Hơn cả những chú thỏ: Di sản phi thường của nữ văn sĩ Beatrix Potter
Triển lãm ‘Beatrix Potter: Hòa mình vào thiên nhiên’ tại bảo tàng Victoria và Albert
Câu chuyện “Chú Thỏ Peter” của bà Beatrix Potter lần đầu tiên xuất hiện trong một bức thư có chứa hình ảnh gửi cho cậu bé 4 tuổi Noel Moore, con trai gia sư cũ của bà. Lá thư bắt đầu như sau: “Cô không biết viết gì cho cháu nên cô sẽ kể cháu nghe một câu chuyện.”
Nhiều năm sau, bà Potter đã mượn bức thư đó để sáng tác “Chuyện về chú thỏ Peter.” Mọi người thường biết đến bà Potter thông qua chú thỏ Peter, nhưng câu chuyện về cuộc đời của bà còn ly kỳ hơn thế. Bà Potter không chỉ là một nữ văn sĩ kiêm họa sĩ minh họa, mà còn là một nhà tự nhiên học, nông dân nuôi cừu, và là nhà bảo tồn thiên nhiên đầy nhiệt huyết.
“Beatrix Potter: Hòa mình vào thiên nhiên” là cuộc triển lãm lớn đầu tiên chú trọng đến cuộc đời của bà Potter, bên cạnh các nhân vật trong sách của bà. Triển lãm này do Bảo tàng Victoria và Albert và National Trust (một tổ chức bất vụ lợi chuyên bảo tồn di sản thiên nhiên và kiến trúc của Vương quốc Anh) hợp tác thực hiện. Cả hai tổ chức này đều nắm giữ các bộ sưu tập các tác phẩm của bà Potter lớn nhất Vương quốc Anh.
Triển lãm này cho thấy tầm quan trọng của di sản mà bà Potter để lại, những di sản vượt khỏi lĩnh vực văn học thiếu nhi.
Tình yêu của bà đối với vùng đất này và các truyền thống địa phương đã dẫn đến việc bà bảo tồn giống cừu Herdwick đang bị đe dọa tuyệt chủng, một giống cừu khỏe mạnh đã sống ở Lake District, cực bắc nước Anh, trong hàng ngàn năm. Bà đã để lại 4,000 mẫu Anh và 14 trang trại cho tổ chức National Trust để công chúng Anh quốc mãi mãi được hưởng những di sản này.
Học nghệ thuật
Bà Potter [thuở nhỏ] không được đến trường. Một gia sư đã dạy bà các môn như tiếng Latinh, tiếng Pháp, hình học, và toán cho đến hết tuổi thiếu niên. Vị gia sư này cũng đã giới thiệu bà Potter đến với nghệ thuật đỉnh cao trong các bảo tàng và phòng trưng bày của London gần nhà của gia đình bà ở Bolton Gardens, South Kensington.
Năm lên 17 tuổi, bà đã vô cùng sững sờ khi lần đầu đặt chân đến Học viện Nghệ thuật Hoàng gia. “Tôi chưa bao giờ nghĩ là có thể có những bức ảnh như vậy. Tôi bị choáng ngợp khi được chiêm ngưỡng tất cả các bức ảnh này cùng một lúc — thật vui khi nhìn thấy năm tuyệt tác của danh họa Van Dyck đặt cạnh nhau, trước mặt tôi, người chưa từng nghĩ sẽ có dịp được ngắm một họa phẩm nào cả. Nói đúng hơn thì đó là một niềm vui khôn tả, nhưng tôi hiếm khi cảm thấy có một vinh dự lớn lao như vậy,” bà viết trong nhật ký của mình vào ngày 13/01/1883.
