Tuyển tập tranh minh họa xứ sở thần tiên của họa sĩ Rackham
Với những nàng tiên ‘nhảy múa’ và các câu chuyện dân gian được ưa thích khác
Những bức tranh minh họa của họa sĩ Rackham đã đưa trí tưởng tượng của các độc giả trẻ du hành đến những vùng đất huyền bí, sẵn sàng cho một chuyến phiêu lưu.
Phần trẻ thơ trong chúng ta đều biết về các nàng tiên. Tất nhiên, còn có nhiều [nhân vật khác] ngoài các nàng tiên – [chẳng hạn như] những yêu tinh, những chú lùn, những người khổng lồ, những mộc tinh hay cáu gắt, những bông hoa hay thuyết giảng, những anh hùng huyền thoại, và những người đàn ông ngủ dài suốt 20 năm. Các nàng tiên và những người bạn của họ sống bên dưới, bên trên, và bên ngoài thế giới mà chúng ta có thể nhìn thấy được. Chúng ta biết được về họ là nhờ các họa sĩ tranh minh họa như ngài Arthur Rackham (1867–1939). Chính những người họa sĩ đó đã đưa chúng ta vào những cuộc phiêu lưu đến thế giới thần tiên vô hình.
Cuốn tiểu thuyết “Peter Pan ở vườn Kensington” (Peter Pan in Kensington Gardens) của nhà văn J.M Barrie, minh họa bởi họa sĩ Rackham và được xuất bản năm 1906, đã viết rằng: “Các nàng tiên không bao giờ nói, ‘Chúng tôi cảm thấy hạnh phúc.’ Họ sẽ nói là, ‘Chúng tôi cảm thấy muốn nhảy múa.’” Bức hình minh họa được tô điểm với màu sắc phong phú và kỹ lưỡng đến từng chi tiết. Trong tông màu nâu đỏ đầy mê hoặc, các nàng tiên xoay vòng uốn lượn và bồng bềnh phiêu đãng cùng những yêu tinh vui vẻ trên luống hoa cúc giữa những bụi cây mọng nước. Hình vẽ đó quá đỗi sống động và ngập tràn sức sống.
Những cuộc phiêu lưu dành cho các độc giả trẻ
Những bức hình minh họa của họa sĩ Rackham đã đưa trí tưởng tượng của các độc giả trẻ du hành đến những vùng đất huyền bí, sẵn sàng cho một chuyến phiêu lưu. Trong quá trình tận hưởng niềm vui, các bạn nhỏ sẽ [có cơ hội] tìm hiểu về thế giới của riêng mình qua những bức vẽ chi tiết về thế giới tự nhiên của ngài Rackham.
Ngài Rackham miêu tả các nhân vật và nơi chốn mà con trẻ có thể nhìn thấy và bước vào. Trẻ có thể đến gần một cành cây, nơi các nàng tiên đang tranh cãi với chim chóc, rồi kiêu ngạo bay đi. Trẻ cũng có thể đến ngồi kế bên những chú lùn núp mình dưới bóng cây cổ thụ cáu kỉnh. Hoặc trẻ có thể nằm dài bên cạnh một tảng đá, nơi có những chú yêu tinh đang ngủ gà ngủ gật.
Đây là những cuộc phiêu lưu an toàn [không chút nguy hiểm]. Các bạn nhỏ có thể đắm mình vào một khung cảnh có những sinh vật đáng sợ xuất hiện, mà vẫn biết rằng bản thân mình bình an vô sự. Các bé có thể đặt câu hỏi về những gì đang diễn ra và đi tìm giải pháp [cho vấn đề đó]. Những người dân làng sẽ phản ứng ra sao? Mình có thể làm gì để giúp đỡ họ?
Trong cuốn “Truyện cổ tích nước Anh” của nữ nhà văn Flora Annie Steel, một trong những bức hình minh họa của ngài Rackham miêu tả một người phụ nữ trẻ nhìn xuống 3 cái đầu đang nhô lên từ một vũng nước. Một độc giả trẻ có thể tự hỏi: “Có phải cô ấy đang nhờ họ chỉ đường cho không?” Biểu hiện của họ dường như cho thấy họ muốn nói chuyện với cô ấy. Để tìm hiểu điều gì đang diễn ra, trẻ cần phải đọc câu chuyện.
