Một danh sách ngắn những bản nhạc mùa thu
Với nghệ sĩ, thời điểm giao mùa là thứ khiến cho xúc cảm thăng hoa mãnh liệt, và sự giao mùa dường như luôn biết cách làm mới mỗi chúng ta. Trong âm nhạc, sự giao mùa cũng là niềm cảm hứng bất tận để những bài hát nổi tiếng và những tác phẩm kinh điển được viết nên. Bằng chứng là nhiều nhà soạn nhạc của dòng nhạc cổ điển như Antonio Vivaldi, Pyotr Ilyich Tchaikovsky, Joseph Haydn, Alexander Glazunov, Vaughan Williams và một vài tác giả của dòng nhạc đương đại đã khoác lên những tác phẩm của họ màu sắc của các mùa trong năm qua những cái tên có thể kể đến như “The Seasons,” hoặc “The Four Seasons”.
Bây giờ, quý vị hãy đến với một vài bản nhạc cổ điển nổi tiếng được biên soạn với cảm hứng mà mùa Thu mang đến, mỗi tác phẩm đều có những gam màu khác nhau, tựa như sắc màu của của cảnh vật vào mùa thay lá.
Bản nhạc Autumn Leaves – Tác giả: Jozsef Kozma
Nhắc đến một tác phẩm Ballad, chắc hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến Autumn Leaves. Tác phẩm này ban đầu là một bài hát Pháp ngữ, với tên gọi: Les Feuilles Mortes, được viết bởi nhà soạn nhạc người Hungary – Jozsef Kozma (1905–1969) khi ông đến Pháp vào những năm 1930. Trong Đệ Nhị Thế Chiến, ông bị Đức quốc xã cấm sáng tác và bị quản tại Pháp – nơi không xa mấy với bờ biển Địa Trung Hải. Sau biến cố đó, ông vẫn gặt hái nhiều thành tựu về mặt âm nhạc tại Pháp, và Autumn Leaves là một trong những bản nhạc đình đám lúc bấy giờ.
Lời Anh ngữ của ca khúc trên đã sớm được nhà viết lời kiêm nhạc sĩ vĩ đại người Mỹ Johnny Mercer biên soạn, và “Autumn Leaves” có bản thu âm đầu tiên ở Mỹ, do ca sĩ Jo Stafford thể hiện, vào năm 1950. Phiên bản của nhạc sĩ Mercer và phiên bản hòa tấu cùng được thu âm hàng ngàn lần, bao gồm các phiên bản của tất cả các ca sĩ và những nhạc công tên tuổi của dòng nhạc Jazz. Năm 1955, nghệ sĩ piano Roger Williams đã lần đầu tiên giành được vị trí số 01 trên các bảng xếp hạng nhạc pop cho bản độc tấu piano với một phong cách hòa âm phối khí vô cùng bay bổng.
Được chơi ở gam thứ, bài hát toát lên màu sắc của sự hoài niệm.
“Từ khi nàng rời xa tôi, ngày tháng như thêm dài
Và tôi sẽ sớm phải nghe những bài hát mùa Đông năm cũ
Nhưng tôi nhớ nàng da diết
Nhất là khi lá Thu bắt đầu rơi.”
Những khán giả chưa quen với bản phối trên có thể bắt đầu với phiên bản cổ điển được biểu diễn bởi nữ nghệ sĩ Ella Fitzgerald, hoặc nam danh ca Frank Sinatra, nhưng trong lòng những thính giả đã yêu mến bài hát trên, họ sẽ tìm nghe một bản phối độc đáo với guitar acoustic và giọng hát của nữ danh ca Eva Cassidy.
‘Autumn’ trong tuyển tập ‘The Four Seasons’- Tác giả: Antonio Vivaldi
Nhiều người trong chúng ta có thể đã biết đến tuyển tập “The Four Seasons” – những bản hòa tấu violin. Mỗi bản nhạc (bao gồm 3 phân đoạn) được lần lượt đặt theo tên của các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tuyển tập trên được xuất bản vào năm 1725 bởi nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi (1678–1741). Những bản nhạc trong “The Four Seasons” thường được nghe trong các bộ phim truyền hình và trong tiệc cưới. Sáng tác của Vivaldi mang phong cách Baroque của nước Ý, giống như phong cách soạn nhạc của nhà soạn nhạc J.S. Bach.
Nhà soạn nhạc Vivaldi xem sáng tác như quá trình mô tả vẻ đẹp của những bức tranh phong cảnh được vẽ bởi danh họa Marco Ricci, sau đó viết thêm vần thêm điệu cho mỗi phân đoạn. Những vần điệu nên thơ ấy nằm xuyên suốt bản nhạc, khiến người nghe có thể mường tượng đến phong cảnh mà bản nhạc đang phác họa. Đây là ví dụ sớm nhất và nổi tiếng nhất của thuật ngữ “program music” – thuật ngữ này ra đời sau đó một thế kỷ – nói đến phương pháp dùng âm nhạc để kể một câu chuyện cụ thể.
Trong bản hòa tấu thứ ba, “Autumn,” ba phân đoạn (nhanh-chậm rãi-nhanh) lần lượt mô tả mùa gặt trong lễ hội Tửu thần Bacchus, một giấc ngủ yên bình, và chuyến đi săn náo nhiệt với chó săn, súng, và kèn.
