Người sống sót sau ca phá thai song sinh chia sẻ cách cô vượt qua và tha thứ cho mẹ ruột của mình
Một người phụ nữ sống sót sau ca phẫu thuật phá thai muộn (late-term abortion), ca phẫu thuật đã tước đi sinh mạng của người chị gái song sinh của cô, chia sẻ câu chuyện về việc cô đã tha thứ cho mẹ ruột của mình. Được đức tin dẫn dắt, cô mong muốn mọi người biết rằng, có những lựa chọn khác ngoài việc phá thai và không người phụ nữ nào phải bước đi đơn độc trên con đường của mình.
Cô Claire Culwell, 34 tuổi, là một diễn giả quốc gia và là tác giả của cuốn hồi ký “Survivor” (Người Sống Sót). Cô Claire sinh ra ở Austin, Texas, nơi cô được các nhân viên mục vụ Cơ Đốc Giáo là ông Warren và bà Barbara Culwell, 69 và 64 tuổi, nhận nuôi. Cô hiện đang sống ở Lindale, Texas cùng chồng là anh David và các con của họ.
“Tôi được sinh non sớm hơn 10 tuần với cân nặng 3 pound 2 ounce (khoảng 1.41 kg),” cô Claire chia sẻ với The Epoch Times. “Tôi được một cặp vợ chồng rất tuyệt vời theo đạo Cơ Đốc nuôi dưỡng … họ đã nhận nuôi cả chị gái tôi, Rachel, và tôi từ những người mẹ khác nhau. Họ đã nuôi dạy chúng tôi trong một ngôi nhà đầy tình yêu thương, sự tha thứ, nơi họ sống đúng theo đức tin của mình và khích lệ chúng tôi hằng ngày.”
‘Việc con sống sót là một phép màu’
Sau khi cô Claire chào đời, cô được chăm sóc tại bệnh viện hai tháng trước khi được về với cha mẹ nuôi. Cô Claire sinh ra trong tình trạng thoát vị hông và hai chân bị khoèo. Tình trạng này đã được chạy chữa bằng cách sử dụng dây đeo hông, liệu pháp bó chân, và bó toàn thân trong hai năm đầu đời. Cô là bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi Texas Scottish Rite ở Dallas cho đến năm 18 tuổi.
Cô Claire và chị gái cô luôn biết họ là con nuôi, và trường hợp cô Rachel là nhận con nuôi công khai (open adoption — cha mẹ đẻ vẫn còn giữ liên lạc với con). Sau khi cô Rachel kết nối với mẹ ruột vào năm 2008, cô Claire đã nhìn thấy sức mạnh trong mối liên kết giữa họ và nỗi day dứt từ quyết định bỏ con của mẹ cô Rachel. Cô quyết định tìm kiếm mẹ ruột của mình với sự trợ giúp của cơ quan quản lý việc nhận con nuôi, Dịch vụ Mang thai và Nhận con nuôi Deaconess ở Thành phố Oklahoma.
“Nhân viên làm việc trong các dịch vụ đoàn tụ, bà Debbie Campbell, tình cờ cũng là người phụ trách hồ sơ của mẹ ruột tôi vào 20 năm trước khi chúng tôi bắt đầu cuộc tìm kiếm,” cô Claire kể. “Bà Campbell đã tìm được mẹ ruột của tôi trên mạng thông qua MySpace, và mẹ ruột của tôi, bà Tonya, đồng ý gặp tôi. Tôi rất vui mừng!”
Bà Tonya Glasby, 48 tuổi, đến từ Yale, Oklahoma, đã tới gặp cô Claire cùng cha mẹ và chị gái cô ở Dallas hồi tháng 03/2009.
“Tôi không thể tin được là chúng tôi nhìn giống nhau và cư xử giống nhau đến vậy, và tôi biết rằng tôi rất thương bà ấy,” cô Claire nói. “Tôi nóng lòng muốn được kết nối trực tiếp với bà ấy nhiều hơn, và muốn có thể thực sự cảm ơn bà ấy vì đã trao cho tôi cuộc sống này, vì vậy chúng tôi đã hẹn gặp nhau lần thứ hai ở Oklahoma … vào tháng 05/2009. Tôi đã mang theo một món quà và một tấm thiệp ghi rằng, ‘Cảm ơn mẹ vì đã lựa chọn trao cho con cuộc sống này.’ Tôi rất hồi hộp ngóng trông khoảnh khắc được trao tấm thiệp cho bà ấy.”
Tuy nhiên, khi nhận được tấm thiệp, bà Tonya đã hoàn toàn suy sụp và cô Claire không hiểu tại sao.
“[Bà ấy] liên tục xin lỗi và nói: ‘Mẹ rất xin lỗi, mẹ không chọn cuộc sống cho con, việc con sống sót là một phép màu,’” cô Claire kể lại. “Tôi không thể hiểu được tất cả những gì bà ấy nói. Tôi rất bối rối. Ý của bà ấy là gì, khi bà nói không chọn cuộc sống cho tôi?”
