Bức tranh ‘Giông tố’ của họa sĩ Giorgione: Một cuộc tranh biện hơn 500 năm
Trong cuốn tiểu thuyết “Người lính trong Đại Chiến” của Mark Helprin, chúng ta bắt gặp Alessandro Giuliani, một thanh niên người Ý chuyên nghiên cứu triết học và mỹ học. Đại Chiến – Đệ nhất thế chiến – đã khiến con đường sự nghiệp trở thành giáo sư nghệ thuật và thẩm mỹ của anh thay đổi. Chúng ta sẽ dõi theo anh qua những trận chiến, bị cầm tù và suýt bị hành quyết bởi chính quân đội của mình cũng như bị quân địch bắt giữ. Trong giai đoạn đầy thử thách này, anh đã gặp Ariane, cô y tá mà anh đem lòng thương nhớ từ những buổi đầu gặp gỡ. Anh dành những năm tháng hậu chiến để làm những công việc lặt vặt và cố gắng chữa lành vết thương tâm lý của mình vì tin rằng cô đã qua đời trong một vụ đánh bom vào bệnh xá.
Thật kỳ lạ, một yếu tố trong quyển tiểu thuyết này chính là bức tranh được sáng tác từ thế kỳ 16, – “La Tempesta” hay “Giông tố” của họa sĩ người Ý Giorgione. Chàng thanh niên Alessandro vô cùng say mê bức tranh bí ẩn này. Quyển tiểu thuyết có nhiều đoạn kể về việc anh suy ngẫm ý nghĩa bức tranh hoặc thảo luận về bức tranh với những người khác; và cuối cùng, khi người trông coi bảo tàng nhớ lại rằng có một phụ nữ đã rơi lệ trước “Giông tố” tại phòng trưng bày, đó là thời khắc Alessandro đoàn tụ với tình yêu của đời mình.
Vì cuốn tiểu thuyết “Người lính trong Đại Chiến,” tôi cũng bị bức tranh này cuốn hút.
Đôi lời về họa sĩ Giorgione
Chúng ta biết rất ít về cuộc đời của Giorgio da Castelfranco, mặc dù cái tên phổ biến của ông, Giorgione, có nghĩa là “George lớn” hoặc “George cao”. Trang web trực tuyến The Art Story cho chúng ta những thông tin cơ bản về ông. Ông sinh khoảng năm 1477 tại Castelfranco Veneto, cách Cộng hòa Venice khoảng 25 dặm. Truyền thuyết kể rằng ông là một chàng trai anh tuấn, lớn lên trong gia cảnh bình thường và mất mẹ khi còn là một đứa trẻ. Chúng ta cũng biết rằng ông đã qua đời vì dịch hạch tại một bệnh viện ở Venice vào năm 1510.
Bất chấp hoàn cảnh, ông rõ ràng là một họa sĩ tài năng từ khi còn nhỏ. Mười ba tuổi, ông đã học việc trong xưởng vẽ của họa sĩ bậc thầy Giovanni Bellini. Các nhà sử học nghệ thuật, bao gồm cả Giorgio Vasari, ghi nhận rằng ông đã thay đổi các kỹ thuật vẽ của Venice, hướng các họa sĩ đến các chủ đề trong các tác phẩm kinh điển và thần thoại, đồng thời khuyến khích họ quan tâm đến việc vẽ phong cảnh trong các tác phẩm.
Những nhân vật nổi tiếng khác cũng không ngớt lời khen ngợi ông. Năm 1528, Castiglione, người đã viết cuốn sách kinh điển “Quyển sách của cận thần”, đã xếp ông ngang hàng với các danh họa như Raphael và Michelangelo. Nhà thơ thế kỷ 20 Gabriele D’Annunzio cho rằng ông “là một thần thoại hơn là một con người”, và nói thêm rằng “không có nhà thơ nào trên trái đất có thiên mệnh như ông.”
Và, như nhà phê bình Ernst Gombrich đã chỉ ra, khía cạnh đáng chú ý nhất của những vinh danh này chỉ gói gọn trong 5 bức tranh được xác định là do Giorgione sáng tác.
Một trong số đó là tác phẩm “Giông tố.”
Một bức tranh bí ẩn
Ý nghĩa của bức tranh “Giông tố” khiến các nhà phê bình bối rối từ xưa đến nay. Không giống như các trường phái nghệ thuật trừu tượng theo chủ nghĩa hiện đại, người xem phải hình thành ý kiến chủ quan về ý nghĩa của các dạng hình học, những đốm màu hoặc các hình ảnh tối giản.
“Giông tố” bày ra trước mắt người xem những hình ảnh chân thực, một người đàn ông cầm cây gậy trong tay và người mẹ gần như khỏa thân đang cho con bú giữa không gian xanh tươi, dưới hai cái cây lao xao trong gió, phía sau là dòng sông dẫn chúng ta vào một thành phố bao trùm bởi cuồn cuộn những đám mây và sấm sét.
Nhưng họ là ai? Tại sao họ lại ở đó? Ý nghĩa của cơn bão trong thị trấn là gì?
Tại sao người phụ nữ chỉ khoác lên mình một chiếc khăn? Tại sao cô nhìn thẳng vào chúng ta? Người đàn ông đang nhìn về cô là ai? Anh ấy là chồng cô, là người tình cô hay chỉ là một lữ khách tình cờ gặp người mẹ xinh đẹp đang cho con bú? Chúng ta thậm chí không đến nghề nghiệp của anh.
