Trí huệ cổ xưa thấm nhuần vào tất cả các khía cạnh văn hóa, để lại nhiều phương pháp tu thân dưỡng tính cho thế hệ mai sau, trong đó có âm nhạc. Nhưng trong thời đại tràn ngập những tin tức xấu này, chúng ta có thể nghe thấy các nhạc khúc với năng lượng thuần chính hay không?
Danh y thời nhà Nguyên là Chu Chấn Hanh từng nói: “Âm nhạc cũng là thần dược”. Ba chữ “Dược”, “Nhạc” và (trị) “Liệu” có chung một nguồn gốc, chữ giáp cốt của ba chữ đó có hình dạng gần giống nhau.
Người cổ đại sớm đã phát hiện rằng ngũ âm có thể chữa được bách bệnh. Người hiện đại cũng khám phá ra rằng, thể loại nhạc nhẹ nhàng mỹ diệu là một phương pháp trị liệu tâm lý. Vì sao âm nhạc có thể phát huy hiệu quả một cách thần kỳ đến thế? Chúng ta hãy bắt đầu từ căn nguyên của bệnh tật.
Nguyên nhân gây bệnh có liên quan mật thiết với trạng thái tinh thần của chúng ta. Có câu nói: “Thân bệnh dễ trị, tâm bệnh khó chữa”. Cơ thể dễ dàng nhiễm bệnh khi tâm trạng lo lắng, chán nản, tức giận hoặc vui mừng quá mức. Một số căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng, trong khi một số bệnh lại âm thầm tiềm ẩn, nhưng sự xuất hiện của chúng đều liên quan đến trạng thái tinh thần. Trung y truyền thống cho rằng, có hai lý do chính khiến con người mắc bệnh: Thứ nhất là “nội thương thất tình”, cũng chính là nói tâm lý tình cảm bị xung động quá lớn mà gây ra bệnh. Thứ hai là “ngoại cảm lục dâm”, ý nói lục giác nhận phải sự xâm nhiễm của không khí hàn lạnh bên ngoài mà sinh ra bệnh.
Ngũ âm trị bệnh
Nếu muốn trừ bỏ tận gốc nguyên nhân gây bệnh, trước hết cần bắt tay vào trị liệu tâm lý. Trong sách Quảng Dương Tạp Chí có ghi chép một câu chuyện như sau:
Vào những năm cuối đời nhà Minh có một vị thư sinh chăm chỉ học hành. Một ngày nọ vị thư sinh trúng cử, biết được tin vui anh cười lớn không ngừng, niềm vui đến quá bất ngờ khiến anh sinh bệnh. Anh bèn đi cầu danh y Viên Thể Am chữa trị cho mình. Sau khi chẩn đoán, Viên tiên sinh kinh ngạc mặt thất sắc nói rằng: bệnh này trong vòng 10 ngày sẽ một mệnh quy thiên, khuyên anh mau chóng trở về gặp cha mẹ lần cuối. Am tiên sinh cũng báo trước cho vị thư sinh biết rằng trên đường trở về, đi qua sông Trấn Giang anh sẽ gặp thầy thuốc họ Lưu và được khám lại lần nữa, khi ấy anh hãy đưa lá thư này cho Lưu đại phu.
Vị thư sinh buồn bã trở về, vừa đến sông Trấn Giang thì căn bệnh đã khỏi, sau khi Lưu đại phu mở thư ra thì thấy trên đó viết: “Người này đại hỷ cùng cực mà phát cuồng, khiến cho tâm khiếu (van tim) mở ra, uống thuốc cũng vô dụng. Chỉ có thể dùng lời nói ‘bệnh tình nguy hiểm’ để anh ta lo lắng sợ hãi, tâm khiếu mới có thể đóng lại, như vậy thì bệnh mới khỏi”. Câu chuyện cho thấy, khi cảm xúc của con người vượt quá giới hạn thì sẽ gây thương tổn đến chức năng của ngũ tạng.
Hoàng Đế Nội Kinh là tác phẩm kinh điển của Trung y cổ đại, trong đó ghi chép một câu như thế này: “Tức giận làm tổn thương gan, vui mừng làm tổn thương tim, lo lắng suy nghĩ làm tổn thương lá lách, buồn bực làm tổn thương phổi, sợ hãi làm tổn thương thận”. Năm cơ quan nội tạng của con người chỉ có thể hoạt động bình thường khi tâm trí họ được bình yên và tĩnh lặng, tâm thái tích cực và ổn định. Căn cứ vào nguyên lý này, cổ nhân đã phát minh ra phương pháp chữa bệnh bằng ngũ âm, nghe âm thanh thuần túy ngay chính, phù hợp với tiêu chuẩn âm luật để xoa dịu cảm xúc, từ đó phục hồi lại chức năng của ngũ tạng.
