Sinh con không chỉ là chuyện dân số mà còn là hạnh phúc
Việc sinh con hay không chung quy là ý thức về mục đích sống, về điều gì đó cao cả hơn thay vì chỉ là mong muốn cá nhân nhất thời của chúng ta.
Người ta từng nói rằng “Dân số học quyết định vận mệnh.” Nếu đúng như vậy, thì một Mỹ quốc ngày càng thế tục hóa đang trở nên rối ren. Khi đất nước chúng ta già đi và phụ thuộc nhiều hơn vào các phúc lợi như An sinh Xã hội và Medicare, cũng như nhu cầu được chăm sóc, thì ngày càng ít người trẻ đóng tiền vào các hệ thống này hay có thể sẵn sàng chăm sóc cha mẹ già của mình.
Trong khi đó, người ta ước tính rằng chi phí hiện nay để nuôi dạy một đứa con ở Mỹ là 312,000 USD, và đó là trước khi vào đại học.
Trong khi một số người có lẽ sẽ nhìn vào số tiền đó, hít một hơi thật sâu, và nói “không, cảm ơn” khi nghĩ đến tất cả những việc khác mà họ có thể làm với số tiền đó, thì có một nhóm người luôn coi số tiền này là một khoản đầu tư khôn ngoan. Trong nhóm đó có những người đi lễ hàng tuần và xem mỗi đứa con là một món quà mà Chúa tạo ra theo hình hài của Ngài.
Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Gia đình (Institute for Family Studies) thực hiện đã phát hiện ra rằng trong khi tổng tỷ lệ sinh đã giảm trong nhóm người không theo tôn giáo nào, thì tỷ lệ sinh ở những người có tín ngưỡng chưa bao giờ giảm dưới mức sinh thay thế. Thực tế, tỷ lệ này còn tăng lên.
Đối với những người không theo tôn giáo nào mà trở thành cha mẹ trong tương lai, việc có con dường như là một câu hỏi mang tính kinh doanh nhiều hơn — việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lợi nhuận đầu tư của chúng ta? Đối với những bậc cha mẹ có đức tin, họ nhìn nhận khoản đầu tư này không phải dưới ý nghĩa tiền bạc mà là theo ý nghĩa của mối quan hệ lâu dài. Đó là vì những bậc cha mẹ có đức tin thường nhìn xa hơn cả chính bản thân họ và hướng đến mục đích cao cả hơn khi sinh con. Đức tin và mục đích đó thường mang đến những đứa con khỏe mạnh về mặt cảm xúc và tinh thần.
Nhưng còn có một yếu tố khác thường đưa đến việc nuôi dạy những đứa con khỏe mạnh về mặt cảm xúc và tinh thần. Đó là, con cái được sinh ra trong giới hạn hôn nhân.
Những người cánh tả chính trị thậm chí cũng thừa nhận điều này. Bình luận về một nghiên cứu cho thấy hôn nhân có lợi ích tích cực đối với con cái, bà Isabel Sawhill, nghiên cứu viên danh dự cấp cao tại Viện Brookings, cho biết: “Câu trả lời ngắn gọn là hôn nhân vẫn quan trọng. Và tùy thuộc vào chỉ số mà quý vị xem xét, hôn nhân có thể rất quan trọng.”
Bà nói tiếp, “Phát hiện rằng những đứa trẻ được sinh ra từ các bậc cha mẹ đã kết hôn thường có xu hướng hưởng được những thành quả cuộc đời tốt đẹp hơn phù hợp với nghiên cứu hiện tại cho thấy trung bình những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có đủ cả cha lẫn mẹ thường tốt nghiệp đại học và đi làm nhiều hơn, và ít khi sinh con khi còn quá trẻ, bị trầm cảm, bị kết án phạm tội, hoặc rơi vào cảnh nghèo túng khi trưởng thành.”
Vậy ai là người có thể kết hôn và tạo ra môi trường như vậy cho con cái? Các bậc cha mẹ có đức tin, những người coi trọng bí tích hôn nhân và cam kết với vợ/chồng cũng như con cái vì đức tin đó. Những bậc cha mẹ này cũng tham gia vào các buổi lễ, nơi mang đến môi trường lành mạnh, nuôi dưỡng cho cả cha mẹ và con cái.
Do đó, quyết định kết hôn và sinh con không chỉ đơn giản là một giao dịch kinh doanh, cũng không chỉ vì vấn đề dân số mặc dù điều này quan trọng đối với sức khỏe xã hội lâu dài của chúng ta. Như tôi đã đề cập ở trên, việc sinh con chung quy là từ ý thức về mục đích sống, về điều gì đó cao cả hơn thay vì chỉ là mong muốn cá nhân nhất thời của chúng ta.
Đối với những người không theo tín ngưỡng, ý thức về mục đích sống đó thường dựa trên sự u ám và bi quan, như lo ngại về biến đổi khí hậu và sự gia tăng dân số, trong khi tìm kiếm những gì họ cho là sự thỏa mãn cá nhân mà cuối cùng lại không mang lại sự mãn nguyện thực sự.
Tác giả Timothy Carney, trong một cuộc thảo luận gần đây do Viện Sinh thái Con người (Institute for Human Ecology) tổ chức, đã đúc kết lối tư duy này rất rõ ràng, nói rằng, “Cách suy nghĩ thế tục này, cách nói vô thần này, cuối cùng trở thành quá đau buồn đến mức không thể tiếp tục nòi giống nhân loại.” Trái lại, cách suy nghĩ dựa trên đức tin mang lại hy vọng không chỉ cho hiện tại mà còn cho tương lai của nhân loại.
Chính niềm hy vọng đó, cùng với mục đích vĩnh cửu và niềm tin vào sự bền vững của hôn nhân và gia đình, đã thúc đẩy những người có đức tin sinh con, và chính sự thiếu hy vọng và thiếu bền vững đã làm cho những người không theo tín ngưỡng đi đến suy sụp.
Vì vậy, các vấn đề dân số hiện hữu trước mắt chúng ta, mặc dù đáng lo ngại, nhưng lại chẳng sá gì so với điều cao cả hơn của việc nuôi dưỡng những đứa con khỏe mạnh, hạnh phúc, những người mà trong tương lai sau này, khi đến lượt chúng làm cha làm mẹ, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc. Giải pháp ở đây là hãy quay trở lại thành một xã hội coi trọng hôn nhân và đức tin tôn giáo — vốn là hai giá trị bất biến tạo ra môi trường thích hợp để trẻ em phát triển và lớn mạnh. Trên thực tế, chúng ta sẽ không chỉ giải quyết các vấn đề dân số mà còn trở thành một xã hội lành mạnh và hạnh phúc hơn.