Nhà soạn nhạc Franz Schubert và con đường dẫn đến trường phái lãng mạn
Câu chuyện về nhà soạn nhạc người Áo Franz Schubert (1797–1828) là một trong những câu chuyện thương tâm nhất trong âm nhạc cổ điển. Khi các nhà sử học nhìn lại tác phẩm của ông, họ đánh giá chúng ngang bằng về mọi mặt với tác phẩm của Mozart, Bach và Beethoven. Ngoài một số nhà soạn nhạc thời đó (Schumann, Liszt, và Brahms), những người đã tìm ra và tôn vinh các sáng tác của ông, Schubert có thể đã hoàn toàn bị đánh giá thấp vì ông thực sự là một thiên tài.
Điều này chắc chắn là do Schubert qua đời ở tuổi 31, tám tháng sau buổi biểu diễn đầu tiên và duy nhất của ông trước công chúng vào năm 1828. Mãi sau khi ông qua đời, kho tàng âm nhạc khổng lồ này mới được phát hiện. Tất nhiên, lúc đó Schubert không có mặt để trải nghiệm sự công nhận mà ông ấy xứng đáng được nhận.
Minh chứng cho sự thiên tài của ông là các tác phẩm tiếp tục sống theo năm tháng. Giáo viên âm nhạc chính thức đầu tiên của Schubert là ông Michael Holzer, người chơi đàn organ và chủ xướng của Nhà thờ Giáo xứ Lichtental, thừa nhận rằng ông ta không thể dạy được gì cho cậu bé này; ông trân trọng Schubert trong “sự ngạc nhiên và im lặng.”
Khẳng định rừng đó không phải là một thảm kịch cho người nghe ngày nay. Chúng ta vẫn có âm nhạc tuyệt vời của ông ấy để khám phá. Tuy nhiên, chúng ta có thể tự hỏi Schubert sẽ cảm thấy như thế nào nếu ông biết rằng âm nhạc của ông chạm đến nhiều trái tim.
Bản Fantasy ‘Người lang thang’
Tôi là một người hâm mộ thực sự các bản sonata dành cho piano. Biểu diễn piano độc tấu, thì không có nơi nào để đi trốn. Không có sự che chở của dàn nhạc, các chi tiết của mọi thứ — giai điệu, đối âm, hòa âm và nhịp điệu — đều được phơi bày. Thiên tài của tác phẩm vì thế mà được bộc lộ, cũng như nhân cách của người sáng tác. Mỗi nốt nhạc là một manh mối cho thấy người sáng tác là ai.
Schubert, một quý ông nhút nhát, dí dỏm, bí ẩn và kỳ diệu. Những bản sonata dành cho piano của ông đóng góp đáng kinh ngạc cho di sản của chúng ta và cho thấy ông ấy là người có cảm xúc nội tâm vô hạn. Có đủ sự vui vẻ lịch sự, kiểu baroque để thưởng thức, nhưng khi xem xét kỹ hơn, các bản sonata của Schubert bộc lộ sự lãng mạn, mê hoặc và khao khát được thể hiện một cách tinh tế và nhạy cảm.
Bản Fantasy in C, Op. 15, thường được gọi là “Wanderer” (Fantasy ‘Người lang thang’), được viết cho piano độc tấu vào năm 1822, và là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất và được biểu diễn thường xuyên nhất của Schubert. Đó được coi là một trong những sáng tác tuyệt vời nhất trong toàn bộ các tiết mục piano. Bản Fantasy bốn phần này được liên kết bằng một chủ đề thống nhất với mỗi chuyển động sẽ nối một cách mượt mà sang chuyển động tiếp theo, bắt đầu bằng một biến tấu của câu nhạc mở đầu của sáng tác trước đó là “Der Wanderer”. Bản nhạc này (trong tiếng Đức gọi là ‘lied’ tức là bài thơ được phổ nhạc) ban đầu được sáng tác vào năm 1816 cho piano và giọng hát với lời bài hát và tựa đề bắt nguồn từ một bài thơ của Georg Philipp Schmidt von Lübeck.
