BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Phá thai là một vấn đề hàng đầu trong cuộc tổng tuyển cử 2024
Các ứng cử viên và cử tri có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Bà Michelle cùng chồng là ông Jerry Shelfer đã từng trực tiếp chịu đựng tổn thương từ việc phá thai.
Cặp vợ chồng này gặp nhau cách đây 40 năm, và khi đó họ đã phá thai lần đầu tiên khi bà Shelfer hoài thai lần đầu tiên.
Bà Shelfer chia sẻ với The Epoch Times rằng, vì bà sinh trưởng trong một gia đình Do Thái không theo đạo, nên khi đó phá thai là một lựa chọn có thể chấp nhận được. Chồng của bà cũng không phản đối việc phá thai, mặc dù ông được nuôi dạy trong một gia đình có cha là giáo sĩ.
“Bởi vì tôi lớn lên với khẩu hiệu nữ quyền rằng một người phụ nữ có quyền được lựa chọn, vì thế tôi cho rằng việc tôi có thể quyết định có giữ đứa bé hay không là một điều tốt,” bà Shelfer nói với The Epoch Times. “Chúng tôi đã thiếu hiểu biết sâu sắc và không suy nghĩ một cách thấu đáo, vì thế chúng tôi đã tiến hành phá thai.”
Bà Shelfer hiện là một người Do Thái tín ngưỡng Chúa Jesus. Bà nói rằng quyết định phá thai đã khiến thế giới của bà sụp đổ. Hiện bà đang cố gắng nói cho những người khác biết về nỗi đau của việc phá thai, bắt đầu từ cách bà bỏ phiếu cho đến mục đích của cuộc đời bà.
“Tôi căm giận chủ nghĩa nữ quyền,” bà Shelfer cho biết. “Rõ ràng là tôi đã bị lừa để tin rằng thứ này là tốt, trong khi thực tế là tôi đã cướp đi sinh mạng của một con người, và việc này đã kéo theo đó hàng loạt hệ quả, trong đó có nỗi tủi nhục và cảm giác tội lỗi.”
Bà Shelfer sinh ra và lớn lên ở San Francisco, và quay trở lại vùng Bay Area sau khi hoàn thành việc học và ngao du để cáng đáng gia đình mình. Bà là một người vợ, một người mẹ hai đứa trẻ, một người bà của tám đứa cháu, và hoạt động ủng hộ sự sống cùng chồng.
Phá thai được xem là một vấn đề quan trọng đối với cử tri trong cuộc tổng tuyển cử 2024.
Các ứng cử viên và cử tri có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề phá thai, những quan điểm này thường bắt nguồn từ những niềm tin, giá trị đạo đức, và tín ngưỡng tôn giáo sâu sắc.
Một cuộc thăm dò hồi tháng 03/2024 do tổ chức KFF, trước đây là Kaiser Family Foundation, thực hiện cho thấy 12% người tham gia khảo sát cho rằng phá thai là vấn đề có tầm ảnh hưởng quan trọng nhất đối với quyết định bầu cử của họ trong cuộc tổng tuyển cử năm 2024. Cuộc thăm dò này nêu lên một số dấu hiệu cho thấy cách mà vấn đề phá thai tác động đến những người tham gia khảo sát, những người tin rằng việc phá thai cần phải trở thành luật trong tất cả hoặc hầu hết mọi trường hợp.
Mục vụ và vận động
Trải nghiệm về việc phá thai của gia đình Shelfer cuối cùng đã trở thành động lực để họ thành lập tổ chức bất vụ lợi Prepare a Room Ministries (Mục vụ Chuẩn bị một Căn phòng), nhằm giải quyết những cảm xúc sau phá thai của nhiều người.
“Chúng tôi không sử dụng tổ chức này để vận động cho chính sách công cộng, mà là để nâng tầm ảnh hưởng đến văn hóa,” ông Shelfer nói.
Vợ chồng nhà Shelfer đã cùng nhau viết một cuốn sách dành cho các thanh thiếu niên theo đạo Cơ Đốc mang tên “Chiến Binh Giành Chiến Thắng: Những Điều Ngăn Trở Giới Trẻ Hướng Thiện” (The Victorious Warrior: Challenging Young People to Aim Toward the Good).
