Bach: Dấu ấn của một thiên tài
Dấu ấn của thiên tài là tạo ra một thứ gì đó đơn giản đến mức hoàn toàn không ai trên thế giới này có thể tưởng tượng được. Với Bach, đó là Bản Tổ khúc cho đàn Cello số 1 cung Sol Trưởng (“Cello Suite No. 1 in G Major”), là tác phẩm “Toccata và Fugue” hùng tráng và tuyệt tác “Air on a G String” của Bach, một tác phẩm bậc thầy về hòa âm và nhịp điệu.
Khi đến thăm một viện bảo tàng nghệ thuật, quý vị có thể nhận thấy rằng hầu hết các bức tranh cổ đều mô tả các vị vua, hoàng hậu và các quý tộc khác, hoặc cảnh vinh danh thần thánh trong Kinh Thánh. Lý do đơn giản, như quý vị có thể đã biết, là trước thế kỷ 18, nhà thờ và những người bảo trợ giàu có đã trả tiền cho hầu hết các tác phẩm nghệ thuật. Người ta có thể được tha thứ vì nghĩ rằng “dân thường” không tồn tại trước thế kỷ 18, vì họ rất ít được mô tả trong nghệ thuật.
Thuật ngữ “nghệ sĩ nghèo” là một thực tế hơn là một khuôn mẫu, để mô tả các nhà soạn nhạc cũng như các họa sĩ; thật không dễ dàng để sáng tác cho dàn hợp xướng hoặc cho dàn nhạc nếu quý vị không thể trả tiền cho ban nhạc. Thời đại Baroque có rải rác các tác phẩm hợp xướng, cantatas (đại hợp xướng), và quốc ca cho vua này hay vua khác, tất cả đều do nhà thờ và giới quý tộc trả tiền; vào thời điểm đó, các nghệ sĩ hầu hết bị bó buộc bởi mong muốn của các nhà hảo tâm và khách hàng quen của họ. Hãy nhớ rằng, trong những ngày đó, ngay cả tờ giấy người ta dùng để viết bản nhạc cũng là một sự đổi mới và tốn kém. Giấy da được làm từ da động vật chưa được thuộc là vật liệu phổ biến trước khi giấy xuất hiện rộng rãi như chúng ta biết hiện nay. Người ta phải vượt ra khỏi thời đại Baroque trước khi tìm thấy những nghệ sĩ không phải đều là nghèo khó (“baroke”).
Johan Sebastian Bach bước ra từ thời đại và hoàn cảnh lúc bấy giờ, từ một hàng dài các nhạc sĩ đều làm việc cho nhà thờ. Ông theo chân người cha của mình, và phần lớn tác phẩm ban đầu của ông phản ánh khuôn mẫu của những người bảo trợ thần học của ông. Tuy nhiên, xuất thân từ một gia đình âm nhạc cũng không thể giải thích được tài năng thiên phú của ông, cũng như không thể là năng khiếu để ông viết được những thứ sâu sắc như bản Tổ khúc cho đàn Cello số 1 (“Cello Suite No.1”) chẳng hạn. Đó là một tác phẩm của vẻ đẹp phức tạp và có hồn, nhưng về mặt âm nhạc, đó cũng là một tác phẩm của sự đối xứng phức tạp đến kinh ngạc. Tác phẩm như là một câu đố chỉ có thể ghép lại với nhau theo một cách, nhưng khi kết hợp lại với nhau, sự hoàn hảo của nó là rất thuần khiết, và dường như cũng rất giản đơn.
Thông thường, có vẻ như, dấu ấn của thiên tài là tạo ra một thứ gì đó đơn giản đến mức hoàn toàn không ai trên thế giới này có thể tưởng tượng được. Bản Tổ khúc cho đàn Cello số 1 cung Sol Trưởng ( “Cello Suite No. 1 in G Major”) của Bach vẫn là bản nhạc dành cho cello số một trên thế giới ngày nay — và Bach thậm chí còn không phải là nghệ sĩ cello.
“Mục đích và mục đích cuối cùng của tất cả âm nhạc không gì khác hơn là vinh quang của Chúa và nuôi dưỡng tâm hồn.”
— Johann Sebastian Bach
Cello là một nhạc cụ đặc biệt khó viết độc tấu. Không giống đàn guitar cũng như đàn piano, cello được thiết kế chỉ để chơi một nốt nhạc tại một thời điểm. Đàn piano và guitar có thể tự đệm theo nhịp điệu và hòa âm trong khi vẫn chơi phần giai điệu, đó là lý do tại sao các nhạc cụ này rất phổ biến. Cello, đối với tất cả âm sắc tuyệt vời có hồn của nó, thường chỉ được chơi một nốt mỗi lần, vì vậy việc viết giai điệu thỏa mãn về mặt âm nhạc cho cello độc tấu là khá khó khăn. Để viết một thứ có thể được coi là một kiệt tác vô song trên thế giới, trong hơn 200 năm qua, gần như không thể hiểu nổi.
