‘Für Elise’: Bí ẩn về bản nhạc piano nổi tiếng nhất thế giới
Ai là nhân vật Elise bí ẩn trong bản nhạc piano nổi tiếng nhất thế giới Für Elise của nhà soạn nhạc Beethoven?
Tôi đang định đặt nắp bàn phím piano trong lớp âm nhạc cấp độ 6 của mình thì một học sinh đặc biệt hoạt bát chạy đến và hào hứng nói với tôi, “Thưa thầy, em có thể chơi bản nhạc “Für Elise”- “Thư gửi Elise” ạ!” Tôi liền khuyến khích em ấy chơi, nhưng kết quả chỉ là chuỗi nhạc 4 nốt nổi tiếng đầu tiên, một nốt Mi và nốt Rê thấp, được chơi đi chơi lại như trò chơi bập bênh diễn ra không hồi kết.
Tôi nói với cô bé rằng tôi nghĩ em có thể làm được nhiều hơn những gì mà em vừa thể hiện, nhưng cô bé vẫn rất vui dù chỉ mới biết những nốt nhạc đầu tiên. Dù không có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc, cũng không phải là người yêu thích âm nhạc nhiều lắm ngoài nhạc trẻ, nhưng cũng như hàng triệu triệu người khác, cô bé vẫn bị mê hoặc bởi tác phẩm piano cổ điển được viết cách đây hơn 200 năm.
Sự phổ biến của tiểu khúc âm nhạc ở cấp độ trung này của Beethoven (giống như một “câu chuyện nhỏ” hoặc “một tác phẩm đơn giản”) thật đáng kinh ngạc. Điều đáng chú ý là tôi có thể đếm ngón tay trên một bàn tay số học sinh mới học piano của tôi mà không hỏi rằng: “Thưa thầy, khi nào thì em có thể chơi bài “Für Elise?” Ngày 01/01/2020, Google thống kê có hàng triệu lượt tìm kiếm cụm từ ““Für Elise” mỗi tháng. Màn biểu diễn tác phẩm này được đăng trên Youtube cách đây 14 năm đạt 59 triệu lượt xem và một video hướng dẫn cách chơi bản nhạc này đã thu hút 53 triệu lượt truy cập.
Lý do cho sự nổi tiếng có một không hai của bản nhạc này là gì? Tại sao lại là tiểu khúc này chứ không phải là bản minuet của Chopin hay bản minuet của Bach, hay thậm chí là bản Sonata “Ánh trăng” của Beethoven? Điều này khiến mọi người phải tò mò tìm hiểu nguyên do. Hãy bắt đầu tìm hiểu một chút về nguồn gốc của tác phẩm này.
Không có nhiều thông tin về bản nhạc, và những gì có thì cũng không rõ ràng. Từ tiêu đề của bản nhạc, chúng ta biết rằng tác giả viết bản nhạc “cho Elise,” nhưng cô ấy là ai? Bản thảo tiếng Đức viết là “Für Elise am 27 April [1810] zur Erinnerung.” Trong tiếng Việt, có nghĩa là: “Dành cho Elise vào ngày 27/04 như một lời nhắc nhở” hoặc có nghĩa “trong hồi ức” hoặc “như một kỷ niệm.” Tiếng Đức của tôi rất hạn chế nên không thể giải hết nghĩa của các từ trên được.
Dù thế nào chăng nữa, khi viết về tác phẩm này, những cụm từ cho biết về mối quan hệ trong quá khứ với “Elise” hiếm khi được đề cập đến. Vậy mối quan hệ đó là gì? Người ta có thể nghĩ ngay tới hai khả năng, một là quan hệ “học trò” và hai là quan hệ “yêu đương.” Năm 1810, cô Therese Malfatti, khi ấy 18 tuổi, kiêm cả hai vai, vừa là học trò và cũng là người yêu của Beethoven. Đây là điều khiến Therese được cho rằng chính là nhân vật Elise trong tác phẩm âm nhạc kinh điển.
Ôi vậy là gì đây? Tôi nghĩ rằng chúng ta đang tìm kiếm một người tên là “Elise”?