Bà Shelfer cũng là một họa sĩ.
Trong bốn năm, mỗi ngày bà Shelfer đều vẽ một bức tranh miêu tả khuôn mặt của một em bé hoặc đứa trẻ đã không được sinh ra vì bị phá thai. Bà tin rằng những đứa trẻ sẽ có tướng mạo như vậy nếu các em được sinh ra. Bà chia sẻ những bức chân dung với tên gọi là “Foundlings” (Những Em Bé Bị Bỏ Rơi) trên nền tảng truyền thông xã hội của bà, và biến những bức họa này thành các tấm chăn.
“Không có một ứng cử viên chính trị nào dám nói không với việc phá thai ở cấp liên bang, vì vậy chúng tôi cầu nguyện và khao khát nhìn thấy một sự thay đổi trong bản chất của nền văn hóa, để mọi người có thể nâng cao nhận thức đối với việc sát hại trẻ em một cách kinh hoàng như thế này,” bà cho biết.
Bà Shelfer cho rằng những bức họa của bà đã trao cho những em bé vô danh này một diện mạo theo cách mà chính trị không thể nào làm được.
“Đứa trẻ mà tôi đã phá bỏ từ trong bào thai đóng vai trò then chốt trong việc giúp tôi có được sự tha thứ cũng như giúp đỡ những người khác,” bà nói. “Con của chúng tôi đóng vai trò là một phương tiện vì tôi cảm thấy hết sức có lỗi khi đã phạm phải một việc làm như vậy.”
Quan điểm của các ứng cử viên về vấn đề phá thai
Tổng thống Joe Biden đã đưa việc phá thai trở thành một vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông.
Quỹ Hành động Kế hoạch hóa Gia đình, Quỹ tài trợ Tự do Sinh sản cho Tất cả Mọi người (trước đây gọi là NARAL Pro-Choice America), và tổ chức Danh sách của Emily đã thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris.
Quỹ tài trợ Tự do Sinh sản cho Tất cả Mọi người không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
“Tổng thống Joe Biden đang đứng đầu chính phủ ủng hộ tự do sinh sản nhất trong lịch sử Hoa Kỳ — đó là sự thật,” bà Mini Timmaraju, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Quỹ tài trợ Tự do Sinh sản cho Tất cả Mọi người, nói trong một tuyên bố sau khi Tổng thống Biden trở thành đề cử viên tổng thống tương lai của Đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. “Cùng với Phó Tổng thống Harris, ông ấy vẫn luôn bảo vệ các quyền của chúng ta kể từ ngày đầu tiên. Hành trình phía trước còn dài, và cuộc chiến để khôi phục lại các quyền của chúng ta sẽ khó khăn, nhưng chúng ta biết Tổng thống Biden sẽ ở bên cạnh chúng ta.”
Ông Steven Aden, Giám đốc pháp lý và là luật sư trưởng của tổ chức ủng hộ sự sống Người Mỹ Hiệp lực vì Sự sống (Americans United for Life), xác nhận rằng Tổng thống Biden đang nỗ lực “hồ lộng” (smurfing) ra một quyền phá thai mới không tồn tại.
Trong thế giới tài chính, “smurfing” là một thuật ngữ nói về một thủ đoạn rửa tiền trong đó một người chia nhỏ một giao dịch lớn thành nhiều giao dịch nhỏ hơn dưới ngưỡng báo cáo với liên bang, để họ có thể tránh bị nhà chức trách phát hiện.
Tương tự như smurfing tài chính, smurfing cơ quan chính phủ xảy ra khi nhánh hành pháp phân chia từng mục tiêu chính sách thành nhiều phần được cho là “không thể xem xét lại’ và “không thể bàn cãi,” ông Aden cho biết.
“Không có quyền phá thai liên bang nào ở bất cứ đâu,” ông nói với The Epoch Times. “Chính phủ Tổng thống Biden đang cố gắng tạo ra một quyền mới để làm cho có vẻ như quyền phá thai có tồn tại.”
Quyền của các tiểu bang
Hồi tháng Tư, cựu Tổng thống Donald Trump khẳng định rằng luật phá thai nên được quyết định ở cấp tiểu bang.
