Một trong những vận động viên vĩ đại nhất thế giới
“Babe” Didrikson Zaharias đã thành công ở mọi môn thể thao mà cô thử sức, đặc biệt là trong thời điểm đất nước cần cô.
Sáng ngày 27/09/1956, cựu Tổng thống Dwight Eisenhower đã mở đầu buổi họp báo tại Tòa Bạch Ốc bằng câu nói: “Thưa quý vị, tôi muốn dành một phút mặc niệm cho Cô Zaharias, Babe Didrikson. Trong sự nghiệp thể thao của mình, cô ấy là một người phụ nữ chắc chắn đã nhận được sự ngưỡng mộ của mọi người dân Hoa Kỳ, tất cả những người yêu thể thao trên toàn thế giới. … Tôi nghĩ rằng mỗi người trong chúng ta đều cảm thấy buồn vì cuối cùng cô phải thua trước cuộc chiến cuối cùng này trong tất cả những trận đấu của cô ấy.”
Cô Babe Didrikson Zaharias đã qua đời ở tuổi 45.
Trong một thế giới mà thành tích có thể được đo bằng điểm số, tốc độ, khoảng cách, và số điểm chung cuộc, cô Babe được nhiều người xem là người giỏi nhất từ trước đến nay.
Cô đã làm nên tên tuổi của mình theo cách mà rất ít người làm được trước đây: hoàn toàn thông qua năng lực thể thao. Cô đã đạt nhiều huy chương và lập kỷ lục ở nhiều môn thể thao hơn bất kỳ vận động viên nào khác, dù là nam hay nữ, trong thế kỷ 20. Cô đạt được ba huy chương Olympic cho môn điền kinh. Cô nằm trong đội hình bóng rổ hay nhất nước Mỹ (All-America). Cô đạt chức vô địch ở mọi giải golf lớn dành cho nữ trên thế giới.
Hình ảnh của cô trong lòng công chúng Mỹ quốc là một siêu sao thể thao, nhưng vẫn giữ nét thật thà, chất phác của người quê miền Nam. Cô đã trở thành người hùng vào thời điểm mà công chúng Mỹ đang khao khát những người hùng trong thời điểm cuộc Đại Suy Thoái năm 1932.
Cô được gọi là “Wonder Girl” (Cô gái phi thường), “The Texas Tornado” (Cơn lốc Texas), và “The Terrific Tomboy” (Tomboy tuyệt vời), cùng nhiều biệt danh khác. Dù người ta gọi cô là gì đi nữa, thì Zaharias, con gái của một người nhập cư Nauy đến từ Beaumont, Texas, chính là một trong những tên tuổi lẫy lừng nhất thế giới.
Từ chối đứng ngoài lề
Sinh ra ở Port Arthur, tiểu bang Texas, vào ngày 26/06/1911, cô Mildred Ella Didrickson lớn lên trong một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở Beaumont. Cô chơi với những cậu bé hàng xóm thô lỗ và đã quen với việc bị “ăn đập” trong các trò chơi, như cô đã nói. Cô là cô gái duy nhất tham gia các trận đấu bóng chày trên bãi cát của khu phố. Cô thực hiện nhiều cú home run (cú đánh mạnh ăn điểm trực tiếp) đến nỗi bọn trẻ bắt đầu gọi cô là “Babe” theo tên người hùng bóng chày quốc gia thời đó, Babe Ruth.
Cha của cô Babe là một thợ mộc đến từ Na Uy. Sống trong gia cảnh nghèo khó, cha mẹ cô thường chật vật để nuôi cả gia đình có bảy người con. Họ sống trong một ngôi nhà hai phòng ngủ chật chội.
Gia đình Didriksons cũng là một gia đình thể thao. Mẹ của cô Babe, bà Hannah, từng là vận động viên trượt tuyết và trượt băng xuất sắc ở Na Uy. Các anh trai của Babe thi đấu bóng đá, bóng chày, và quyền anh.
