‘Người Assyria Cổ đại: Đế chế và Quân đội, năm 883-216 trước Công Nguyên’
Lời giới thiệu hoàn hảo về thế giới của Đế chế Assyria cổ đại.
Đối với những ai yêu thích tìm hiểu về Đế chế Assyria cổ đại trên nhiều phương diện, thì tác phẩm mới nhất của ông Mark Healy có nhan đề “The Ancient Assyrians: Empire and Army, 883-612 BC” (Người Assyria Cổ Đại: Đế Chế và Quân Đội, năm 883-216 trước Công Nguyên) sẽ là một điểm khởi đầu tuyệt vời, còn với những độc giả chỉ muốn hiểu rõ về đế chế cổ đại này, thì đây cũng không phải là tác phẩm quá tệ để dừng chân khám phá.
Ông Healy tuyên bố ngay ở phần đầu cuốn sách rằng lần đầu tiên ông viết về đế chế Cận Đông cổ đại là cách đây ba thập niên, tuy nhiên tác phẩm mới của ông đã mở rộng đáng kể kiến thức và nghiên cứu từ cuối thế kỷ 20.
Các vị vua
Như đã thể hiện ở nhan đề cuốn sách, tác giả bắt đầu với đế chế và cách hình thành đế chế đó. Tất nhiên, tốt hơn hết là nên bắt đầu từ những trang đầu tiên, nơi tác giả Healy phân tích về các triều đại của các vị vua. Ông Healy giúp chúng ta dễ dàng nắm bắt được trọng tâm chính của các vương triều, đó là: Sự bành trướng. Việc mở rộng bờ cõi được thực hiện thông qua những cách thức dễ thấy là chiến tranh và chinh phục, sự tàn phá của các thành phố và sự phát triển của các nước chư hầu, cũng như việc ép buộc phải cống nạp và cướp bóc từ các quốc gia bại trận.
[Tư liệu] về cuộc đời và chi tiết quân sự của các vị Vua Assyria này tương đối khan hiếm, và đó cũng là điều dễ hiểu. Khảo cổ học cung cấp nguồn tài liệu chủ yếu. Ông Healy thảo luận về các văn tự hình nêm được phát hiện trong thế kỷ 19 và 20; ông bàn về các bức phù điêu bằng đá và cách chúng giải thích về các vị vua, binh pháp chiến tranh của họ, và những gì được sử dụng trong một số trận chiến nhất định cũng như trong các cuộc chiến nói chung, từ xe ngựa, khiên, cho đến cung tên; ngoài ra còn có phát hiện về các loại vũ khí bằng đồng và sắt, cho thấy hình dạng và kích cỡ của mũi giáo và đầu mũi tên.
Một nguồn tư liệu khác, có thể không quá bất ngờ, là các văn tự Cựu Ước trong Kinh Thánh. Ông Healy chứng minh mức độ chính xác của các thánh thư này cũng như việc một số thánh thư hoặc là bị hiểu sai hoặc là tác giả của một số thánh thư đã giải thích sai thực tế về các cuộc chiến như thế nào.
Đối với những độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn về lịch sử và các khám phá khảo cổ về Đế chế Assyria cổ đại, ông Healy nêu bật nhiều nhà sử học khác nhau chuyên về các chủ đề nhất định, và tất nhiên, luôn có thư mục các tác phẩm của ông để nghiên cứu.
Các vị vua và các vị Thần
Các dân tộc cổ xưa ở vùng Cận Đông, như người Assyria, người Ai Cập, hoặc người Ba Tư thường gắn liền với các vị Thần của họ. Lòng sùng đạo là rất cần thiết, đặc biệt là khi phải giải quyết các mục tiêu chiến tranh. Người ta không có khả năng mạo phạm đến các vị Thần, và những vị Vua Assyria luôn cho rằng các vị Thần đã ban cho họ chiến thắng cho dù mục đích là vì hậu thế hay là vì truyền giáo. [Trong cuốn sách này] ông Healy giải thích vì sao các vị vua được xem là người cai trị do Thần lựa chọn hơn là việc chính họ là các vị Thần.
Cùng giọng văn gần như mang tính thần thoại, quan niệm về việc được các vị Thần lựa chọn này thể hiện ngay trong cuộc chiến tranh giành thành Babylon (năm 710-707 TCN) giữa thủ lĩnh bộ lạc Chaldean là Merodach-baladan và vua của người Assyria là Sargon. Những thầy tế quan trọng nhất tin rằng, vị Thần bảo trợ của thành Babylon là Marduk đã lựa chọn Vua Sargon, và vì thế họ đã giang tay mời ông tiến vào thành. Tất nhiên, dù có Thần phù trợ thì Vua Sargon vẫn phải dựa vào nguồn thông tin tình báo thu thập được để chắc chắn rằng tù trưởng Merodach-baladan đã rời khỏi thành và người dân Babylon sẽ đón nhận ông.