Thể hiện sự thất vọng với quan điểm của cựu Tổng thống Trump, bà Marjorie Dannenfelser, Giám đốc của tổ chức Susan B. Anthony Pro-Life America, nói trong một tuyên bố rằng điều này sẽ cho phép các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ thông qua các biện pháp để tăng cường tiếp cận thủ thuật phá thai ở một số tiểu bang.
Ứng cử viên độc lập Robert F. Kennedy Jr. đã thay đổi quan điểm của ông về luật phá thai sau khi bị một số cử tri phản đối. Hồi tháng Năm, ông tuyên bố trên một podcast rằng mặc dù cá nhân ông không thích phá thai, nhưng ông cho rằng tiểu bang không nên can thiệp vào quyết định phá thai và rằng việc chấm dứt thai kỳ nên là quyết định của phụ nữ, “ngay cả khi đã mang thai trọn vẹn thai kỳ.”
Sau phản ứng dữ dội trên diện rộng, ông đã thay đổi quan điểm chính thức của mình khi nói rằng ông ủng hộ các hạn chế đối với thủ thuật phá thai sau thời điểm có khả năng sống sót, khi mà em bé có thể sống sót bên ngoài tử cung.
Ông Randall Terry là ứng cử viên tổng thống ủng hộ sự sống của Đảng Hiến Pháp cùng với ứng cử viên liên danh Stephen Broden. Giữa một chiến trường gồm tám ứng cử viên, lựa chọn tranh cử liên danh của họ đã nhận được 54% số phiếu bầu của Đảng Hiến Pháp.
Đảng Hiến Pháp được xem xét là một trong những tổ chức đảng thứ ba hữu khuynh nhất ở Hoa Kỳ.
Ông Terry là người sáng lập của nhóm ủng hộ sự sống Chiến dịch Giải cứu (Operation Rescue), nhóm dẫn đầu các chiến dịch bất tuân dân sự từ năm 1987 đến năm 1994. Các nhà hoạt động ủng hộ sự sống sẽ biểu tình tại các phòng khám phá thai và nhà của các bác sĩ thực hiện phá thai. Trong một nỗ lực để đóng cửa các phòng khám phá thai, những nhà hoạt động này đã tổ chức những đợt chặn đường và “giải cứu” mà trong đó những người biểu tình sẽ ngồi trong tòa nhà hoặc xích mình vào cửa và những đồ đạc cố định.
Ông Broden là người sáng lập Liên minh Ủng hộ sự sống Người Mỹ gốc Phi Châu Quốc gia (National Black Pro-life Coalition) và là mục sư cao cấp của Fair Park Bible Fellowship, một nhà thờ nội thành phi giáo phái tại Dallas, Texas.
“Mục đích của chiến dịch tranh cử tổng thống của chúng tôi là biến việc sát hại trẻ em bằng phá thai trở thành vấn đề số một của cử tri ở Mỹ,” ông Broden nói với The Epoch Times. “Thất bại của phong trào ủng hộ sự sống là đã tự mãn sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ lật ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade rồi phe đối lập đã thay đổi chiến trường và đi đến các tiểu bang.”
Lựa chọn tranh cử liên danh Terry-Broden hiện đang có mặt trên các lá phiếu tại 12 tiểu bang.
“Nhiều chính trị gia chỉ muốn chiến thắng và không tranh cử trên các nguyên tắc,” ông Broden nói. “Một số cố vấn xung quanh ông Donald Trump đang tư vấn sai cho ông ấy về vấn đề phá thai. Đây là một dấu hiệu khác cho thấy Đảng Cộng Hòa đã làm chúng ta thất vọng về các vấn đề xã hội quan trọng như thế nào.”
Sửa đổi Hiến Pháp tiểu bang
Việc thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp tại cấp tiểu bang liên quan đến phá thai phản ánh những nỗ lực không ngừng của các nhà hoạt động và nhà lập pháp để định hình vấn đề phá thai tại cấp tiểu bang.
Những sửa đổi này có thể có những hậu quả sâu rộng, có khả năng đưa những hạn chế hoặc biện pháp bảo vệ cụ thể liên quan đến phá thai vào trong Hiến Pháp của các tiểu bang. Arizona, Arkansas, Colorado, Florida, Iowa, Maryland, Missouri, Montana, Nebraska, Nevada, Pennsylvania, và South Dakota có thể có các sửa đổi Hiến Pháp liên quan đến phá thai trong cuộc bầu bầu cử năm 2024.
