Louise Arner Boyd: Quý bà của vùng Bắc Cực
Hồ sơ lịch sử về những người đã định hình nên thế giới của chúng ta
Louise Arner Boyd (1887-1972) lớn lên là một cô gái có cá tính mạnh mẽ. Bà luôn theo sát những người anh trai của mình trong mọi việc họ làm. Bà được sinh ra trong một gia đình giàu có ở tiểu bang California, nơi cha bà kiếm được bộn tiền nhờ Cơn Sốt Vàng. Tuy có phong cách tinh nghịch như con trai, nhưng bà vẫn được cung cấp một nền giáo dục đúng đắn cho dù bà không theo học đại học, bà được dạy dỗ để trở thành người có vị trí trong xã hội. Khi các anh trai bà qua đời ở tuổi 16 và 17 vì bệnh sốt thấp khớp cấp tính, bà trở thành người con độc nhất và cuối cùng là người thừa kế gia sản. Khi cha và mẹ bà lần lượt qua đời vào năm 1919 và năm 1920, bà chỉ còn lại một mình, nhưng rất giàu có.
Mặc dù có vị thế trong xã hội, bà ít có xu hướng tiêu xài gia sản của mình vào những bữa tiệc xa hoa phù phiếm, thay vào đó bà dành thời gian và tiền bạc để đi chu du và thám hiểm. Thậm chí, ngay cả trong những năm tháng phiêu lưu đó, bà vẫn bảo đảm luôn ăn vận chỉnh tề và làm móng điệu đàng.
Những chuyến chu du đầu tiên đã đưa bà rong ruổi khắp châu Âu, nhưng vào năm 1924, bà quyết định đến thăm Spitsbergen, hòn đảo lớn nhất của Quần đảo Svalbard, nằm giữa Na Uy và Cực Bắc. Ngay lập tức, bà trở nên say mê vùng đất Bắc Cực này.
Các cuộc thám hiểm bắt đầu
Từ năm 1926 đến năm 1942, bà đã tài trợ, tổ chức, và dẫn đầu bảy chuyến thám hiểm đến Bắc Cực. Chuyến phiêu lưu đầu tiên của bà vào năm 1926 đúng ra là để săn bắn. Bà Boyd là một tay súng trường thiện xạ và đã bắn hạ vài con gấu Bắc Cực (theo một số nguồn tin cho rằng có đến 11 con). Những con thú lớn trong các cuộc săn bắn này thường được nhồi bông và gửi về Hoa Kỳ để trưng bày trong các bảo tàng lịch sử tự nhiên.
Trong chuyến thám hiểm đầu tiên, bà không chỉ mang theo súng trường mà còn cả những chiếc máy quay — để chụp ảnh và quay phim. Bà đã ghi hình gần 21,000 thước phim và 700 tấm ảnh. Gần như ngay khi rời đi, bà đã bắt đầu chuẩn bị để trở lại Bắc Băng Dương.
Năm 1928, bà đã thuê tàu cho chuyến thám hiểm thứ hai, nhưng khi đến Greenland, tin đồn lan truyền rằng ông Roald Amundsen, người đầu tiên đến được Nam Cực và là thành viên của đoàn thám hiểm đầu tiên thành công băng qua Hành lang Tây Bắc đã mất tích. Ông Amundsen đi tìm một nhà thám hiểm vùng cực bị mất tích khác là ông Umberto Nobile, người chế tạo thành công chiếc phi cơ đầu tiên bay đến Bắc Cực.
Mặc dù ông Amundsen không bao giờ được tìm thấy, nhưng cuộc tìm kiếm kéo dài 10 tuần của bà Boyd đã trải dài khoảng 10,000 dặm đường biển, từ thành phố Tromso ở Na Uy, băng qua Biển Na Uy đến đảo Spitsbergen, sau đó băng qua Biển Greenland đến quần đảo Franz Josef Land và trở lại Tromso thông qua Biển Barents, đều được ghi hình lại, quay nhiều cảnh như trong chuyến thám hiểm năm 1926 của bà. Bà đã tặng tất cả những thước phim này cho Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ (AGS).
Trân trọng những nỗ lực của bà trong cuộc tìm kiếm này, Na Uy đã trao tặng bà Huân chương Thánh Olav.
Các cuộc thám hiểm phục vụ mục đích khoa học
Chính trong cuộc tìm kiếm và giải cứu này, bà Boyd đã gặp được nhiều nhà thám hiểm Bắc Cực và các nhà khoa học, đồng thời bà quyết định rằng các chuyến thám hiểm của mình sẽ tập trung nghiêm túc vào khoa học về Bắc Cực.
Trong hai chuyến thám hiểm tiếp theo, bà dẫn đầu đoàn thám hiểm đến bờ biển Đông Bắc Greenland, một khu vực gần như chưa được biết đến. Bà là nhiếp ảnh gia duy nhất của hai chuyến đi mạo hiểm này, và đã chụp lại hàng ngàn bức ảnh. Nghiên cứu của bà về phép đo quang trắc giúp bà lập bản đồ chính xác vùng đất Greenland. Trong các chuyến thám hiểm, con tàu Veslekari mà bà thuê là con tàu đầu tiên đến được vùng nội vi của Vịnh băng Ice Fjord, sông băng De Geer chính thức được phát hiện, và một thung lũng nối giữa hai vịnh hẹp Kjerulf và Dickson cũng được khám phá, cùng nhiều bức ảnh chi tiết được bà Boyd cung cấp, nhờ đó mà Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ có thể lập nên một bản đồ địa hình chính xác.