Nếu Bach soạn tác phẩm “Cello Suite” và sau đó nghỉ hưu, thì ông vẫn là nhà soạn nhạc của những nốt nhạc tuyệt vời, nhưng ông đã không dừng lại ở đó. Trong số hơn 1,100 sáng tác của ông, chúng ta có thể tìm thấy “Toccata và Fugue giọng Rê thứ”, có lẽ là một trong những tác phẩm ấn tượng nhất từng được sáng tác cho một nhạc cụ duy nhất — đàn organ nhà thờ. Bản nhạc đã xuất hiện trong vở nhạc kịch “Phantom of the Opera” (“Bóng ma trong Nhà hát”) và “Fantasia” (“Giai điệu thiên niên kỷ”) của Disney, được nhiều người coi là bản nhạc phổ biến nhất từng được viết cho organ, với niềm đam mê ly kỳ, ảm đạm theo kiểu gothic rất phù hợp làm chủ đề cho vở “Phantom”.
Được trình diễn trên đàn organ nhà thờ cỡ lớn, quy mô tuyệt đối của tác phẩm này rất đồ sộ và chứa đầy cảm hứng. Phần mở đầu, quen thuộc với hầu hết thính giả, được theo sau bởi một loạt hợp âm rải dài, được sắp đặt phức tạp, thực sự gây kinh ngạc và thách thức cho bất kỳ người chơi nhạc nào. Tác phẩm này là nền tảng cho phong cách Baroque, nhưng đặc biệt là ở chỗ tác phẩm chuyển tiếp một cách một mà sang thời kỳ Lãng mạn một cách đáng chú ý. Bản nhạc được mô tả là “quá đơn giản đối với Bach để viết nên,” và “nét vẽ của một thiên tài, bản nhạc đó không thể được viết bởi bất kỳ ai khác ngoài Bach.” Sự đơn giản của thiên tài là vậy.
Bản nhạc “Toccata và Fugue” là một sáng tác khác gần như đã biến mất. Bản sao chúng ta có ngày hôm nay được khôi phục từ một bản thảo còn sót lại duy nhất được sao chép bởi một trong những học sinh của Bach. Trong gần một thế kỷ, bản nhạc đã bị phai nhạt, chỉ được xem là một bản nhạc organ khác, cho đến khi nó được phổ biến vào thế kỷ 20 và được biết đến như một trong những sáng tác đặc sắc của Bach.
Bản thân Bach là một nghệ sĩ chơi đàn organ, và ảnh hưởng của ông đã vượt xa thời kỳ Baroque và Lãng mạn. Ông là một trong những nhà soạn nhạc hiếm hoi có các tác phẩm thường được viết theo phong cách không hợp thời cho đến tận 100 năm sau, điều này dẫn đến cuộc tranh luận sôi nổi giữa các học giả về nguồn gốc một số tác phẩm của ông.
Sau màn hùng tráng và cuồng nhiệt của “Toccata và Fugue”, quý vị có thể xoa dịu nhịp tim mình và để tâm hồn lang thang tới nơi nào đó cùng với tuyệt tác “Air on a G String” của Bach, một tác phẩm bậc thầy về hòa âm và nhịp điệu. Tác phẩm mở đầu với nỗi u sầu khắc khoải gợi ý sự hòa giải với những rắc rối trong cuộc sống, nhưng lại dẫn đến một số đoạn nhạc đẹp đẽ khao khát về khát vọng thiêng liêng chân thành từng được sáng tác; ngay cả những thứ bị đè nén nhất cũng được gỡ bỏ để vươn lên một lần nữa. Đó là lý do khiến tác phẩm vẫn được chơi 200 năm sau khi sáng tác, và luôn nằm trong danh sách 10 kiệt tác cổ điển hàng đầu.
Cuối cùng, thiên tài không phải là một phép toán âm nhạc của sự đối âm hay sự hòa hợp — điều đó nằm ở khả năng của một tác phẩm có thể nói trực tiếp với tâm hồn của quý vị, trong những đoạn nhạc và giai điệu sở hữu một sự cộng hưởng đích thực với sự rung động từ sâu thẳm trong mỗi người; chúng nghe theo cách cảm xúc của chúng ta. Theo nghĩa này, thì “Air” của Bach là một trong những khoảnh khắc kỳ diệu trong lịch sử âm nhạc, là hiện thân thực sự của khái niệm bất hủ. Những kiệt tác vượt thời gian như vậy càng đáng chú ý hơn về tính đi trước thời đại của chúng và không thiếu sự kỳ diệu, vẻ đẹp hay sự phức tạp. Thật vậy, có thể sẽ rất bối rối khi nghe các bản nhạc được sáng tác cách đây rất lâu nhưng lại biết rõ chúng ta là ai cho đến ngày nay.
Ông Pete McGrain là nhà văn, đạo diễn, nhà soạn nhạc nổi tiếng với bộ phim Ethos, cùng sự tham gia diễn xuất của diễn viên Woody Harrelson. Ông Pete McGrain sống ở Los Angeles. Ông đến từ thành phố Dublin, Ireland, nơi ông tốt nghiệp từ trường Cao đẳng Trinity.
Chú thích: Âm nhạc thời kỳ Baroque là phong cách âm nhạc phương Tây, được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1600 đến 1750, nối tiếp Âm nhạc thời kỳ Phục Hưng. Từ “Baroque” là tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là Ngọc trai tuyệt đẹp (“Barocco” trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ngọc trai).