Học trò ưu tú nhất của nhà soạn nhạc Vivaldi: Anna Maria dal Violin
Một cô nhi viện do nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi làm giám đốc âm nhạc đã đào tạo nên một học trò xuất sắc.
Thời thơ ấu không phải lúc nào cũng là quãng thời gian gắn liền với những trò vui và tiếng cười. Trong các thế kỷ trước, viễn cảnh thật ảm đạm đối với những trẻ em là con ngoài giá thú. Những cậu bé và cô bé bị bỏ rơi phải tự bảo vệ mình trên đường phố, sinh tồn bằng cách kết thành băng nhóm. Ngay cả khi các cô nhi viện được mở rộng vào thế kỷ 18, điều kiện sống vẫn rất tồi tệ và tỷ lệ tử vong cao. (Triết gia Jean-Jacques Rousseau, người nổi tiếng với các lý thuyết giáo dục lý tưởng, đã gửi năm đứa con của mình đến những nơi như vậy để rồi chúng qua đời.)
Tuy nhiên, đối với những bé gái mồ côi ở thành Venice lúc bấy giờ, có một cơ hội nhỏ nhoi để một đứa trẻ ngoài giá thú có thể trở thành ngôi sao quốc tế. Cô nhi viện Ospedale della Pietà, một trong bốn cô nhi viện được Cộng hòa Venice bảo trợ, nổi tiếng khắp châu Âu về cả hoạt động thiện nguyện và đào tạo những cô bé ưu tú và sáng dạ nhất trở thành những nghệ sĩ thanh nhạc và nhạc sĩ bậc thầy. Ngày nay, cô nhi viện Pietà được nhớ đến chủ yếu nhờ vị giám đốc âm nhạc thường trú của họ, nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi. Tuy nhiên, có ít nhất một cái tên khác gắn liền với tổ chức này xứng đáng được ghi nhớ: cô học trò Anna Maria của ông.
Những cô nhi tài năng
Anna Maria, giống như tất cả các bé gái ở cô nhi viện, được đưa vào một cách ẩn danh qua một cánh cửa sổ xoay nhỏ khi còn là một em bé sơ sinh. Vào thời điểm Vivaldi làm giám đốc âm nhạc, cô là một trong hàng ngàn trẻ em mồ côi tại Pietà. Các bé gái sớm được kiểm tra và xếp thành hai nhóm. Những bé không có kỹ năng âm nhạc, “figlie di comun,” hay còn gọi là nhóm thông thường, được nhận một nền giáo dục phổ thông. Nhưng đối với 50 bé gái may mắn được xếp vào nhóm ưu tú “figlie di coro,” con đường dẫn đến danh vọng đang chào đón.
Lúc bấy giờ, thành Venice là thủ đô opera của thế giới và là điểm đến của những du khách say mê âm nhạc. Du khách Âu Châu chen chúc vào nhà nguyện Pietà vào mỗi Chủ nhật và ngày lễ để thưởng thức màn trình diễn của dàn nhạc “coro.” Bị ấn tượng trước dàn nhạc này, chính trị gia người Pháp Charles de Brosses đã viết rằng họ “diễn tấu vĩ cầm, sáo, đàn organ, kèn oboe, đàn cello, kèn bassoon; tóm lại là không có nhạc cụ nào đủ lớn để khiến họ sợ hãi!” Một du khách khác mô tả các bé gái được “xếp chỗ đứng trong một hành lang phía trên” nhà nguyện và được che khuất khỏi tầm nhìn [của khán giả] “bằng một hàng rào mắt cáo bằng sắt.” Khách du lịch bàn tán về thói quen [ăn mặc] giản dị, để lộ phần cổ và vai của các bé gái, điều mà họ coi là không đứng đắn. Một khán giả đã sửng sốt khi so sánh cách ăn mặc của các bé gái với “trang phục La Mã của các nữ diễn viên của chúng ta.” Rousseau — nhà tài trợ cho cô nhi viện như đã đề cập trước đó — mô tả cảm giác “rung động trước tình yêu” khi được mời ăn nhẹ với họ một lần, mặc dù nhiều cô gái đã bị “khuyết tật” do một số bệnh lý trước đó.
Do các cô gái không có họ, nên họ được gọi theo tên nhạc cụ yêu thích hoặc loại giọng hát. Cô Anna Maria thành thạo hơn nửa tá nhạc cụ, và các tài liệu hiện có về cô mang tất cả họ của những nhạc cụ đó. Tuy nhiên, cô được biết đến nhiều nhất với nhạc cụ quen thuộc nhất của mình: “Anna Maria dal Violin” (Anna Maria Vĩ Cầm).
Nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi đích thân đào tạo cô. Các thầy giáo âm nhạc có vị trí bấp bênh tại Pietà và thường bị cho nghỉ việc sau khi một nữ sinh đủ năng lực để đảm nhận trách nhiệm. Nhưng Vivaldi, với tư cách là giám đốc âm nhạc, có vị trí vững chắc hơn. Ông cũng chỉ huy dàn nhạc và dẫn dắt các buổi biểu diễn tác phẩm của ông. Mặc dù ông sáng tác cho mọi thể loại âm nhạc, nhưng ông được nhớ đến nhiều nhất với các bản concerto.
Thể loại concerto
Nhà soạn nhạc Vivaldi ít nhiều đã sáng tạo ra hình thức concerto như chúng ta biết ngày nay. Mặc dù còn có những người đóng góp khác, như ông Tomaso Albinoni, nhưng “vị linh mục tóc đỏ” (tên gọi bắt nguồn từ mái tóc xoăn màu đỏ của ông) đã đóng góp nhiều nhất để thiết lập khuôn khổ của thể loại này.