Sau những chuyến thám hiểm này, bà đã viết cuốn “The Fjord Region of East Greenland” (Vịnh Hẹp ở Miền Đông Greenland), trong đó có 350 bức ảnh do bà chụp. Vùng đất mà bà khảo sát được đặt tên là “Miss Boyd Land,” một vinh dự mà bà không hề biết cho đến khi thực sự nhìn thấy nó trên tấm bản đồ do Viện Geodaetizk ở Copenhagen cung cấp. Ủy ban Tên Địa Lý Hoa Kỳ cũng cập nhật tên địa danh này vào các tấm bản đồ của họ.
Giúp đỡ Quân đội Hoa Kỳ
Hai chuyến thám hiểm tiếp theo của bà vào năm 1937 và năm 1938, bà đã cho ra đời một cuốn sách khác là “The Coast of Northeast Greenland, with Hydrographic Studies in the Greenland Sea” (Bờ Biển Đông Bắc Greenland, cùng Những Nghiên Cứu Thủy Văn ở Biển Greenland). Tuy nhiên, việc xuất bản cuốn sách đó bị trì hoãn cho đến tận năm 1948 theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ. Khi châu Âu bắt đầu bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn khác, Greenland đã cho thấy đây là một khu vực chiến lược quân sự. Bà Boyd bắt đầu hợp tác mật thiết hơn với quân đội Hoa Kỳ, cung cấp những thông tin quan trọng về địa lý của Greenland. Năm 1941, dưới danh nghĩa một cuộc thám hiểm khoa học khác, bà đã nghiên cứu, chụp ảnh, khảo sát, và thu thập thông tin cho Cục Tiêu chuẩn Quốc gia, và cuối cùng là Bộ Chiến tranh.
Trên khắp vùng Greenland, bà Boyd đã bí mật khảo sát rồi cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ vĩ độ và kinh độ của Đảo Baffin, một hòn đảo lớn nằm ở phía bắc Quebec của Canada. Bà cũng cung cấp thông tin về các điều kiện thời tiết, tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước có thể uống được, và dĩ nhiên là cả các tấm ảnh.
Một di sản về Bắc Cực
Thông qua những chuyến thám hiểm của mình, bà và các nhóm khoa học đã viết nhiều báo cáo sâu rộng cho các cộng đồng địa chất và khoa học khác, thường là cho Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ. Một trong những thành tựu cuối cùng của bà ở Bắc Cực là bà đã thuê một chuyến bay để bay qua Bắc Cực vào năm 1955.
Thông qua các chuyến thám hiểm Bắc Cực, bà đã có thể dung hòa làm một tất cả các sở thích (khoa học, thám hiểm, và nhiếp ảnh), khả năng lãnh đạo, địa vị xã hội, và cá tính mạnh mẽ. Trong bài phỏng vấn với The New York Times vào năm 1938, bà bày tỏ suy nghĩ của mình một cách hóm hỉnh nhưng thẳng thắn rằng, “Tôi thích những điều thú vị mà phần lớn phụ nữ đều thích, ngay cả khi tôi mặc quần ống túm và đi giày cao cổ trong chuyến thám hiểm, thậm chí có lúc còn mặc chúng khi ngủ. Tôi không thích kiểu phụ nữ nam tính. Trên biển, tôi không bận tâm đến đôi bàn tay của mình, ngoại trừ giữ cho chúng không bị đóng băng, nhưng tôi vẫn dặm phấn lên mũi trước khi bước ra boong tàu, cho dù đại dương có dữ dội đến thế nào. Không có lý do gì mà phụ nữ không thể vừa kiên cường vừa nữ tính cả.”
Khi kết thúc sự nghiệp thám hiểm vùng Bắc Cực của mình, bà Boyd nhận được Huân Chương Thánh Olav như đã đề cập ở trên, Huân chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh của nước Pháp, Huy hiệu Andree Plaque của Hiệp hội Nhân chủng học và Địa lý của Thụy Điển, Huân chương của Vua Christian X, Đan Mạch, và Chứng thư Khen ngợi của Quân đội Hoa Kỳ.
Bà cũng là thành viên của một số hiệp hội nổi tiếng, như Hiệp hội Làm vườn Hoàng gia London, Hiệp hội Quang trắc học Hoa Kỳ, Hiệp hội Địa lý gia Bờ biển Thái Bình Dương, Hiệp hội Làm vườn Hoa Kỳ, Hiệp hội Các nhà địa lý Nữ, Liên đoàn Quốc gia của Phụ nữ Bút ký Hoa Kỳ, Hiệp hội Thực vật học California, và Hiệp hội Địa lý Philadelphia, kiêm thành viên Hội đồng của Hiệp hội Địa lý Hoa Kỳ, Giám đốc Danh dự của Hiệp hội Địa cực Hoa Kỳ.
Bà Boyd yêu thích các vùng đất Bắc Cực đến mức bà đã yêu cầu người bạn của mình là Tiến sĩ Walter Wood, từng đồng hành cùng bà trong chuyến thám hiểm năm 1993, rằng hãy rải tro cốt của bà xuống Bắc Băng Dương. Và ông đã làm điều này không lâu sau khi bà qua đời.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times