Sống với tâm hồn trong sáng: Bài học từ câu chuyện dân gian Ý
Có một niềm tin phổ quát trong nhiều nền văn hoá từ Âu Châu cổ đại cho tới Trung Quốc rằng sự may mắn, nỗi bất hạnh mà một người gặp trong cuộc sống đều đã được an bài. Với Hy Lạp và La Mã cổ đại, triết học là sự nghiên cứu về trí tuệ, và niềm vui đồng nghĩa với đức hạnh.
Một cuộc sống tốt đẹp đến từ việc trở thành một người tốt, nhiều nền văn hóa đã cổ vũ đấu tranh và chiến đấu để vượt lên phía trước nhưng đó chỉ là con đường dẫn đến lợi ích ngắn ngủi và đau khổ trường kỳ.
Những quan điểm này cũng được thể hiện trong một số câu chuyện dân gian cổ xưa của người Ý. Và trước khi chúng ta tiếp tục, hãy để tôi nói với bạn rằng những câu chuyện cổ tích không phải lúc nào cũng chỉ dành cho trẻ em. Như tác giả Hans Wilhelm đã nói trong loạt video Giải Mã Cuộc Sống của mình. Những câu chuyện này được khẩu truyền trong dân gian và chỉ được Charles Perrault viết lại khoảng 300 năm trước và gần 100 năm sau đó bởi Anh em nhà Grimm.
Ông nói: “Ban đầu, những câu chuyện này chỉ được chia sẻ giữa những người lớn.”
Tuy nhiên, điều gì làm cho những câu chuyện này có sức sống lâu dài đến nỗi qua hàng trăm năm chúng ta vẫn muốn đọc nó và tìm thấy những giá trị? Wilhelm nói rằng các câu chuyện cổ tích “là phép ẩn dụ cho sự trưởng thành của tâm hồn chúng ta,” và rằng “nó phản ánh hành trình của mỗi cá nhân chúng ta trong suốt cuộc đời.” Chúng gắn chặt với khái niệm sâu sắc hơn rằng “mọi thứ chúng ta gặp phải đều đã được an bài vì chính lợi ích của chúng ta, và mục tiêu cuối cùng của tự do. Và những câu chuyện cổ tích tuyệt vời luôn nhắc nhở chúng ta sự thật này, một cách lặp đi lặp lại.”
Trong một ghi chú tương tự, tác giả J.R.R Tolkien giải thích trong bài giảng năm 1939 của ông “Về những Câu chuyện Cổ tích”, rằng tâm trí con người có khả năng hình dung liên tưởng tuyệt vời, và những câu chuyện vượt ra ngoài thế giới vật chất giúp tâm trí của chúng ta siêu xuất khỏi những giới hạn xung quanh ta.
Tolkien nói rằng những câu chuyện cổ tích không hề phi lý. Thay vào đó, “lý lẽ càng sắc bén, càng rõ ràng, thì điều đó sẽ càng tạo nên sự liên tưởng tốt hơn. Nếu một người từng ở trong tình trạng mà họ không muốn biết, hoặc không thể nhận thức sự thật, thì sự Liên tưởng cũng sẽ mờ nhạt cho tới khi nó được bồi đắp. Nếu chúng rơi vào trạng thái đó, Sự liên tưởng sẽ bị tiêu diệt và trở thành bệnh Ảo Tưởng.”
Ông viết: “Nếu một người không thể thực sự phân biệt được đâu là ếch và đâu là người, thì chuyện cổ tích về vua ếch đã không tồn tại.”
Với tư tưởng này, giờ chúng ta hãy thảo luận về hai câu chuyện “Chàng Trai Bọc Trong Rong Biển” (The Man Wreathed in Seaweed) và “Con Tàu Có Ba Boong” (The Ship with Three Decks). Cả hai đều được tìm thấy trong cuốn “Những Câu Chuyện Dân Gian Nước Ý,” xuất bản năm 1959 của Italo Calvino, người đã sưu tập hơn 200 truyện cổ tích ở Ý. Và gần đây, The Folio Society đã tái bản nó dưới dạng bộ sưu tập.
Truyện Dân gian Ý
Trong câu chuyện “Chàng Trai Bọc Trong Rong Biển”, có một nàng công chúa bị bắt cóc, và một nhóm người đàn ông bắt đầu chuyến hải trình đi tìm nàng. Đứng trên boong tàu và đang tìm cách để tham gia vào đoàn tìm kiếm là một kẻ lang thang và say rượu nổi tiếng mà ai cũng biết tên là Samphire Starboard. Thuyền trưởng không thể chịu nổi anh ta, và sau khi ra khơi, thấy Starboard không thể leo lên tàu, thuyền trưởng quyết định lừa anh ta xuống thuyền cứu sinh, sau đó bỏ anh ta trên biển cạnh một hòn đảo.
Sau khi phát hiện mình bị lừa, Starboard dường như không mấy bận tâm, và tìm thấy một vịnh nhỏ gần đó – nơi công chúa bị giam giữ bởi một con bạch tuộc khổng lồ có thể biến hình. Nghe lời khuyên của công chúa, anh ta đã đánh bại nó. Sau đó họ cùng nhau rời đi, và gặp được chính vị thuyền trưởng đã bỏ rơi Starboard trên biển.