Ngài Rackham giới thiệu các tác phẩm văn học cổ điển đến những người trưởng thành và những độc giả trẻ [thông qua những bức tranh]. Chẳng hạn như các bức minh họa của ông về thần thoại Bắc Âu và thần thoại Hy Lạp, cũng như về những vở kịch của đại thi hào Shakespeare.
Ví dụ, vở kịch “Giấc mộng đêm hè” (A Midsummer’s Night Dream) của Shakespeare là một tác phẩm hoàn hảo cho tài năng hội họa của ngài Rackham được bộc lộ, với các nhân vật như tiên đồng, yêu tinh hoặc những chú lừa. Hình minh họa ông vẽ trong cuốn sách “Siegfried và Hoàng hôn của các vị Thần” (Siegfried and the Twilight of the Gods) đã miêu tả cảnh chàng Siegfried từ biệt nàng Freia để ra đi theo đuổi vận mệnh của chính mình. Đây là xứ sở của các vị Thần, do vậy nàng Freia có thể đứng vững giữa cơn gió mạnh ở rìa vách núi, trong khi chàng Siegfried thổi tù và giữa những ngọn lửa xoáy.
Đắm mình trong những bức tranh này, một đứa trẻ hoàn toàn được bình an, trong khi trí tưởng tượng của cậu bé/cô bé đang bay bổng theo gió.
Thiên nhiên trở nên sống động trong các bức hình minh họa của họa sĩ Rackham. [Lấy thí dụ như hình ảnh] một cô bé dạo bước bên một bông cúc lớn đơn độc giữa trời đông. Bông hoa trong tranh trông có vẻ đáng sợ, nhưng một độc giả trẻ lại không hề sợ hãi và muốn tìm hiểu xem bông hoa đang nói gì với cô bé.
Sức mạnh của hình ảnh
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bức tranh trong sách truyện tạo ra động lực lớn giúp trẻ [thích thú với việc] đọc. Trước khi các bé phát âm được những từ ngữ và bắt đầu hiểu nội dung văn bản, bé đã biết câu chuyện nói về điều gì. Những bức tranh đã truyền đạt nội dung câu chuyện. Hiện tại, [khi] bé muốn tự mình đọc được câu chuyện đó, thì các bức hình minh họa lại thành công giúp cho việc đọc trở nên thú vị và phong phú.
Để [có thể] tạo nên những bức tranh minh họa tuyệt vời dành cho trẻ em cần đến nhiều kỹ năng hơn là chỉ thành thạo việc khắc họa các nhân vật. Các nhân vật ở tất cả các giai đoạn phát triển của con người – em bé sơ sinh, trẻ nhỏ, thanh niên, người cao tuổi. Những bức hình cần phải thể hiện được các tình huống từ góc nhìn của một đứa trẻ.
Họa sĩ Rackham là một bậc thầy trong cách diễn đạt dễ hiểu dành cho trẻ. Ông đưa ra cái nhìn sâu sắc về những gì một nhân vật đang nói hoặc sẽ làm. Ông khiến cuộc trò chuyện giữa một đứa trẻ và một yêu tinh hoặc một nàng tiên, hay một bông cúc đang thuyết giảng trở nên đầy sinh động.
Những cuốn sách minh họa đến với các gia đình
[Xã hội] công nghiệp hóa khiến người ta phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày trong các công xưởng. [Vì lý do đó] xã hội Anh Quốc thời Victoria bắt đầu quay lại quan tâm đến thiên nhiên. [Trong bối cảnh như vậy] ngài Rackham đã mang đến cho độc giả nhí một thế giới tự nhiên qua những bức tranh minh họa về động thực vật, lấy bối cảnh thiên nhiên, nơi các nàng tiên và các sinh vật khác có thể nô đùa [với nhau].
Trong thời đại Victoria, [người ta] nhận ra rằng trẻ em cần đến tranh ảnh để học. Tầng lớp trung lưu mới nổi giàu có mua những cuốn sách có hình minh họa đẹp mắt cho con cái họ, chứ không phải cho bản thân mình, bởi họ quá bận rộn để kiếm sống.
