Donald Douglas: Nhà sáng lập hãng phi cơ đầu tiên bay vòng quanh thế giới
Hồ sơ lịch sử về những người đã định hình nên thế giới của chúng ta
Sinh ra ở Brooklyn, ông Donald Douglas (1892-1981) giống như hầu hết những cậu bé cùng tuổi, vô cùng hào hứng trước những gì diễn ra vào ngày 17/12/1903, tại Kitty Hawk, North Carolina. Thời đại của ngành hàng không bắt đầu cất cánh, và cậu bé Douglas say mê trước chuyến bay thành công (dẫu khá ngắn ngủi) này của anh em nhà Wright. Ông đã tìm hiểu mọi thứ có thể về tiềm năng của ngành hàng không. Niềm đam mê của ông đối với bầu trời càng tăng lên khi ông chứng kiến Orville Wright trình diễn một chuyến bay trước Quân đoàn Truyền tin Hoa Kỳ trực thuộc Lục quân Hoa Kỳ (U.S. Army Signal Corps) vào năm 1908.
Từ Annapolis đến Học viện Công nghệ Massachusetts
Năm tiếp theo, ông gia nhập Học viện Hải quân Hoa Kỳ ở thành phố Annapolis. Ông đã học ở đây ba năm, và khi không lên lớp, người ta thường thấy ông đang chế tạo và thử nghiệm các mô hình phi cơ. Ông Douglas vốn thuộc về bầu trời, không phải là biển cả. Vì vậy, năm 1912, ông đã từ bỏ vị trí của mình ở Học viện Hải quân để gia nhập vào Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Ông chỉ cần hai năm để hoàn thành bằng kỹ sư cơ khí bốn năm và tiếp tục ở lại trường để làm trợ lý cho ông Jerome Hunsaker, Trưởng khoa Kỹ thuật MIT.
Trong khi làm tại đây, ông đã giúp trưởng khoa Hunsaker phát triển đường hầm gió (wind tunnel) của mình, thậm chí còn thiết kế lại nó. Ông Douglas đã khiến ông Hunsaker có phần thảng thốt bởi thực tế rằng thiết kế của ông “không chỉ tốt hơn, chi phí thấp hơn, mà còn được hoàn thành trong một nửa thời gian.”
Ông Douglas rời MIT và vào năm 1915 ông đã cố vấn sơ lược cho Công ty Phi cơ Connecticut khi họ nỗ lực chế tạo chiếc khinh khí cầu có điều khiển (dirigible) đầu tiên (DN-1) cho Hải quân, nhưng đã thất bại hoàn toàn. Ông được Công ty Glenn L. Martin tuyển vào làm kỹ sư trưởng. Khi Hoa Kỳ tham gia vào Đệ nhất Thế chiến, ông Douglas phục vụ một năm trong Quân đoàn Truyền tin Hoa Kỳ với vai trò là Kỹ sư trưởng Hàng không Dân sự. Khi khoảng thời gian đó kết thúc, ông quay về Công ty Martin để giúp thiết kế chiếc oanh tạc cơ tân tiến Martin MB-1.
Chiếc oanh tạc cơ này là chiếc đầu tiên trong nhiều chiếc có thể làm thay đổi cách thức tiến hành chiến tranh, cuối cùng phát triển thành các loại oanh tạc cơ như B-10 và B-26. Công ty này cũng sản xuất chiếc siêu pháo đài B-29 do hãng Boeing thiết kế, là chiếc phi cơ được sử dụng trong cuộc dội bom vào Nhật Bản năm 1945, vào cuối Đệ Nhị Thế Chiến.
Bay một mình
Năm 1920, ông Douglas chuyển đến tiểu bang California để thành lập hãng phi cơ của riêng mình. Ông và David Davis, người đã thiết kế chiếc “Cánh Davis” của oanh tạc cơ hạng nặng B-24 Liberator trong Đệ nhị Thế chiến, thành lập Công ty Davis-Douglas ở phía sau một tiệm hớt tóc. Thương vụ mạo hiểm đầu tiên của công ty bắt đầu bằng việc ông Davis ứng trước cho ông Douglas 40,000 USD để chế tạo một chiếc phi cơ có thể cất cánh với tải trọng nặng hơn trọng lượng của chính nó và có thể bay đến mọi miền của quốc gia. Ông Douglas đã thiết kế chiếc Cloudster, thành công đáp ứng yêu cầu về tải trọng, và vào ngày 19/03/1921, lập nên kỷ lục độ cao trên Bờ biển Thái Bình Dương khi chiếc Cloudster đạt đến 19,160 feet (~5,8 km). Ba tháng sau đó, công ty đã nỗ lực lái phi cơ này bay xuyên quốc gia, nhưng động cơ bị hỏng buộc chiếc Cloudster phải hạ cánh xuống Fort Bliss, Texas (mãi đến tháng 05/1923, chuyến bay thẳng xuyên lục địa đầu tiên mới được chiếc Fokker T-2 hoàn thành). Không lâu sau, ông Davis bán lại toàn bộ lợi tức của mình trong công ty cho ông Douglas, và công ty được đổi tên thành Công ty Phi cơ Douglas (DAC).