Vấn đề rắc rối là ở đây
Khi viết tác phẩm âm nhạc này Beethoven chắc chắn đã không nghĩ hai thế kỷ sau bản nhạc lại trở thành tác phẩm “hit” (tác phẩm nổi tiếng) làm rung chuyển thế giới. Ông cũng chưa từng bận tâm đến việc công bố bản nhạc đó, mặc dù công chúng luôn nhiệt thành đón nhận âm nhạc của ông. Nhà soạn nhạc qua đời vào năm 1827, 17 năm sau khi ông sáng tác “Für Elise,” và bản nhạc này chìm trong thinh lặng thêm 40 năm nữa cho đến khi nhà nghiên cứu âm nhạc Ludwig Nohl phát hiện và công bố năm 1867. Ông Nohl tuyên bố rằng một người phụ nữ trẻ có tên là Babeth Bredl ở Munich đã đưa cho ông một bản thảo gốc có chữ ký của nhạc sĩ thiên tài. Cô Bredl nói rằng đã nhận bản thảo từ Therese Malfatti sau khi bà này qua đời năm 1851.
Năm 1810, khi đó Malfatti là học trò của Beethoven. Nhà soạn nhạc nổi tiếng đã thực sự yêu cô (một trong những thói quen phổ biến của ông là yêu học trò của mình) và cầu hôn cô, nhưng đã bị cô từ chối, Beethoven nhiều gấp đôi tuổi của cô ấy. Bản thảo của tác phẩm mà bà Bredl/Malfatti công bố không có tiêu đề, chỉ ghi đề tặng. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nohl, thể rondo dành cho đàn piano (một tác phẩm có cấu trúc A-B-A-C-A) dường như là một trong những hình thức âm nhạc Bagatelle (bản nhạc ngắn, thường dành cho piano) được Beethoven sử dụng, và ông đã viết 24 tác phẩm như vậy. Do đó, ông đã phát hành một cái tên chính thức hàn lâm hơn, đó là bản Bagatelle No. 25 in A minor (bản Bagatelle số 25 cung La thứ). Ông ghi tiêu đề đề tặng trên khi ông đọc bản thảo viết tay của mình: “Für Elise.” Và phần bên dưới tiêu đề ấy đã làm nên lịch sử.
Ồ, không hoàn toàn như vậy. Một số người đã suy đoán rằng nhà nghiên cứu âm nhạc Nohl đã chép nhầm tiêu đề, thực ra tiêu đề đúng là “Für Therese,” điều đó khiến người ta mạnh mẽ tin vào giả thuyết Therese Malfatti là nhân vật chính của tác phẩm âm nhạc này. (Cuối cùng, bản thảo đã thuộc quyền sở hữu của Therese vào thời điểm bà ấy qua đời.) Mặc dù thật khó để giải thích việc bỏ sót các chữ cái đầu “Th”, cũng như việc đọc “r” thành “l” và “e” thành “i”, nhưng quả thực chữ viết tay của Beethoven nổi tiếng là cẩu thả như công việc dọn phòng của ông.
Giá như chúng ta có thể kiểm tra bản thảo có chữ ký ban đầu.
Nhưng điều đó là không thể vì bản gốc đã bị thất lạc!
“Thư gửi Therese”?
Điều này gây nghi ngờ cho tất cả mọi người quan tâm. Làm sao ai đó có thể làm thất lạc một bản thảo quan trọng như vậy? Có thể nó cố tình “bị thất lạc” để che giấu một sự giả dối nào đó? Nhà âm nhạc học đương đại có tên Luca Chiantore thậm chí cho rằng không tồn tại một một bản thảo nào như vậy, và rằng nhà nghiên cứu âm nhạc Nohl đơn giản chỉ là ghép đoạn nhạc từ một số bản thảo của Beethoven với nhau. Giả thuyết này càng được củng cố khi có một sự thật hiếu kỳ rằng Theresa Malfatti không hề công bố bản thảo đó dù đó là tài sản của bà. Là một nữ nam tước, chắc chắn bà có đủ khả năng để làm như vậy nếu thật sự có tồn tại một bản thảo như vậy, và nếu làm như vậy bà sẽ sở hữu danh tiếng lẫy lừng khi công bố một tác phẩm mà Beethoven dành tặng cho riêng bà. Nếu bà đã làm điều đó, thì có lẽ tất cả chúng ta đều đang chơi bản nhạc “Thư gửi Therese” này.