Cha mẹ cô Babe không đủ khả năng mua những thiết bị thể thao đắt tiền cho con họ. Thay vào đó, cô Babe tập luyện trên thiết bị thể dục tạm bợ mà cha cô chế tạo ở sân sau. Cô đu từ một chiếc xà treo, nhảy qua xà ngang và nâng tạ. Cô thậm chí còn dựng một sân chạy “vượt rào” của riêng mình, vượt qua bảy hàng rào trên khu nhà giữa nhà cô đến cửa hàng tạp hóa ở góc đường. Luôn tìm kiếm cảm giác phiêu lưu và thử thách, cô Babe thành thạo môn xà treo và đi bộ trên dây thừng với hy vọng một ngày nào đó sẽ được gia nhập gánh xiếc.
Vào năm 1930, cô Babe chính thức bước vào thế giới thể thao khi công ty Recruiters Casualty ở Dallas tuyển cô vào đội bóng rổ của họ. Khi ấy, cô Babe 18 tuổi. Cô nghỉ học vài tháng rồi quay lại Beaumont để học hết năm cuối trung học. Cô sớm trở thành cầu thủ bóng rổ xuất sắc nhất giải đấu.
Trong quá trình làm việc cho Employers Casualty và chơi trong đội của họ, cô Babe đã phá ba kỷ lục điền kinh quốc gia và giúp đem về 17 chiếc cúp đáng quý cùng 92 huy chương. Từ năm 1930 đến năm 1932, cô đã giữ kỷ lục của Liên đoàn Điền kinh Nghiệp dư miền Nam (AAU) trong mọi sự kiện điền kinh mà cô tham gia. Năm 1932, cuộc đua vô địch quốc gia AAU diễn ra Chicago, đây cũng là đợt tuyển chọn vận động viên tham dự Olympic (Olympic trials). Đội một người của cô đã đánh bại đội nhì bảng với tỷ số 30 – 22. Đáng chú ý, đội hạng nhì có tới 22 thành viên! Hai tuần sau, Olympic Mùa hè 1932 khai mạc tại Los Angeles.
Thành công ở Olympic
Trong số năm nội dung thi đấu dành cho nữ ở Olympic, một đấu thủ có thể tham gia tối đa ba nội dung. Thế là cô Babe đã tham gia cả ba.
Cô chiến thắng ở nội dung ném lao với kỷ lục thế giới mới, phá vỡ kỷ lục cũ với độ cao đáng kinh ngạc là 143 feet, 4 inch (~43,7m). Cô đã phá vỡ kỷ lục thế giới của chính mình ở nội dung 80 mét vượt rào với thời gian 11.7 giây. Cô có số điểm đứng nhất ở nội dung nhảy cao, nhưng được trao vị trí thứ nhì khi các quan chức phán quyết cô đã lao về phía trước chứ không phải nhảy. Kết quả cô có hai huy chương vàng và một huy chương bạc. Trong đó, cô Babe là cái tên được ưu ái của các ký giả thể thao. Một ký giả đã nói về cô, “không bàn cãi gì nữa, hiện tượng thể thao của mọi thời đại, dù là nam hay nữ.”
Nói chuyện bằng chất giọng Texas, cô đã trở thành một nhân vật huyền thoại, một người khiến cả nước say mê. Cô đã mang lại sự tươi mới cho hàng triệu độc giả báo chí đang phải chịu đựng thời kỳ kinh tế khó khăn trong thời Đại Suy Thoái.
Thành phố Dallas đã tổ chức một buổi lễ diễn hành và lễ kỷ niệm “chào mừng trở về nhà” khi cô Babe chiến thắng trở về từ Olympic năm 1932.
Sau Olympic, cô Babe bắt đầu chơi golf và chiến thắng tất cả các giải vô địch lớn dành cho nữ. Thành công của cô đã giúp cô tăng thêm rất nhiều cơ hội cho những người khác và việc tham gia chơi golf chuyên nghiệp của họ.
