Đức hy sinh vượt trên nỗi thống khổ trong vở kịch ‘Nàng Alcestis’ của kịch gia Euripides
Một góc nhìn về cách vở kịch của tác giả Euripides hóa giải vấn đề đau khổ theo hướng có ý nghĩa về mặt tinh thần.
Bạn có sẵn lòng chết để người khác được sống không? Đây là câu hỏi mà nhà viết kịch người Hy Lạp Euripides muốn chúng ta suy ngẫm trong vở kịch “Nàng Alcestis,” năm 438 trước Công nguyên của ông.
Tình thế khó xử trọng tâm của vở kịch này được thể hiện một cách rõ ràng và hiệu quả: Nhờ lòng hiếu khách của mình với Thần Apollo, mà Vua Admetus đã nhận được một số quyền thương lượng với các vị Thần Số mệnh, khi họ cử Thần Chết đến lấy mạng ông trước tuổi xế chiều. Thỏa thuận là thế này: Nếu nhà vua có thể tìm được ai đó sẵn sàng chết thay mình thì mạng sống của ông sẽ được giữ lại. Dễ hiểu là, những người mà ông hỏi đến đều từ chối. Tất cả mọi người đều như vậy, ngoại trừ người vợ yêu quý của ông, Hoàng hậu Alcestis.
Đức hy sinh của người vợ
Vở kịch mở màn vào ngày mà nàng Alcestis phải chết thay chồng để đáp ứng Thần Số mệnh và Thần Chết. Bản thân Thần Chết được nhân cách hóa, đang đi lừ đừ về phía cung điện với một thanh gươm tuốt trần. Với quyết tâm kiên định, nàng Alcestis tự chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra, cho cuộc hành trình bước vào “vùng đất chưa được khám phá” của cái chết. Trái tim và tâm trí nàng bị bủa vây bởi những kỷ niệm và nỗi buồn thương, cũng giống như cơ thể nàng sẽ sớm được bao bọc trong tấm vải liệm của ngôi mộ.
Kịch gia Euripides đã thuật lại khung cảnh này một cách tài tình qua lời kể của một trong những người hầu chứng kiến cảnh đó: “Khi biết rằng ngày cuối cùng của mình đã đến, nàng tắm gội sạch sẽ … lấy y phục và trang sức đá quý từ căn phòng làm bằng gỗ tuyết tùng của mình, và vận lên người một cách trang trọng.” Rồi nàng dâng lời cầu nguyện này, ngay cả trong giờ phút cuối cùng nàng vẫn nghĩ đến người khác chứ không phải bản thân: “Hỡi các nữ Thần, vì bây giờ con phải rời khỏi thế gian, lần cuối cùng con cầu xin Ngài: xin hãy bảo vệ những đứa con mồ côi mẹ của con.” Sau đó, “Nàng đi đến từng bệ thờ trong hoàng cung của Vua Admetus, treo những chiếc vòng hoa lên đó, dâng lời cầu nguyện, cắt những cành sim trắng — nàng không khóc, không thở than; ngày tận cùng sắp đến cũng không làm thay đổi sắc mặt tươi sáng của nàng.”
Khi nói lời tạm biệt với căn phòng ngủ của mình và Vua Admetus, nàng suy sụp, rơi lệ, hôn lên giường, và nhiều lần cố gắng rời đi nhưng không thể, rồi nàng ngã xuống giường. Sau đó nàng qua đời trong vòng tay của phu quân.
Đó là một cảnh tượng bi thương. Tại đây, những ca từ của kịch gia Euripides ngân lên với ý nghĩa đầy trang nghiêm và u sầu, khiến mỗi hành động của nàng Alcestis đều trở nên lớn lao và tỏa sáng. Và hình ảnh người phụ nữ mang án tử, đi từ bệ thờ này qua bệ thờ khác, ngẩng cao đầu và không rơi nước mắt, là một trong những khoảnh khắc văn học dường như đã vượt xa phạm vi của tác phẩm để trở thành điều gì đó hoàn toàn khác — một biểu tượng có ý nghĩa vĩ đại.