Quân đội Hoa Kỳ là khách hàng
Mặc dù chiếc phi cơ đó đã không thể bay xuyên lục địa, nhưng Hải quân đã chú ý và bắt đầu đặt hàng những chiếc oanh tạc cơ ném ngư lôi từ công ty DAC. Ông Douglas và quân đội Hoa Kỳ về sau đã có một mối quan hệ lâu dài và tốt đẹp, vì công ty ông sản xuất ra nhiều loại phi cơ, trong đó có nhiều loại đã giúp [Hoa Kỳ] chiến thắng trong Đệ nhị Thế chiến, như chiếc TBD Devastator, chiếc A-20 Havoc, chiếc SBD Dauntless/A-24 Banshee, và chiếc A-26 Invader.
Mặc dù ông Douglas đóng góp rất nhiều cho nỗ lực chiến tranh, tuy nhiên người ta cho rằng, cống hiến vĩ đại nhất của ông cho lịch sử ngành hàng không đã diễn ra tốt đẹp trước khi các cuộc chiến sự nổ ra ở châu Âu và chưa đầy một năm sau chuyến bay Fokker. Lưu ý rằng đối với chiếc phi cơ thả ngư lôi mà DAC sản xuất dành cho Hải quân Hoa Kỳ, Bộ phận Không lực Lục quân Hoa Kỳ (tiền thân của Không Quân) đã yêu cầu một phiên bản chỉnh sửa nhỏ đối với oanh tạc cơ này — một oanh tạc cơ có thể hạ cánh trên mặt nước và trên đất liền. Với việc hoàn thành các chuyến bay xuyên lục địa và xuyên Đại Tây Dương (do người Anh thực hiện vào năm 1919), Bộ phận Không lực đặt mục tiêu thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới. Thử thách này đã được người Pháp và người Anh thử thực hiện nhưng không thành công. Người Ý và người Bồ Đào Nha cũng đang lên kế hoạch. Thời gian không đứng về phía ông Douglas.
Làm nên lịch sử
Ông nhanh chóng bắt tay vào việc cải tiến chiếc phi cơ của mình để khiến nó có thể hạ cánh an toàn trên biển và đất liền. Ông cũng chú trọng nâng cao sức chứa nhiên liệu của phi cơ từ 115 gallons (~435 lít) lên 644 gallons (~2,437 lít). Ông Douglas đã chuẩn bị sẵn một phiên bản mẫu cho Lục quân thử nghiệm trong 45 ngày. Ngay khi được Lục quân chấp thuận, ông Douglas đã sản xuất thêm bốn chiếc nữa, ông gọi chúng là Douglas World Cruisers. Những chiếc phi cơ hai tầng cánh gồm hai chỗ ngồi này được tranh bị động cơ Liberty V12 mạnh 400 mã lực. Bốn chiếc Douglas World Cruisers được đặt tên là Seattle, Chicago, Boston, và New Orleans để vinh danh các vùng đất của Hoa Kỳ.
Vào ngày 06/04/1924, chỉ vỏn vẹn chín tháng sau khi Bộ phận Không lực đưa ra yêu cầu, bốn chiếc phi cơ đã cất cánh đến phía tây từ Căn cứ Không Quân Hải quân Sand Point gần Seattle, đây cũng là đích đến của chuyến bay. Trong suốt 175 ngày, bốn chiếc phi cơ đã ở trên không trong 371 giờ và 11 phút, bay quãng đường dài 27,553 dặm (~44,342 km) (do vào thời điểm đó Hoa Kỳ không công nhận Liên Xô, nên việc bay qua Siberia bị cấm, khiến chuyến bay kéo dài thêm 6,875 dặm (~11,064 km)), băng qua Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đã hạ cánh ở 28 quốc gia. Khi chuyến hành trình kết thúc vào ngày 28/09, chỉ hai trong số bốn chiếc, là Chicago và New Orleans, quay trở về Sand Point (chiếc Seattle đã rơi xuống Alaska ngay từ đầu chuyến đi và chiếc Boston buộc phải hạ cánh trên biển và chìm xuống đại dương, nhưng đã được thay thế bằng chiếc Boston II — tất cả phi công và người điều hướng đều sống sót).
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times