Tháng 11/1934, cô Babe tham gia giải đấu golf đầu tiên của mình. Có ngày, cô tập luyện liên tục 12 đến 16 tiếng trên sân golf. Và sau đó cô sẽ luyện tập thêm. Đôi khi, “Tôi đánh bóng cho đến khi tay tôi rướm máu và đau nhức,” cô nhớ lại. “Tôi phải băng hết tay mình và máu dính đầy trên băng.”
Cô trở thành đại sứ cho môn thể thao này, thể hiện tài năng chơi golf của mình trong các trận đấu golf “cùng người nổi tiếng” với một số tay golf và nghệ sĩ giải trí hàng đầu Hoa Kỳ. Sau khi chơi cùng cô Babe, diễn viên hài Bob Hope từng nói với các phóng viên: “Chỉ có một điều không ổn về cô Babe và tôi. Tôi đánh bóng như một cô gái còn cô ấy đánh bóng như một người đàn ông.”
Những trận đấu “cùng người nổi tiếng” của cô Babe đã đưa cô đến những câu lạc bộ thể thao tư nhân giàu có nhất cả nước. Cô chơi với nhà vô địch quyền anh Joe Louis và siêu sao bóng chày Ted Williams. Cô thậm chí còn được chơi với huyền thoại bóng chày vĩ đại Babe Ruth. Sau đó, cô kết bạn với một tay golf nổi tiếng thế giới sống ở Tòa Bạch Ốc, cựu Tổng thống Dwight D. Eisenhower.
Trong một giải đấu golf của mình, cô đã gặp ông George Zaharias, một đô vật chuyên nghiệp. Họ kết hôn vào tháng 12/1938, và George bắt đầu cống hiến cả đời mình để quản lý sự nghiệp của cô Babe.
Cô Babe đã thành công vang dội ở các sân golf vào những năm 1940, và chiến thắng gần như ở mọi giải đấu golf — thậm chí cả Giải vô địch Nghiệp dư Anh quốc dành cho nữ năm 1947. Đến năm 1950, cô vô địch giải Western Open, US Women’s Open, giải vô địch All-America và Thế giới — cô chiến thắng mọi danh hiệu.
Năm 1953, cô được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết và phải đối mặt với cuộc phẫu thuật lớn. Tại bệnh viện, cô Babe nhận được 20,000 lá thư động viên. Cô mang theo bộ gậy chơi golf của mình đến bệnh viện như một biểu tượng cho quyết tâm chơi golf thi đấu trở lại. Chắc chắn rồi, khoảng ba tháng rưỡi sau cuộc phẫu thuật ung thư, cô Babe đã tham gia một giải đấu. Năm sau, Babe vô địch giải National Women’s Open và ba giải đấu lớn khác. Ngay cả không chiến thắng liên tục như trước, cô Babe vẫn từ chối giải nghệ.
Nhưng tháng 06/1955, các bác sĩ phát hiện ra một dấu vết khác của bệnh ung thư và khiến cô phải nhập viện lần nữa. Lần này mọi thứ đều vô vọng. Cô qua đời vào ngày 27/09/1956.
Được tưởng nhớ vì lòng quyết tâm, sự đa tài
Trong nhiều năm, cô Babe đã thử hầu hết mọi môn thể thao và thành thạo tất cả chúng. Cô có thể bơi. Cô chơi billiards rất cừ. Cô là một tay vợt tennis xuất sắc. Ở tiểu bang Dallas, cô tổ chức những cuộc triển lãm lặn đầy ấn tượng. Cô từng ghi 13 cú home run trong hai trận đấu bóng chày nữ diễn ra trong cùng một ngày.
Trong suốt quãng đời của mình, cô được vinh danh ở ít nhất 10 đại sảnh danh vọng. Năm 1981, một con tem bưu chính tưởng niệm của Hoa Kỳ được phát hành có hình cô Babe chìm đắm trong niềm hân hoan của một chiến thắng khác. Có một Bảo tàng “Babe” Didrikson Zaharias ở Beaumont, tiểu bang Texas, chứa đầy các huy chương và cúp của cô.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times