Tác phẩm ‘Christmas Oratorio’ của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach khắc họa nhiều khía cạnh của Lễ Giáng Sinh
Mục đích của âm nhạc sáng tác cho những ngày Thánh lễ là để nhắc nhở chúng ta về ý nghĩa chân chính của những ngày lễ này. Những người nói tiếng Anh thật may mắn khi có tác phẩm “Messiah” của nhà soạn nhạc Handel như một lời nhắc nhở trang nghiêm về Lễ Giáng Sinh. Mặc dù ông chỉ viết một phần trong tác phẩm oratorio (thanh xướng kịch) nổi tiếng này cho Lễ Giáng Sinh (phần điệp khúc “Hallelujah” là dành cho Thứ Sáu Tuần Thánh, và phần lớn còn lại dành cho Lễ Phục Sinh), nhưng đoạn nhạc đó đã tôn lên vẻ đẹp uy nghi của mùa Thánh lễ.
Nhưng một tác phẩm thứ hai khác, viết bằng tiếng Đức, xứng đáng được xem là một lời nhắc nhở về khoảng thời gian mười-hai-ngày-cộng-thêm-một ngày của mùa Lễ Giáng Sinh. “The Twelve Days of Christmas” (Mười hai ngày của Lễ Giáng Sinh) là một bài hát gây khá nhiều tranh cãi, nhưng chí ít thì vẫn đúng về số lượng ngày: Thật sự là có mười hai ngày trong mùa Lễ Giáng Sinh, cộng thêm một ngày thứ 13 (về sau này) để chuyển tiếp giữa Lễ Giáng Sinh sang “mùa thường niên” (ordinary time) sau đó. Tác phẩm thứ hai này chính là bản “Christmas Oratorio” của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach, gồm có sáu cantata (đại hợp xướng) tôn vinh sáu khía cạnh khác nhau của mùa Lễ Giáng Sinh.
12 ngày thực sự của Lễ Giáng Sinh
Khác hẳn với các lợi ích thương mại, ở đây không có “Mười hai ngày mua sắm mừng Lễ Giáng Sinh” diễn ra trước 25/12. Lễ Giáng Sinh thực sự bắt đầu từ ngày 25/12, hoặc đêm 24/12, và kéo dài đến tận ngày 05/01. Và ngày 06/01 sẽ là ngày thứ 13, gọi là “Lễ Hiển Linh (Epiphany),” (trong hầu hết các truyền thống) đây là ngày tưởng nhớ sự xuất hiện của ba vị vua hay Nhà Thông Thái đến từ phương Đông (Magi). Sáu cantata này của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach đã tạo nên tác phẩm “Christmas Oratorio” tôn vinh ngày thứ nhất, thứ hai, và thứ ba của Lễ Giáng Sinh, cộng thêm một ngày thứ tư là ngày đầu tiên của Năm Mới, ngày này trùng với lễ đặt tên và làm phép cắt bì của Chúa Jesus; rồi đến một ngày thứ năm là chuyến hành trình của các Nhà Thông Thái (Ngày Chủ Nhật đầu tiên sau ngày đầu Năm Mới); và cuối cùng, là Lễ Hiển Linh nói về sự kiện các Nhà Thông Thái vinh danh Chúa Hài Đồng.
Mỗi một cantata phản ánh một nét đặc trưng của mùa Lễ Giáng Sinh. Cantata đầu tiên huy hoàng tráng lệ, giống như một điềm lành báo hiệu sự chào đời của một vị Vương giả. Cantata số 2 mộc mạc giản dị, khắc họa một bức tranh với hai khung cảnh về lời truyền tin của những người chăn cừu và dáng vẻ trầm tĩnh thần thánh của Đức Mẹ Maria và Chúa Hài Đồng. Cantata số 3 vui vẻ hân hoan, khi những người chăn cừu đến [máng cỏ] và mọi người ngày càng công nhận Chúa Hài Đồng. Trong cantata số 4, niềm hy vọng về sự cứu rỗi chân thành nhân danh Chúa Jesus được nhẹ nhàng nâng niu trong ánh sáng ấm áp của kèn oboe và kèn cor. Ở cantata số 5, thế giới bắt đầu xuất hiện, khi Nhà Thông Thái dò hỏi tung tích về vị Vương giả của dân tộc Do Thái mới chào đời, và [điều này đã khiến] vua Herod run sợ. Âm nhạc đi đến cao trào nhất ở cantata số 6. Cantata cuối cùng này lột tả niềm hân hoan khi Nhà Thông Thái tìm thấy Chúa Hài Đồng và chiến thắng trước “ma quỷ và tang tóc” trở thành hiện thực. Những câu từ của phần cuối cùng là “Bei Gott hat seine Stelle/ Das menschliche Geschlecht” (“Ở bên Chúa là nơi dành cho nhân loại”).