Thành Babylon và sự sụp đổ của Đế chế Assyria
Ông Healy thảo luận về việc vì sao thành Babylon luôn là cái gai đối với Đế chế Assyria — có lúc họ đã đánh bại được thành cổ này, có lúc thì không. Nhưng cuối cùng thì Đế chế Babylon đã thay thế Đế chế Assyria.
Liên quan đến sự sụp đổ của Đế chế Assyria, ông Healy giải thích rằng đây vẫn là điều bí ẩn, vì đế chế này dường như vẫn hùng mạnh vào thời điểm mà nó bất ngờ sụp đổ. Ông Healy trình bày một số nguyên nhân thú vị có thể đã xảy ra, một trong số đó là sự thay đổi khí hậu đột ngột. Dù sao thì, việc duy trì một đế chế rộng lớn như vậy là điều rất khó khăn và đòi hỏi các vị vua phải thường xuyên rời khỏi kinh đô để dẹp yên bạo loạn hoặc tìm kiếm các thành bang mới để chinh phục.
Tác giả làm rõ rằng, mặc dù thời cổ đại đầy khó khăn và bạo lực, nhưng ít nhất thì bạo lực không phải là không có duyên cớ. Các cuộc xâm lược và chinh phục thường ít liên quan đến uy thế quân sự mà thiên về ưu thế kinh tế hơn. Khi đế chế mở rộng thì các nhu cầu về kinh tế cũng tăng lên, đó là những vùng đất mới được chinh phục, chiến lợi phẩm thu được, và số lượng nô lệ ấn tượng cung cấp nguồn cung cho nền kinh tế.
Dĩ nhiên, động lực của kinh tế là quân đội. Một đội quân hùng mạnh thường đồng nghĩa với một nền kinh tế vững mạnh, và, quả đúng là như vậy, phần lớn cống phẩm nạp cho Assyria đều được đưa vào quân đội (một hình thức khá thô sơ của nền kinh tế trọng cung).
Nửa sau của cuốn sách tập trung vào vấn đề quân sự của Đế chế Assyria. Tác giả Healy bàn luận về việc sử dụng các cung thủ, binh sĩ bắn đá, và dùng giáo trong các cuộc xung đột. Ông giải thích về quân trang của các chiến binh này và cách họ điều động binh lực (ở phần cuối cuốn sách, ông thậm chí còn miêu tả một số diễn biến của các trận chiến để minh họa cách mà họ đã chiến đấu hoặc tiến hành các cuộc vây hãm).
Tuy nhiên, không phải chỉ cần chiến binh dũng mãnh là có thể khiến đội quân này [chiến đấu] hiệu quả như vậy, mà còn ở việc sử dụng chiến mã. Theo lời kể của ông Healy, việc thu thập ngựa khi chinh phục [các vùng đất], từ cống phẩm, hoặc tự chăn nuôi ở địa phương là rất cần thiết cho sự thành công của quân đội và từ đó cũng mang lại sức sống cho nền kinh tế.
Một tác phẩm tuyệt vời
Cuốn sách “The Ancient Assyrians: Empire and Army, 883–612 BC” (Người Assyria Cổ Đại: Đế Chế và Quân Đội, năm 883-612 trước Công Nguyên) có rất nhiều hình ảnh từ các phát hiện khảo cổ, như văn tự hình nêm, các bức phù điêu, và vũ khí. Khi xem xét sự tồn tại lâu dài của đế chế này và những đội quân lớn mạnh mà nó sở hữu, kết hợp với số lượng hiện vật tương đối ít được tìm thấy cho tới nay, người ta suy đoán rằng vẫn còn rất nhiều điều cần khám phá về Đế chế Assyria, điều này thật thú vị theo đúng nghĩa riêng của nó. Và còn rất nhiều hình minh họa về diện mạo của các chiến binh trong bộ quân phục. Các khái niệm trực quan là rất hữu ích để hiểu về nền văn minh cổ đại này, ít nhất là trong việc giải quyết các phương diện tàn khốc hơn của chiến tranh.
Cuốn sách tuyệt vời này được chứng minh là một hướng dẫn hữu ích thông qua một đế chế sơ khai có từ nhiều thế kỷ trước. Đồng thời, lối viết và những lời giải thích rành mạch của ông Healy khiến nội dung của cuốn sách trở nên dễ hiểu và dễ nhớ.
Sách: “The Ancient Assyrians: Empire and Army, 883–612 BC” (Người Assyria Cổ Đại: Đế Chế và Quân Đội, năm 883-612 trước Công Nguyên)
Tác giả: Mark Healy
Nhà xuất bản Osprey, ngày 08/08/2023
Sách bìa cứng: 320 trang
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times