Hồi sinh từ đống tro tàn — gặp gỡ ông Norman Rockwell
Đến năm 1943, họa sĩ Norman Rockwell (1894–1978) là một tên tuổi mà từ lâu nhà nhà đều biết. Ở độ tuổi gần 50, ông đã trở thành một họa sĩ vẽ tranh minh họa của Mỹ quốc, thuật lại các câu chuyện về đời sống của người dân Mỹ qua những bức tranh mới mẻ và thường là hóm hỉnh do ông sáng tác. Sự nghiệp của ông chính thức bắt đầu vào năm 15 tuổi, khi ông nhận lời ủy thác vẽ bốn tấm thiệp Giáng Sinh. Dù khi đó vẫn còn là một thiếu niên, nhưng ông đã trở thành giám đốc nghệ thuật của tạp chí Boy’s Life thuộc tổ chức Hội Nam Hướng Đạo Mỹ (Boy Scouts of America).
Ông Rockwell là một trong những họa sĩ người Mỹ nổi bật nhất của thế kỷ 20. Năm 22 tuổi, ông đã vẽ tác phẩm đầu tiên trong số 322 trang bìa của mình cho tạp chí The Saturday Evening Post. Đây là một bức tranh hài hước về ba cậu bé ― hai cậu bé chuẩn bị đi chơi bóng chày và một cậu bé đang bận trông em. Những bức tranh của ông Rockwell thường dí dỏm, và luôn tràn đầy hy vọng. Ông từng bộc bạch rằng, “Tôi vẽ cuộc sống như cách mà tôi muốn.”
Tuy nhiên, vận rủi đã ập đến đời ông khi ông đạt đến đỉnh cao của kỹ pháp nghệ thuật. Tại quê nhà ở quận Arlington, tiểu bang Vermont, ông có một xưởng vẽ, nơi cất giữ tất cả những bức tranh, cọ vẽ, sơn màu, bản phác thảo, và những bộ trang phục. Rạng sáng ngày 15/05/1943, con trai đánh thức ông bằng cách la lớn rằng xưởng vẽ đang bốc cháy. Và xưởng vẽ đang cháy thật. Do đám cháy đã làm ngắt đường dây điện thoại nên ông không thể liên lạc với sở cứu hỏa. Vì vậy, ông nhờ một người làm thuê sang nhà hàng xóm để gọi điện cho sở cứu hỏa. Khi ông Rockwell đến nơi, xưởng vẽ đã chìm trong biển lửa, không còn gì có thể cứu vãn. Ông thừa nhận rằng có thể ông chính là người đã vô tình gây ra hỏa hoạn bằng việc hất ít tàn thuốc từ tẩu thuốc của mình lên một tấm đệm ngồi.
Dù gặp tổn thất nặng nề, nhưng ông Rockwell vẫn rất kiên cường trước mất mát đó. Thay vì tiếc nuối những bức tranh và những bộ trang phục [quý giá], ông lại than vãn vì mất rất nhiều tẩu thuốc. Tuy nhiên, vào cuối ngày hôm đó, vài người đàn ông ở địa phương đã đến thăm và tặng ông một số tẩu thuốc, giúp ông có lại một trong những thú vui tiêu khiển ưa thích của mình.
Không phải tất cả tranh vẽ của ông đều bị mất trong trận hỏa hoạn đó. Những bức tranh về “Bốn Quyền Tự Do” của ông (Tự do Ngôn luận, Tự do Tín ngưỡng, Tự do khỏi Nghèo khó, và Tự do khỏi Sợ hãi), lấy cảm hứng từ bài diễn văn trước Quốc Hội của cựu Tổng thống Franklin Roosevelt, đã được đưa đi khắp cả nước để gây quỹ cho trái phiếu chiến tranh. Sự kiện lưu động này đã kêu gọi được hơn 130 triệu USD (hơn 3 tỷ USD thời nay).
Giai Kỳ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times