hành vì lợi ích chung của người dân.
Cộng hòa Siena là một trong bốn thành phố thịnh vượng ở vùng Tuscany nước Ý (các thành phố khác là Florence, Pisa và Lucca), Siena đã phát triển mạnh mẽ trong khoảng 400 năm (1125–1555), tự hào tuyên bố “tự do.”
Những nhà lãnh đạo muốn bảo tồn thành phố theo cách đó. Vào khoảng năm 1285, họ đã ủy quyền cho họa sĩ địa phương là Ambrogio Lorenzetti (1290–1348) vẽ những bức bích họa trong Phòng Hội đồng, coi đó như những lời nhắc nhở về những gì cần thiết để duy trì một sự quản trị ổn định.
Khoảng giữa năm 1338 và 1340, họa sĩ Lorenzetti đã khắc họa “Câu chuyện ngụ ngôn về chính phủ tốt” trên bức tường chính và hai bức bích họa khác trên các bức tường liền kề. Các tác động của quản trị tốt được minh họa ở bên trái, phía bên phải là hậu quả của việc quản trị tồi.
Là người sống cùng thời với danh họa Giotto (1267–1337), Lorenzetti đã kiến tạo ra những bức bích họa từ thời kỳ đầu của thời kỳ Phục hưng. Các bức tranh của ông khắc họa gần 300 nhân vật mô tả những vị thần đến từ một tầng cao hơn đang dõi theo Siena, nơi người dân thành phố và nông thôn đang có các hoạt động cho cuộc sống thường nhật.
Công lý tối thượng
Trên bức tường trung tâm của Phòng Hội đồng, các nhân vật chính mang tên Nữ thần Công lý và Công ích thống trị toàn bộ bối cảnh, hình ảnh của họ lớn hơn so với các cá nhân khác trong bức bích họa. Nữ thần Công lý ngồi ở phía trên lối vào của hội trường. Nàng tìm kiếm sự chỉ dẫn từ Trí huệ. Công lý cân bằng chiếc cân ở hai bên ghế của nàng, nơi các thiên thần ban bố hình phạt hoặc phần thưởng.
Phía bên trái, một thiên thần thực hiện xử trảm kẻ vi phạm việc làm sai trái.Thiên thần bên phải ban tặng quà cho những người lương thiện. Một nhân vật trong trang phục màu trắng chính là nữ thần của Hòa hợp, nàng ngồi phía bên dưới nữ thần Công lý, và trao hai sợi dây dệt (“thuận hòa”) cho đại diện người dân, như vậy họ có thể cai trị một cách hòa thuận.
Các quy tắc phổ quát
Một đoàn các vị thẩm phán là kết nối do nữ thần Công lý chủ trì với tòa án Công ích, cơ quan tư pháp thành phố.
Phía bên trên đức vua, những phẩm chất thiên phú của Đức tin, Hy vọng và Bác ái chỉ đường (để ông cai trị) cõi trần. Bên dưới họ, Công ích ngự trị tối cao trong cảnh giới tâm linh. Trong triều đình của ông với đại diện của những đức tính cao quý và trang nghiêm của một chính phủ tốt, những cố vấn của nhà vua, đó là: Hòa bình, Lòng dũng cảm và Sự thận trọng ở bên trái, Sự hào phóng, Lòng khoan dung và Công lý ở phía bên phải.
Bên trái nhà vua là hình ảnh Hòa bình (còn gọi là Pax) dường như không bận tâm đến việc điều hành thành phố. Nàng ngả lưng trên một tấm đệm rộng mềm mại, trông rất thư giãn. Nàng không cần phải làm gì cả vì thành phố được quản trị rất tốt nhờ sự trợ giúp của những phẩm hạnh (tốt đẹp). Bên dưới tấm đệm là chiếc áo giáp mà nàng không còn cần sử dụng nữa và chiếc áo giáp đã chuyển đổi từ màu bạc sang màu đen.
Câu chuyện về chính phủ tốt
Ở phía bên phải của chuỗi bích họa được vẽ tỉ mỉ của họa sĩ Lorenzetti, cho chúng ta thấy điều gì sẽ xảy ra khi việc quản trị tốt được thực hiện. Họa gia Lorenzetti hiểu rất rõ thành phố nơi mình đang sinh sống. Các hình ảnh đại diện cho những biểu tượng tốt đẹp của thành phố, chỉ mới ra đời từ thời kỳ trung cổ.
Sự náo nhiệt của giai đoạn đầu thời kỳ Phục hưng đang đến gần như được mô tả trong bức bích họa “Những ảnh hưởng của việc quản trị tốt,”. Đây là một khung cảnh vui nhộn. Người dân đang nhảy múa trên đường phố, một đám cưới đang diễn ra long trọng, và mọi người đang có một cuộc sống tốt đẹp. Khắp mọi nơi tràn ngập sự thịnh vượng, nhộn nhịp và hạnh phúc.
Vị họa sĩ đã chia bức bích họa thành hai phần: khung cảnh thành thị ở bên trái bức tường, và khung cảnh vùng nông thôn trù phú ở phía bên phải. Thành phố vừa nhộn nhịp vừa xinh đẹp. Cư dân ăn mặc đẹp đẽ, nam nhân làm việc cần mẫn xây dựng thành phố, những con la vận chuyển các sản phẩm nông sản từ vùng trồng trọt. Trẻ em chăm chú lắng nghe giảng bài trong lớp học.