Các cử tri ở sáu tiểu bang đã cân nhắc các sửa đổi Hiến Pháp về vấn đề phá thai kể từ khi Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade hồi năm 2022, và phe ủng hộ tiếp cận phá thai đã giành chiến thắng ở mỗi từng tiểu bang. Cử tri đã tán thành các sửa đổi vào Hiến Pháp của tiểu bang của họ để bảo đảm quyền phá thai tại California, Michigan, Ohio, và Vermont. Ở Kentucky và Kansas, cử tri đã từ chối các nỗ lực sửa đổi Hiến Pháp của tiểu bang theo hướng ngược lại, nêu rõ ràng rằng Hiến Pháp của tiểu bang không bảo đảm cho quyền phá thai.
Ông Aden cho rằng các thành viên Đảng Cộng Hòa xem ra đang tự tách mình với vấn đề phá thai và tán thành việc để cho các tiểu bang quyết định.
“Tôi nghĩ chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc bãi bỏ phán quyết vụ Roe kiện Wade, nhưng chúng tôi đã chưa chuẩn bị cho cuộc phản công của phe ủng hộ phá thai,” ông nói.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, cả Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) và Viện Nghiên cứu Guttmacher, một tổ chức nghiên cứu ủng hộ phá thai, đều theo dõi số liệu thống kê hàng năm về phá thai tại Hoa Kỳ, nhưng họ sử dụng các phương pháp khác nhau và cho ra những con số tổng khác nhau.
Theo Viện Nghiên cứu Guttmacher, năm 2020, có 930,160 ca phá thai tại Hoa Kỳ. Trong cùng năm đó, CDC báo cáo có 592,939 ca phá thai ở 46 tiểu bang và quận Columbia, dựa trên dữ liệu được báo cáo tự nguyện cho cơ quan liên bang. Các tiểu bang California, Maryland, New Hampshire, và New Jersey không báo cáo tổng số ca phá thai của năm 2020 cho CDC.
Viện Nghiên cứu Guttmacher cũng báo cáo rằng 41 tiểu bang có hình thức hạn chế phá thai nào đó, trong đó 14 tiểu bang có lệnh cấm gần như hoàn toàn. Tất cả các tiểu bang có các hạn chế đều có ngoại lệ để cứu sống người mẹ, và một số tiểu bang có các ngoại lệ khác như các trường hợp có thai do cưỡng gian hoặc loạn luân.
Không có hạn chế về phá thai dựa tên tuổi thai kỳ ở chín tiểu bang và khu vực thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Công chúng nghĩ gì
Trong một cuộc thăm dò hồi tháng 07/2022 được công bố ngay sau khi Tối cao Pháp viện lật ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade bằng phán quyết vụ Dobbs, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện rằng 62% người Mỹ trưởng thành tin rằng phá thai nên được hợp pháp trong mọi hoặc hầu hết các hoàn cảnh, trong khi 37% tin rằng việc phá thai nên là bất hợp pháp trong mọi hoặc hầu hết các hoàn cảnh.
Tuy nhiên, một cuộc khảo sát hồi tháng Một của Knights of Columbus và Marist Poll có vẻ trái ngược với các cuộc thăm dò của KFF và Pew Research, với 66% người tham gia khảo sát cho biết họ ủng hộ các hạn chế về phá thai, và gần 60% người tham gia khảo sát ủng hộ việc hạn chế phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Cuộc thăm dò của Knights of Columbus -Marist Poll cũng phát hiện ra rằng 83% người Mỹ ủng hộ các trung tâm nguồn thông tin thai kỳ, vốn trợ giúp các bà mẹ trước, trong, và sau khi sinh con nhưng không cung cấp hoặc giới thiệu việc phá thai.
86% người tham gia khảo sát nói rằng luật pháp có thể bảo vệ cả bà mẹ và em bé chưa sinh, và 66% nói rằng các chuyên gia y tế có quan điểm phản đối phá thai dựa theo niềm tin tôn giáo không nên bị pháp luật bắt buộc phải thực hiện thủ tục này.
Tuệ Chân, Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times