Tuy yêu thích các tác phẩm của Ngài Joshua Reynolds, nhưng bà lại đặc biệt ngưỡng mộ họa sỹ Angelica Kauffman. Đồng giám tuyển cuộc triển lãm nói trên, bà Helen Antrobus, tin rằng bà Potter đã nhìn thấy bức tranh “Thiết kế” của họa sĩ Kauffman, một tác phẩm trong loạt bốn bức tranh về các yếu tố tạo hình trong mỹ thuật. Trong tác phẩm “Thiết kế”, một nữ họa sĩ đang sao chép một bức tượng cổ xưa mô tả thân trên của một người đàn ông. Bình luận về lần xem tranh này của bà Potter, bà Antrobus nói qua điện thoại rằng, “Tôi nghĩ bà ấy đã được tài năng của họa sĩ Kauffman truyền cảm hứng.”
Mặc dù bà Potter có học qua những lớp vẽ bài bản, nhưng bà đã học vẽ chủ yếu thông qua việc sao chép các tác phẩm nghệ thuật và đồ tạo tác đỉnh cao tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Bảo tàng Nam Kensington (nay là Bảo tàng Victoria và Albert). Không có đồ vật nào nằm ngoài giới hạn sáng tạo [của bà Potter]: “Tất cả đều giống nhau, vẽ chì, vẽ màu, làm mẫu, thật khó cưỡng lại khát vọng sao chép bất kỳ vật thể đẹp nào đập vào mắt tôi,” bà viết.
Bà đã sao chép những bức tranh của các họa sĩ John Constable và Thomas Gainsborough, tranh minh họa của họa sĩ Randolph Caldecott, các sản phẩm dệt may và các tác phẩm nghệ thuật trang trí như những bộ trang phục thế kỷ 17 được thêu tinh xảo, và đồ gốm dòng Jasperware của thương hiệu Wedgwood, đây là những tác phẩm và vật dụng thường tuân theo các thiết kế cổ xưa.
Một gia đình nghệ thuật
Tính nghệ sĩ và sáng tạo trong gia đình bà Potter cũng truyền cảm hứng cho bà. Cha bà là một luật sư, và khi còn trẻ ông đã thực hiện các bản vẽ phác thảo. Mẹ bà vẽ màu nước, và anh trai bà thích vẽ tranh phong cảnh. Cha mẹ bà là những nhà sưu tầm nghệ thuật quy mô nhỏ và họ sở hữu một bức tranh của danh họa Caldecott. Bà Potter đã sao chép bìa của những cuốn sách “Iliad” và “Odyssey” do người bà của bà sở hữu. Những ảnh bìa này đã được nhà điêu khắc John Flaxman minh họa. Ông Flaxman cũng đã thiết kế nhiều bức phù điêu điêu khắc của thương hiệu Wedgwood mà bà Potter đã dùng đất sét để mô phỏng lại.
Cha bà Beatrix là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư đầy sắc sảo, ông đã truyền lại kỹ năng này cho con gái mình. Ông cung cấp những bức ảnh cho họa sĩ theo phong cách thời kỳ tiền Raphael John Everett Millais, người có xưởng vẽ ở gần đó. Bà Beatrix thường cùng cha đến thăm xưởng vẽ của ông Millais, nơi bà có thể chứng kiến ông Millais làm việc. Bà Antrobus giải thích rằng ông Millais từng nói với bà Potter rằng rất nhiều người có thể vẽ, nhưng bà ấy lại có thể quan sát. Bà Antrobus nói: “Bà ấy rất tỉ mỉ trong việc tìm hiểu chính xác các chi tiết. Bà Potter đã vẽ thiên nhiên chân thực đến nỗi ngày nay chúng ta vẫn có thể đứng trên cùng một vùng đất như bà ấy từng đến và nhận ra những địa điểm mà bà ấy đã vẽ.