Nhược điểm của Vua Admetus
Dẫu vậy, sâu trong tâm trí chúng ta không thể thoát khỏi nhận định rằng tất cả những điều này hoàn toàn không cần thiết. Nếu Vua Admetus chỉ đơn giản là một nam nhân có dũng khí để chết thay vợ mình, thì tất cả những điều này đã có thể tránh được.
Đối với hầu hết khán giả, tôi nghĩ rằng rõ ràng từ đầu Vua Admetus đã là một người đàn ông yếu đuối và vô cùng ích kỷ. Mọi lời than khóc và rên rỉ của ông về sự ra đi của nàng Alcestis nghe có vẻ sáo rỗng, vì việc đó là thể theo yêu cầu của chính ông, vì để cứu ông khỏi Địa ngục mà nàng đã lựa chọn cái chết. Nếu ông quá đau buồn về nàng Alcestis, thì tại sao ông không quay lại ý định ban đầu của các vị Thần Số mệnh, và không đòi hỏi sự hy sinh này từ nàng? Tại sao ông không hy sinh bản thân vì nàng mà lại yêu cầu điều ngược lại? Như nhạc phụ của Vua Admetus nói với ông mấy lời quở trách không mấy tế nhị rằng, “Ngài đã cố bám víu lấy sự sống một cách không biết xấu hổ … ngài đã trốn tránh số phận của mình bằng cách sát hại nàng.”
Khi tôi giảng về vở kịch này cho học sinh trung học, các em đã không thể kiên nhẫn với vị vua ích kỷ này được nữa, người đang thút thít quanh cung điện, đau buồn về người vợ mà ông để nàng chết thay mình. Tất nhiên là các em có lý. Nhưng, Vua Admetus cũng không phải là một nhân vật hoàn toàn một chiều. Một trong những điểm mạnh của ông là cống hiến cho lý tưởng về lòng hiếu khách, được gọi là “xenia,” mà người Hy Lạp cổ xưa nhìn nhận như một nghĩa vụ thiêng liêng. Chính lòng hiếu khách đối với Thần Apollo này là lý do ban đầu giúp ông có được cơ hội kéo dài tuổi thọ. Và sau đó, Vua Admetus còn cố gắng hết lòng để cung cấp nơi ăn chốn ở thoải mái cho một vị khách khác, người xuất hiện ngay sau cái chết của nàng Alcestis: chàng Heracles (người La Mã gọi là Hercules), vị anh hùng thần thoại vĩ đại.
Vua Admetus cố gắng chôn giấu nỗi đau của mình và không cho Heracles biết chuyện gì đã xảy ra để chàng có thể ở lại đây trong yên bình và vui vẻ. Việc chàng Heracles tiệc tùng say sưa, không hề hay biết về bi kịch mới xảy ra đã mang đến cho vở kịch những tiết tấu nhẹ nhàng hơn và những khoảng lặng hài hước.
Tấn bi kịch
Quả thực là có một kết thúc có hậu, mặc dù các nhân vật phải trải qua đau khổ để đạt được điều đó. Đến cuối vở kịch, Vua Admetus bắt đầu nhận ra rằng có những số phận còn tồi tệ hơn cả cái chết. Sống tiếp mà không có nàng Alcestis — và cảm giác tội lỗi dằn vặt trong tâm về sự ra đi của nàng — cho thấy đây mới là sự khốn khổ tột cùng. Qua đó, cuối cùng ông cũng khám phá ra “chân ngã của mình,” khoảnh khắc ông tự nhận thức về bản thân, khi ông thấy mình là một sinh mệnh hèn hạ nhường nào. “Ta là người lẽ ra phải chết, ta đã trốn tránh định mệnh của mình, chỉ để níu kéo một cuộc đời đầy đau khổ. Đến bây giờ ta mới nhận ra điều đó … Những kẻ ghét ta sẽ nói: ‘Nhìn xem ông ta sống nhục nhã như thế nào kìa, người đàn ông không dám chết, kẻ nhát gan đã trao vợ mình cho Thần Hades thay hắn! Đó có phải là đàn ông không vậy?’”
Trong lời quở trách của những kẻ thù tưởng tượng này, Vua Admetus bộc lộ những nhận thức về tội lỗi của mình và thậm chí có lẽ đã bắt đầu ăn năn.
