Vị Linh mục Đỏ
Truyền thuyết kể rằng, nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi chào đời trong một cơn địa chấn. Đối với một người Ý, ông nổi bật nhờ sở hữu một mái tóc đỏ rực. Nhà soạn nhạc lừng danh thời kỳ baroque này, người được biết đến với cái tên “Linh mục Đỏ,” sẽ trải qua giai đoạn danh tiếng như cồn, rồi sau đó chìm vào quên lãng. Nhưng cư dân thành Venice này, trải qua cùng thời với các nhà soạn nhạc Bach và Handel, cuối cùng cũng vượt qua danh tiếng cả hai ông — có doanh số bán các sản phẩm âm nhạc ngày nay gấp đôi so với họ.
Mặc dù ông Vivaldi qua đời trong cảnh khốn khó vào năm 1741, nhưng ông đã gầy dựng được danh tiếng và thành công trong suốt cuộc đời mình. Cũng như các ngôi sao nhạc pop thời nay, danh tiếng này khó tồn tại được lâu, và thời bấy giờ cũng không có các phòng thu hay đài phát thanh nào để đưa tên tuổi ông vươn xa hơn. Thông thường chỉ có một bản gốc viết tay duy nhất cho mỗi tác phẩm của những nhà soạn nhạc vĩ đại này, và chúng ta rất may mắn khi có bất kỳ bản thảo nào còn sót lại ngày nay.
Ông Vivaldi đã sáng tác một trong những giai điệu âm nhạc tuyệt đẹp, nồng nhiệt, kịch tính nhất, và thậm chí một số người còn cho rằng đó là thứ âm nhạc “nổi loạn” vào thời đại đó. Ông là một nghệ sĩ vĩ cầm bậc thầy, chơi đàn với một lòng nhiệt thành đầy hóm hỉnh. Một tờ rơi du lịch ở thời đại đó đã liệt kê ông là “một trong những danh nhân tài ba nhất nên ghé thăm ở Venice.”
Ở thời của mình, ông là một nhân vật được sùng bái, sống trong một dinh thự hướng ra Kênh đào Grand Canal của Venice, khá là hào nhoáng đối với một người nhạc sĩ. Cuối cùng, những người còn nhớ tên ông, một số ít các sử gia về âm nhạc, nhìn nhận ông như là một linh mục hơi lập dị và là một nghệ sĩ vĩ cầm tài năng phi thường, cùng với loại âm nhạc tinh tế của ông — gần 800 tác phẩm đẹp đẽ không gì sánh được — bằng cách nào đó đã bị lãng quên theo năm tháng. Đây là thời kỳ baroque, và biết đâu vẫn còn những tác phẩm khác đã thất lạc trong màn sương mù vô tận đó. Nhưng đó là câu chuyện của vị Linh mục Đỏ, và trong gần 200 năm, không ai nhắc đến danh xưng của ông cả.
Vào mùa thu năm 1926, ông Alberto Gentili, một giáo sư âm nhạc tại Đại học Turin, được cử đến Đại học Salesian ở San Carlo để định giá một bộ sưu tập âm nhạc. Trong một căn phòng dưới tầng hầm, ông Gentili được dẫn đi xem một thư viện đồ sộ gồm các bản nhạc ít được biết đến. Ở đó, vị giáo sư này đã phát hiện ra 14 tập sáng tác phủ đầy bụi có ghi tên Antonio Vivaldi — Linh mục Đỏ.
Ngày nay, khó có thể hình dung được, với tiếng tăm và sự mến mộ to lớn mà công chúng dành cho ông Vivaldi, mãi cho đến khi giáo sư Gentili tìm ra các tập sáng tác này vào năm 1926, thì cái tên Vivaldi và những thành quả phi thường của ông hầu như đã biến mất khỏi lịch sử. Dựa theo cách đánh số quy ước trên các bản thảo, giáo sư Gentili có thể suy luận rằng chắc chắn còn nhiều tác phẩm nữa của nhà soạn nhạc Vivaldi chưa được tìm thấy. Mặc dù ông Vivaldi phân chia tài sản thừa kế của mình, nhưng, sau nhiều cố gắng, giáo sư Alberto Gentili đã có thể bảo vệ được các tác phẩm còn lại của ông Vivaldi khỏi những người thừa kế khác nhau của ông. Hiện giờ có 27 tập được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Turin.