Một kiểu mẫu cho tác phẩm vĩ đại hơn
Cũng giống như tác phẩm “Messiah” (và tất cả những tác phẩm oratorio khác về chủ đề này), tác phẩm “Christmas Oratorio” này bao gồm các aria (tiếng Ý có nghĩa là “khúc ca” hay “điệu ca”, “điệu nhạc”), các đoạn hát nói, sinfonia (phần mở đầu) giao hưởng, và các đoạn điệp khúc. Trong phần sau của tác phẩm “Christmas Oratorio”, có rất nhiều ví dụ xuất sắc về một loại hình thanh nhạc mà nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach hiển nhiên là bậc thầy: hợp xướng. Đây là một giai điệu thánh ca soạn sẵn được phối hòa âm để đạt được sức biểu đạt lớn nhất. Trong phần hợp xướng, những đoạn quen thuộc (phần thánh ca) sẽ được ca tụng một cách bình dị.
Nếu bạn chưa từng thưởng thức tác phẩm “Christmas Oratorio,” tôi sẽ gợi ý hai trích đoạn tiêu biểu để bạn trải nghiệmchiều sâu nghệ thuật trong nhạc phẩm bất hủ kéo dài hai tiếng rưỡi đồng hồ này của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach: từ cantata số 2, mục thứ 10, là phần độc tấu alto mở rộng và tinh tế gợi nhớ ký ức về Đức Mẹ Maria đang ôm Chúa Hài Đồng; và mục thứ 4 của cantata số 4, là aria “Echo” đầy uy nghi, trong đó một nghệ sĩ soprano (nghệ sĩ hát giọng nữ cao) tìm kiếm câu trả lời từ Thiên Chúa về ý nghĩa của việc hài nhi Jesus chào đời, và nhận được lời đáp từ một giọng soprano vang vọng trở lại. Bạn có thể thưởng thức tác phẩm “Christmas Oratorio” hoàn chỉnh trên YouTube hoặc những trang web khác.
Những món quà của nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach dành tặng thế giới
Đôi khi các nhà phê bình gạt bỏ tác phẩm “Christmas Oratorio”, họ cho thấy rằng ba cantata trong tác phẩm này là “nhái lại,” kết hợp âm nhạc từ những cantata đã có trước đó. Đây là một thái độ vong ơn bội nghĩa. Những kho tàng mà nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach để lại cho chúng ta đồ sộ đến mức không thể tính đếm được. Nhà soạn nhạc sống đến 65 tuổi này, người đã phải làm việc cả đời với vai trò là một giáo viên và nhạc sĩ trong nhà thờ, đồng thời cũng là một người cha nuôi nấng 20 người con cùng với hai người vợ (tuy nhiên chỉ có 10 người con của ông vẫn còn sống sót cho đến tuổi trưởng thành), và bằng cách nào đó ông đã vượt qua khó khăn để tìm thấy nguồn năng lượng và thời gian nhằm mang đến cho chúng ta một danh sách những tác phẩm không thể thiếu đối với nghệ sĩ chơi đàn phím (như tác phẩm “The Well-Tempered Clavier,” “Goldberg Variations,” v.v.), đến âm nhạc dành cho thánh lễ Cơ Đốc Giáo (như tác phẩm “Mass in B Minor,” hai bản Passion, và những tác phẩm khác), cho đến lĩnh vực đa âm (polyphony) (như tác phẩm “The Art of the Fugue”), và âm nhạc giao hưởng truyền thống thời đầu (như tác phẩm “Brandenburg Concertos”).
Ngọc Vũ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times