Nhà soạn nhạc Vivaldi đã đưa ra ba cải tiến. Thứ nhất, ông thiết lập cấu trúc ba chương tiêu chuẩn cho thể loại concerto: một phần mở đầu và kết thúc nhanh, được ngắt quãng bằng phần giữa chậm. Thứ hai, ông giao những vai trò nổi bật hơn cho cá nhân các nghệ sĩ trong dàn nhạc. Điều chỉnh các sáng tác của mình phù hợp với kỹ năng của học trò, ông đã viết những phần độc tấu có độ khó vô song tính cho tới thời điểm đó.
Thứ ba, nhà soạn nhạc Vivaldi đã phát triển hình thức “ritornello.” Có nghĩa đen là “điều nhỏ nhặt quay trở lại,” ritornello là khi một đoạn nhạc được dàn nhạc lặp lại trong khi một nghệ sĩ độc tấu thể hiện những màn phô diễn kỹ năng ngoạn mục giữa những lần lặp lại này. Những người chơi guitar điện trong các ban nhạc rock ngày nay, như nhạc sĩ Eddie Van Halen, đã tiếp nối truyền thống này gần như nguyên vẹn — mà hầu như không hề biết rằng đó là di sản của nhà soạn nhạc Vivaldi.
Nhà soạn nhạc Vivaldi đã viết khoảng ba chục bản concerto vĩ cầm cho cô Anna Maria. Một vài trong số đó có đề tên cô trong tiêu đề. Trong hai tác phẩm ít tiếng tăm hơn, RV 393 và RV 397, ông đã khéo léo che đậy danh tính của cô. Các tác phẩm này được ghi chữ “amore” (tình yêu) nhưng được đánh vần là “AMore’ — ngụ ý chỉ cô Anna Maria. (Là một linh mục được thụ phong, tình cảm của ông dành cho cô rất thuần khiết.)
Vị linh mục tóc đỏ rời khỏi Cô nhi viện Pietà vào năm 1740 sau nhiều năm thù hận dai dẳng với các vị quản lý nơi này. (Tính cách thất thường của ông khiến ông có những kẻ thù, đôi khi họ bỏ phiếu không tái bổ nhiệm ông làm giám đốc). Ông qua đời vào năm sau đó, trong cơn nghèo khó. Tuy nhiên, cô Anna Maria vẫn ở lại cô nhi viện và gặt hái nhiều thành công trong 40 năm nữa. Cô thăng chức trở thành giáo viên, và du khách đổ xô đến thưởng lãm Maestra Anna Maria (Cô giáo dạy vĩ cầm) của Pietà thực hiện những buổi biểu diễn xuất sắc cho đến khi cô qua đời ở độ tuổi xế chiều, 86 tuổi. Cuộc đời của cô đã được quan tâm trở lại trong những năm gần đây, truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm hư cấu.
Các sáng tác ‘mới’
Một bản thảo viết tay có tên “Anna Maria’s Partbook” (Sách nhạc của Anna) vẫn còn được lưu lại, chứa đựng các phần độc tấu vĩ cầm cho 31 bản concerto. Trong số 26 bản do nhà soạn nhạc Vivaldi sáng tác, 20 bản cũng xuất hiện ở các nguồn tài liệu khác. Sáu bản còn lại không hoàn thiện, có nghĩa là các phần độc tấu vĩ cầm này là tất cả những gì còn sót lại từ các bản concerto gốc.
Cho đến gần đây, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, và nhà âm nhạc học người Ý Federico Maria Sardelli đã phục dựng lại những bản concerto này. Làm sao ông có thể làm được điều này? Về cơ bản, Vivaldi là một nhà soạn nhạc cần mẫn (và làm việc quá sức), người đã tái sử dụng một phần đáng kể [các yếu tố hoặc đoạn nhạc] từ các tác phẩm của chính mình. Bằng cách tham khảo chéo các nguồn khác nhau trong giai đoạn đó, các bản phục dựng của ông Sardelli gần như tương đồng với cách mà sáu concerto này được trình diễn ban đầu.
Giờ đây, chúng ta có thể lắng nghe những bản nhạc “mới” này của nhà soạn nhạc Vivaldi lần đầu tiên sau ba thế kỷ. Nhạc trưởng Sardelli, chỉ huy một dàn nhạc gồm các nghệ sĩ Baroque hàng đầu trong đó có nghệ sĩ vĩ cầm Federico Guglielmo, đã phát hành một bản ghi âm có tựa đề “Lost Concertos for Anna Maria” (Tạm dịch: Các bản concerto dành cho Anna Maria bị thất lạc).
Phần mở đầu, RV 772, có lẽ là phần hay nhất của bản ghi âm này. Do nhà soạn nhạc Vivaldi thường xuyên sử dụng lại các tác phẩm của mình, nên phần ritornello cho dàn nhạc có nhiều điểm tương đồng với các tác phẩm khác. Tuy nhiên, phần độc tấu do cô Anna Maria trình diễn ban đầu lại nổi bật và mang đến trải nghiệm thưởng nhạc vô cùng thú vị. Đặc biệt, chương thứ hai rất chậm (“grave”) thể hiện chất trữ tình đầy thi vị, đã làm nên tên tuổi của Vivaldi. Khi lắng nghe, chúng ta gần như có thể tưởng tượng hình ảnh cô Anna Maria mặc bộ trang phục trắng hơi khiến các du khách xôn xao, đang kéo cung đàn trong khi khán giả bên dưới căng mắt để nhìn thoáng thấy cô qua những tấm lưới sắt của hành lang nhà nguyện Pietà.