Bộ ba bản giao hưởng cuối cùng của Mozart
Vào mùa hè năm 1788, Wolfgang Amadeus Mozart đã sáng tác ba bản giao hưởng, mỗi bản bốn chương trong khoảng thời gian hai tháng. Cụm từ mô tả điều kiện tài chính phù hợp nhất với nhà soạn nhạc Mozart lúc bấy giờ là nợ nần chồng chất.
Người ta có thể cho rằng ông được trả công hậu hĩnh nên đã dành ra nhiều tuần quý giá để sáng tác những bản nhạc dài và phức tạp. Nhưng điều đó không đúng.
Không ai biết chắc chắn tại sao Mozart lại sáng tác những những bản giao hưởng cuối cùng: Số 39 cung Mi giáng trưởng, Số 40 cung Sol thứ, và Số 41 cung Đô trưởng, sau này có tên là “Sao Mộc”. Không có ghi chép nào về thù lao của ông, và không rõ các bản giao hưởng đó được trình diễn lần nào trong cuộc đời của ông hay không. Mozart qua đời năm 1791.
Thành công và số mệnh
Bảy năm trước [khi viết bộ ba bản giao hưởng – tức năm 1781], Mozart rời Salzburg để đến Vienna. Ở đây, ông đã được khoản đãi và được xem trọng như một tài năng trẻ mới. Ông nhận được nhiều khoản thù lao và học sinh vây quanh ông. Lúc đó, ông đã 32 tuổi và không còn giữ phong cách trẻ trung nữa.
Hai yếu tố khác cũng là trở ngại đối với ông, đó là: Phong cách trưởng thành của ông vượt xa hàng dặm so với những người cùng thời và khán giả không theo kịp. Nói như chuyên gia viết lời nhạc kịch của Mozart, Lorenzo Da Ponte, khán giả Vienna cần phải nghe các bản nhạc của Mozart “nhiều, rất nhiều lần” trước khi hiểu được chúng. Và thứ hai là, vào tháng 2/1788, Áo tham gia cuộc chiến chống lại Đế chế Ottoman. Mối đe dọa từ cuộc xâm lược của người Thổ Nhĩ Kỳ và các vấn đề bắt nguồn từ chiến tranh đã khiến giới tinh anh của Vienna, nguồn cung cấp tiền thù lao chính của Mozart và sinh viên, di cư về phía tây.
Đáng lẽ, mùa hè năm 1788 là khoảng thời gian Mozart cần tập trung để tạo ra thu nhập. Tuy nhiên, ông đã ở đây, cống hiến hai tháng cho bộ ba bản giao hưởng mà không có thù lao, không có buổi biểu diễn hứa hẹn nào. Tại sao?
Có một quan niệm sáo rỗng về các nhà soạn nhạc phương Tây trước thế kỷ 19 là, họ là những thợ thủ công, chỉ quan tâm đến việc làm hài lòng những nhà bảo trợ, thường là nhà thờ hoặc giới quý tộc. Các nhà phê bình Marxist đặc biệt nhanh chóng phân loại các tác phẩm âm nhạc – và tất cả các nỗ lực nghệ thuật – như là “những sản phẩm vật chất” của thời đại và của nền văn hóa, như thể các tác phẩm nghệ thuật không là gì ngoài thứ hàng hóa đang trên đường trở thành các món đồ tạo tác.
Đôi lời muốn nói
Thực chất, nghệ thuật là phương tiện để lĩnh hội những trải nghiệm. Âm nhạc đặc biệt có khả năng truyền tải các trạng thái tâm linh huyền diệu — không phải là “cảm xúc” được chuẩn hoá trong các lớp học hiểu và thưởng thức âm nhạc, và cũng không phải là các câu chuyện, mà là trạng thái của trải nghiệm.
Trong mùa hè của sự nghèo đói tại Vienna và khi người Thổ ở trước thềm cửa, Mozart đã có điều gì đó muốn nói, một điều gì đó lớn lao. Được ví von như một phép biện chứng đơn giản, ba bản giao hưởng cuối cùng phản ánh: sự háo hức của tuổi trẻ (số 39), đối diện với thất vọng và nỗi buồn (số 40) và lòng tôn kính trước tâm linh siêu việt (số 41). Mặc dù hầu như chúng luôn được biểu diễn riêng lẻ, nhưng nghe liên tiếp các bản giao hưởng cho thấy Mozart đã viết chúng như một bộ ba.
Cuối cùng, cách đây 7 năm, cộng đồng âm nhạc cũng nhận ra dụng ý của Mozart, khi nhạc trưởng Nikolas Harnoncourt tuyên bố ông ấy tin rằng Mozart đã viết ba bản giao hưởng cùng nhau vì ông muốn chúng được biểu diễn cùng nhau.
Theo lập luận của Harnoncourt, về cấu trúc, cả ba bản giao hưởng có chung một phần tài liệu và bản đầu tiên (số 39) bắt đầu với khúc nhạc dạo đầu chậm, thiếu đoạn kết bài hay đoạn cuối. Dường như, đoạn kết bài được tìm thấy trong các ô nhịp cuối của số 41 nổi tiếng.
Còn có nhiều ý kiến khác cũng ủng hộ niềm tin của Harnoncourt. Dưới đây là tóm tắt rất ngắn gọn những nhận xét về bản giao hưởng cuối cùng của Mozart. (Các số “K” đề cập đến danh mục các tác phẩm của Mozart theo thứ tự thời gian đại khái.)
Bản giao hưởng Số 39 cung Mi giáng trưởng, K. 543
Chương đầu mở ra với một nhịp điệu khoan thai (Adagio) hùng vĩ, báo trước một điều gì đó hết sức quan trọng. Vài ô nhịp cuối của khúc nhạc mở đầu có sự nhức nhối cho thấy chặng đường phía trước sẽ không dễ dàng, nhưng vào lúc tác phẩm chuyển sang khúc nhanh (Allegro) đầu tiên, thì nó tràn ngập ánh nắng. Trong suốt phần còn lại của tác phẩm, cảm giác bất ổn dâng trào, nhưng trong mọi trường hợp, nó chỉ là một khoảnh khắc nhất thời. Chương hai có một số đoạn như vậy, nhưng sự lạc quan đã gạt chúng sang một bên. Chương cuối là một trong những khúc hân hoan nhất.
Bản giao hưởng Số 40 cung Sol thứ, K. 550
Thật trớ trêu rằng bản kiệt tác giao hưởng của Mozart cũng là bản giao hưởng bi quan không dứt của ông. Số 40 khiến người nghe như không thể vượt qua được sức hút ma mị của cung Sol thứ. Ngay cả chương hai trữ tình với cung Mi giáng trưởng – điểm nhấn của Bản giao hưởng Số 39 rực rỡ – cũng không thể làm biến mất cảm giác tuyệt vọng và thất bại trong Số 40 này.
Bản giao hưởng Số 41 cung Đô trưởng, K. 551
Từ đầu đến cuối, bản giao hưởng mô tả niềm vui của việc chịu đựng đau khổ (Số 40) như một con đường dẫn đến giác ngộ. Những giai điệu bất hoà không còn bị chối bỏ hay phủ nhận (như ở Số 39), mà được đưa vào một bức tranh toàn cảnh, lên đến đỉnh điểm là đoạn kết bài với năm mô típ khác nhau bay nhảy trong không gian của sự tự do mà ông mới khám phá ra.
Kết quả làm việc trong hai tháng của Mozart quả là không tệ.
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times