Trong bài viết trực tuyến của mình, nhà sử học nghệ thuật James R. Jewitt giải thích rằng một số người tin rằng anh là một người chăn cừu, một người lính và số khác cho rằng anh là một diễn viên vì “bộ quần áo dệt kim nhiều màu và chiếc áo khoác lạ mắt của anh trông giống với trang phục biểu diễn của Nhà Hát Compaignie della Calza’ (Confraternities of the Sock) của Venice, người ta thường dàn dựng các vở kịch với bối cảnh nông thôn mộc mạc giống như phong cảnh trong tranh của họa sĩ Giorgione.”
Một vài lý giải về bức tranh ‘Giông tố’
Một số cho rằng người đàn ông và phụ nữ trong tranh đại diện cho Adam và Eva khi bị đuổi ra khỏi vườn Địa đàng, tượng trưng bằng hình ảnh thành phố bị cơn bão tàn phá. Các sinh viên nghệ thuật và lịch sử khác tin rằng “Giông tố” là nhận định của Giorgione về tình hình chính trị thời bấy giờ, khi khu vực này đang bị bao vây trong Cuộc Chiến tranh đồng minh Cambrai.
Những người khác lại cho rằng họa sĩ đã không đặc định ý nghĩa cụ thể nào trong tâm trí, rằng ông vẽ với ý định để người xem tự hình thành cách giải thích của riêng mình, hoặc đây chỉ là một bức tranh tưởng tượng không chủ đích.
Jewett viết: “Theo lý luận này, với bức tranh ‘Giông tố,’ Giorgione đã phát minh ra phong cách ‘trữ tình’ (poesia) của nghệ thuật Phục Hưng. Phong cách hội họa này hướng đến chất trữ tình và chất âm nhạc của thơ ca, và bức tranh sẽ được thể hiện tương tự như một bài thơ trực quan nhằm gợi ra phản ứng đa tầng cho khán giả.”
Chất lãng mạn trong tôi ưa chuộng cách lý giải của tác giả Mark Helprin trong tiểu thuyết “Người lính trong Đại Chiến.”
Chàng thanh niên Alessandro đã bộc bạch với cô y tá Ariane rằng: “Người ta nói đến ý nghĩa của bức tranh này rằng, một phụ nữ gần như khỏa thân cùng đứa con nhỏ, một người lính đứng đó và và cả hai không liên quan gì với nhau. Nhưng anh biết chính xác ý nghĩa của bức họa này …ý định của họa sĩ, ông đang ngợi ca những điều giản dị, ông đang khắc họa hình ảnh một người lính trở về nhà. Anh không ngạc nhiên khi các học giả và nhà phê bình không hiểu điều đó. Họa sĩ Giorgione sống trong thời đại dịch trong khi hầu hết các học giả và nhà phê bình hiện thời không phải đối mặt với dịch bệnh hay chiến tranh, và người ta đã biến những điều bình dị thành những thứ cao siêu. Ý nghĩa của bức tranh này là gì hở em yêu? Đó là tình yêu. Đó là đoàn tụ gia đình.”
Câu hỏi không có lời đáp đầy lôi cuốn
Không giống như một số người tôi biết, tôi yêu thích những điều bí ẩn. Tôi không cần câu trả lời cho mọi câu hỏi, cho dù đó là suy nghĩ và hành động của một người phụ nữ hay sự kỳ diệu của quả địa cầu đang chăm chỉ quay trong không gian.
“The Tempest” đã ở lại với tôi vì những bí ẩn của nó. Mỗi khi nhìn vào bức tranh, tôi lại có những cách hiểu khác nhau. Biểu cảm của người phụ nữ cho thấy điều gì? Một người lính, một người hành hương hay một thành viên của một đoàn diễn kịch nào đó ở Venice? Cái gì ở trung tâm bức tranh mà đối với tôi, với tư cách là một người Bắc Carolinia, trông giống như những quán nướng mà tôi từng thấy trên khắp thị trấn khi còn nhỏ? Có phải một người phụ nữ khỏa thân đang cho con bú trên tảng đá không? Tại sao người đàn ông lại nhìn cô ấy một lúc?
Nói như thế này, ít nhất là đối với một người nghiệp dư như tôi: Không phải lúc nào nghệ thuật cũng phải đưa ra câu trả lời. không phải lúc nào nghệ thuật cũng cần phải có ý định rõ ràng.
Thay vào đó, một bức tranh, một tác phẩm điêu khắc hoặc một bài thơ đều có thể gợi lên những câu hỏi và kích thích trí tưởng tượng của chúng ta. Những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời như cảnh bình minh, tiếng cười của những đứa cháu của tôi hoặc khuôn mặt của một người phụ nữ dưới ánh nến, đều có thể hình thành nên cảm giác ngạc nhiên và thi vị.
Đó là lý do tại sao, ba hoặc bốn lần một năm, tôi lại ghé thăm “Giông tố” của họa sĩ Giorgione.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu đang ở tuổi lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết có nhan đề “Amanda Bell” và “Dust On Their Wings,” và hai tác phẩm hiện thực có nhan đề “Learning As I Go” and “Movies Make The Man.” Hiện tại, ông sống và làm việc tại Front Royal, Virginia. Quý vị có thể theo dõi ông tại trang JeffMinick.com.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: