Bộ phim ‘Napoleon’ của đạo diễn Ridley Scott đã thiếu mất một điều: Hình ảnh về thiên tài quân sự Napoleon
Một bộ phim nói về thiên tài quân sự nhưng lại thiếu chất thiên tài và gần như không liên quan gì tới quân sự
Điều duy nhất có thể mắc sai lầm khi làm một bộ phim về Napoleon là chọn sai cốt truyện, và đây chính xác là những gì mà đạo diễn Ridley Scott đã làm trong bộ phim gần đây của ông — bộ phim “Napoleon.”
Tuy nhiên, sai sót này trong cốt truyện không liên quan gì đến tính chính xác của lịch sử. Suy cho cùng thì đây là một sản phẩm của Hollywood, vì vậy chúng ta cũng không nên quá kỳ vọng. Bất chấp điều đó, trong những tháng, tuần và ngày trước khi bộ phim ra mắt vào dịp Lễ Tạ Ơn, các sử gia trực tuyến và những người đam mê lịch sử lại tranh nhau lợi dụng bộ phim sắp ra mắt này bằng cách mổ xẻ các đoạn giới thiệu phim một cách khó chịu. Việc cố gắng đoán nội dung phim dựa trên đoạn giới thiệu hai phút của một bộ phim dài gần ba tiếng thực sự là việc làm vô bổ.
Ông Ridley Scott là một trong những đạo diễn tài ba của thời đại chúng ta, và từng đứng sau máy quay của một số bộ phim thành công và đáng nhớ nhất (“Alien,” “Blade Runner,” “Gladiator,” và nhiều bộ phim khác). Nhưng ông không phải là kiểu người quan tâm đến tính chính xác của lịch sử. Tuy nhiên, ông rất quan tâm đến việc bản thân có được những thước phim đúng nghĩa. Những thước phim đẹp. Những cảnh quay lôi cuốn. Và không nghi ngờ gì nữa, ông đã thường xuyên đạt được điều này trong bộ phim “Napoleon”; dẫu vậy, kỹ thuật quay phim cũng không thể cứu vãn được bộ phim này.
Điều duy nhất có thể khiến bộ phim thành công là cốt truyện, và rõ ràng là nó đã bị bỏ rơi trong phòng phác thảo.
Ái tình hay chiến tranh
Napoleon Bonaparte nổi tiếng về điều gì? Chiến tranh. Bất kỳ ai nói khác đi, dù đó là đạo diễn Scott hay một sử gia trên Youtube đang huyên thuyên về những sai sót lịch sử có thể có dựa trên đoạn phim giới thiệu, thì đó hoặc là lời nói dối, hoặc là sự thiếu hiểu biết.
Napoleon là một trong số ít những thiên tài quân sự lừng danh trên chiến trường. Tôi không nói về hàng dài các vị tướng từng đạt được những chiến tích vang dội. Tôi đang nói về những thiên tài đã làm thay đổi phương pháp tác chiến. Đó là một danh sách rút gọn, và Vua Napoleon cùng với Alexander Đại Đế là những người đứng đầu danh sách này. Thậm chí, có lẽ Alexander Đại Đế chỉ đứng thứ hai vì ông trực tiếp được kế thừa một cỗ máy chiến tranh hàng đầu và sẵn sàng [chinh chiến] do Vua cha là Philip II của Macedon gầy dựng nên (Đội quân Macedonian). Tuy nhiên, chiến tranh không phải là trọng tâm của bộ phim này.
Trọng tâm trong bộ phim của đạo diễn Scott là mối quan hệ giữa Vua Napoleon với Hoàng hậu Josephine, cũng là vương hậu của ông. Hoặc có lẽ đó là mối quan hệ giữa Hoàng hậu Josephine và Vua Napoleon. Đôi khi thật khó để giải mã bộ phim này nói về nhân vật nào. Có lẽ cái tên thích hợp hơn [cho bộ phim này] là “Napoleon và Josephine.” Ít nhất thì điều này sẽ mang đến sự rõ ràng cho khán giả trước khi họ mua vé.
Bất cứ ai từng nghiên cứu về Napoleon đều biết về Hoàng hậu Josephine và cuộc hôn nhân khá bất đồng của họ. Tài tử Joaquin Phoenix đóng vai Napoleon (nói giọng Mỹ, tôi có thể tiết lộ thêm như vậy), và nữ minh tinh Vanessa Kirby đóng vai Josephine (người có thể đóng cặp với bất cứ ai trừ Napoleon Bonaparte, có chất giọng Anh), khắc họa khá chính xác về bộ đôi vụng về và không cân xứng này. Không có sự tương tác ăn ý giữa hai diễn viên, mà cũng không nên có. Đó là một cuộc hôn nhân được xây dựng dựa trên nỗi ám ảnh và sự cần thiết. Và khán giả buộc phải vừa xem họ tương tác vừa hy vọng rằng Vua Napoleon cuối cùng sẽ quay lại chiến trường.