Trong Hoàng Đế Nội Kinh còn viết: “Trên trời có ngũ âm, tương ứng với con người có ngũ tạng. Trên trời có sáu âm luật, tương ứng với con người có lục phủ”. Chính là nói, vũ trụ vạn vật là do ngũ hành cấu thành, đặc tính của ngũ hành “Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ” cũng được phản ánh trong cơ thể, phản ánh qua tinh thần, tình cảm, vị giác và thính giác của con người. Vì vậy, ngũ âm mà chúng ta biết bao gồm năm loại “Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ” là tương ứng với năm nốt nhạc “Đồ, Rê, Mi, Son, La”, ứng với năm cơ quan nội tạng của cơ thể là “tim, gan, lá lách, phổi, thận”, và năm cảm xúc của con người là “vui, giận, lo lắng, buồn bã, sợ hãi”. Hết thảy đều có đặc điểm của ngũ hành và có mối liên hệ với nhau.
Ngũ âm “Cung, Thương, Giác, Vi, Vũ” chính là năm nốt nhạc “Đồ, Rê, Mi, Son, La” của phương Tây, nhưng cách lên điệu diễn tấu cũng như nhạc cụ lại hoàn toàn khác với âm nhạc phương Tây. Nốt Cung là âm thanh bình ổn nhu hoà, đối ứng với lá lách. Nốt Thương là âm thanh nhanh chóng rõ ràng, đối ứng với phổi tạng. Nốt Giác là âm thanh cao dài du dương, đối ứng với gan. Nốt Vi là âm thanh nhiệt tình hăng hái, đối ứng với tim. Nốt Vũ là âm thanh trong veo đạm bạc, xa xôi rộng lớn, đối ứng với thận. Âm nhạc được thiết lập trong năm giai điệu của ngũ âm để đi vào ngũ tạng, điều chỉnh các chức năng bị tổn thương, từ đó khiến ngũ tạng phục hồi ở một mức độ nhất định.
Nhã nhạc giúp ngay chính lại nhân tâm
Dù đã giải quyết được nguồn gốc “nội thương của bảy loại tình cảm”, nhưng con người vẫn sẽ bị “lục dâm” xâm chiếm và sinh ra bệnh tật. “Lục dâm” là chỉ sáu loại khí hậu: Gió, lạnh, nóng, ẩm, khô, lửa cháy.
Người cổ đại tin rằng: “Thiên nhân cảm ứng”, ý nói các hiện tượng tự nhiên là đối ứng với tâm trí của con người. Khí hậu bất thường là biểu hiện của âm dương mất cân bằng, tương ứng là xã hội nhân loại cũng lâm vào tình trạng hỗn loạn.
Lão Tử giảng: “Vạn vật dựa vào khí âm mà ôm lấy khí dương”, thiên địa vạn vật đều có âm và dương, cơ thể con người cũng có hai loại khí âm dương. Khi âm khí trong cơ thể quá nặng sẽ dẫn đến những biểu hiện như: tình cảm rối bời khiến cho tâm trí mất tập trung, tình tự suy tư khiến cho cơ thể hôn trầm, buồn ngủ… Người thích nghe những bài nhạc về tình tự, âm thanh trầm đục, nồng liệt, lả lướt thì biểu hiện là phóng túng dục vọng, buông thả. Lúc này những phẩm chất như dũng cảm, nhân hậu, và trí tuệ của con người cũng dần dần mất đi, khi ấy nhã nhạc chính thanh (âm nhạc cao thượng ngay chính) cũng không còn được coi trọng nữa.
Bởi con người phóng túng buông thả, đạo đức suy đồi, do đó ngũ hành cũng hỗn loạn, Thiên thượng sẽ dùng các loại hiện tượng dị thường như thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn… để cảnh tỉnh thế nhân. Đổi lại, con người sẽ không ngừng bị “lục dâm” này xâm nhập vào cơ thể mà sản sinh ra bệnh tật, thống khổ.
Nếu lúc này con người có thể tu thân dưỡng tính, khắc chế bản thân mà quay về với văn hóa truyền thống, thì khi đó chính khí trong nhân gian cũng sẽ thăng hoa, khiến cho tự nhiên phục hồi lại trạng thái chính thường. Cổ nhân nói âm nhạc có chức năng giáo hoá dân chúng, đó là do âm nhạc ngay chính không chỉ giải trừ tình tự cảm xúc, điều tiết lại tình cảm thái quá, mà còn giúp quy chính lại đạo đức của con người.
Khi nghe những giai điệu nhạc khúc có thanh âm tươi sáng, trang trọng, huy hoàng, rực rỡ, thì tâm trí con người sẽ dâng lên tấm lòng cung kính. Khi nghe những giai điệu nhạc khúc có thanh âm nhẹ nhàng, êm dịu và đẹp đẽ, thì tâm trí con người sẽ dâng lên tấm lòng nhân ái. Khi nghe những giai điệu nhạc khúc có thanh âm hùng tráng, dồn dập, sôi động, thì tâm trí con người sẽ dâng lên nỗi niềm phấn chấn mà tràn đầy niềm tin. Khi chính khí tràn ngập trong tim, những tà niệm trong đầu sẽ bị cuốn trôi, âm khí suy giảm, dương khí tăng trưởng. Đó là điều mà Mạnh Tử nói: “Thiện niệm của ta nuôi dưỡng thần khí hạo nhiên, tinh thần cương trực, ngay chính cho ta”. Đây cũng chính là sức mạnh của nhã nhạc chính thanh vậy.
(Đăng lại theo sự cho phép của Shen Yun, bản quyền thuộc về Công ty Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun)
Biên dịch: Cửu Ngọc