Bản Fantasy “Người lang thang” được coi là tác phẩm thử thách nhất của ông; ông được cho là hầu như không có khả năng tự chơi bản nhạc đó. Được sáng tác trong thời kỳ Hậu Khai Sáng, tác phẩm kỳ ảo ám chỉ sự khởi đầu của thay đổi thị hiếu — sự phức tạp, cảm giác tìm kiếm và thời đại của ông. Về mặt âm nhạc, bản nhạc thật tuyệt vời; như một tài liệu tham khảo về văn hóa, nó hoàn toàn có sức hút.
Trong bài hát, người lang thang tìm kiếm một phương trời xa xôi nhưng không tìm thấy ở đâu giữa chốn nhân gian: “Ở nơi đâu, mảnh đất thân yêu của tôi? Tìm kiếm và ghi nhớ, nhưng không bao giờ được biết đến. …” Đang tìm kiếm hạnh phúc, người lang thang hỏi, “ở nơi đâu?” và một hơi thở ma mị trả lời, “Ở đó, nơi anh không ở, đó là hạnh phúc của anh.”
Bản Fantasy “Wanderer” thoát khỏi hình thức cổ điển ở chỗ nó được sáng tác ra để biểu diễn không nghỉ giữa các phần. Cả kỹ thuật và cấu trúc điêu luyện đã làm say đắm các nhà soạn nhạc thời kỳ Lãng mạn khác, đặc biệt là nhà soạn nhạc người Hungary Franz Liszt, người đã soạn lại cho piano và dàn nhạc. Chỉnh sửa bản nhạc gốc của Schubert, Liszt đã sắp xếp lại phần cuối cùng và thêm những đoạn thay thế vào bản Fantasy.
Âm nhạc mang tính thơ
Có hơn 900 tác phẩm của Schubert để bạn khám phá, từ những điệu valse truyền thống của Vienna như cảnh trong mơ “Serenade” cho dàn nhạc giao hưởng đầy đủ, viola hoặc cello cho đến bản lied đầy chất thơ của ông. “Erlkönig” (được dịch là “vua của các nàng tiên”) là một trong những bản nhạc lied ưu việt hơn của Schubert. Lấy bối cảnh bài thơ cùng tên của Johann Wolfgang von Goethe, đây là một sáng tác đầy kịch tính và thử thách, được nhiều người coi là một kiệt tác của thời kỳ đầu của thời kỳ Lãng Mạn.
Bản nhạc lied kể về câu chuyện của một người cha nhanh chóng phi ngựa về nhà, ôm đứa con trai đang sốt và lo lắng của mình. Khi câu chuyện mở ra, đứa trẻ trải qua “ảo giác” về linh hồn ác độc của Erlking (hiện thân của cái chết), kẻ đang cố gắng thu hút cậu bé. Khi họ chạy đua trong rừng, người cha sợ hãi cố gắng an ủi con mình bằng cách nói rằng những trải nghiệm siêu nhiên chỉ là chuyện tự nhiên: một vệt sương mù, lá cây xào xạc và những cây liễu lung linh. Khi họ về đến nhà, người cha phát hiện ra rằng con trai mình đã qua đời.
Schubert chỉ mới 18 tuổi khi ông tạo ra tác phẩm mang tính sân khấu và gợi mở này vào năm 1815. Được sáng tác cho giọng hát với phần đệm piano, bài hát có bốn nhân vật — người kể chuyện, cha, con trai và Erlking — tất cả đều được hát bởi một giọng ca duy nhất. Tất cả các nhân vật được hát với giọng thứ ngoại trừ Erlking, nhân vật được hát trong giọng trưởng.
Quý vị cũng sẽ nghe thấy những hạt mầm sơ khai về việc sử dụng đàn piano một cách ấn tượng mà sau này đi xuất hiện kèm với nhiều giai điệu trong phim đen trắng thời ban đầu. Cây đàn piano mô phỏng tiếng vó ngựa phi nước đại với một đoạn liên ba riêng biệt và đoạn trầm bổng chủ đạo (chủ đề âm nhạc lặp lại).
