Một bức tranh màu phấn đặc biệt: ‘Bữa sáng của gia đình Lavergne’
Thoạt nhìn, mọi thứ trong bức tranh màu phấn (pastel) “Bữa sáng của gia đình Lavergne” có vẻ khá quen thuộc: Một bà mẹ và cô con gái nhỏ đang dùng bữa sáng, những hình ảnh thân quen với mọi gia đình. Nhưng ngắm nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy rằng họa sĩ thế kỷ 18 người Thụy Sĩ, Jean-Etienne Liotard, đã truyền tải những sắc thái đẹp đẽ của bản tính con người.
Được tán dương là kiệt tác của Liotard, “Bữa sáng của gia đình Lavergne” được Phòng Trưng bày Quốc gia London mua lại vào tháng 5. (Phòng tranh đã mượn tác phẩm này kể từ tháng 10 năm 2018, lần đầu được trưng bày trước công chúng). Bức tranh này đã có mặt tại Anh từ năm 1755 khi được mua bởi nhà bảo trợ quan trọng nhất của Liotard, Viscount Duncannon.
Trong bức tranh, một phụ nữ thanh lịch trong bộ đầm bằng lụa trang nhã đang chăm chú quan sát con gái mình. Với phong thái đĩnh đạc, người mẹ kiên nhẫn giữ vững tách trà và đĩa bằng tay trái khi cô con gái nhúng một chiếc bánh quy vào tách sữa nóng. Khoảnh khắc dịu dàng của mẹ và con hiện ra bình yên và tĩnh lặng, bức tranh có nhiều những chuyển động nho nhỏ.
Người mẹ nào cũng có thể thấy hình ảnh của mình trong tranh, đảm đương cùng lúc nhiều nhiệm vụ. Trong khi giữ vững chiếc tách bằng tay trái, người mẹ cầm ấm bình ở tay phải như thể cô vừa rót đồ uống cho con gái xong. Con gái cô rất háo hức nên đã nhúng chiếc bánh quy vào ngay. Một vết tràn nhỏ có thể thấy ở bên trái của chiếc đĩa.
Trên đầu em chi chít với những cuộn giấy uốn tóc để qua đêm như một chiếc vương miện. Cô bé giữ chặt cạnh bàn bằng tay trái như thể đang chống lại sự háo hức muốn tự mình cầm tách trà, mà chắc chắn rằng mẹ em đã khuyên cản vì nó quá nóng.
Sự tinh tế của Liotard đến cả những chi tiết nhỏ nhất đã nâng một khung cảnh từ bình thường đến phi thường, với mỗi chi tiết làm cho bức tranh trở nên gần gũi hơn với chúng ta ngay cả ngày nay, gần 250 năm sau.
Kỷ Nguyên Vàng của Tranh Pastel
Theo trang web của Christie, Liotard đã làm việc trong thời kỳ hoàng kim của hội họa màu phấn. Mặc dù phấn màu đã xuất hiện từ thời Phục Hưng, nhưng phải đến thế kỷ 18, mà bắt đầu là ở Pháp, họa phẩm này mới trở nên phổ biến.
Sử dụng bột màu tương tự như sơn dầu, nhưng phấn màu được trộn với chất kết dính và tạo thành dạng que. Loại họa phẩm này ngày một thu hút khách hàng trung lưu với giá cả phải chăng thay cho sơn dầu. Thêm vào đó, khả năng biểu đạt chất liệu nhanh chóng của phấn màu giúp các họa sĩ nắm bắt những biểu cảm thoáng qua nhanh như khi chúng xảy ra, trái ngược với việc đợi một lớp sơn dầu từ từ khô trước khi sơn chồng lớp kế tiếp.
Bản chất bột của phấn làm cho các bức tranh trở nên mỏng mảnh, tuy nhiên sự khúc xạ của ánh sáng trên bột đã tạo ra những bức tranh chói lọi nhất. Tranh màu phấn thường giữ độ bão hòa màu tốt hơn tranh sơn dầu, vì tranh màu phấn không quét vecni, điều thường làm mất màu hoặc làm hỏng sơn dầu.
Jean-Etienne Liotard
Ban đầu, Liotard (1702–1789) được đào tạo vẽ tiểu họa ở Geneva và rồi vẽ chân dung ở Paris. Trong đời mình, ông là một họa sĩ nổi tiếng trên khắp châu Âu bởi những bức tranh gần gũi và đầy sức sống. (Ông cũng sáng tạo với chất liệu sơn dầu, phấn và men sứ.) Những bức tranh trong sáng của ông được đánh giá cao trong các hoàng triều của London, Vienna, Paris và The Hague; và ông đã được trả giá cao cho công việc của mình.
Ngày nay, rất ít người biết đến Liotard; hầu hết các tác phẩm của ông được vẽ riêng cho các gia đình, và được giữ kín trong các bộ sưu tập tư gia để được trân trọng qua nhiều thế hệ. Khía cạnh này trong nghệ thuật của Liotard là điều hấp dẫn nhất. Ông đưa bản chất của người mẫu lên giấy. Trong khi các bức chân dung thuộc phạm vị công cộng thường cho thấy vị thế của người mẫu trên thế giới — một người của công chúng sẽ được lý tưởng hóa — các bức tranh của Liotard thì khác; ông vẽ những người mẫu của mình trong những khoảnh khắc riêng tư và để ý từng điều nhỏ nhặt về họ và môi trường xung quanh.
Chẳng hạn trong “Bữa sáng của gia đình Lavergne”, Liotard vẽ người mẹ với quầng thâm dưới mắt, có lẽ là một dấu hiệu cho thấy cô bị đánh thức sớm bởi con gái nhỏ của mình. Và ông đã miêu tả một cách ngoạn mục rất nhiều các chất liệu khác nhau. Chẳng hạn như đồ sứ Trung Quốc tinh xảo phản chiếu trên khay sơn mài, một bình cà phê bằng bạc và bình gốm sứ với hình ảnh cửa sổ được phản chiếu trên bề mặt.
“Bữa sáng của gia đình Lavergne” chỉ phản ánh một khía cạnh trong nghệ thuật của Liotard. Ông vẽ rất nhiều tác phẩm và không giới hạn trong lĩnh vực hội họa. Ông thậm chí còn viết một chuyên luận về hội họa. Và sở thích của ông rất đa dạng: Ông là một nhà sưu tập, thương gia và một người thích đi du lịch. Tác phẩm của Liotard xứng đáng nhận được nhiều sự chú ý cũng giống như tâm sức ông dành cho các tác phẩm kỳ diệu của mình.
Để tìm hiểu thêm về bức tranh “Bữa sáng của gia đình Lavergne” của Jean-Etienne Liotard, hãy truy cập NationalGallery.org.uk