Đế chế La Mã trong tranh vẽ của họa sĩ Hà Lan
Nghệ thuật du hành xuyên thời gian tái hiện cuộc sống sinh động cổ xưa
Họa sĩ Alma-Tadema đã khắc họa một Rome tráng lệ, tươi sáng và chất chứa một cảm tình sâu lắng dịu dàng.
Vào thế kỷ 19, quá trình công nghiệp hóa lan rộng khắp nước Anh ở thời Victoria mãnh liệt. Cùng với những tác động có lợi, chẳng hạn như tăng thu nhập cho một số người dân, cung cấp nhiều mặt hàng tiêu dùng mới chất lượng cho những người có khả năng chi trả và các dịch vụ tự động cho những người giàu có, thì những mặt tiêu cực cũng được cho là đáng kể.
Cách mạng công nghiệp đã thay đổi cuộc sống và công việc của người dân thời Victoria khi họ di cư từ vùng thôn quê mộc mạc đến các thành phố dân cư đông đúc. Charles Dickens và một số người khác đã mô tả nhược điểm của sự kiện này. Nông dân hoặc tiểu thương phải lao động trong các nhà máy để kiếm sống và chu cấp cho gia đình của mình. Họ buộc phải chấp nhận sự thay đổi lối sống một cách sâu sắc. Đây chính là một phiên bản “bình thường mới” của nước Anh vào thời kỳ Victoria.
Nhiều người trong xã hội Victoria đã mong muốn có thể quay trở lại một lối sống đơn giản hơn. Khoảng năm 1870, một họa sĩ người Hà Lan đã di dân đến Anh và đã thể hiện một nền văn minh lâu đời thông qua các tác phẩm của mình. Bằng khả năng nghiên cứu thành thạo từng chi tiết và bối cảnh xã hội hàng thiên niên kỷ trước, Lawrence Alma-Tadema (1836–1912) đã từ nước Anh thời Victoria liên tưởng ra khung cảnh cuộc sống bình dị hằng ngày dưới đế chế La mã.
Cuộc sống dưới Đế chế La mã
Họa sĩ hiểu rằng con người cần có những thỏa mãn cơ bản về vật chất, nhưng ông cũng nhận ra rằng con người nên hướng đến những giá trị cao thượng hơn thế để có một cuộc sống hạnh phúc. Ông đã khắc họa rõ nét hình ảnh những cư dân trong khu vực đi lại rong chơi và hưởng thụ những thú vui của cuộc sống hàng ngày. Ông đã gợi mở khung cảnh những con người tương tác xã hội và giao lưu văn hóa với nhau. Ông còn miêu tả những người làm việc trong lãnh vực nghệ thuật, bao gồm họa sĩ, nhà điêu khắc và nhà thơ, cũng như những nhân vật được xã hội tôn kính.
Thay vì khắc họa hình ảnh một người thợ vận hành xưởng in ấn, tác phẩm “Công văn viết thư của người La Mã” của ông lại nhấn mạnh vào tầm quan trọng của kỹ năng viết lách. Những người ghi chép có vị thế quan trọng trong xã hội, ngay cả khi họ chỉ có thể phiên âm hoặc chép lại những gì họ được truyền đạt lại. Người ghi chép đóng vai trò kết nối suy nghĩ và lời nói, kết nối giữa người thuê viết và người đọc.
Một công nhân làm việc trong nhà máy thời Victoria sẽ cần mẫn lao động trong nhiều giờ và sau đó quay trở lại khu nhà đông đúc để ngủ, ngày này nối tiếp ngày kia như thế. Tuy nhiên, bức tranh “Cuộc thảo luận” miêu tả một cảnh tượng khác biệt về cuộc sống hàng ngày của người La Mã. Trong một khung cảnh gia đình ấm cúng, hai người đàn ông đang trò chuyện về những sự việc diễn ra trong ngày. Họ ngồi đối diện nhau, dành cho đối phương sự quan tâm âm áp, họ tập trung tâm trí vào việc bàn bạc giải quyết vấn đề. Họ xuất hiện trong tranh với một thân thể đầy khỏe khoắn trong trạng thái nghỉ ngơi thư giãn và vận những bộ trang phục đẹp đẽ. Họ hoàn toàn làm chủ thời gian của mình. Sự trao đổi ý tưởng đang diễn ra trong cuộc đối thoại và chính sự tương tác này giúp cho khung cảnh trở nên tươi sáng và tràn đầy năng lượng.
Bức tranh “Nhà điêu khắc” của Alma-Tadema mô tả một nhà điêu khắc đang tạo hình một bức tượng. Với đôi bàn tay linh hoạt, ông có thể tạo ra một tuyệt tác nghệ thuật hoàn mỹ hơn chính cả bản thân mình. Mỗi ngày của một nhà điêu khắc không bao giờ lặp lại, không giống như một người thợ thời Victoria thực hiện cùng một việc trong nhiều giờ cho đến khi kết thúc. Với mỗi thao tác cùng dụng cụ, ông đều để lại dấu ấn riêng trên tác phẩm điêu khắc của mình. Những công nhân nhà máy không cảm thấy tâm đắc khi đóng góp một phần công việc cho những thành phẩm có giá trị trong một ngày, nhưng bức tranh này miêu tả nhà điêu khắc và những trợ lý của ông đang say sưa làm việc cùng nhau để tạo ra một tuyệt tác hoàn mỹ nào đó mà họ và công chúng sẽ được chiêm ngưỡng khi tác phẩm hoàn thành.