Mọi sinh vật từ to lớn đến nhỏ bé
Cha mẹ của bà Potter khuyến khích bà vẽ và nghiên cứu về thế giới tự nhiên. Khi lớn lên, bà và anh trai có một đàn thú cưng từ những con chó và thỏ thông thường cho đến những loài hoang dã hơn, chẳng hạn như một con dơi và một con cú. Người ta ước tính rằng bà Potter đã có 92 thú cưng trong suốt cuộc đời của bà ấy; hầu hết bà đã nghiên cứu chúng rất chi tiết, và nhiều con vật trong số những thú cưng này đã trở thành các nhân vật trong những quyển sách của bà.
Bà Potter am hiểu tường tận về động vật, vì bà đã nghiên cứu kỹ lưỡng về chúng tại nhà và trong môi trường sống tự nhiên. Chẳng hạn, bà đã từng rình rập một con nai chỉ để có thể nhìn thấy biểu hiện của nó khi nó phát hiện ra bà. Trong những cuốn sổ phác thảo của mình, bà Potter đã thực hiện các nghiên cứu tỉ mỉ về động vật, chẳng hạn như một nghiên cứu về một con chuột mà bà vẽ đang chạy lon ton trên trang giấy, nơi bà nắm bắt mọi cử động của nó.
Bà Potter đã dành phần lớn những năm tháng ở độ tuổi tuổi 20 và 30 của mình để tiến hành các thí nghiệm tại nhà. Bà đặc biệt thích nghiên cứu về nấm và lẽ ra đã trở thành một nhà nấm học chuyên nghiệp. Bà là một trong những người đầu tiên chứng minh cơ chế hoạt động của các bào tử, và thậm chí bà còn trình bày một bài báo khoa học tại The Linnean Society ở London, một cộng đồng lịch sử tự nhiên có uy tín.
Để chú thỏ Peter lại phía sau
Bà Potter nhấn mạnh rằng mặc dù bà và anh trai đều sinh ra ở London, nhưng phần lớn thời gian họ đều ở vùng nông thôn phía bắc. Ông cố của bà đã từng sở hữu một vùng đất ở Lake District, và các thành viên trong gia đình bà là người gốc phương Bắc.
Bà gọi trang trại Hill Top và ngôi nhà theo phong cách đồng quê từ thế kỷ 17 tọa lạc tại trang trại đó là “nơi hoàn hảo nhất mà tôi từng sống” và hồ Esthwaite Water, một hồ nước tự nhiên rộng 280 mẫu Anh trong thung lũng băng giá, là “lãng mạn vô ngần.” Bà Beatrix thể hiện tình cảm dạt dào đó trong một bức tranh màu nước vẽ hồ Esthwaite Water trưng bày trong cuộc triển lãm này.
Bà Potter mua trang trại Hill Top ở Lake District vào năm 1905, năm mà vị hôn phu của bà là ông Norman Warne (con trai vị chủ bút của bà) qua đời. Nhưng phải đến năm 1913, khi bà kết hôn với luật sư địa phương William Heelis, bà mới chuyển hẳn đến Lake District, và từ đó thực hiện được một ước mơ bấy lâu nay.
Tại khu vực Lake District, cuộc đời của bà Potter rẽ sang một hướng khác — chuyển sang nghề chăn nuôi cừu. Bà Antrobus giải thích rằng, khi bà Beatrix gả vào gia đình Heelis, tính nghệ sĩ vẫn nung nấu mãnh liệt trong bà. Nhưng với tư cách là bà Beatrix Heelis, bà có thể được xem là một nông dân nuôi cừu ở Lake District khi bà dành tâm huyết để bảo tồn truyền thống canh tác địa phương và cứu lấy số lượng cừu Herdwick đang ngày càng sụt giảm.
Bà đã mang lòng nhiệt thành và sự chú tâm tỉ mỉ mà bà từng đối đãi với việc sáng tác sách cho trẻ em vào công việc chăn cừu này. Những con cừu của bà đã giành được nhiều giải thưởng. Bà học được rằng việc cứu đàn cừu Herdwick không chỉ là mua lại những mảnh đất vùng đồng quê; mà còn cần phải bảo tồn các trang trại địa phương và các phương thức canh tác truyền thống.