‘Autumn in New York’ – Sáng tác: Vernon Duke
‘Autumn in New York’ là bài hát thơ mộng mang dư âm của sự hoài cổ cùng với giai điệu tinh tế. Ca khúc trên được người dân New York và những người yêu quý thành phố ấy đặc biệt yêu thích. Bài hát này do nhạc sĩ Vernon Duke (1903–1969) ở Westport, Connecticut, sáng tác vào mùa hè năm 1934. Rồi sau này, nhạc sĩ Vernon Duke lại có bản hit tương tự với tựa đề “April in Paris” vào năm 1933.
Bài hát mùa thu của nhạc sĩ Duke được không sáng tác dành riêng cho một chương trình biểu diễn. Nó được chuyển thể thành một bài hát có tựa đề “Thumbs Up!”. “Thumbs Up!” đã được phát trong suốt năm tháng liền vào năm 1935, và sau đó bài hát này đã chứng minh được vị thế của mình bất chấp thời gian. Những phiên bản được thể hiện bởi những danh ca như Frank Sinatra, Billie Holiday, và phiên bản hát song ca kinh điển của hai ca sĩ Ella Fitzgerald và Louis Armstrong. Ngoài ra, “Autumn in New York” cũng là một tác phẩm nhạc jazz cổ điển thịnh hành, được thu âm bởi những nghệ sĩ nhạc Jazz danh tiếng như Charlie Parker, Stan Kenton và Bill Evans.
‘Autumn’ From ‘The Seasons’ – Sáng tác: Alexander Glazunov
Ngược lại với màu sắc của sự suy tư trong một số tác phẩm về mùa Thu, những sáng tác của nhà soạn nhạc Alexander Glazunov (1865–1936) thường bắt đầu với gam màu bùng nổ và táo bạo. Vở ballet “The Seasons, Op. 67,” ra đời từ cuối thế kỷ 19, được công chiếu lần đầu vào năm 1900 tại St.Petersburg, Nga. Tác phẩm mang phong cách lãng mạn theo khuôn mẫu của hai nhà soạn nhạc Tchaikovsky và Alexander Borodin.
Cảm nhận mùa Thu của ông (trong Chương 4 của vở ballet này) bắt đầu bởi một vũ điệu sống động đong đầy cả bầu trời với những chiếc lá đầy đủ sắc màu – chứa đựng thanh âm của xèng, kẻng tam giác, và trống lục lạc. Nối tiếp theo đó là đoạn nhạc chầm chậm, đáng yêu (Adagio) mà giai điệu đó có thể đã quen thuộc với khán giả của những bộ phim và chương trình truyền hình ở Canada và trên kênh BBC. Cuối cùng, tác phẩm được hoàn thiện bởi một giai điệu đầy sắc màu khác với tiết tấu vừa phải, chắc chắn sẽ làm người nghe hài lòng.
Trong suốt thế kỷ 20, Glazunov đã trở thành một đại kình địch của các nhà soạn nhạc đương đại như Stravinsky, gọi thứ âm nhạc này là “recherché cacophonists,” sản phẩm của nghiên cứu khoa học về tiếng ồn.
‘Early Autumn’- sáng tác: Woody Herman
Năm 1949, nhóm trưởng ban nhạc Woody Herman (1913–1987) – viết phần nhạc của tác phẩm này cùng với người dàn dựng của ông, nhà soạn nhạc Ralph Burns, và thu âm thành công một bản nhạc không lời. Sau đó vào năm 1952, Herman nhờ Johnny Mercer viết lời bài hát đó, và điều kỳ diệu hơn là bài hát được thu âm bởi các danh ca Jo Stafford, Ella Fitzgerald, Mel Tormé, Johnny Mathis và gần đây là Diana Krall. Ca từ nên thơ đẹp như tranh vẽ của Mercer đã tổng hòa những xúc cảm thường thấy về mùa Thu – thứ cảm xúc đặc trưng trong những bài ca mùa Thu.
“Thu sớm ghé qua, trời se lạnh
Thu chạm vào những tán cây mùa hạ,
Thu chạm vào em, và em sẽ chạm vào miền ký ức của tôi
Phòng khiêu vũ năm nào then cài trong mưa thu khắc khoải,
Một con đường quê quanh co nâu sẫm,
Qua ô cửa sổ giá lạnh tôi ngắm nhìn thị trấn cô đơn.
Mùa xuân của chúng ta bắt đầu từ tháng tư thật đẹp đẽ,
Dường như chỉ dành cho đôi trẻ nhân tình.
Tôi chưa bao giờ mơ mộng, phải không? Rồi mùa nào Thu cũng sẽ đến…
Đến sớm, rất sớm.
Em yêu, nếu đoái hoài đến tôi, làm ơn, hãy cho tôi biết,
Tôi sẽ gặp em bất kể nơi đâu, tôi nhớ em rất nhiều.
Và con tim ta sẽ không đìu hiu như mùa Thu đến sớm.”
- Tất cả các bản ghi âm này có thể được tìm nghe miễn phí trên internet.
Nhà soạn nhạc người Mỹ Michael Kurek là tác giả của album cổ điển số 1 Billboard “The Sea Knows.” Ông đã đạt được nhiều giải thưởng về sáng tác, bao gồm cả Giải thưởng Học viện Âm nhạc danh giá của Viện Văn Học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Michael Kurek từng làm việc trong Ủy ban Đề cử của Học viện Ghi âm cho Giải Grammy cổ điển. Ông là giáo sư danh dự về sáng tác tại Đại học Vanderbilt.
Để biết thêm thông tin và thưởng thức âm nhạc, hãy truy cập trang MichaelKurek.com
Song Ngư biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: