Thông điệp Liên bang của chúng ta: Hôn nhân ở Hoa Kỳ thời nay
Sự suy giảm hôn nhân ở Hoa Kỳ đang có những tác động sâu rộng đối với cả cá nhân và xã hội nói chung.
“Thông điệp Liên bang của chúng ta,” ông Brad Wilcox nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times, “phụ thuộc không nhỏ vào tình trạng các cuộc hôn nhân của chúng ta. Và như quý vị thấy đấy, tình trạng các cuộc hôn nhân ở Hoa Kỳ ngày nay tương đối mong manh dễ vỡ, điều này giúp giải thích lý do tại sao Thông điệp Liên bang lại có phần yếu ớt như vậy.”
Ông Wilcox là giáo sư xã hội học tại Đại học Virginia, giám đốc Dự án Hôn nhân Quốc gia của trường đại học này, và là thành viên tổ chức Freedom Fellow tại Viện Nghiên cứu Gia đình.
Ông cũng là tác giả của cuốn sách mới xuất bản gần đây, có nhan đề “Get Married: Why Americans Must Defy the Elites, Forge Strong Families, and Save Civilization” (Kết Hôn: Tại Sao Người Mỹ Phải Thách Thức Giới Tinh Hoa, Tạo Nên Những Gia Đình Vững Mạnh, và Cứu Lấy Nền Văn Minh). Phản ánh những mối quan tâm và quá trình đào tạo của ông về khoa học xã hội, cuốn sách “Get Married” là sự kết hợp đầy lôi cuốn giữa dữ liệu và số liệu thống kê, các cuộc phỏng vấn cũng như các khảo sát và những câu chuyện cá nhân. Cuốn sách này gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm hôn nhân ở Hoa Kỳ, làm sáng tỏ những lợi ích mà thể chế đang gặp khó khăn này mang lại cho các cá nhân, cộng đồng và quốc gia chúng ta, thậm chí còn đưa ra những lời khuyên thiết thực để giúp hôn nhân bền chặt và lành mạnh hơn.
Tin xấu
Ông Wilcox đã quen với những định kiến được chấp nhận phổ biến thời nay về hôn nhân, rằng hôn nhân thường đi kèm với “các tác dụng phụ khó chịu,” chẳng hạn như buồn chán, mất cơ hội việc làm, và những hạn chế khi phải làm cha mẹ. Ông cũng hiểu rằng những suy nghĩ này sẽ mang đến những hệ quả xấu. “Có quá nhiều thanh niên nam nữ đang khép chặt trái tim mình với hôn nhân và cuộc sống gia đình,” ông Wilcox viết, “hoặc không thể tìm được người bạn đời để cùng xây dựng gia đình ngay từ đầu.”
Ngoài những quan niệm cố hữu này, còn có những điều mà ông gọi là những lầm tưởng về hôn nhân: rằng hôn nhân không có ích lợi gì cho đàn ông và phụ nữ thời nay, rằng tình yêu và tiền bạc mới là điều tạo nên sự gắn kết thành công — chứ không phải gia đình, rằng hôn nhân trước tiên và quan trọng nhất — là một mối tình lãng mạn đang diễn ra với người tri kỷ, và rằng “những đứa trẻ khiến cho cuộc sống và hôn nhân trở nên khốn khổ.” Những quan niệm sai lầm này đang tràn ngập trong nền văn hóa của chúng ta.
“Tôi nghĩ những người trẻ tuổi vẫn đang tìm kiếm hôn nhân,” ông nói trong cuộc phỏng vấn, “nhưng có nhiều khả năng họ nghĩ rằng việc này nên được hoãn lại cho đến những năm cuối tuổi 20 hoặc những năm đầu tuổi 30. Và, họ thiếu tự tin rằng họ sẽ tìm được ai đó phù hợp với những mong cầu của mình về một người bạn đời lý tưởng.” Sự sụt giảm số lượng các cuộc hôn nhân này cũng dẫn tới sự suy giảm khả năng sinh sản, khiến Hoa Kỳ hiện đang phải chứng kiến tỷ lệ sinh thấp nhất trong lịch sử.