‘Đoàn lữ hành cổ tích’
Mặc dù chưa từng rời khỏi Vương quốc Anh, nhưng bà Potter đã trao đổi nhiều thư từ với những người hâm mộ ngoại quốc, một vài người trong số họ đã trở thành bằng hữu của bà.
Bà Antrobus giải thích rằng người Mỹ thường viết thư cho bà Potter thông qua “The Horn Book Magazine,” một ấn phẩm của Mỹ mà bà Potter cộng tác viết bài và là nơi bà Potter thường bán các bức tranh minh họa để gây quỹ bảo tồn các vùng đất của Hồ Windmere, hồ dài nhất và lớn nhất Anh quốc ở Lake District.
Bà Potter tin rằng người Mỹ dành một sự đón nhận lớn lao và họ xem trọng các tác phẩm văn học thiếu nhi hơn so với những gì thường thấy ở Vương quốc Anh, bà Antrobus nói.
Năm 1929, bà phát hành ấn phẩm “Đoàn Lữ Hành Cổ Tích” độc quyền ở Mỹ quốc với nhà xuất bản Alexander McKay. Bà Antrobus giải thích rằng “Đoàn Lữ Hành Cổ Tích” khác với những cuốn sách trước của bà Potter. Cuốn sách này kể về một đoàn lữ hành và hành trình họ đi băng qua vùng Lake District, gồm những câu chuyện về tất cả các loài động vật mà họ gặp trên đường đi. Và một phần cuộc đời của bà Potter sống tại Lake District đã được phản ánh trong câu chuyện này. Độc giả có thể tìm hiểu về những con cừu Herdwick khỏe mạnh và những chú chó chăn cừu. Bà đã dành tặng cuốn sách này cho một người hâm mộ trẻ tuổi người Mỹ.
Một di sản để lại từ cuộc đời quan sát vẻ đẹp thiên nhiên
Nhà văn Potter đã từng viết rằng “rất hiếm người nhìn thấy được vẻ đẹp của thiên nhiên.” Bà Potter biết rõ điều này, vì bà là một trong số ít đó. Bà ấy đã làm mọi thứ trong khả năng để nắm bắt cặn kẽ vẻ đẹp này. Tình yêu thiên nhiên là điều vĩnh hằng trong suốt cuộc đời bà.
Hướng về chặng cuối cuộc đời, bà Potter viết: “Tạ ơn Chúa, tôi có nhãn quang thấu cảm, điều đó có nghĩa là, khi nằm trên giường, tôi có thể bước từng bước trên những quả đồi và vùng đất nhấp nhô, nhìn thấy từng viên đá, từng bông hoa, từng mảnh đầm lầy và và cây bông băng qua, nơi mà đôi chân già nua của tôi sẽ không bao giờ có thể đưa tôi đến đó lần nữa.”
Bà Potter thấy rõ vẻ đẹp [của thiên nhiên], và bà muốn chắc chắn rằng những người khác có thể nhìn thấy vùng đất mà bà yêu quý và những truyền thống mà bà trân trọng bằng cách bảo tồn các giá trị cho những thế hệ mai sau.
Đối với bà Antrobus, bà Potter để lại rất nhiều di sản, nhưng điều khiến bà cảm phục nhất là ước muốn của bà Potter được sống cuộc đời mà bà hằng khao khát: “Tôi thấy bà Beatrix là một người rất dũng cảm, … không nhiều người sẽ dám bỏ lại cuộc sống sung túc để theo đuổi một cuộc đời khiến họ thực sự hạnh phúc. Và đó là những gì bà ấy đã làm.”
Triển lãm “Beatrix Potter: Hòa mình vào thiên nhiên” diễn ra tại Bảo tàng Victoria và Albert đến ngày 08/01/2023. Để tìm hiểu thêm, hãy truy cập trang web VAM.ac.uk
Trường An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times