Nga, Mỹ, và Cuộc Đại Nhượng Địa
Chúng ta sẽ cùng khám phá sự kiện Nga bán Alaska cho Mỹ, làm thế nào mà ‘Sự điên rồ của Seward’ lại trở thành việc bảo đảm đất đai, vàng, và dầu mỏ cho Hoa Kỳ.
Peter Đại Đế của Nga đã rất hiếu kỳ. Điều gì đã chia cắt Siberia khỏi Bắc Mỹ? Chỉ một tháng trước khi ông băng hà, Peter Đại đế đã ủy nhiệm cho một trong những sĩ quan hải quân của mình đi tìm câu trả lời. Ông Vitus Jonassen Bering, người gốc Đan Mạch, đã cùng phụ tá là trung úy và hoa tiêu Aleksei Chirikov, dẫn đầu con tàu St. Gabriel trong Chuyến thám hiểm Kamchatka Đầu tiên (First Kamchatka Expedition) từ năm 1725 đến năm 1730. Vào tháng 08/1728, các con tàu băng qua giữa hai lục địa, xác nhận sự chia cắt ở Bắc Thái Bình Dương mà nay được biết đến là Eo biển Bering.
Khi Chuyến thám hiểm Kamchatka Lần thứ Hai khởi hành vào năm 1733, một sĩ quan hải quân Nga khác là Mikhail Spiridonovich Gvozdev đã phát hiện ra vùng đất Alaska. Khám phá năm 1732 của ông về hòn đảo nay được gọi là Đảo Hoàng tử xứ Wales, nằm ở mũi cực nam của Alaska, đã mở ra cuộc thám hiểm và biến Alaska thành thuộc địa của Nga. Nga nhận thấy phát hiện này sẽ đem lại lợi nhuận cho ngành công nghiệp lông thú và thủy sản. Mặc dù Nga nắm giữ thuộc địa này hơn một thế kỷ, nhưng khoảng cách giữa trung tâm chính phủ ở thành phố St. Petersburg và thuộc địa đã cho thấy họ không thể giữ vùng đất này được nữa. Sau khi Chiến tranh Krym kết thúc vào năm 1856, Đế quốc Nga chiến đấu với người Ottoman, Pháp, Anh, và thua cuộc; Nga đã sẵn sàng tìm kiếm một người mua Alaska.
Tuy nhiên, việc bán Alaska không đơn giản chỉ để kiếm tiền. Việc này cũng tạo ra khoảng cách giữa Nga và Vương quốc Anh đang ngày càng hùng mạnh. Alaska là một phần vùng đất mà bấy giờ được gọi là Nga-Mỹ, có chung đường biên giới trải dài hơn 1,500 dặm với British Columbia của Vương quốc Anh.
Kết nối hai đế chế
Đế chế già nua của Nga đã vươn xa về phía Đông đến Alaska. Một đế chế mới đang trỗi dậy và nhanh chóng mở rộng về phía Tây. Trong vòng 45 năm, Hoa Kỳ đã mua 1,353,000 dặm vuông đất. Lần đầu là Thương vụ Louisiana vào năm 1803, tiếp đến là Hiệp ước Guadalupe Hidalgo vào năm 1848. Khi Nga đề nghị Mỹ mua Alaska vào năm 1859 với hơn 586,400 dặm vuông, điều này dường như là bước tiến rõ ràng trong việc tiếp tục theo đuổi những gì mà người Mỹ xem là “thiên định.”
Mỹ quốc rất quan tâm để mua, nhưng quốc gia này đang phải đối diện với những khó khăn riêng sớm lên đến đỉnh điểm trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Abraham Lincoln là ông William Seward, nổi tiếng có tài mưu lược chính trị, khả năng ngoại giao khéo léo, tinh thông về hải quân, và có tầm nhìn xa về tầm quan trọng của Alaska. Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở nội các của Tổng thống Lincoln, ông chỉ chú trọng làm việc với tổng thống nhằm chấm dứt chiến tranh. Ngay khi chiến tranh kết thúc, ông quay lại tập trung vào các vấn đề khác, đặc biệt là Alaska.
Sau vụ ám sát Tổng thống Lincoln, và sống sót sau âm mưu ám sát nhằm vào chính mình, ông Seward, bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao dưới thời Tổng thống Andrew Johnson, bắt đầu đàm phán với nhà ngoại giao Nga là Eduard de Stoeckl. Vào ngày 30/03/1867, Hoa Kỳ và Nga đồng thuận Hiệp định Nhượng địa. Mỹ quốc sẽ nhận được vùng đất mà sau này sẽ trở thành tiểu bang lớn nhất của Liên bang, và Nga sẽ nhận được 7.2 triệu dollar bằng vàng (khoảng 150 triệu dollar ngày nay.)
Một số thượng nghị sĩ Hoa Kỳ gọi thỏa thuận này là “liều lĩnh và lãng phí.” Nhiều ký giả chế giễu thỏa thuận của ông Seward và gọi hiệp ước là “Sự điên rồ của Seward,” và vùng đất lạnh lẽo này là “tủ lạnh của Seward” và “vườn gấu Bắc cực” của Tổng thống Johnson.
Ông Seward phớt lờ những kẻ gièm pha, và dường như hầu hết thượng viện đều vậy. Vào ngày 09/04/1867, thượng viện phê chuẩn hiệp ước với tỷ lệ bỏ phiếu là 37-2. Vào ngày 18/10/1867, tại Sitka, thành phố nằm gần thành phố Juneau trên một trong 1,100 hòn đảo thuộc Quần đảo Alexander, Nga đã chính thức chuyển giao Alaska cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Cổ tức nhận được
Ông Seward qua đời năm năm sau cuộc chuyển nhượng này. Nhiều người vẫn coi thường quyết định mua lại Alaska. Mãi cho đến khi Cơn sốt vàng Klondike nổ ra năm 1896 ở vùng Yukon của Canada, giáp ranh với Alaska, thì “sự điên rồ của Seward” mới bắt đầu chứng tỏ được tầm nhìn. Ba năm sau, khi cơn sốt vàng ở Yukon bắt đầu lắng xuống, thì vàng lại được tìm thấy một cách rất dễ dàng ở Nome, Alaska.
Những người tìm vàng hối hả chạy về phía tây Alaska và xác lập quyền sở hữu của họ dọc theo Sông Snake. Vàng nhanh chóng được tìm thấy. Những người chậm chân đánh dấu chủ quyền thì dựng lều dọc theo bãi biển Nome. Chính tại đây, người ta phát hiện ra vàng chỉ đơn giản là nằm dọc theo bãi biển. Việc tìm được rất nhiều vàng một cách dễ dàng khiến Nome được gán cho danh hiệu “thiên đường của người nghèo.”
Ông Seward đã đàm phán mua Alaska với một mức giá hời — một mức giá mà mảnh đất tự hoàn vốn gấp vô số lần nhờ cơn sốt vàng. Tiểu bang này cũng chứng minh là một nguồn đóng góp kinh tế lớn trong các ngành công nghiệp thủy sản, buôn bán lông thú, và khoáng sản tự nhiên. Vùng đất này cũng cho thấy nó sở hữu những khám phá khoa học vĩ đại đã tạo nên danh tiếng trong Chuyến thám hiểm Harriman năm 1899.
Diệu Linh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times