Những hệ quả khác cũng nghiêm trọng không kém. “Thật không may là những gì chúng ta đang chứng kiến hiện nay là số người chết vì tuyệt vọng đang ở mức kỷ lục,” ông Wilcox nói, “và chỉ số hạnh phúc giảm trong nhiều thập niên.” Cả nghiên cứu của ông và những nghiên cứu của các nhà xã hội học khác mà ông trích dẫn đều cho thấy rằng, việc không kết hôn và xây dựng gia đình trên diện rộng là một trong những nguyên nhân chính gây ra sự lo lắng và bất hạnh này.
Tin tốt
Ông Wilcox nêu ra 4 nhóm người nằm ngoài văn hóa thù ghét hôn nhân, đó là: những người bảo thủ, người Mỹ gốc Á, những người có đức tin tôn giáo mạnh mẽ, và “những người nỗ lực phấn đấu,” nhóm người mà ông Wilcox nhận định rằng dù quan điểm chính trị của họ là gì, thì họ vẫn giữ vững các giá trị của tầng lớp trung lưu là “giáo dục, làm việc chăm chỉ, và thành công về mặt tài chính.” Những người Mỹ thuộc các nhóm này “có nhiều khả năng kết hôn nhất, tránh xa tòa án ly hôn, và xây dựng được những cuộc hôn nhân tương đối hạnh phúc.”
Những ai khiến cho cuộc hôn nhân của mình trở nên bền vững sẽ gặt hái được một số thành quả. Ví dụ như, trái ngược với quan niệm phổ biến, những người đàn ông và phụ nữ tạo dựng được mối quan hệ hôn nhân trọn đời nhìn chung thường sở hữu nhiều của cải hơn những người còn độc thân. Khi về già, họ cũng có sự an ủi từ con cháu. Trong nhiều cuộc khảo sát, các cặp vợ chồng cũng khẳng định rằng cuộc sống của họ có ý nghĩa hơn.
Có lẽ điều đáng ngạc nhiên nhất — ông Wilcox viết rằng, “nhóm đàn ông và phụ nữ Mỹ hạnh phúc nhất trong độ tuổi sung sức (từ 18 đến 55 tuổi) là những người đã kết hôn và có con cái.” Ở đây, người Mỹ gốc Á, người Mỹ gốc Ấn nói riêng, và các gia đình có đức tin tôn giáo đã tạo nên những hình mẫu của các cuộc hôn nhân này. Những người thuộc các nhóm này nhận thấy rằng việc vợ chồng từ chối bất kỳ ý định ly hôn nào, đồng thời tập trung vào nhu cầu và sự giáo dục con cái không chỉ mang đến sự ổn định, mà còn mang đến niềm vui cho mối quan hệ của họ.
Những chỉ dẫn trong hôn nhân
Để giúp đạt được thành công và niềm vui trong hôn nhân, ông Wilcox đưa ra danh sách hướng dẫn cơ bản: “Cam kết duy trì một cuộc hôn nhân trọn đời, cho đến khi cái chết chia lìa đôi lứa. Ưu tiên lợi ích của vợ/chồng bạn, cố gắng bảo đảm rằng những gì bạn đang làm sẽ thúc đẩy hạnh phúc của người ấy. Tránh xa các lựa chọn thay thế, chẳng hạn như các mối quan hệ quá thân mật với người khác, người có thể làm ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng bạn. Không sa đà vào những chuyện rắc rối trên Internet.”