Vẫn còn nhiều bí ẩn chôn sâu khi người ta tìm hiểu về tác phẩm này. Người ta đã tìm thấy một bản thảo từ năm 1808 và đây là bản thảo tương đối hoàn chỉnh của “A theme”, một đoạn mở đầu mà em học sinh kia của tôi đã biết bốn nốt đầu tiên. Liệu Beethoven có giữ bản phác thảo này cho đến năm 1810, sau đó thêm hai phần còn lại để tạo nên bản nhạc hoàn chỉnh không?
Thực ra không thể khẳng định chắc chắn rằng năm 1810 là năm sáng tác của tác phẩm âm nhạc này, mặc dù hầu hết mọi người đều tin vào điều này nhờ dựa trên sự nghiên cứu nghiêm túc. Cuối cùng (dù ít hay nhiều), khi nghiên cứu về Beethoven, học giả Barry Cooper đã tìm thấy bản thảo có sửa đổi năm 1822 của “Für Elise” (nếu thực tế có một phiên bản hoàn chỉnh trước đó đã từng tồn tại) có hầu hết các đặc điểm của tác phẩm mà chúng ta biết hiện nay, nhưng lại bị đặt nhầm chỗ nghiệm trọng. Đối với hàng chục triệu người quen thuộc với phiên bản đã biết, bản sửa đổi năm 1822 sẽ vô cùng kỳ lạ. Nghệ sĩ dương cầm Mark S. Zimmer đã thu âm bản thảo này.
Và người chiến thắng là …
Và chúng ta vẫn đặt câu hỏi: Elise là ai? Nếu chúng ta vẫn cho rằng tác phẩm này được viết vào năm 1810, nhưng nhân vật trong tác phẩm không phải là Theresa Malfatti vì bà ấy không trùng tên với tên nhân vật “ Elise,” và do chữ viết tay của nhà soạn nhạc quá xấu, chúng ta vẫn còn hai nhân vật khác:
Bà Elisabeth Röckel. Vào năm 2010, nhà nghiên cứu âm nhạc Klaus Martin Kopitz tiết lộ bằng chứng mối tình lãng mạn giữa Beethoven với Röckel, một giọng nữ cao. Mối tình của họ được cho là diễn ra vào khoảng thời gian sáng tác tác phẩm. Ca sĩ đôi khi được bạn bè gọi là “Elise”.
Bà Elise Barensfeld. Vào năm 2014, nhà nghiên cứu âm nhạc Rita Steblin đưa ra một cái tên người thật duy nhất trùng với tên của nhân vật trong tác phẩm “Elise.” Vào năm 1810, khi ấy bà Barensfeld 13 tuổi, sống gần nhà soạn nhạc trong một ngôi nhà của Johann Maelzel, một người bạn của Beethoven, người sau này đã phát minh ra máy đếm nhịp hiện đại. Được coi là một thần đồng piano, Elise có thể đã đã được Beethoven dạy dỗ. Nếu vậy, rất có thể nhà soạn nhạc đã viết tác phẩm này để ghi lại quãng thời gian khi họ là thầy trò.
Cá nhân tôi chọn Elise Barensfeld là nhân vật trong tác phẩm âm nhạc kinh điển của Beethoven. Bà ấy không chỉ là người duy nhất có cái tên đó, mà tôi cảm nhận “Für Elise” không phải là không phải là sáng tác về tình yêu lãng mạn. Chính xác hơn, tác phẩm này mang đặc điểm của một bức chân dung nhân cách.
Lời giải thích cho sự lựa chọn của tôi là: Phần A là chân dung của cô học sinh có tên Elise. Âm nhạc phần này thể hiện sự trẻ trung và tươi mới của cô ấy. Phần B có lẽ là một tiểu khúc được viết cho cô học trò này. Khi bị làm cho thất vọng, cô ấy bắt đầu chơi nốt nhạc thứ 32 “tức giận” để kết thúc phần này trước khi quay lại phần A. Phần C chắc chắn là chính Beethoven, một bức chân dung tự họa tươi cười về danh tiếng lẫy lừng của ông. Sau một vài hợp âm rải giống học sinh và một thang âm, chúng ta quay lại phần A thêm một lần.
Minh Châu biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times