Họa sĩ Rackham cũng là bậc thầy khi thể hiện sự khác biệt kích thước lớn nhỏ [trong các bức tranh của mình]. Ông tạo ra những sinh vật có cánh tí hon chui vừa trong các hạt sồi, lẫn những người khổng lồ đứng bên bà vợ để hỏi về bữa tối. Các bức tranh của ông không có mục đích dạy trẻ phép đo lường kích thước, mà là để trình bày khái niệm về sự lớn hay nhỏ của muỗng ăn mà trẻ có thể sử dụng được.
Những bức tranh minh họa của ngài Rackham trân trọng sự ngây thơ và niềm yêu thích vui chơi của con trẻ. Công việc của ông chính là để mang đến cho các bé sự vui vẻ. Những tấm hình minh họa có thể gắn liền với một bài học [nào đó]. Tuy nhiên, các tấm hình cũng có thể thể hiện một điều gì đó vô lý nhằm tạo tiếng cười cho những độc giả trẻ, chẳng hạn như một dàn nhạc giao hưởng của các chú lùn. Đây là một thế giới tưởng tượng mà các bé có thể đắm mình trong đó và tận hưởng.
Công việc kinh doanh sách truyện có tranh minh họa
Kỹ thuật in màu đã trở nên thịnh hành trong suốt những năm sự nghiệp của ngài Rackham. Theo bà Corryn Kosik, người viết sử về tranh minh họa cho Trung tâm Rockwell, thì nhà in người Anh là Carl Hentschel đã phát minh ra quy trình Colourtype, một loại công nghệ nâng cao tính năng in minh họa cho các tác phẩm của họa sĩ Rackham.
Bắt đầu từ năm 1905, nhà xuất bản William Heinemann của ngài Rackham đã nhìn thấy cơ hội bán những bản vẽ gốc của họa sĩ minh họa khi các cuốn sách truyện có hình minh họa được phát hành. Những bản vẽ gốc của ngài Rackham gần như được bán sạch khi truyện ngắn “Rip van Winkle” ra mắt công chúng. Mô hình kinh doanh này đã trở thành chuẩn mực cho công việc vẽ tranh minh họa của ông.
Những bức tranh minh họa của ông nhanh chóng được [công chúng] tiếp nhận như những tác phẩm nghệ thuật. Trên trang web của Trung tâm Rockwell, bà Kosik đã viết rằng: “Trong đoạn thời gian này, việc trưng bày tranh minh họa bản gốc dưới dạng những phiên bản giới hạn trong một phòng triển lãm uy tín ở London đã mang đến lợi ích cho tất cả các họa sĩ tranh minh họa và đã có tác động lâu dài đến tầng lớp trung lưu kể từ đó.”
Những bức hình minh họa sớm trở thành một phần của loại hình nghệ thuật thịnh hành [lúc bấy giờ] là sách quà tặng, thiệp chúc mừng, và đồ lưu niệm. Sách quà tặng sang trọng đã trở thành món quà ngày lễ phổ biến dành cho trẻ em. Thông thường, những cuốn sách sẽ thành đồ để sưu tập khi bọn trẻ lớn lên.
Sự nghiệp của ngài Rackham lên đến đỉnh cao vào Thời đại Hoàng kim của tranh minh họa (khoảng những năm 1871-1919). Ở Anh Quốc dưới thời vua Edward, và sau đó là ở Mỹ Quốc, những cuốn sách quà tặng sang trọng của ông đã được các bậc cha mẹ háo hức săn tìm cho con cái của họ.
Những hình ảnh minh họa của họa sĩ Rackham giúp phần trẻ thơ trong tất cả chúng ta được nhìn thấy thế giới vô hình và sống động. Đồng thời, ông đã khiến nhiều thế hệ trẻ tìm thấy niềm vui trong việc đọc sách.
Vào giai đoạn hiện nay, khi các gia đình cần đặc biệt chăm chút cho việc giáo dục tốt con cái họ, thì những bức tranh minh họa của ông [đã giúp] đưa con trẻ đến một vùng đất đầy phiêu lưu, hiểm nguy, kỳ lạ, và bí ẩn. [Thông qua đó] một đứa trẻ có thể học được điều gì là nguy hiểm, điều gì là thú vị, và điều gì đáng phải thận trọng. Một hình ảnh minh họa [có thể] diễn đạt được tất cả những điều đó.
Nhã Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: