Nhỏ bé và xinh đẹp: Những bức chân dung tiểu họa của họa sĩ Edward Greene Malbone
Những bức tiểu họa của thế kỷ 19 lưu giữ hình ảnh của những người thân thương
Các bậc cha mẹ thường giữ một bức ảnh của con trẻ ở trong một túi xách hoặc ví. Mặc dù có thể bị mòn và nhăn nhúm, nhưng bức ảnh có thể cho họ cảm giác luôn gần gũi với các con trong những sinh hoạt của cuộc sống thường nhật. Các gia đình ở những thế kỷ 18 và 19 cũng có cùng ước muốn như vậy, và vì thế những bức chân dung tiểu họa đã trở nên phổ biến đối với những người Mỹ giàu có thời kỳ đầu.
Có kích cỡ thông thường nhỏ hơn hai inch, một bức tiểu họa được thiết kế sao cho một người xem có thể cầm giữ trong lòng bàn tay nhằm tạo cảm giác gần gũi với người thân yêu khi không thể trực tiếp kề cạnh bên họ, hoặc dành cho những cặp đôi đã đính hôn hay những người thân trong gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh. Được đặt trong các khung hình nhỏ, những bức tiểu họa này có thể được cài vào bên trong áo khoác hoặc cũng có thể bỏ trong túi để dễ dàng lấy ra ngắm cả ngày.
Theo thông tin trên trang web của Weibold Studio, tổ chức chuyên bảo quản các bức chân dung thu nhỏ, các bức tranh này được vẽ để thắt chặt mối quan hệ tình cảm với những người đặc biệt:
Những bức chân dung thu nhỏ này có thể được trao đổi qua lại giữa một đôi tình nhân đã đính ước, hoặc đeo bên người để nhớ về một người thân đang sống ở nơi xa, hay có lẽ là một người thân đã qua đời. Thậm chí một số bức tiểu họa còn lồng vào một lọn tóc của người thân — có thể là để bên dưới bức chân dung hoặc là hiển thị ở mặt sau được dệt công phu cùng với những hạt ngọc trai hay sợi chỉ vàng.
Rất nhiều họa sĩ vẽ chân dung hàng đầu ở Hoa Kỳ, như họa sĩ Gilbert Stuart, người đã phổ biến loại hình nghệ thuật này bằng cách mang những bức tiểu họa Âu Châu đến Hoa Kỳ để làm hài lòng những công dân Mỹ giàu có, những người mong muốn được mang theo và trưng bày những vật phẩm thân thương này.
Làm cho bức tranh nhỏ lại
Các bức tiểu họa đã phát triển từ thế kỷ 16 và 17. Kỹ thuật phổ biến nhất được sử dụng lúc đó là dùng một loại sơn màu nước trên ngà voi, mặc dù cũng có một số được vẽ trên giấy da bò kéo dãn. Một số khác thì được vẽ bằng sơn dầu trên chất liệu đồng.
Thời kỳ đỉnh cao phổ biến của các bức tiểu họa này là vào giữa những năm 1800, những nghệ sĩ vẽ tiểu họa ở Hoa Kỳ đã cố gắng tìm cách tái hiện lại diện mạo của một bức chân dung sơn dầu. Và rồi, khi những bức chân dung thu nhỏ này ngày càng phổ biến, những người nghệ sĩ vẽ tranh tiểu họa đã nâng cao kỹ pháp của họ, đặc biệt là màu sắc tươi sáng hơn, chi tiết, tập trung đường nét hơn, và đưa ra thành phẩm trau chuốt hơn.
Đối với những người mong muốn nâng cao kỹ năng này, thì những cuốn sách hướng dẫn xem trọng việc học cách khắc họa làn da tươi sáng của chủ thể như là một đặc điểm nổi bật của bức chân dung; đó là cả một quá trình cần mẫn. Theo phân tích của Thư Viện & Bảo Tàng Morgan về bộ sưu tập của họ, “Các nghệ sĩ đã sử dụng các sắc thái trong mờ nhất của màu nước mà người họa sĩ có thể đạt được, áp dụng vào từng lớp màu riêng biệt để cho phép ngà voi được rọi sáng xuyên qua nhiều lớp màu ấy.”
“Các điểm nhấn nổi bật trên gương mặt được thể hiện bằng cách để nguyên lớp ngà voi, hoặc cẩn thận cạo bỏ các lớp màu để lộ ra các điểm nhấn này. Do đó, màu da nhạt đã được mô tả bằng ngà voi, vốn dĩ là một loại chất liệu sang trọng truyền tải sự kết hợp giữa chất liệu quý giá và diện mạo đáng mơ ước [của nhân vật].”
Kỹ thuật phổ biến nhất lúc bấy giờ là vẽ bằng màu gouache (một loại màu nước mờ và đục) trên ngà voi, đó là một nhiệm vụ đầy thử thách đòi hỏi sự chuẩn bị tỉ mỉ đối với cả ngà voi lẫn kỹ pháp hội họa đặc biệt. Nếu một người họa sĩ chỉ đơn giản là vẽ trực tiếp lên ngà voi, thì màu sắc sẽ bị trộn lẫn vào nhau và làm mất đi các đường nét. Ngà voi cần được rạch từng lát mỏng dọc theo các xớ ngà, được tinh chế sạch sẽ để loại bỏ tất cả dầu hữu cơ và được chà nhám để chuẩn bị cho vẽ tiểu họa. Người họa sĩ đã dùng các kỹ pháp vẽ tranh như là vẽ sọc (các đường ngắn nối chồng lên nhau để thể hiện sự chuyển đổi màu sắc) và vẽ chấm (chấm từng chấm màu lặp đi lặp lại) để tránh làm nhòe màu sắc.
Tay nghề thủ công điêu luyện là điều cần thiết để chế tác khung bao, còn được gọi là một “hộp đựng chân dung,” để trình bày bức chân dung đẹp nhất và hoàn thiện tác phẩm theo yêu cầu. “Các tấm ngà voi mỏng được dán vào những mảnh giấy vân ngang vì vậy các họa sĩ có thể thao tác dễ dàng trong khi vẽ,” theo mô tả của Bảo Tàng Gibbes về khung bao tranh tiểu họa.
“Một khi đã hoàn thành, mảnh giấy sẽ được cắt gọn gàng để vừa với khung và cho phép tấm ngà voi vừa khít với lớp kính, nhằm bảo vệ bức tranh khỏi bụi bẩn và độ ẩm. Để tránh cho tấm ngà voi không bị dịch chuyển, người ta thường đệm các mảnh giấy khác, thường là các lá bài hoặc mẩu giấy vụn, vào bên dưới bức tranh.”
Kính thủy tinh màu được đặt thêm vào một số khung tranh tiểu họa làm tăng thêm sự cao quý của đối tượng trong bức tranh.
Sự ngưỡng mộ song hành với trách nhiệm của người họa sĩ
Là nghệ nhân vẽ tiểu họa hàng đầu ở Hoa Kỳ, ông Edward Greene Malbone được đông đảo những họa sĩ ở cả Mỹ quốc lẫn Anh quốc ngưỡng mộ, và ông đã làm nên tên tuổi của mình như là một bậc thầy về tranh chân dung thu nhỏ.
Là một người tự học, ông Malbone đã rời khỏi ngôi nhà ở tiểu bang Rhode Island để làm một họa sĩ vẽ tranh tiểu họa cùng với người bạn cũng là họa sĩ, ông Washington Allston (1779–1843), ở thành phố Boston. Ông Allston đã nhận xét về thiên hướng hòa nhã của ông Malbone và cách mà ông sử dụng những kỹ năng nghệ thuật của mình để làm bật lên nét đẹp nội tại của những người đã làm mẫu cho ông: Ông ấy có “một tài năng rất phù hợp … cho việc nâng tầm phẩm cách mà không làm giảm đi nét đẹp dung mạo [của những người mẫu của ông].”
Khi kỹ năng của ông ngày càng phát triển, ông Malbone đã chu du khắp vùng Bờ Đông và trở nên nổi tiếng. Có thời điểm, ông đã trau dồi kỹ năng của mình ở Anh quốc nhưng sau đó lại quay về Mỹ quốc để làm việc tại thành phố Charleston, tiểu bang South Carolina, vào năm 1801. Khi đó ông đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng, ông bắt đầu thời kỳ làm việc sung sức nhất của mình, có thể hoàn thành đến ba bức tiểu họa mỗi tuần.
Các bức chân dung tiểu họa của ông Malbone mang đến một cái nhìn độc đáo về phẩm chất và tâm hồn của những người mẫu. Chẳng hạn như, với bức chân dung của bà Eliza Izard, ông đã sử dụng một kỹ thuật vẽ sọc, với những nét vẽ nhỏ và một sự pha trộn màu sắc. Mặc dù làn da bà trông rất mịn màng, tuy nhiên khi kiểm tra kỹ hơn có thể thấy nhiều nét vẽ nhỏ của từng lớp màu sắc xếp chồng lên nhau để tạo nên một vết ửng hồng nhẹ trên má của bà.
Một số bức chân dung tiểu họa khác tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Smithsonian American cung cấp nhiều thông tin chi tiết về họa sĩ Malbone và các chủ thể mà ông đã vẽ. Khi tin tức lan truyền giữa các gia đình và bằng hữu, thì số lượng đơn đặt vẽ của vị họa sĩ này đã tăng nhanh chóng. Bà Susannah Russell là một hậu duệ của các vương tộc Condé và Bourbon, cả một số vị vua nước Pháp cũng thuộc dòng dõi của bà, trong đó có Vua Louis IV.
Ông John Corlis, người có bức chân dung tiểu họa được vẽ vào năm 1795, là chủ của một đội tàu buôn có trụ sở tại thành phố Providence, tiểu bang Rhode Island. Từ năm 1792 đến năm 1810, hạm đội của ông đã giao thương qua lại giữa Hoa Kỳ, quần đảo Caribbean, và thành phố Hamburg, nước Đức.
Ông Joseph Manigault là chủ một đồn điền và là một thành viên của cơ quan lập pháp tiểu bang South Carolina. Vị họa sĩ này đã hoàn thành một bức chân dung tiểu họa cho phu nhân của ông, bà Charlotte Drayton.
Ông Malbone đã vẽ chân dung tiểu họa cho nhiều thành viên của gia đình Poinsett trong chuyến đi đến thành phố Charleston từ năm 1801 đến 1802. Ông đã hoàn thành bức chân dung tiểu họa cho Tiến Sĩ Elisha Poinsett, cha của ông Joel R. Poinsett, một thành viên của Hạ viện Hoa Kỳ và cũng là Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Tổng Thống Martin Van Buren.
Vào thời điểm được vẽ chân dung, bà Susan Poinsett đang trong quá trình phục hồi sức khỏe sau một cơn bạo bệnh kéo dài, tuy nhiên sự hồi phục của bà khá ngắn ngủi và bà đã qua đời hai năm sau đó. Bức chân dung tiểu họa khắc họa một người phụ nữ gầy gò với đôi mắt u sầu.
Ông Henry Bounetheau, một họa sĩ tranh tiểu họa hàng đầu ở thành phố Charleston, đã bày tỏ sự tôn trọng và lòng ngưỡng mộ lớn lao đối với họa sĩ Malbone bằng cách mời ông vẽ các bức chân dung cho chính gia đình Bounetheau của mình, trong đó có một người dì. Hiện vẫn chưa xác định được người dì nào của ông xuất hiện trong bức tiểu họa này.
Theo tiêu chuẩn thời nay
Mặc dù không quá đắt đỏ như một bức chân dung khổ lớn, nhưng giá cả của những vật phẩm gắn kết tình yêu thương như vậy cũng không phải là rẻ, tuy nhiên vào những năm 1830, nhiều tờ báo đã đăng quảng cáo cho các họa sĩ vẽ tranh tiểu họa. Thông thường, một họa sĩ vẽ chân dung đề nghị mua hai tặng một để thu hút các khách hàng tạo dáng. Khi bức chân dung kích thước khổ lớn đang được hoàn thiện, thì họa sĩ tiểu họa cộng tác với họa sĩ vẽ chân dung sẽ tạo ra một bức chân dung nhỏ tương tự như thế.
Theo thông tin từ sổ kế toán của ông Malbone, ông đã vẽ một bức cho ông Lawrence vào tháng 12/1803 và được trả 70 USD cho công sức của ông vào ngày Lễ Giáng Sinh. Theo giá trị dollar thời nay, thù lao cho những họa sĩ hoàn thành một bức chân dung tiểu họa trên ngà voi dao động từ 450 USD đến 13,500 USD và giá trung bình là khoảng 1,325 USD. Giá cả phụ thuộc vào danh tiếng và kỹ năng của người nghệ sĩ, chất liệu sử dụng, cũng như chất lượng của khung hình. Giá cả có thể sẽ được giảm nếu nhiều thành viên trong gia đình cùng đặt hàng vẽ các bức chân dung tiểu họa cho họ, và tùy thuộc vào việc khách hàng có đặt một bức chân dung khổ lớn luôn hay không.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times