Sự hối tiếc đau đớn
Qua những giọt nước mắt, bà Tonya đã kể lại câu chuyện của mình. Bà nói với cô Claire rằng bà mang thai cô năm bà mới 13 tuổi và mẹ của bà đã quyết định cho bà phá thai.
Khi thai nhi được 20 tuần, bà Tonya đã thực hiện phá thai bằng phương pháp nong nạo gắp thai (D&E). Tuy nhiên, các bác sĩ không nhận ra rằng bà Tonya đang mang song thai, nên chỉ có một đứa bé bị loại bỏ trong quá trình phẫu thuật và nhờ đó cô Claire đã sống sót.
Vài tuần sau, nỗ lực phá thai lần thứ hai được thực hiện ở Kansas. Tuy nhiên, lần này bà Tonya bị từ chối cho thực hiện phẫu thuật vì bị rò rỉ nước ối. Sau đó, bà được đưa đến Deaconess ở thành phố Oklahoma, nơi bà ở cho đến khi hạ sinh cô Claire vào tháng 03/1988.
Cô Claire nói: “[Mẹ tôi] nhớ lại cảnh chỉ có một mình, không có ai lắng nghe, và sợ hãi. Không có ai nói chuyện với bà ấy hoặc hỏi bà ấy rằng họ có thể làm gì để giúp đỡ bà trong quá trình phá thai hoặc sinh con. Mẹ của bà đã quyết định thay cho bà để đưa tôi vào cơ sở nhận con nuôi, và sau đó, bà phải về nhà và giả bộ như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Bà đã khóc vì những quyết định này là những nỗi hối hận sâu sắc và đau đớn nhất [trong cuộc đời] bà ấy.”
Chứng kiến cảnh mẹ ruột của mình sống lại những ký ức đau thương, cô Claire sững người khi cố gắng tiếp nhận tin tức rằng cô là người sống sót sau một ca phá thai và là một “người em song sinh mất đi người chị gái song sinh.” Nhưng vào thời khắc đó, cô cảm thấy thật dễ dàng tha thứ cho bà Tonya.
“Bà ấy cũng là nạn nhân trong trường hợp này,” cô Claire nói. “Tôi cũng cảm thấy dễ dàng tha thứ vì tôi được nuôi dạy theo các giá trị của sự tha thứ và đức tin. Tôi biết chuyện này không phải ngẫu nhiên, bởi vì đức tin mà tôi được nuôi dưỡng cho rằng Chúa luôn có một kế hoạch, và kế hoạch của Ngài là tốt lành.”
Hiệu ứng domino
Đức tin của cô Claire giúp cô có lòng tin vững chắc rằng Chúa đang sử dụng trải nghiệm của cô cho mục đích tốt lành. Ngày nay, cô chia sẻ câu chuyện của mình và vận động cho quyền của thai nhi trên toàn quốc.
Cô cho hay: “Tôi tin là phụ nữ có quyền làm những gì họ muốn với cơ thể của chính họ, nhưng tôi tin rằng cơ thể của em bé không phải là cơ thể của người mẹ. Cơ thể của em bé là một cơ thể con người riêng biệt bên trong cơ thể của cô ấy, với một bộ ADN của riêng mình.”
Vì bản thân hiện đã là mẹ, nên cô Claire có thể thấy được “hiệu ứng domino của việc phá thai.”
“Nếu tôi không sống sót sau ca phá thai của mẹ ruột mình, thì con gái ruột của tôi sẽ không tồn tại, và sẽ không đứa con nào của tôi được có mẹ,” cô nói. “Khi chúng ta nói về phá thai, chúng ta nên nhìn vào bức tranh toàn cảnh và nhận thấy tác động mà việc phá thai gây ra cho nhiều thế hệ.”
Cô Claire cảm thấy bản thân thật may mắn vì cô đã sống để kể câu chuyện của mình và chia sẻ chuyện này với “bất kỳ ai muốn lắng nghe.”
Cô Claire cho biết: “Đức tin của tôi là trợ lực lớn nhất giúp tôi vượt qua thập niên qua sau khi biết được sự thật về câu chuyện sống sót của mình.”
Cô cũng cam kết tận sức để bảo đảm không có người phụ nữ nào cảm thấy một thân một mình, như tình cảnh mà mẹ ruột của cô đã trải qua. Cô nhấn mạnh rằng có rất nhiều nguồn lực và sự giúp đỡ ngoài kia.
Cô Claire, người thường xuyên nghĩ về người chị song sinh đã mất của mình, cho biết: “Không ai nên phải bước đi một mình, tất cả phụ nữ đều mạnh mẽ và có khả năng làm mẹ với những nguồn lực và sự giúp đỡ sẵn có dành cho họ.”
“Cách đây vài năm, tôi đã nhận ra rằng mỗi khi nhìn vào gương, tôi đều đang nhìn vào người chị song sinh của mình. Điều đó khiến mọi chuyện càng trở nên chân thật hơn đối với tôi,” cô nói với The Epoch Times. “Tôi sẽ không bao giờ hiểu hết được mình đã mất mát gì, nhưng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng vì người chị song sinh của mình.”
Mộc Miên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times