Vào năm 1948, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của đĩa than LP, hay còn gọi là đĩa hát dung lượng lớn. Ông Louis Kaufman, một nghệ sĩ vĩ cầm người Mỹ đã chơi nhạc trong nhiều bộ phim ăn khách, trong đó có bộ phim “Cuốn Theo Chiều Gió,” là người đầu tiên thu âm tác phẩm “Four Seasons” (Bốn Mùa) của nhà soạn nhạc Vivaldi vào năm 1947, và bản nhạc đã đạt ngôi đầu trong các bảng xếp hạng âm nhạc cổ điển. Ông Vivaldi đã được tái sinh, và phần còn lại, như người ta hay nói, là lịch sử.
Do đó, tác phẩm “Four Seasons” (Bốn Mùa) của nhà soạn nhạc Vivaldi đã trở thành một trong những album “chủ đề” đầu tiên, và quả thật ông đã viết các ghi chú trên bản nhạc để bày tỏ những hàm ý mà ông muốn gửi gắm qua bản nhạc, chẳng hạn như, “Mùa hè, tiếng chim hót líu lo, có cả những chú chim cúc cu, những chú bồ câu rùa và … tiếng chó sủa.” Đúng vậy, là những tiếng chó sủa. Tiếp đến là các trận cuồng phong của những cơn bão mùa hè, tất cả đều được ghi chú hợp lý bằng hợp âm rải làm thổn thức trái tim với vẻ đẹp quý phái, rộn ràng đến mức bạn gần như có thể cảm nhận được làn gió nóng vờn qua gò má. Và sau đó là mùa đông, rất chân thật và trọn vẹn với tiếng răng va lập cập, tiếng giậm chân, và âm thanh của kỹ thuật gảy dây đàn pizzicato cho tiếng mưa rơi.
Nhà soạn nhạc Vivaldi được cho là mắc bệnh hen suyễn; ông không chỉ mô tả vẻ đẹp của mùa hè, mà còn cả cái nóng ngột ngạt và bầu không khí đầy những côn trùng gây phiền nhiễu trong đời sống thường nhật. Những côn trùng này, được liệt kê chi tiết như sau: những chú ruồi xanh, muỗi, và muỗi mắt. Ông cũng sáng tác một loạt các bài thơ sonnet để bổ trợ cho các tác phẩm âm nhạc, và tuy hình ảnh [mà ông gợi lên] thật sống động, nhưng những hình tượng này thường có phần ảm đạm. Tuy vậy, kỹ thuật âm nhạc xuất sắc, các giai điệu hòa âm mỹ diệu, và niềm đam mê thuần khiết của ông ngay lập tức khơi gợi sự lôi cuốn và làm say lòng người nghe, tạo nên cảm giác nhanh và dồn dập, và vô cùng ấn tượng.
Bản nhạc “The Four Seasons” là một trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển được chơi nhiều nhất trên thế giới; tác phẩm đã xuất hiện trong vô số các bộ phim và những chương trình quảng cáo, và do đó bản nhạc này có thể quen thuộc đến mức người ta có thể dễ dàng không chú ý đến. Nhưng tôi tha thiết mong rằng các bạn hãy cố gắng chú tâm vào giai điệu đó.
Tôi luôn luôn đề xướng việc tìm kiếm các buổi biểu diễn của những nhóm ngũ tấu hoặc các dàn nhạc giao hưởng nhỏ. Thật dễ dàng nắm bắt được cảm xúc và lắng nghe đoạn đệm tỉ mỉ của các tác phẩm, và có lẽ điều này càng đúng hơn đối với nhà soạn nhạc Vivaldi. Nếu không có những âm thanh cuồng nhiệt của những cây đàn vĩ cầm, vốn thường bị hòa lẫn giữa một dàn nhạc giao hưởng lớn, thì giai điệu của các chủ đề chính dường như sẽ trở nên ngọt ngào đôi chút; có lẽ đó là lý do tại sao những giai điệu đó trở nên phổ biến đến vậy.
Ông Vivaldi là một nghệ sĩ vĩ cầm bậc thầy và là nhà soạn nhạc có kỹ năng siêu thường, ông chắc chắn muốn mọi chi tiết trong các tác phẩm của mình được nghe thấy, và các tác phẩm này hoàn toàn đáng để bạn lắng nghe từng nốt nhạc. Ai lại muốn bỏ lỡ một tiếng chó sủa hay một chú ruồi xanh gây khó chịu kia chứ?
“The Four Seasons” thực sự là một kiệt tác mang tính biểu tượng, vô cùng rộn ràng và kịch tính, và thế giới trở nên phong phú hơn từ khi tác phẩm này được hồi sinh. Thật khó hiểu là tác phẩm được sáng tác sớm đến vậy, và gần như đã chìm vào lãng quên. Có một số điều trớ trêu trong việc tác phẩm này đã đi trước thời đại.
Hoàng Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times