Tác phẩm “Thần chết và thiếu nữ’ (‘Death and the Maiden’)
Bản nhạc tứ tấu dành cho đàn dây (String Quartet) số 14, còn được gọi là “Death and the Maiden” (‘Thần chết và thiếu nữ’), được sáng tác vào năm 1824 sau khi Schubert biết về cái chết sắp xảy ra của mình. Bản tứ tấu được lấy cảm hứng từ một trong những bản nhạc lied trước đó của ông, sử dụng cùng một nhan đề, và được phổ theo một bài thơ của thi sĩ Đức Matthias Claudius. Chủ đề của tứ tấu là về nỗi sợ cái chết và niềm hy vọng về sự thoải mái và thanh bình sau đó. Trong cuộc đối thoại giữa thiếu nữ và thần chết, người phụ nữ trẻ sợ hãi rũ bỏ thần chết, kêu lên: “Hãy đi đi, kẻ man rợ bằng xương! Tôi vẫn còn trẻ — hãy đi! ”
Câu hát được lĩnh xướng bởi thần chết “Death” trong bản lied của Schubert có nội dung:
“Hãy đưa tay cho ta, cô là sinh linh công bằng và dịu dàng;
Ta là một người bạn và không đến để trừng phạt cô.
Hãy vui vẻ! Ta không man rợ,
Nhẹ nhàng cô sẽ ngủ trong vòng tay của ta.”
Bất chấp bệnh tật và trầm cảm của Schubert, Schubert vẫn tiếp tục viết những bản nhạc nhẹ nhàng, có giai điệu gợi lên cảm giác ấm áp và thoải mái. Bản nhạc String Quartet số 14 lần đầu tiên được biểu diễn riêng vào năm 1826 và không được xuất bản cho đến năm 1831, ba năm sau khi ông qua đời.
Bản giao hưởng dở dang (Unfinished Symphony)
Để dành thời gian viết Fantasy “Người lang thang” (“Wanderer” Fantasy) cho người bảo trợ giàu có Carl Emanuel Liebenberg von Zsittin, Schubert đã ngừng viết thứ mà sau này được gọi là “Bản giao hưởng dở dang”. Thật không may, “Bản giao hưởng dở dang” vẫn dở dang, và bản Fantasy “Người lang thang” đã không được trình diễn trước công chúng cho đến năm 1832, rất lâu sau khi nhà soạn nhạc qua đời.
Nếu còn nghi ngờ gì về tình cảm thuần khiết của Schubert, “Bản giao hưởng dở dang”, còn được gọi là Bản giao hưởng số 8, sẽ nhanh chóng xóa tan mọi nghi ngờ. Mặc dù bản giao hưởng thiếu vắng phần cuối của bản nhạc, thứ sẽ hoàn thành hình thức âm nhạc, nhưng bản nhạc không thiếu vắng theo bất kỳ ý nghĩa nào khác.
Do tính trữ tình của cấu trúc kịch tính, Bản giao hưởng số 8 dở dang thường được coi là bản giao hưởng lãng mạn đầu tiên, xác lập vị trí của Schubert trong biên niên sử âm nhạc. Phạm vi giao hưởng táo bạo trong âm nhạc của Schubert cũng như sức mạnh kịch tính và sự căng thẳng về cảm xúc của nó tôn vinh ông là một người “lãng mạn”, người có ảnh hưởng đến nhóm huyền thoại âm nhạc tiếp theo như Franz Liszt và Richard Strauss.
Thật dễ hiểu tại sao tác phẩm của ông được xem là ngang hàng với các tác phẩm của Mozart, Bach, hay Beethoven. Các sáng tác của Schubert vẫn được khán giả khám phát, đánh giá cao về chiều sâu và cách thể hiện đầy cảm xúc. Tôi chỉ ước ông ấy biết rằng chúng ta vẫn biết tên ông ấy gần 200 năm sau.