Nhiều chi tiết ở khắp thành phố thể hiện rằng đây là nơi giàu có và thịnh vượng. Hàng hóa tràn ngập các cửa hàng; người ta ung dung ngồi trong các quán bar giống kiểu quán cà phê. Một người phụ nữ tưới hoa trên bệ cửa sổ, và một chú chim hót líu lo qua khung cửa sổ đang mở.
Họa sĩ Lorenzetti đã mô tả một cách chân thực cuộc sống thành phố của Siena, và bối cảnh này kết hợp hoàn hảo với khung cảnh kỳ vĩ của vùng nông thôn Siena. Một dòng nông sản thường xuyên vận chuyển qua các cửa ngõ của thành phố. Vị họa sĩ bao phủ những ngọn đồi nhấp nhô của Siena với đủ loại cây trồng và vườn cây ăn trái.
Việc quản trị tốt
Các văn nhân và triết gia từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của một chính phủ đức độ. Có thể họa sĩ Lorenzetti và các thẩm phán Siena đã nghe theo lời khuyên của nhà triết học lỗi lạc người Hy Lạp. Triết gia Socrates kể lại quãng thời gian trải nghiệm của ông khi còn ở thành phố cổ đại Athens. Ông nói rằng: “Chính phủ hoạt động hiệu quả nhất khi được quản trị bởi những người có năng lực, trí tuệ và phẩm hạnh tốt nhất, đồng thời có sự hiểu biết đầy đủ về chính bản thân họ.”
Nhiều thế kỷ sau, Thomas Jefferson, vị chính trị gia và tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, đã nhắc lại những lời của Socrates, cũng như các bức bích họa trong phòng Hội đồng của Siena, tổng thống bày tỏ: “Quan tâm đến cuộc sống và hạnh phúc của người dân, chứ không phải là mang đến sự phá hoại đối với họ, đó là mục tiêu tiên quyết và duy nhất của một chính phủ đức độ.”
Ngay cả cho đến ngày hôm nay, người ta vẫn tìm kiếm câu trả lời trong các bức bích họa của Lorenzetti. Trang web Organic Cities đưa những kết luận sau: “Sự thịnh vượng thực sự mà người họa sĩ nhắc nhở chúng ta, có thể đạt được nếu nông nghiệp, nghề thủ công và thương mại được phối hợp và bổ trợ cho nhau, nếu thành phố và nông thôn có sự tương tác với nhau. Chỉ khi đó, sự bùng nổ của các công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ sẽ hình thành và chỉnh trang thiết kế đô thị. Chỉ khi đó, những ngôi nhà khang trang, các cửa hàng, trường học, đường phố mới được tập trung các tầng lớp nhân dân đến làm việc, giao lưu và vui chơi giải trí. Chỉ bằng cách tôn trọng nhịp điệu yên bình của các tiết khí, vùng thôn quê vốn được con người hình thành để nuôi dưỡng một số lượng dân chúng ngày càng gia tăng mới có thể đảm bảo sự yên tĩnh cho môi trường sống hoặc làm việc cũng như những sinh hoạt trong khung cảnh thanh bình quanh họ”.
Năm 2020, Tổ chức quản trị Lorenzetti được thành lập, nhằm mục đích khôi phục một chính phủ quản trị hiệu quả. Họ có kế hoạch thực hiện điều này bằng cách “truyền tải những ý tưởng về các bức bích họa độc đáo của Lorenzetti cho thời đại của chúng ta và từ đó giải quyết các vấn đề hành chính của các thành phố lớn.” Ngày nay, ba bức bích họa này vẫn là nguồn để đánh giá chất lượng quản trị và truyền cảm hứng cho việc đổi mới nền hành chính. Quản trị tốt không phục vụ các nhà quản lý, tiểu bang hoặc thành phố, mà là phụ thuộc vào công dân và tiểu bang hoặc thành phố của chính họ. “
Người dân ngày nay mong muốn các nhà quản lý lắng nghe nhu cầu của người dân địa phương, và người dân phải được sẵn sàng chủ động tham dự vào chính phủ của họ. Thật ngạc nhiên là, vì một nước cộng hòa nhỏ bé này rất lo ngại về nạn tham nhũng, nhiệm kỳ của các thành viên hội đồng chỉ còn hai tháng trước khi họ bị thay thế.
Trong bức bích họa trên bức tường bên trái, họa gia Lorenzetti mô tả chủ nghĩa cơ hội chính trị và việc coi thường lợi ích chung là những nguyên nhân chính dẫn đến việc quản trị tồi và là các nguồn gốc của chế độ chuyên chế. Phía trước và trung tâm bức tranh là hình ảnh của Tyranny, một con thú có sừng, màu đen, bọc thép, tối tăm, có thể khống chế hành vi con người.
Dưới chân con thú là hình ảnh của Hòa bình bị trói buộc và hạ gục. Trong bức tranh trung tâm, một nhân vật nắm giữ Hòa bình bằng một sợi dây trái ngược với sợi dây của sự Hòa hợp, bắt nguồn từ Công lý. Một xã hội có sự quản trị tồi tệ đã đi đến hồi kết với viễn cảnh tối tăm. Khi một nhà độc tài cai trị xã hội, sẽ không thể có sự thịnh vượng hay hạnh phúc.
Thanh Ân biên dịch
Tiên Tiên biên tập
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times