Vị thế của người phụ nữ trong xã hội đã thay đổi vào thế kỷ XIX. Các vị chủ nhân nhà máy muốn tuyển dụng phụ nữ vì họ có kỹ năng tốt và sẵn sàng làm việc với mức lương thấp hơn. Tuy nhiên, họa sĩ Alma-Tadema đã miêu tả những người phụ nữ trong một bối cảnh xã hội cổ đại – nơi họ được trân trọng và tôn vinh. Tác phẩm “Chèo thuyền” khắc họa một người đàn ông sẵn sàng giúp đỡ người phụ nữ của mình lên thuyền để thực hiện một cuộc hành trình. Ông kéo chiếc thuyền đến mép bờ và đợi nàng bước xuống. Trong tác phẩm nghệ thuật này, người dân thời Victoria có thể chứng kiến một nền văn minh tôn trọng và nâng niu phụ nữ hơn là vắt kiệt sức của họ.
Tác phẩm “Chợ hoa” mô tả cảnh một vị chủ nhân đang mở cửa hàng. Điều này trái ngược với một cô gái bán ở cửa hàng hoa thời Victoria, chẳng hạn như Eliza Doolittle trong vở chính kịch, đã nài nỉ du khách mua một bó hoa từ giỏ hoa của cô. Người chủ cửa hàng trong bức tranh lại hiện lên với nụ cười rạng rỡ khi khách hàng đến thưởng thức bộ sưu tập thực vật phong phú của ông. Ánh mặt trời tỏa sáng cả một vùng rộng lớn. Bầu không khí ở ngôi làng La Mã thật trong lành, tươi sáng, dễ chịu và thân thiện, trái ngược hoàn toàn với vùng đô thị buồn tẻ nước Anh nơi mà vị nữ chủ nhân đang bán những bó hoa nhỏ bé của mình.
‘Nghệ sĩ siêu thường’
Các bức tranh của họa sĩ Alma Tadema mô tả người La Mã trong các tòa nhà bằng đá và đá cẩm thạch tràn ngập ánh sáng. Khi còn trẻ, ông theo học việc từ ngài Louis Jan de Taeye, cựu giảng viên tại Học viện Hoàng gia Antwerp (Bỉ), người đã dạy ông minh họa tính chính xác của lịch sử trong việc vẽ tranh trên các vật liệu cứng. Sau đó, ông đã cộng tác với một họa sĩ nổi tiếng người Bỉ, Nam tước Jan August Hendrik Leys, người đã khuyến khích ông chuyên nhất vẽ tranh trên các chất liệu đá cẩm thạch và granite.
Tạp chí Punch đã vinh danh Alma-Tadema là “họa sĩ siêu thường” bởi kỹ năng hội họa bậc thầy của ông trong việc vẽ đá cẩm thạch. Tác phẩm “Nội thất của ngôi nhà Caius Martius” đã cung cấp một góc nhìn tuyệt vời về sự hiện diện của đá cẩm thạch và cách mà chúng được lát trong một ngôi nhà thời La Mã. Những bề mặt cứng được sử dụng cho các ngôi nhà vì tính chính xác và sự hoàn mỹ.
Các nhà làm phim đầu thế kỷ 20 cũng đã chú ý đến điều này. Các đạo diễn và nhà thiết kế bối cảnh đã lấy cảm hứng từ những bức tranh của Alma-Tadema trong khi tạo ra các bộ phim “Ben-Hur” (1925), “Nữ hoàng Cleopatra” (1934), và đáng nhớ nhất là tác phẩm chuyển thể sử thi “Mười điều răn” (1956) của Cecil B. DeMille. Sự tỉ mỉ về kiến trúc của người họa sĩ có thể được nhìn thấy trong hai bộ phim bom tấn hiện nay: “Võ sĩ giác đấu” (2000) và “Biên niên sử narnia: Sư tử phù thủy và cái tủ áo” (2005). (Trong thiết kế của lâu đài Cair Paravel).
Bối cảnh xã hội La Mã hiện lên trong các tác phẩm của họa sĩ Alma Tadema không bị ảnh hưởng bởi tài chính của các ngành công nghiệp, càng không phụ thuộc vào máy tính hay điện thoại thông minh. Những cư dân La Mã của ông đã tận hưởng thời gian tốt đẹp của cuộc sống. Nhà của họ là những nơi chốn tuyệt vời để sinh sống. Theo trang web của Phòng trưng bày Worthington, họa sĩ Alma-Tadema “đã hình dung một Rome tráng lệ, tươi sáng và chất chứa một cảm tình dịu dàng.”
Người dân thời Victoria ngưỡng mộ cách mà họa sĩ Alma-Tadema đưa họ du hành đến một thời kỳ mà ở đó con người không có đói nghèo và dục vọng. Những kiệt tác của ông vô cùng nổi tiếng, và chúng cũng đã giúp ông trở nên giàu có.
Thanh Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times