Tuy nhiên, việc quay lại chiến trường là điều hiếm thấy trong bộ phim này; dù trên thực tế, Napoleon thường xuyên làm vậy. Trong rất nhiều trận chiến mà Napoleon đã lãnh đạo suốt thập niên trị vì của mình, chỉ có vài trận được đưa vào kịch bản, như: Cuộc vây hãm Toulon (khi đó Napoleon mới là tướng chỉ huy), Trận Pyramids (bắt đầu và kết thúc một cách kỳ lạ bằng việc Pháp bắn đại bác vào một kim tự tháp), Trận Austerlitz (được cho là chiến tích sáng giá nhất trong cuộc đời binh nghiệp của Napoleon), Trận Borodino (chỉ kéo dài khoảng 10 giây), và Trận Waterloo, trận chiến mà bộ phim dành nhiều thời gian nhất, dù nó gần như không giống với những gì mà Công tước xứ Wellington từng gọi là “cuộc đua sít sao nhất mà quý vị từng chứng kiến trong đời.” Không hề đề cập đến sự thất bại của hải quân Pháp trong Trận Trafalgara — một chiến thắng toàn diện cho người Anh, đến mức mà nó bảo đảm cho sự thống trị hải quân Anh suốt một thế kỷ tiếp theo.
Cuộc đời thật của Vua Napoleon vốn tỏa sáng trên chiến trường, chói lọi giữa những người lính (Grande Armée: Đại quân — một danh hiệu chưa từng được nhắc đến trong phim), và phản ánh những chiến thắng đó trên những vị thống soái của ông (những người đàn ông tài giỏi và dũng mãnh từng chỉ huy quân đội tiến vào các trận chiến, cũng chưa từng được giới thiệu trong phim). Quả thật, người ta phải hiểu rõ về cuộc đời của Napoleon Bonaparte thì mới hình dung được những diễn biến trong phim; và nếu ai đã hiểu rõ cuộc đời của Napoleon rồi, thì điều đó chỉ khiến họ thêm phần thất vọng vì tất cả những thiếu sót trong bộ phim này.
Thiếu hình tượng về Napoleon
Sự thất vọng này bắt nguồn từ đạo diễn Scott và biên kịch David Scarpa, khi họ lựa chọn một tình tiết phụ làm mạch phim chính. Quả thực, Hoàng hậu Josephine đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc đời của Vua Napoleon. Nỗi ám ảnh của ông đối với bà cũng dẫn đến sự thất vọng và buồn đau của ông, và là điều then chốt để hiểu được bản chất con người của Napoleon. Cách ông đối đãi với bà trong nhiều phương diện phản ánh cách ông đối đãi với quân đội của mình — sự đòi hỏi khắt khe, yêu thương, kiểm soát, vị tha, và tàn nhẫn. Phương pháp của ông thay đổi theo nhu cầu, nhưng nỗi ám ảnh luôn là điều cốt lõi — nỗi ám ảnh của ông với vợ mình và nỗi ám ảnh của ông với chiến tranh. Mặc dù ông rất yêu thương Hoàng hậu Josephine, nhưng ông đã ly hôn bà để bảo đảm có một người thừa kế. Ông trân trọng các chiến binh của mình, nhưng lại liều lĩnh hy sinh họ trong cuộc hành quân xuyên mùa đông ở nước Nga. [Cuộc đời] thăng trầm của Napoleon Bonaparte là câu chuyện được kể giữa sức nóng của những cuộc chiến đẫm máu, chứ không phải giữa sức nóng của nhục dục vô cảm. Thời kỳ mà được gọi là Thời đại Napoleon, là vì Các Cuộc chiến của Napoleon, chứ không phải vì những cuộc cãi vã vụn vặt giữa ông và vợ mình. Đây là chiều sâu lớn về Napoleon mà bộ phim đã không đề cập đến.
Bộ phim của đạo diễn Scott đã bóp méo hình ảnh về một người đàn ông từng thay đổi bộ mặt của thế giới, phương pháp tác chiến, và cả tiến trình lịch sử. Kỳ thực, tôi không nghĩ nhân vật trong bộ phim này là hiện thân của Napoleon một chút nào.
Nhân vật Napoleon trong bộ phim “Napoleon” không phải là Napoleon của lịch sử vì đã bỏ lỡ quá nhiều yếu tố lịch sử. Trong khi các sử gia và những người đam mê lịch sử bới móc kích thước cầu vai quân phục, thiết kế lá cờ, và ngựa của kỵ binh Pháp xếp hàng như thế nào, thì họ cũng đã bỏ qua một bức tranh lớn hơn. Họ cũng chỉ làm những gì mà đạo diễn Scott và biên kịch Scarpa đã làm. Họ bỏ quên một người đàn ông, một thiên tài, một anh hùng, [và cũng là] một người tàn nhẫn. Họ hoàn toàn bỏ quên Napoleon Bonaparte. Và thật đáng tiếc vì [đáng ra] đã có rất nhiều điều để xem.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times