Tuy nhiên, lúc này tên thuyền trưởng rất ghen tị. Ông ta muốn mình trở thành người duy nhất giải cứu công chúa – chứ không phải kẻ ăn mày mà ông ta đã cố bỏ rơi lại. Do đó, hắn đã ném Starboard khỏi tàu, và trở về vương quốc để chuẩn bị kết hôn với công chúa. Tuy nhiên, ngay trước khi bắt đầu rước dâu, thì Starboard xuất hiện từ dưới biển, được cuốn trong mớ rong biển. Công chúa sau đó kể lại những gì đã xảy ra, tên thuyền trưởng bị tống vào tù vì tội ác của mình, còn Starboard và công chúa thành hôn.
Một câu chuyện tương tự là “Con Tàu Có Ba Boong,” trong câu chuyện này có một cậu bé được nhà vua Vương quốc Anh nhận làm con đỡ đầu, và khi trưởng thành, cậu được bảo mang một lá thư tới gặp đức vua để trở thành người kế vị. Tuy nhiên cậu cũng được cảnh báo rằng hãy cảnh giác với ba người đàn ông độc ác mà cậu sẽ gặp trên đường đi. Cậu đã tránh được hai tên trong số họ, nhưng tên thứ ba đã đánh lừa được cậu, hắn lấy cắp bức thư, chiếm vị trí thừa kế của chàng trai trẻ và nói với mọi người rằng chàng trai chính là người hầu của hắn.
Bây giờ, chàng trai trẻ cũng không kêu ca gì. Và khi công chúa bị bắt cóc, không ai khác ngoài chàng trai được cử đi giải cứu nàng. Tại bến tàu, cậu gặp một ông lão khuyên cậu cách vượt qua những thử thách phía trước, và đổ đầy một boong tàu bằng vỏ pho mát, một boong khác bằng vụn bánh mì và một boong nữa bằng thịt thối. Những thứ này cuối cùng trở thành quà tặng cho một hòn đảo toàn chuột, một hòn đảo toàn kiến, và một hòn đảo kền kền, những con vật cuối cùng đã giúp chàng trai vượt qua những thử thách cần thiết để giải cứu công chúa.
Tuy nhiên, khi anh trở lại, bạn có đoán được không? Người đàn ông độc ác kia nghĩ rằng chàng trai sẽ nói cho mọi người biết sự thật về việc họ đã hoán đổi vai trò như thế nào, nên hắn cho hai tên côn đồ bắt cóc và sát hại chàng trai. Và chúng đã làm vậy. Tuy nhiên, còn một ít nước phép thuật từ một trong những thử thách trên đảo, ông lão đã dùng nó để cố gắng hồi sinh chàng trai trẻ. Chàng sống lại và trở nên tuấn tú hơn bao giờ hết.
Người đàn ông độc ác khi chứng kiến cảnh tượng đó đã hỏi thứ chất lỏng kia là gì. Hắn ta được mách đó là dầu sôi. Và trong một nỗ lực thất bại để có được sự tái sinh kỳ diệu, hắn ta đã tự lao mình vào thùng dầu sôi và tử vong, còn chàng trai lấy được công chúa.
Những bài học trường tồn
Mặc dù, cả hai câu chuyện này thật khó mà tin được. Nhưng nó đều có giá trị. Đúng, những thử thách thật tuyệt vời – và nó liên quan đến những yếu tố vượt ra ngoài bất kỳ hiện thực thông thường nào. Nhưng những phép thử về đức tin, về phẩm chất khác biệt rất ít so với rất nhiều điều tương tự mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống. Con bạch tuộc biến hình có thể được coi là bất kỳ thử thách khó có thể vượt qua nào mà chúng ta đã từng trải qua. Công chúa được giải cứu cũng tương tự như những mục tiêu nào mà chúng ta hướng tới.
Câu hỏi thực sự là: Làm thế nào để chúng ta đối mặt với những khảo nghiệm này, và làm thế nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu của mình trong cuộc đời? Câu trả lời phổ biến trong các câu chuyện dân gian, hay như trong những câu chuyện này, đó là chúng ta vượt qua thử thách với tâm hồn trong sáng và không sợ hãi.
Các nhân vật chính trong câu chuyện này dường như không đặc biệt thông minh. Họ giống như Forrest Gump, những người đơn giản và cả tin. Nhưng đó cũng là điều tạo nên sức hấp dẫn của họ. Và họ đụng độ với những kẻ xảo quyệt, dối trá và hám lợi và những phẩm chất này cũng thể hiện sự suy đồi của những kẻ đó. Một bài học quan trọng là thế giới tràn ngập những người coi trọng lợi ích cá nhân và xem đó là mục tiêu cao nhất để theo đuổi; họ thường là căn nguyên cho nỗi đau khổ của chính mình.
Cuộc sống không phải lúc nào cũng trao phúc lành cho những người khôn ngoan hay tinh ranh nhất. Song, khi đối diện với những tình huống như thế này, liệu chúng ta có giữ một trái tim trong sáng không, hay trở thành những kẻ xấu xa đâm sau lưng và hủy hoại những người hùng hiền lành?
Thuần Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times