Ông Wilcox mở rộng ý tưởng này đồng thời bác bỏ quan niệm phổ biến về việc “đặt bản thân lên hàng đầu (me-first), cách tiếp cận dựa trên sự trao đổi qua lại” thường được khuyến khích và áp dụng trong các mối quan hệ. Lời khuyên ngược lại của ông dành cho hôn nhân là tiếp cận theo nhóm, đặt nhu cầu của người phối ngẫu và con cái lên trên nhu cầu bản thân. Ngay cả những thỏa thuận tưởng chừng đơn giản cũng có thể tạo ra sự khác biệt khi thực hiện việc “đặt chúng ta lên trước cá nhân” (we before me). Ví dụ, trong một nghiên cứu của Đại học Indiana, ông trích dẫn, các cặp vợ chồng mới cưới sẽ gửi tiền và thu nhập của họ vào tài khoản chung hoặc tài khoản riêng. Sau hai năm, các cặp vợ chồng sở hữu tài khoản chung cho thấy “chất lượng mối quan hệ” của họ cao hơn nhiều.
Cách tiếp cận nhóm này bao gồm những kỳ vọng từ cả vợ và chồng. Ví dụ, khi ông Wilcox hỏi những người vợ có hoàn cảnh và sở thích khác nhau về điều gì khiến họ ngưỡng mộ ở chồng mình, và điều gì ở những người đàn ông này đã thu hút họ đầu tiên, thì những miêu tả điển hình nhất là “tham vọng”, “trụ cột kinh tế gia đình”, “mạnh mẽ”, “bảo vệ”, và “an toàn”.
Những người đàn ông này cũng đưa ra cho vợ mình những lựa chọn, chẳng hạn như nên đi làm toàn thời gian hay ở nhà chăm con sau khi trở thành mẹ. “Tôi đã nói chuyện với một chuyên gia tài chính rất thành công ở Virginia đây,” ông chia sẻ về cuộc trò chuyện rằng, “cô ấy kể về việc chồng cô đã bảo vệ cô về mặt thể chất và xã hội như thế nào, và cô ấy trân trọng điều đó. Như vậy, đây là một người phụ nữ hơi có xu hướng thiên tả và có thành tích cao về mặt chuyên môn, nhưng cô ấy vẫn muốn có một người đàn ông che chở mình trong đời, và cô cảm thấy vững tâm và an toàn khi có mặt anh ấy.”
Xoay chuyển tình thế
Về sự sụt giảm tỷ lệ kết hôn này, ông Wilcox đổ phần lớn trách nhiệm lên giới tinh hoa, các chính trị gia của cả hai đảng, những người nổi tiếng, các ký giả, và những người khác. Ông đặc biệt chỉ trích giai cấp chính trị của chúng ta, ông viết: “Các nhà hoạch định chính sách trong những năm gần đây hiếm khi nào theo đuổi hoặc ưu tiên các chính sách đặt gia đình lên hàng đầu, nhằm trực tiếp củng cố và ổn định cuộc sống hôn nhân và gia đình … Một cách quá thường xuyên, gia đình đã bị giai cấp chính trị bỏ rơi.”
Trong khi đề xuất một số biện pháp khắc phục nhất định thông qua chính phủ và ngân sách, ông Wilcox cũng ủng hộ các chương trình giáo dục và khuyến khích giới trẻ về những phước lành của hôn nhân. Giảng dạy và truyền tải những quan điểm tích cực về hôn nhân trong trường học sẽ là một con đường để tiến bước. Trong cuộc trò chuyện, ông cũng nhấn mạnh rằng “việc khiến các nhà sản xuất phim, chương trình truyền hình, điện ảnh, và những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội truyền tải một [thông điệp] trung thực về hôn nhân, thay vì viễn cảnh màu hồng” sẽ là một động lực đáng kể khác để thúc đẩy tình trạng hôn nhân.
“Và nếu chúng ta có thể khiến những định chế đó làm tốt hơn trong việc nói lên sự thật, thì tôi nghĩ rằng chúng ta có thể thấy mọi người sẽ có được nhiều hiểu biết hơn về giá trị của hôn nhân, đồng thời cũng có được những phẩm chất đạo đức [cần thiết] để đi tới một cuộc hôn nhân tốt đẹp,” ông nói.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times