Và đúng lúc đó, chàng Heracles, vốn đã rời đi được một khoảng thời gian, bỗng nhiên xuất hiện trở lại để trò chuyện với gia chủ. Qua một cuộc đối thoại khéo léo và trầm ổn, chúng ta nhận thấy điều không thể đã xảy ra: Heracles, người anh hùng vĩ đại và dám thách thức tử thần, đã giải cứu nàng Alcestis khỏi ngôi mộ. Chàng đã đưa nàng trở về vòng tay yêu thương của đấng lang quân.
Trong một vở kịch mà chúng ta được nhắc nhở nhiều lần rằng, không thể chống lại Số mệnh và người chết không thể sống lại, thì chúng ta lại thấy rằng vận mệnh đã thay đổi, người chết đã sống lại và bước đi. Chính sự đảo ngược bất ngờ đến khó tin này — điều mà Vua Admetus gọi là “kỳ diệu không dám tin” — đã biến vở kịch từ bi kịch thành hài kịch. Câu chuyện này cho thấy chút lạc quan hiếm hoi trong nền văn học vốn thường bi quan của thế giới cổ đại.
Đức hy sinh và câu trả lời cho sự đau khổ
Cho dù chúng ta có nói gì về điểm yếu và sự thất bại của Vua Admetus, và liệu ông có học được bài học của mình hay không, thì đối với tôi điều đó vẫn ít thú vị hơn hành động tận tâm và đức hy sinh đáng kinh ngạc của nàng Alcestis. Nó chưa từng được biết đến trong hầu hết các câu chuyện cổ xưa, và ở đây còn được thể hiện bằng sự nhún nhường, khiêm cung, và can đảm, đến mức câu chuyện tỏa sáng trong bóng tối của thế giới cổ đại.
Thế giới đa thần giáo đó đã đấu tranh dữ dội trước thực tế của cái chết và sự đau khổ. Thi hào Homer viết nhiều về chiến tranh, sinh tử, và nỗi khổ đau, nhưng ông lại tìm thấy rất ít niềm an ủi, rất ít lý do căn bản cho số phận nghiệt ngã của kiếp người (và cái chết), ngoại trừ hy vọng kiên trì chịu đựng nó, giống như Vua Odysseus đã bền bỉ chịu đựng [trong thiên sử thi Odyssey], và sự tôn kính vĩnh hằng đối với những điều huyền bí và trang nghiêm của vạn vật. Thần thoại Hy Lạp chứa đầy những câu chuyện về việc nhân loại phải chịu đựng nỗi thống khổ như những quân cờ trong tay các vị thần, chẳng vì lý do nào khác ngoài việc các vị thần rất nhỏ mọn và nhiều dục vọng. Công bằng mà nói thì phần lớn văn học cổ đại đều khá ảm đạm.
Tuy nhiên, những gì mà kịch gia Euripides gợi lên ở đây lại rất khác. Ông ngụ ý rằng thông qua sự hy sinh, ta có thể vượt qua đau khổ. Đau khổ có thể là số mệnh của chúng ta, nhưng tình yêu vẫn luôn mạnh mẽ hơn. Nhờ sự hy sinh của nàng Alcestis dành cho chồng mình đã đưa đến một cái kết có hậu bất ngờ, đồng thời đẩy lùi cả cái chết và sự đau khổ. Ngược lại, chính việc Vua Admetus từ chối hy sinh đã mang lại cho ông nỗi thống khổ lớn nhất.
Ở phương diện tâm lý và tinh thần, điều này vẫn đúng, bởi vì việc chấp nhận đau khổ — mặc dù có thể sẽ không loại bỏ được nó — nhưng lại có thể biến nó thành điều gì đó có ý nghĩa và thỏa nguyện. Và cũng đúng khi sự hy sinh này đôi khi có thể mở ra những cánh cửa bất khả thi.
Quý vị muốn xem thêm các bài viết văn hóa và nghệ thuật khác? Vui lòng gửi cho chúng tôi ý tưởng câu chuyện hoặc đóng góp của bạn qua thư điện tử: [email protected]
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times